Được tài trợ bởi Bộ Văn hóa Hàn Quốc và Viện Công giáo vì Hòa bình Đông Bắc Á (viện ở giáo phận Uijeonbu của Hàn Quốc, nằm ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên), Diễn đàn là kết quả của sự hợp tác giữa các Giám mục Công giáo Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, và được tổ chức hàng năm lần lượt bởi ba quốc gia: năm 2022 tổ chức tại Hoa Kỳ, năm 2023 tổ chức tại Nhật Bản.
Theo Fides, Diễn đàn tập trung vào chủ đề “Giải quyết khó khăn vì hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. Các học giả, các quan chức chính phủ đã cố gắng phân tích các vấn đề chính và các vấn đề liên quan đến hòa bình ở bán đảo Triều Tiên, xem xét bối cảnh lịch sử và địa chính trị của cuộc xung đột và xem xét vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc thúc đẩy hòa bình.
Kitô hữu: Phá bỏ các bức tường; chữa lành các vết thương
Các tham dự viên tin rằng “hòa bình không thể đạt được thông qua chiến tranh và bạo lực” và họ cũng chia sẻ sự cấp thiết của việc “xác định các biện pháp hỗ trợ nhân đạo sáng tạo giúp người dân Triều Tiên.” Các giám mục nhắc lại những lời Đức Thánh Cha kêu gọi hòa giải trên bán đảo và lưu ý rằng “là những Kitô hữu, chúng ta phải phá bỏ các bức tường, nếu có, và chữa lành vết thương bằng tình yêu thương.”
Các giám mục Hoa Kỳ tuyên bố rằng “họ sẽ cùng cầu nguyện với những người anh em Hàn Quốc và Nhật Bản, cầu xin sự can đảm và kiên trì trên con đường đi đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Đức cha Joo-Young Kim, Giám mục Chuncheon, chủ tịch “Ủy ban Hòa giải Quốc gia” của các Giám mục Hàn Quốc, nhấn mạnh rằng “vết thương của cuộc xung đột vẫn còn, nhưng hòa bình sẽ có thể đạt được thông qua sự tha thứ và hòa giải”, và “Giáo hội không thể đi chệch con đường hòa bình, cho dù đó là một chặng đường dài và khó khăn.” Ngài bày tỏ lòng biết ơn "đối với những người cam kết vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên" và sau đó cầu nguyện bằng lời của Thánh Phanxicô: "Lạy Chúa, xin biến chúng con thành công cụ hòa bình của Ngài".
Theo giáo sư Baek Jang-hyeon, thuộc Viện Công giáo vì Hòa bình ở Đông Bắc Á, vai trò của Giáo hội Công giáo trong nỗ lực xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân có thể rất quan trọng trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Con đường tương lai
Các giáo sư và đại diện của chính phủ Seoul và Hoa Kỳ nhất trí về con đường phải đi: tìm một giải pháp ngoại giao và hòa bình trong quan hệ với Triều Tiên, khẳng định phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mục tiêu chung, nhờ hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Đề cập đến các nguyên tắc học thuyết xã hội của Giáo hội, những người tham dự nhắc lại rằng cần phải có những nỗ lực lớn hơn khi tình hình xấu đi, và “bây giờ là lúc để tiến thêm một bước trong việc xây dựng hòa bình”. (Fides 10/10/2022).
Hồng Thủy - Vatican News