TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC: Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro

Thứ ba - 13/02/2024 05:58 | Tác giả bài viết: Vatican News |   377
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Lễ Tro
ĐTC: Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro
BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

THỨ TƯ LỄ TRO

WHĐ (13.02.2024) – Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Lễ Tro.
Các bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong Lễ Tro:

Đức Phanxicô, Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro ngày 22.02.2023  Cầu nguyện, bố thí và ăn chay
Anh chị em thân mến,
“Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6, 2). Với những lời này, Tông đồ Phaolô giúp chúng ta đi vào tinh thần của Mùa Chay. Mùa Chay thực sự là “thời gian thuận lợi” để trở về với những gì thiết yếu, để trút bỏ tất cả những gì đè nặng lên chúng ta, để được giao hòa với Thiên Chúa, và để thắp lại ngọn lửa Thánh Thần ẩn dưới lớp tro tàn bản tính nhân loại yếu đuối của chúng ta. Đây là mùa ân sủng để thực hành điều Chúa yêu cầu chúng ta ở đầu bài đọc một hôm nay: “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Hãy trở lại với điều thiết yếu: đó là Chúa.
Nghi thức xức tro bắt đầu cuộc hành trình trở về và mời gọi chúng ta thực hiện hai điều: trở về với sự thật về chính mình và trở về với Chúa và anh chị em chúng ta.
Đầu tiên, trở về với sự thật về chính chúng ta. Tro nhắc nhở chúng ta về thân phận chúng ta là ai và chúng ta từ đâu đến. Điều này đưa chúng ta trở lại với sự thật thiết yếu của cuộc sống chúng ta: Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chúng ta là công trình của bàn tay Người. Chúng ta có sự sống, trong khi Chúa  sự sống. Người là Đấng Tạo Hóa, trong khi chúng ta là đất sét mong manh do tay Người làm ra. Chúng ta đến từ đất và chúng ta cần Trời; chúng ta cần Chúa. Với Chúa, chúng ta sẽ trỗi dậy từ tro bụi, nhưng không có Người, chúng ta chỉ là bụi đất. Khi khiêm tốn cúi đầu để nhận tro, chúng ta được nhắc nhở về sự thật này: chúng ta thuộc về Chúa; chúng ta thuộc về Người. Vì Thiên Chúa “lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi” (St 2,7); chúng ta hiện hữu bởi vì Thiên Chúa đã thổi vào chúng ta hơi thở sự sống. Là một Người Cha dịu dàng và thương xót, Thiên Chúa cũng trải qua Mùa Chay, vì Người quan tâm đến chúng ta; Người đợi chúng ta; Chúa đang chờ đợi sự trở về của chúng ta. Và Người không ngừng thúc giục chúng ta đừng tuyệt vọng, ngay cả khi chúng ta sa ngã trong bụi đất yếu đuối và tội lỗi, vì “Người quá biết chúng ta được nhồi nắn bằng gì, hẳng Người nhớ: Chúng ta chỉ là cát bụi” (Tv 103,14).  Người nhắc chúng ta rằng chúng ta là cát bụi. Thiên Chúa biết, trong khi chúng ta lại thường quên về điều đó khi nghĩ rằng chúng ta tự đủ, mạnh mẽ và bất khả chiến bại dù không có Người. Chúng ta khoác lên mình mặt nạ và nghĩ rằng chúng ta tốt hơn thực tế của chúng ta. Không, chúng ta chỉ là cát bụi.
Mùa Chay là thời gian nhắc nhớ chúng ta: ai là Đấng Tạo Hóa và ai là thụ tạo, để tuyên xưng rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa, để chúng ta cởi bỏ sự giả vờ cho mình là tự đủ và muốn đặt mình làm trung tâm, mình đứng top đầu, nghĩ rằng bằng khả năng của chính mình, chúng ta có thể thành công trong cuộc sống và thay đổi thế giới xung quanh. Mùa Chay cũng là thời điểm thuận lợi để hoán cải, trước hết là thay đổi cái nhìn của chúng ta về chính chúng ta, để nhìn vào bên trong chính chúng ta: bao nhiêu điều chi phối và hời hợt làm chúng ta sao nhãng khỏi những điều quan trọng, bao nhiêu lần chúng ta tập trung vào những ước muốn của mình hoặc vào những gì chúng ta thiếu, mà lại quên ôm lấy ý nghĩa hiện hữu của chúng ta trong thế giới này. Mùa Chay là thời gian của sự thật để cởi bỏ những chiếc mặt nạ mà chúng ta đeo hàng ngày để xuất hiện cách hoàn hảo trước con mắt của thế giới; và cũng để chiến đấu, như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Tin Mừng, chống lại sự dối trá và đạo đức giả, không phải của người khác mà là của chính chúng ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào mặt nạ của chúng ta và hãy chống lại chúng.
Tuy nhiên, còn có một bước thứ hai: việc xức tro cũng mời gọi chúng ta trở về với Chúa và với anh chị em. Thật vậy, nếu chúng ta trở về với sự thật chúng ta là ai và nhận ra rằng mình không thể tự đủ nơi chính mình, thì chúng ta khám phá ra rằng chúng ta tồn tại chỉ nhờ các mối tương quan: mối tương quan nguyên thủy với Chúa và mối tương quan sống còn với người khác. Do đó, lớp tro mà chúng ta xức trên đầu hôm nay cho chúng ta biết rằng bất kỳ giả định nào về sự tự mãn đều sai lầm và việc thần tượng hóa bản thân là huỷ hoại và nhốt chúng ta trong chiếc lồng của sự cô độc. Ngược lại, cuộc sống của chúng ta trước hết là một mối tương quan: chúng ta đã nhận được nó từ Thiên Chúa, từ cha mẹ, và chúng ta luôn có thể đổi mới và tái sinh nó nhờ Chúa và nhờ những người bên cạnh chúng ta. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để làm sống lại các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân: mở lòng ra để cầu nguyện trong thinh lặng và thoát ra khỏi pháo đài của cái tôi khép kín của chúng ta, phá vỡ xiềng xích của chủ nghĩa cá nhân và khám phá lại, qua gặp gỡ và lắng nghe những người cùng bước đi bên cạnh chúng ta mỗi ngày, và học lại cách yêu thương họ như anh chị em.
