TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC cử hành lễ thánh Phêrô và Phaolô

Thứ tư - 29/06/2022 21:00 | Tác giả bài viết: |   812
Vào lúc 9:30 sáng ngày 29/6/2022, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ tế Thánh lễ kính trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô
ĐTC cử hành lễ thánh Phêrô và Phaolô

ĐTC cử hành Thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

Vào lúc 9:30 sáng ngày 29/6/2022, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ tế Thánh lễ kính trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và làm phép các dây Pallium để trao cho 44 tổng giám mục chính toà được bổ nhiệm trong thời gian một năm vừa qua.

Vì bị đau đầu gối nên Đức Thánh Cha không lên cử hành Thánh lễ tại bàn thờ Tuyên xưng Đức tin nhưng chỉ ngồi ở khu vực dành cho các tân tổng giám mục, còn Đức Hồng y Giovanni Battista Re đã thay ngài cử hành Thánh lễ tại bàn thờ chính.

Đồng tế trong Thánh lễ có khoảng 30 Hồng y, 75 giám mục và hơn 400 linh mục.

ĐTC cử hành Thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

ĐTC cử hành Thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

Phái đoàn của Tòa Thượng phụ Chính Thống Constantinople

Tham dự Thánh lễ cũng có phái đoàn của Tòa Thượng phụ Chính Thống Constantinople. Phái đoàn do Đức tổng giám mục Job của Telmissos dẫn đầu, đang thăm Roma từ ngày 28-30/6/2022, và theo truyền thống hàng năm, tham dự lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, bổn mạng của Giáo hội Công giáo.

44 tân tổng giám mục sẽ được trao dây Pallium

Năm nay, 44 tân tổng giám mục sẽ được trao dây Pallium đến từ các nước, Indonesia, Balan, Bielorussia, Brazil (3), Angola, Ấn Độ (3), Malawi, Hàn Quốc, Kenya (2), Argentina, Ai Len, Cộng hoà Dân chủ Congo, Ý (4), Albania, Bồ Đào Nha, Mexico (3), Pháp (3), Uganda, Algeri, Nhật Bản, Bosnia và Erzegovina, Scotland, Hoa Kỳ, Santa Lucia, Paraguay, Burundi, Nigeria, Bolivia, xứ Galles, Crôát, Cộng hoà Czech và Tây Ban Nha; nhưng chỉ 32 vị có thể hiện diện trực tiếp trong Thánh lễ.

ĐTC cử hành Thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

ĐTC cử hành Thánh lễ trọng thể kính hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ

Nghi thức làm phép dây Pallium

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Len để làm dây Pallium được lấy từ những con chiên màu trắng được nuôi bởi các tu sĩ thuộc một tu viện tại giáo xứ thánh Anê, ở đường Nomentana, Roma, và hàng năm, cứ đến ngày lễ thánh nữ Anê tử đạo, 21/1, họ mang chiên tới trao cho Đức Thánh Cha và ngài trao lại cho các nữ tu dòng Biển Đức thuộc đan viện thánh Cecilia gần Vatican nuôi để xén lấy lông làm len và đan thành dây Pallium.

Bắt đầu Thánh lễ, 4 phó tế xuống trước mộ thánh Phêrô mang các dây Pallium đã được đặt trước ở đó đến trước Đức Thánh Cha.

Sau khi Đức Hồng y James Harvey, giám quản đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, trưởng đẳng phó tế giới thiệu các tân tổng giám mục với Đức Thánh Cha, và các tổng giám mục tuyên thệ trung thành và vâng phục thánh tông đồ Phêrô, Giáo hội Roma thánh thiện và tông truyền, Đức Giáo hoàng và các vị kế vị ngài, Đức Thánh Cha đã làm phép các dây Pallium, biểu hiệu sự hiệp thông giữa vị Tổng giám mục chính tòa với Tòa Thánh Phêrô.

Bài giảng

Trong bài giảng Thánh lễ Đức Thánh Cha suy tư về hai câu trong hai bài đọc thứ nhất và thứ hai trong Thánh lễ: "nhanh chóng đứng dậy" "thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp. Ngài nói rằng chứng tá của hai thánh tông đồ thúc đẩy chúng ta trỗi dậy để giúp cho thế giới nhân đạo hơn.