Làm thế nào chúng ta có thể làm được điều này? Để thực hiện cuộc hành trình này, để trở về với sự thật về chính mình và trở về với Thiên Chúa và với tha nhân, chúng ta được thúc giục đi theo ba con đường: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đây là những cách truyền thống, và không cần sự mới lạ. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Nhưng, như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta đừng theo những nghi thức bên ngoài, nhưng là diễn tả một sự đổi mới của con tim. Bố thí không phải là một cử chỉ vội vàng để thanh tẩy lương tâm, mà là chạm đến nỗi đau khổ của người nghèo bằng chính đôi tay và nước mắt của mình; cầu nguyện không phải là nghi thức, mà là một cuộc đối thoại chân lý và tình yêu với Chúa Cha; ăn chay không phải là một kiểu cách đơn thuần, mà là một cử chỉ mạnh mẽ để nhắc nhở trái tim chúng ta về những gì quan trọng và những gì sẽ qua đi. Chúa Giê-su đưa ra “lời khuyên vẫn còn giá trị bổ ích cho chúng ta: những cử chỉ bên ngoài phải luôn đi đôi với tấm lòng chân thành và nhất quán với cách cư xử. Thật vậy, việc xé áo của chúng ta có ích gì nếu lòng chúng ta vẫn xa cách Chúa, nghĩa là xa rời lòng nhân từ và công bằng?” (Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro, ngày 1 tháng 3 năm 2006). Rất nhiều khi những cử chỉ và nghi thức của chúng ta không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta; chúng vẫn còn hời hợt. Có lẽ chúng ta thực hiện chúng chỉ để đạt được sự ngưỡng mộ hoặc quý trọng của người khác. Chúng ta hãy nhớ điều này: trong cuộc sống riêng của mỗi người, cũng như trong đời sống của Giáo hội, những biểu hiện bên ngoài, những sự xét đoán của con người và sự công nhận của thế giới chẳng là gì cả; điều duy nhất thực sự quan trọng là sự thật và tình yêu mà chính Chúa nhìn thấy.
Nếu chúng ta khiêm tốn đặt mình dưới cái nhìn của Thiên Chúa, thì việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay không còn là những cử chỉ bên ngoài, nhưng bày tỏ con người thật của chúng ta: là con cái Thiên Chúa và anh chị em của nhau. Bố thí, cử chỉ bác ái, sẽ thể hiện lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những người gặp khó khăn, nó sẽ giúp chúng ta quay nhìn người khác; cầu nguyện sẽ nói lên ước muốn sâu xa của chúng ta là được gặp Chúa Cha, khiến chúng ta trở về với Người; ăn chay sẽ là nơi tập luyện thiêng liêng để, một cách vui vẻ, từ bỏ những gì dư thừa và làm chúng ta ra nặng nề, để nội tâm trở nên tự do hơn và trở về với sự thật về chính mình hơn. Hãy gặp gỡ với Chúa Cha, sống tự do nội tâm, lòng trắc ẩn.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cúi đầu và nhận tro, chúng ta hãy làm cho tâm hồn chúng ta nhẹ nhàng. Hãy đặt mình trong hành trình làm việc bác ái: chúng ta có bốn mươi ngày thuận tiện để nhắc nhở rằng chúng ta không nên bị giới hạn trong giới hạn chật hẹp của nhu cầu cá nhân của chúng ta và để khám phá lại niềm vui không phải trong việc tích lũy của cải, mà là quan tâm đến những người gặp khó khăn và đau khổ. Hãy đặt mình trong hành trình cầu nguyện: chúng ta được ban cho bốn mươi ngày thuận tiện để trả lại quyền tối thượng của cuộc sống chúng ta cho Chúa, để trở lại đối thoại với Người một cách hết lòng, chứ không chỉ trong những giây phút rảnh rỗi của chúng ta. Hãy đặt mình trong hành trình ăn chay: chúng ta có bốn mươi ngày thuận tiện để gặp gỡ nhau, để từ bỏ sự độc tài của những chương trình luôn đầy ắp, của những việc phải làm, của những đòi hỏi của cái tôi ngày càng hời hợt và cồng kềnh, và để lựa chọn những gì quan trọng .
Chúng ta đừng lãng phí ân sủng của thời gian thánh này: chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá và bước đi, hãy quảng đại đáp lại những tiếng mời gọi mạnh mẽ của Mùa Chay. Ở cuối cuộc hành trình, với nhiều niềm vui, chúng ta sẽ gặp Chúa của sự sống, Đấng duy nhất sẽ làm cho chúng ta sống lại từ tro bụi.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro ngày 02.03.2022  Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh có thể thay đổi lịch sử
Vào ngày khai mạc Mùa Chay này, Chúa nói với chúng ta: “Những gì anh em làm để trở nên công chính, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6,1). Nghe có vẻ ngạc nhiên, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, từ trở lại nhiều lần là phần thưởng (x. cc. 1.2.5.16). Thông thường, vào Thứ Tư Lễ Tro, sự chú ý của chúng ta tập trung vào nỗ lực mà con đường đức tin đòi hỏi, hơn là vào phần thưởng mà nó được ban. Tuy nhiên, hôm nay, diễn từ của Chúa Giêsu mỗi lần trở lại với thuật ngữ này, phần thưởng, dường như là động lực cho hành động của chúng ta. Quả thế, nơi chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, có một khao khát, một ước muốn đạt được vốn thu hút chúng ta và thúc đẩy những gì chúng ta làm.
Thế nhưng, Chúa phân biệt hai loại phần thưởng mà cuộc sống của một người có thể vươn tới: một mặt, phần thưởng nơi Chúa Cha và, mặt khác, phần thưởng nơi con người. Phần thưởng nơi Chúa Cha là vĩnh cửu; đó là phần thưởng đích thực, phần thưởng dứt khoát, nó là mục đích của cuộc sống. Trái lại, phần thưởng nơi con người là tạm thời, nó là con đường sai lạc mà chúng ta dấn thân khi sự ngưỡng mộ của con người và sự thành công trên thế gian đối với chúng ta trở thành điều quan trọng nhất, điều thỏa mãn lớn lao nhất. Nhưng đó là một ảo tưởng: nó giống như một ảo vọng mà, một khi đạt được, sẽ để lại đôi bàn tay trống rỗng. Nỗi lo lắng và sự bất mãn luôn luôn thường chực sẵn với những ai có chân trời là tính trần tục quyến rũ nhưng rồi lại thất vọng. Những ai nhìn vào phần thưởng của thế gian sẽ không bao giờ tìm được bình an, và thậm chí không biết thăng tiến hòa bình vì họ quên mất Chúa Cha và anh chị em của mình. Đó là một rủi ro mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta: “Anh em phải coi chừng”. Như thể Ngài đang nói: “Anh em có khả năng tận hưởng một phần thưởng vô hạn, một phần thưởng không gì sánh bằng: vì thế, anh em hãy canh chừng đừng để mình bị mù quáng bởi vẻ bề ngoài khi theo đuổi những phần thưởng kém giá trị hơn, vốn tuột mất khỏi tay anh em”.
Nghi thức xức tro trên đầu mà chúng ta nhận được muốn giải thoát chúng ta khỏi sự mù quáng tìm cách đặt phần thưởng nơi con người  trước phần thưởng nơi Chúa Cha. Dấu hiệu khổ chế này khiến chúng ta suy nghĩ về tình trạng tàn tạ của thân phận con người của chúng ta, giống như một phương thuốc đắng, nhưng hữu hiệu, để chữa lành căn bệnh của vẻ bề ngoài. Đó là một căn bệnh tinh thần nô lệ hóa con người, khiến nó trở nên lệ thuộc vào sự ngưỡng mộ của tha nhân. Đó là một “sự nô lệ của đôi mắt và tâm trí” thực sự (x. Êp 6, 6; Cl 3, 22), thúc đẩy sống dưới ngọn cờ của hư danh, theo đó những gì quan trọng không phải là sự trong sạch của tâm hồn, mà là sự ngưỡng mộ của người ta; không phải cái nhìn của Thiên Chúa trên chúng ta, nhưng cách thức mà người khác nhìn chúng ta. Và chúng ta không thể sống tốt khi bằng lòng với phần thưởng này.
Vấn đề là căn bệnh của vẻ bề ngoài này đe dọa ngay cả những lãnh vực thánh thiêng nhất. Đó là điều mà Chúa Giêsu nhấn mạnh hôm nay: ngay cả việc cầu nguyện, bác ái và chay tịnh cũng có thể trở nên quy ngã. Trong mỗi cử chỉ, ngay cả cử chỉ đẹp nhất, con sâu của sự tự thỏa mãn có thể được che giấu. Khi đó, tâm hồn không hoàn toàn tự do vì nó không tìm kiếm tình yêu đối với Chúa Cha và anh chị em, nhưng là sự ca khen của con người, sự tán thưởng của người ta, danh tiếng. Và mọi thứ đều có thể trở thành một thứ viển vông đối với Thiên Chúa, với chính bản thân và với người khác. Đó là lý do tại sao Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn vào tâm hồn mình, để nhận thấy những thói giả hình của chúng ta. Chúng ta hãy chẩn đoán những vẻ bề ngoài mà chúng ta đang tìm kiếm; hãy cố gắng vạch trần chúng. Nó sẽ hữu ích cho chúng ta.
Tro phơi bày sự hư vô ẩn núp đằng sau sự tìm kiếm điên cuồng các phần thưởng trần tục. Nó nhắc nhở chúng ta rằng tính trần tục giống như bụi bị gió cuốn đi. Thưa anh chị em, chúng ta không ở trong thế gian theo chiều gió; tâm hồn chúng ta khao khát cõi vĩnh hằng. Mùa Chay là một thời gian được Chúa ban để sống lại, để được chăm sóc nội tâm và hướng về lễ Phục Sinh, hướng về những gì không qua đi, hướng về phần thưởng nơi Chúa Cha. Đó là con đường chữa lành, không phải để thay đổi mọi thứ trong một sớm một chiều, nhưng để sống mỗi ngày trong tinh thần mới mẻ, với một phong cách khác. Việc cầu nguyện, bác ái và chay tịnh hữu dụng cho điều đó : được thanh tẩy bởi tro của Mùa Chay, được thanh tẩy khỏi thói giả hình bề ngoài, họ tìm lại được tất cả sức mạnh của mình và tái tạo một tương quan sống động với Thiên Chúa, với anh chị em và với chính mình.
Lời cầu nguyện khiêm tốn, được thực hiện “trong nơi kín đáo” (Mt 6, 6), trong nơi kín ẩn của căn phòng mình, trở nên bí quyết làm cho cuộc sống bên ngoài trổ sinh hoa trái. Nó là cuộc đối thoại ấm áp của tình cảm và lòng tin tưởng, giúp an ủi và mở rộng tâm hồn. Nhất là trong thời gian Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu nguyện bằng cách nhìn vào Đấng chịu đóng đinh: hãy để cho mình được tràn ngập bởi sự dịu dàng đầy cảm động của Thiên Chúa và hãy đặt các vết thương của chúng ta và của thế giới trong các vết thương của Ngài. Chúng ta đừng vội vã, hãy ở yên lặng trước nhan Ngài. Chúng ta hãy tái khám phá điều gì là thiết yếu và phong nhiêu trong cuộc đối thoại thân mật với Chúa. Vì Thiên Chúa không thích những thứ ngoạn mục; trái lại, Ngài muốn để mình được tìm thấy trong nơi kín đáo. Đó là “bí mật của tình yêu”, xa rời với mọi sự phô trương và màu sắc rực rỡ.