Bài giảng lễ hai thánh Phêrô và Phaolô năm 2022

Chứng tá của hai vị Tông đồ vĩ đại là Phêrô và Phaolô hôm nay một lần nữa trở nên sống động trong phụng vụ của Giáo Hội. Thiên thần của Chúa nói với thánh Phêrô, đang bị vua Hêrôđê giam tù: "Đứng dậy mau đi! (Cv 12,7); còn thánh Phaolô, đã nói khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời và việc tông đồ của ngài: "Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp" (2 Tm 4,7). Chúng ta hãy suy tư về hai câu - "nhanh chóng đứng dậy" "thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp" - và hỏi xem chúng gợi ý điều gì cho cộng đồng Kitô hữu ngày nay, khi đang trong tiến trình thượng hội đồng.

Mau chóng đứng dậy và theo Chúa Kitô đến nơi Người muốn

Trước hết, sách Công vụ Tông đồ thuật lại với chúng ta về đêm thánh Phêrô được giải thoát khỏi xiềng xích của ngục tù. Một thiên thần của Chúa vỗ vào cạnh sườn của ngài khi ngài đang ngủ, "đánh thức ngài và nói rằng: Hãy nhanh chóng đứng dậy" (12,7). Thiên thần đánh thức ngài dậy và yêu cầu ngài đứng lên. Cảnh này gợi nhớ Lễ Phục sinh, bởi vì chúng ta tìm thấy ở đây hai động từ được sử dụng trong các trình thuật về việc sống lại: đánh thức và đứng dậy. Có nghĩa là thiên thần đã đánh thức thánh Phêrô khỏi giấc ngủ của sự chết và thúc đẩy ngài đứng dậy, tức là sống lại, đi ra ngoài ánh sáng, để mình được Chúa dẫn bước đi qua mọi cánh cửa đóng kín dọc trên đường (x. c. 10). Hình ảnh này rất có ý nghĩa đối với Giáo hội. Cũng thế, chúng ta, các môn đệ của Chúa và là cộng đoàn Kitô hữu, được kêu gọi mau chóng đứng dậy để bước vào mầu nhiệm của sự sống lại và để mình được Chúa dẫn dắt trên những con đường mà Người muốn chỉ cho chúng ta.

Sự tầm thường trong đời sống thiêng liêng

Chúng ta vẫn còn gặp nhiều hình thức phản kháng trong nội tâm, những điều ngăn cản chúng ta lên đường. Đôi khi, với tư cách là Giáo hội, chúng ta bị thắng vượt bởi sự lười biếng và chúng ta thích ngồi và suy ngẫm về một ít điều chắc chắn mà chúng ta đang có, thay vì đứng dậy để hướng tầm nhìn về những chân trời mới, về phía biển rộng mở. Chúng ta thường như thánh Phêrô bị xiềng xích, bị cầm tù bởi tập quán, sợ hãi trước những thay đổi và bị trói buộc vào xiềng xích của thói quen hàng ngày. Nhưng theo cách này, chúng ta sa vào sự tầm thường trong đời sống thiêng liêng, chúng ta có nguy cơ "tà tà vừa đủ", ngay cả trong đời sống mục vụ. Lòng nhiệt thành của chúng ta với sứ vụ phai dần và thay vì là một dấu hiệu của sức sống và sự sáng tạo, cuối cùng chúng ta trở nên dửng dưng và thờ ơ. Sau đó, dòng chảy mạnh mẽ của sự mới mẻ và sự sống, đó là Tin Mừng trong tay chúng ta - như Cha de Lubac viết - trở thành một đức tin "rơi vào chủ nghĩa hình thức và thói quen, [...] một tôn giáo của các nghi lễ và lòng sùng kính, của đồ trang sức và niềm an ủi tầm thường... Một Kitô giáo giáo sĩ trị, hình thức, buồn tẻ và cứng cỏi "(Bi kịch của Chủ nghĩa nhân văn vô thần, Milan 2017, 103-104).

Giáo hội của tất cả mọi người

Thượng Hội đồng mà chúng ta đang tiến hành hiện nay kêu gọi chúng ta trở thành một Giáo hội trỗi dậy, một Giáo hội không co cụm trong chính mình, nhưng có khả năng tiến về phía trước, bỏ lại sau lưng những nhà tù của chính mình và bắt đầu gặp gỡ thế giới, với lòng can đảm mở rộng các cánh cửa.