Nếu lời cầu nguyện là chân thật, thì nó chỉ có thể được thể hiện trong việc bác ái. Và việc bác ái giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ tồi tệ nhất, đó là nô lệ cho chính mình. Việc bác ái của Mùa Chay, được thanh tẩy bởi việc xức tro, dẫn chúng ta trở lại với điều cốt yếu, với niềm vui thâm sâu có được khi cho đi. Việc bố thí, được thực hiện tránh xa máy chiếu, mang lại sự bình an và niềm hy vọng cho tâm hồn. Nó cho chúng ta thấy vẻ đẹp của sự cho đi vốn trở thành sự lãnh nhận và như thế cho phép khám phá một bí mật quý giá: việc cho đi làm cho tâm hồn được vui mừng, hơn là lãnh nhận (x. Cv 20, 35).
Sau cùng, việc chay tịnh. Nó không phải là một chế độ ăn kiêng, trái lại, nó giải thoát chúng ta khỏi tính quy ngã trong việc ám ảnh tìm kiếm sự sung túc thể chất, để giúp chúng ta giữ gìn vóc dáng không phải cơ thể, nhưng là tinh thần. Việc chay tịnh giúp chúng ta mang lại giá trị đúng đắn cho mọi thứ. Cách cụ thể, nó nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống không được phục tùng cảnh phù du của thế giới này. Và việc chay tịnh không nên chỉ giới hạn vào thức ăn: đặc biệt trong suốt Mùa Chay, chúng ta nên chay tịnh những gì mang lại cho chúng ta một sự lệ thuộc nào đó. Mỗi người hãy suy nghĩ về điều đó để thực hiện một cuộc chay tịnh thực sự tác động đến đời sống cụ thể của mình.
Nhưng nếu lời cầu nguyện, việc bác ái và chay tịnh phải trưởng thành trong sự kín đáo, thì những hiệu quả của chúng thì không kín đáo. Cầu nguyện, bác ái và chay tịnh không chỉ là những phương thuốc cho bản thân, nhưng còn cho tất cả mọi người: quả thế, chúng có thể thay đổi lịch sử. Trước hết, bởi vì những ai cảm nhận những hiệu quả của chúng, mà hầu như không nhận ra điều đó, đều cũng truyền chúng cho người khác; và nhất là bởi vì cầu nguyện, bác ái và chay tịnh là những con đường chính yếu cho phép Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời của chúng ta và cuộc sống của thế giới. Đó là những vũ khí của tinh thần, và chính với chúng mà, trong ngày cầu nguyện và chay tịnh cho Ucraina này, chúng ta cầu xin Thiên Chúa nền hòa bình này mà chỉ duy con người thì không thể xây dựng được.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng nhìn thấy trong nơi kín đáo và ban thưởng cho chúng ta vượt trên mọi mong đợi, xin lắng nghe lời cầu nguyện của những ai tín thác nơi Chúa, nhất là lời cầu nguyện của những người khiêm tốn nhất, của những người chịu thử thách nhất, của những người đau khổ và đang chạy trốn dưới tiếng gầm thét của vũ khí. Xin Chúa khôi phục sự bình an cho các tâm hồn; xin ban lại sự bình an của Chúa cho những ngày sống của chúng con. Amen.
Nguồn: xuanbichvietnam.net (04.03.2022)

Đức Phanxicô, Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro ngày 17.02.2021 – Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

Anh chị em thân mến,
Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Mùa Chay được bắt đầu với lời của ngôn sứ Giô-en. Những lời này chỉ ra con đường chúng ta sẽ đi. Chúng ta nghe một lời mời gọi vang lên từ trái tim của Thiên Chúa; với vòng tay mở rộng và đôi mắt chờ mong, Người tha thiết mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Trở về với Ta. Mùa Chay là một hành trình trở về với Thiên Chúa. Đã bao nhiêu lần khi bận bịu việc này việc kia hay dửng dưng, chúng ta đã nói với Chúa: “Lạy Chúa, con sẽ đến với Chúa sau... Con không thể đến hôm nay, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho tha nhân.” Và cứ thế ngày này qua ngày khác. Giờ đây Chúa đưa ra lời kêu gọi trái tim chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn luôn có những điều để làm và lý do để từ chối, nhưng bây giờ là thời gian trở về với Chúa.
Chúa nói: Hãy hết lòng trở về với Ta. Mùa Chay là hành trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta. Nó là thời gian để xem xét lại con đường chúng ta đang đi, để tìm con đường đưa chúng ta trở về nhà và tái khám phá tương quan sâu sắc của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng mà mọi thứ phụ thuộc vào. Mùa Chay không chỉ là những hy sinh nhỏ bé mà chúng ta thực hiện, nhưng là phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu. Đây là trọng tâm của Mùa Chay. Chúng ta hãy tự hỏi: Hệ thống định vị của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu - về phía Chúa hay về phía chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa hay để được chú ý, khen ngợi và tìm kiếm địa vị? Có phải tôi đang có một trái tim "dao động", tiến một bước rồi lùi lại một bước? Có phải tôi yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay lòng tôi vững vàng nơi Chúa? Có phải tôi bằng lòng với thói đạo đức giả của mình hay tôi đang cố gắng giải thoát trái tim mình khỏi sự giả hình và giả dối đang trói buộc nó?
Hành trình Mùa Chay là một cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do. 40 ngày này tương ứng với 40 năm dân Chúa rong ruổi qua hoang địa để trở về quê hương xứ sở. Thật là khó biết bao để rời bỏ Ai Cập! Trong cuộc hành trình đó, luôn có một cám dỗ ao ước nuối tiếc những củ hành củ tỏi, quay lại đàng sau, bám víu lấy ký niệm của quá khứ hay thần tượng này ngẫu tượng kia. Điều này cũng xảy ra với chúng ta: hành trình trở về với Chúa của chúng ta cũng bị ngăn chặn bởi những bám víu không tốt, bị níu kéo lại bởi những cạm bẫy cám dỗ của tội lỗi, bởi sự bình an giả tạo của tiền bạc và sự hào nhoáng, bởi những than thở bất hành làm chúng ta tê liệt. Để bắt đầu hành trình này, chúng ta phải lột bỏ những ảo ảnh này.
Làm thế nào để chúng ta tiến bước trên hành trình trở về với Chúa? Những hành trình trở về được Lời Chúa thuật lại giúp cho chúng ta trong hành trình này.
Chúng ta có thể nghĩ về đứa con hoang đàng và nhận ra rằng nó cũng là thời gian để chúng ta trở về với Chúa Cha. Giống như người con đó, chúng ta cũng đã quên đi mùi hương quen thuộc của ngôi nhà của mình, chúng ta đã lãng phí một gia sản quý giá vào những thứ tầm thường và cuối cùng chúng ta chỉ còn lại đôi bàn tay trắng và một trái tim bất hạnh. Chúng ta đã ngã xuống, giống như những đứa trẻ liên tục bị ngã; chúng ta giống những đứa bé đang cố gắng bước đi nhưng vẫn tiếp tục ngã và mỗi lần đều cần được người cha nâng dậy. Chính sự tha thứ của Chúa Cha luôn khiến chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình. Sự tha thứ của Thiên Chúa – bí tích Giải tội –  là bước đầu tiên trên hành trình trở về của chúng ta.
Tiếp đến, chúng ta cần trở về với Chúa Giêsu, giống như người phong cùi, khi đã được chữa lành, đã trở lại để tạ ơn Người. Dù mười người đã được chữa lành, nhưng anh là người duy nhất được cứu, vì anh đã trở về với Chúa Giêsu (x. Lc 17, 12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật về tâm linh mà chúng ta không thể tự chữa lành được. Tất cả chúng ta đều có những tội lỗi đâm rễ sâu mà chúng ta không thể tự nhổ bỏ chúng. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi khiến chúng ta tê liệt mà chúng ta không thể tự mình vượt qua. Chúng ta cần noi gương người phong cùi đó, người đã trở lại với Chúa Giêsu và quỳ xuống dưới chân Người. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, chúng ta cần bày tỏ với Người những vết thương của mình và nói: “Lạy Chúa Giêsu, con đang ở trước mặt Chúa, với tội lỗi của con, với sự đau buồn của con. Chúa là thầy thuốc. Chúa có thể giải thoát con. Xin chữa lành trái tim con.”
Lời Chúa mời gọi chúng ta trở lại với Chúa Thánh Thần. Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và chúng ta sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, trên hạt bụi chính chúng ta, Thiên Chúa đã thổi Thần khí sự sống của Người. Vì vậy chúng ta sẽ không còn sống cuộc sống chạy theo cát bụi, theo đuổi những thứ nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về với Chúa Thánh Thần, Đấng ban Sự Sống, trở về với Lửa thổi bùng tro tàn của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện một lần nữa với Chúa Thánh Thần và khám phá lại ngọn lửa ca ngợi, ngọn lửa thiêu rụi tro tàn của sự than thở và cam chịu.
Anh chị em thân mến, hành trình trở về với Thiên Chúa của chúng ta chỉ có thể thực hiện được bởi vì Người đã đến với chúng ta trước. Trước khi chúng ta đến với Chúa, Người đã đến với chúng ta. Người đi trước chúng ta; Người xuống trần gian để gặp chúng ta. Vì chúng ta, Người đã hạ mình xuống thấp hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Người trở nên tội nhân, chịu chết. Vì vậy thánh Phaolô nói với chúng ta, “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2 Cr 5,21). Để không bỏ rơi chúng ta nhưng để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc hành trình, Người đã bước vào tội lỗi và sự chết của chúng ta. Do đó, cuộc hành trình của chúng ta là để Người nắm lấy tay chúng ta. Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta trở về nhà, chính là Đấng đã rời bỏ nhà đi tìm chúng ta; Chúa Giêsu, Đấng chữa lành chúng ta, chính là Đấng chịu thương tích trên thập giá; Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta thay đổi cuộc đời, cũng chính là Đấng thổi hơi nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng trên thân xác bụi đất của chúng ta.
Do đó, thánh tông đồ kêu gọi: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (c. 20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta; không ai có thể tự làm hòa với Chúa nhờ sức riêng mình. Sự hoán cải chân thành, với những hành động và thực hành thể hiện điều đó, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu từ sự ưu việt của hành động của Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta trở lại với Chúa không phải là khả năng hay công trạng của chính chúng ta, mà là quà tặng ân sủng. Chúa Giêsu nói rõ điều này trong Tin Mừng: điều khiến chúng ta công chính không phải là sự công bình mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối tương quan chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Khởi đầu của việc trở lại với Thiên Chúa là việc chúng ta nhận ra chúng ta cần Người và lòng thương xót của Người. Đây là con đường đúng đắn, con đường của sự khiêm tốn.
Hôm nay chúng ta cúi đầu xức tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả trong nội tâm và đối với người khác. Đó là nhận ra rằng ơn cứu độ không phải là bước lên đỉnh vinh quang, nhưng là hạ mình xuống vì tình yêu. Đó là trở nên bé nhỏ. Nếu chúng ta lạc lối trên hành trình của mình, hãy đứng trước thánh giá của Chúa Giêsu: ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm niệm những vết thương của Người. Trong những vết thương đó, chúng ta nhận ra sự trống trải, những thiếu sót của mình, những vết thương của tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào bất cứ ai, mà là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương Người chịu vì chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Plm 2,25; Is 53,5). Khi  hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Người. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Người đã đến gặp chúng ta. Và bây giờ Người mời chúng ta trở về với Người để khám phá lại niềm vui được yêu thương.