Một Giáo hội không có xiềng xích và bức tường, trong đó mọi người có thể cảm thấy được chào đón và đồng hành, một Giáo hội nơi nghệ thuật lắng nghe, đối thoại và tham gia được vun đắp dưới thẩm quyền duy nhất của Chúa Thánh Thần. Giáo hội tự do và khiêm nhường, "nhanh chóng trỗi dậy" và không chần chừ hay né tránh những thách đố của thời đại hiện nay. Một Giáo Hội không nằm lỳ trong những hàng rào thánh thiêng của mình, nhưng được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và mong muốn gặp gỡ và đón nhận mọi người.

Chúng ta đừng quên từ này: tất cả mọi người, mọi người. Anh em hãy đi đến ngã tư đường và mang tất cả mọi người, người mù, người câm điếc, què quặt, bệnh nhân, người công chính, kẻ tội lỗi: tất cả mọi người, tất cả! Lời này của Chúa phải vang lên, vang dội trong tâm trí và trái tim: tất cả mọi người, trong Hội Thánh có chỗ cho mọi người. Và nhiều khi chúng ta trở thành một Giáo hội rộng mở nhưng lại gạt bỏ dân chúng, lên án họ. Hôm qua có một người đã nói với tôi rằng: "Đối với Giáo hội, đây không phải là lúc giải tán, mà là lúc chào đón".

Mỗi người thực hiện sứ vụ được uỷ thác

Trong bài đọc thứ hai, chúng ta nghe lời Thánh Phaolô, những lời ngài khẳng định sau khi nhìn lại cả cuộc đời mình: “Tôi đã thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp” (2Tm 4,7). Thánh Tông đồ đang đề cập đến vô số tình huống, một số được đánh dấu bởi sự bắt bớ và đau khổ, trong đó ngài đã không tiếc thân mình trong việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Giờ đây, vào cuối đời, ngài thấy rằng một cuộc "chiến đấu" quyết liệt vẫn đang diễn ra trong lịch sử, vì nhiều người không sẵn sàng chấp nhận Chúa Giêsu, chỉ thích theo đuổi lợi ích của mình và theo các vị thầy khác. Thánh Phaolô đã chiến đấu trong các cuộc chiến đấu của chính ngài và giờ đây đã hoàn tất cuộc chạy đua, ngài yêu cầu Timôthêô và các anh em trong cộng đoàn tiếp tục công việc của ngài bằng sự quan tâm, rao giảng và dạy dỗ. Mỗi người, tóm lại, thực hiện sứ vụ được uỷ thác cho họ và phải làm phần việc của mình.

Tôi có thể làm gì cho Giáo hội?

Lời khuyên của thánh Phaolô cũng là lời sự sống cho chúng ta; nó giúp chúng ta nhận ra rằng, trong Giáo hội, tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành môn đệ truyền giáo và đóng góp phần của chính mình. Đây là hai câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi. Đầu tiên là: Tôi có thể làm gì cho Giáo hội? Không phàn nàn về Giáo hội, nhưng dấn thân cho Giáo hội. Tham gia với niềm đam mê và sự khiêm tốn: với niềm đam mê, bởi vì chúng ta không được tiếp tục là những khán giả thụ động; khiêm tốn, bởi vì dấn thân trong cộng đoàn không bao giờ có nghĩa là chiếm vị trí trung tâm, coi bản thân mình tốt hơn và không để người khác đến gần. Đó là ý nghĩa của một Giáo hội hiệp hành: mọi người đều tham gia, không có cá nhân nào thay thế cho người khác hoặc ở trên người khác. Không có Kitô hữu hạng nhất hay hạng nhì, tất cả đều được kêu gọi.

Tiếp tục "cuộc chiến chính nghĩa"

Tham gia cũng có nghĩa là tiếp tục "cuộc chiến chính nghĩa" mà thánh Phaolô nói. Vì đó là một "cuộc chiến", vì việc rao giảng Tin Mừng không bao giờ là trung lập; nó không để mọi thứ theo cách của chúng; nó không chấp nhận thỏa hiệp với suy nghĩ của thế giới này, nhưng thay vào đó, thắp sáng ngọn lửa của vương quốc Thiên Chúa giữa sự thống trị của quyền lực con người, cái ác, bạo lực, tham nhũng, bất công và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Kể từ khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và trở thành người thay đổi lịch sử, "một cuộc chiến quan trọng giữa sự sống và cái chết, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa cam chịu điều tồi tệ nhất và đấu tranh cho điều tốt nhất đã bắt