Nguồn: vaticannews.va/vi/

17.02.2021 – Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa
Anh chị em thân mến,
Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Mùa Chay được bắt đầu với lời của ngôn sứ Giô-en. Những lời này chỉ ra con đường chúng ta sẽ đi. Chúng ta nghe một lời mời gọi vang lên từ trái tim của Thiên Chúa; với vòng tay mở rộng và đôi mắt chờ mong, Người tha thiết mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Trở về với Ta. Mùa Chay là một hành trình trở về với Thiên Chúa. Đã bao nhiêu lần khi bận bịu việc này việc kia hay dửng dưng, chúng ta đã nói với Chúa: “Lạy Chúa, con sẽ đến với Chúa sau... Con không thể đến hôm nay, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho tha nhân.” Và cứ thế ngày này qua ngày khác. Giờ đây Chúa đưa ra lời kêu gọi trái tim chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn luôn có những điều để làm và lý do để từ chối, nhưng bây giờ là thời gian trở về với Chúa.
Chúa nói: Hãy hết lòng trở về với Ta. Mùa Chay là hành trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta. Nó là thời gian để xem xét lại con đường chúng ta đang đi, để tìm con đường đưa chúng ta trở về nhà và tái khám phá tương quan sâu sắc của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng mà mọi thứ phụ thuộc vào. Mùa Chay không chỉ là những hy sinh nhỏ bé mà chúng ta thực hiện, nhưng là phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu. Đây là trọng tâm của Mùa Chay. Chúng ta hãy tự hỏi: Hệ thống định vị của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu - về phía Chúa hay về phía chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa hay để được chú ý, khen ngợi và tìm kiếm địa vị? Có phải tôi đang có một trái tim "dao động", tiến một bước rồi lùi lại một bước? Có phải tôi yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay lòng tôi vững vàng nơi Chúa? Có phải tôi bằng lòng với thói đạo đức giả của mình hay tôi đang cố gắng giải thoát trái tim mình khỏi sự giả hình và giả dối đang trói buộc nó?
Hành trình Mùa Chay là một cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do. 40 ngày này tương ứng với 40 năm dân Chúa rong ruổi qua hoang địa để trở về quê hương xứ sở. Thật là khó biết bao để rời bỏ Ai Cập! Trong cuộc hành trình đó, luôn có một cám dỗ ao ước nuối tiếc những củ hành củ tỏi, quay lại đàng sau, bám víu lấy ký niệm của quá khứ hay thần tượng này ngẫu tượng kia. Điều này cũng xảy ra với chúng ta: hành trình trở về với Chúa của chúng ta cũng bị ngăn chặn bởi những bám víu không tốt, bị níu kéo lại bởi những cạm bẫy cám dỗ của tội lỗi, bởi sự bình an giả tạo của tiền bạc và sự hào nhoáng, bởi những than thở bất hành làm chúng ta tê liệt. Để bắt đầu hành trình này, chúng ta phải lột bỏ những ảo ảnh này.
Làm thế nào để chúng ta tiến bước trên hành trình trở về với Chúa? Những hành trình trở về được Lời Chúa thuật lại giúp cho chúng ta trong hành trình này.
Chúng ta có thể nghĩ về đứa con hoang đàng và nhận ra rằng nó cũng là thời gian để chúng ta trở về với Chúa Cha. Giống như người con đó, chúng ta cũng đã quên đi mùi hương quen thuộc của ngôi nhà của mình, chúng ta đã lãng phí một gia sản quý giá vào những thứ tầm thường và cuối cùng chúng ta chỉ còn lại đôi bàn tay trắng và một trái tim bất hạnh. Chúng ta đã ngã xuống, giống như những đứa trẻ liên tục bị ngã; chúng ta giống những đứa bé đang cố gắng bước đi nhưng vẫn tiếp tục ngã và mỗi lần đều cần được người cha nâng dậy. Chính sự tha thứ của Chúa Cha luôn khiến chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình. Sự tha thứ của Thiên Chúa – bí tích Giải tội –  là bước đầu tiên trên hành trình trở về của chúng ta.
Tiếp đến, chúng ta cần trở về với Chúa Giêsu, giống như người phong cùi, khi đã được chữa lành, đã trở lại để tạ ơn Người. Dù mười người đã được chữa lành, nhưng anh là người duy nhất được cứu, vì anh đã trở về với Chúa Giêsu (x. Lc 17, 12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật về tâm linh mà chúng ta không thể tự chữa lành được. Tất cả chúng ta đều có những tội lỗi đâm rễ sâu mà chúng ta không thể tự nhổ bỏ chúng. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi khiến chúng ta tê liệt mà chúng ta không thể tự mình vượt qua. Chúng ta cần noi gương người phong cùi đó, người đã trở lại với Chúa Giêsu và quỳ xuống dưới chân Người. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, chúng ta cần bày tỏ với Người những vết thương của mình và nói: “Lạy Chúa Giêsu, con đang ở trước mặt Chúa, với tội lỗi của con, với sự đau buồn của con. Chúa là thầy thuốc. Chúa có thể giải thoát con. Xin chữa lành trái tim con.”
Lời Chúa mời gọi chúng ta trở lại với Chúa Thánh Thần. Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và chúng ta sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, trên hạt bụi chính chúng ta, Thiên Chúa đã thổi Thần khí sự sống của Người. Vì vậy chúng ta sẽ không còn sống cuộc sống chạy theo cát bụi, theo đuổi những thứ nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về với Chúa Thánh Thần, Đấng ban Sự Sống, trở về với Lửa thổi bùng tro tàn của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện một lần nữa với Chúa Thánh Thần và khám phá lại ngọn lửa ca ngợi, ngọn lửa thiêu rụi tro tàn của sự than thở và cam chịu.
Anh chị em thân mến, hành trình trở về với Thiên Chúa của chúng ta chỉ có thể thực hiện được bởi vì Người đã đến với chúng ta trước. Trước khi chúng ta đến với Chúa, Người đã đến với chúng ta. Người đi trước chúng ta; Người xuống trần gian để gặp chúng ta. Vì chúng ta, Người đã hạ mình xuống thấp hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Người trở nên tội nhân, chịu chết. Vì vậy thánh Phaolô nói với chúng ta, “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2 Cr 5,21). Để không bỏ rơi chúng ta nhưng để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc hành trình, Người đã bước vào tội lỗi và sự chết của chúng ta. Do đó, cuộc hành trình của chúng ta là để Người nắm lấy tay chúng ta. Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta trở về nhà, chính là Đấng đã rời bỏ nhà đi tìm chúng ta; Chúa Giêsu, Đấng chữa lành chúng ta, chính là Đấng chịu thương tích trên thập giá; Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta thay đổi cuộc đời, cũng chính là Đấng thổi hơi nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng trên thân xác bụi đất của chúng ta.
Do đó, thánh tông đồ kêu gọi: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (c. 20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta; không ai có thể tự làm hòa với Chúa nhờ sức riêng mình. Sự hoán cải chân thành, với những hành động và thực hành thể hiện điều đó, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu từ sự ưu việt của hành động của Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta trở lại với Chúa không phải là khả năng hay công trạng của chính chúng ta, mà là quà tặng ân sủng. Chúa Giêsu nói rõ điều này trong Tin Mừng: điều khiến chúng ta công chính không phải là sự công bình mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối tương quan chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Khởi đầu của việc trở lại với Thiên Chúa là việc chúng ta nhận ra chúng ta cần Người và lòng thương xót của Người. Đây là con đường đúng đắn, con đường của sự khiêm tốn.
Hôm nay chúng ta cúi đầu xức tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả trong nội tâm và đối với người khác. Đó là nhận ra rằng ơn cứu độ không phải là bước lên đỉnh vinh quang, nhưng là hạ mình xuống vì tình yêu. Đó là trở nên bé nhỏ. Nếu chúng ta lạc lối trên hành trình của mình, hãy đứng trước thánh giá của Chúa Giêsu: ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm niệm những vết thương của Người. Trong những vết thương đó, chúng ta nhận ra sự trống trải, những thiếu sót của mình, những vết thương của tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào bất cứ ai, mà là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương Người chịu vì chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Plm 2,25; Is 53,5). Khi  hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Người. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Người đã đến gặp chúng ta. Và bây giờ Người mời chúng ta trở về với Người để khám phá lại niềm vui được yêu thương.
Nguồn: vaticannews.va/vi/

Đức Phanxicô, Bài giảng Thứ Tư Lễ Tro ngày 26.02.2020 – Hãy để cho mình được hòa giải
Anh chị em thân mến,
Chúng ta bắt đầu Mùa Chay bằng việc xức tro: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 19). Việc xức tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đến từ bụi đất và sẽ trở về bụi đất. Đứng trước vũ trụ bao la chúng ta chỉ là những hạt bụi bé nhỏ; nhưng là những hạt bụi được Thiên Chúa yêu thương. Chúa yêu thương tập hợp những hạt bụi đó trong lòng bàn tay Ngài và thổi hơi sự sống vào đó (St 2, 7). Như thế, chúng ta là hạt bụi cao quý, được dành riêng để sống muôn đời. Chúng ta là bụi đất trong đó Thiên Chúa chứa đựng giấc mơ của Ngài. Chúng ta là niềm hy vọng, kho báu và vinh quang của Thiên Chúa.
Do đó, tro là một lời nhắc nhở về hướng tồn tại của chúng ta: một hướng đi từ cát bụi đến sự sống. Chúng ta là cát bụi, đất sét, nhưng nếu chúng ta để cho bàn tay của Thiên Chúa uốn nắn mình, chúng ta sẽ trở thành một điều kỳ diệu. Tuy nhiên, rất thường xuyên, đặc biệt là vào những lúc khó khăn và cô đơn, chúng ta chỉ thấy tính chất bụi đất của mình! Nhưng Chúa khích lệ chúng ta: Trong mắt Chúa, sự nhỏ bé của chúng ta có giá trị vô cùng. Vậy chúng ta hãy can đảm: chúng ta sinh ra để được yêu thương; chúng ta được sinh ra để làm con Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ghi nhớ điều đó khi bắt đầu Mùa Chay này. Vì Mùa Chay không phải là thời gian dành cho những bài thuyết giáo, mà là thời gian để nhận ra rằng thân phận tro bụi hèn mọn của chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Đây là thời gian ân sủng, thời gian để cho Thiên Chúa nhìn chúng ta với tình yêu và nhờ đó chúng ta thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được đưa vào thế giới này để đi từ bụi tro đến sự sống. Vì vậy, chúng ta đừng biến những hy vọng và ước mơ của Chúa dành cho chúng ta thành tro bụi. Chúng ta đừng cam chịu. Anh chị em có thể hỏi: “Làm sao tôi có thể tin tưởng được? Thế giới đang trở nên tồi tệ, nỗi sợ hãi đang lan tràn, có rất nhiều sự ác và xã hội đang tha hóa, xã hội ngày càng có ít Kitô hữu hơn…” Nhưng anh chị em không tin rằng Thiên Chúa có thể biến bụi đất của chúng ta thành vinh quang sao?
Tro mà chúng ta nhận được trên trán sẽ ảnh hưởng đến những suy nghĩ trong tâm trí của chúng ta. Tro nhắc nhở chúng ta rằng: Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta không thể dành cả cuộc đời để chạy theo tro bụi. Từ đó, một câu hỏi có thể đi vào tâm hồn chúng ta: “Tôi đang sống để làm gì?” Nếu chỉ để cho những thực tại phù du của thế giới này, thì tôi sẽ trở lại với bụi tro, tôi sẽ từ chối những gì Chúa đã làm trong cuộc đời tôi. Nếu tôi sống chỉ để kiếm tiền, để có thời gian vui vẻ, để đạt được một chút uy tín hay một sự thăng tiến trong công việc của tôi, thì tôi đang sống cho tro bụi. Nếu tôi không hài lòng với cuộc sống bởi vì tôi nghĩ rằng tôi không nhận được đủ sự tôn trọng hoặc không nhận được những gì tôi nghĩ là xứng đáng, thì tôi cũng chỉ đang nhìn chằm chằm vào tro bụi.
Đó không phải là lý do vì sao chúng ta được đưa vào thế giới này. Chúng ta đáng giá hơn rất nhiều. Chúng ta sống để có nhiều điều vĩ đại hơn thế, vì chúng ta được sinh ra để biến giấc mơ của Chúa thành hiện thực và để yêu thương. Tro được rắc trên đầu chúng ta là để ngọn lửa yêu thương được thắp lên trong tim chúng ta. Chúng ta là công dân của thiên đàng, và tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và cho người lân cận là hộ chiếu của chúng ta lên thiên đàng. Của cải trần gian của chúng ta sẽ tỏ ra vô dụng, là bụi bay tung tóe, nhưng tình yêu thương mà chúng ta chia sẻ – trong gia đình, nơi làm việc, trong Giáo Hội và trên thế giới – sẽ cứu chúng ta, vì tình yêu đó sẽ tồn tại mãi mãi.
Tro mà chúng ta nhận được cũng nhắc nhở chúng ta về một chiều hướng thứ hai và ngược lại: từ sự sống trở thành tro bụi. Xung quanh chúng ta, chúng ta thấy bụi của sự chết. Những mạng sống biến thành tro bụi. Đổ nát, hủy diệt, chiến tranh. Cuộc sống của những người vô tội không được chào đón, cuộc sống của những người nghèo bị loại trừ, cuộc sống của những người già bị bỏ rơi. Chúng ta tiếp tục hủy diệt chính mình, để trở về tro bụi. Và có bao nhiêu bụi trong mối tương quan của chúng ta! Hãy nhìn vào nhà cửa và gia đình của chúng ta: những cuộc cãi vã của chúng ta, việc chúng ta không có khả năng giải quyết xung đột, không sẵn lòng xin lỗi, tha thứ, không sẵn lòng bắt đầu lại, đồng thời khăng khăng nắm giữ quyền tự do và tư lợi của chính mình! Tất cả đám bụi này bôi nhọ tình yêu của chúng ta và làm hoen ố cuộc sống của chúng ta. Ngay cả trong Giáo hội, ngôi nhà của Thiên Chúa, chúng ta cũng đã để cho quá nhiều bụi bám vào, bụi của thế gian.
Chúng ta hãy nhìn vào bên trong, nhìn vào trái tim mình: biết bao lần chúng ta dập tắt ngọn lửa của Thiên Chúa bằng tro giả hình! Giả hình là sự ô uế mà Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay mà chúng ta cần phải loại bỏ. Thật vậy, Chúa bảo chúng ta không chỉ thực hiện các việc bác ái, cầu nguyện và ăn chay, mà còn phải làm những việc này một cách không giả tạo, lừa dối và giả hình (x. Mt 6:2.5.16). Tuy nhiên, biết bao lần chúng ta làm những việc chỉ để được công nhận, để được đẹp, để thỏa mãn cái tôi của mình! Biết bao lần chúng ta xưng mình là kitô hữu, nhưng trong lòng lại sẵn sàng chiều theo những đam mê tội lỗi của chúng ta! Biết bao lần chúng ta rao giảng một đằng và thực hành một nẻo! Đã bao nhiêu lần chúng ta làm cho mình có vẻ tốt đẹp bên ngoài trong khi nuôi dưỡng mối hận thù bên trong! Trái tim ta có bao nhiêu sự dối trá... Tất cả chỉ là tro bụi bôi nhọ, là tro tàn dập tắt ngọn lửa tình yêu.
Chúng ta cần phải làm sạch bụi lắng đọng trong tâm hồn. Nhưng làm thế nào? Lời kêu gọi chân thành của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai giúp chúng ta: “Hãy để cho mình được làm hòa với Thiên Chúa”. Thánh Phaolô không yêu cầu, nhưng nài xin: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy để cho mình được làm hoà với Thiên Chúa” (2Cr 5, 20). Thánh nhân không nói: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa!”. Nhưng trái lại, Ngài sử dụng câu nói ở thể thụ động: hãy để cho mình được làm hòa. Bởi vì sự thánh thiện không phải là phần việc của chúng ta, đó là ân sủng! Bởi vì chính chúng ta, chúng ta không thể loại bỏ bụi làm bẩn tâm hồn chúng ta. Bởi vì chỉ có Chúa Giêsu, người biết và yêu thương tâm hồn chúng ta, mới có thể chữa lành nó. Mùa chay là thời gian chữa lành.
Vậy thì chúng ta phải làm gì? Trong cuộc hành trình hướng đến Lễ Phục Sinh, chúng ta có thể thực hiện hai cuộc vượt qua: thứ nhất, từ bụi tro đến sự sống, từ nhân tính mong manh của chúng ta đến nhân tính của Chúa Giêsu, Đấng chữa lành chúng ta. Chúng ta có thể dừng lại chiêm niệm trước Chúa chịu đóng đinh và lặp lại: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu con, xin biến đổi con… Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu con, xin biến đổi con…” Và một khi chúng ta đã nhận được tình yêu của Người, một khi chúng ta đã khóc khi nghĩ về tình yêu đó, thì chúng ta có thể thực hiện bước thứ hai, bằng cách quyết tâm không bao giờ rời khỏi sự sống mà trở lại với tro bụi. Chúng ta có thể lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa trong bí tích Sám Hối, bởi vì ở đó ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa đốt cháy tro tàn tội lỗi của chúng ta. Cái ôm của Chúa Cha khi chúng ta xưng tội sẽ đổi mới chúng ta từ bên trong và thanh tẩy tâm hồn chúng ta. Xin cho chúng ta được hòa giải, để sống như những người con yêu dấu, như những tội nhân được tha thứ và chữa lành, như những lữ khách có Chúa ở bên.
Chúng ta hãy cho phép mình được yêu thương, để chúng ta có thể đáp lại tình yêu thương. Chúng ta hãy cho phép mình đứng lên và tiến về Phục Sinh. Sau đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui khi khám phá ra cách Chúa nâng chúng ta lên từ bụi tro.
WHĐ (21.02.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây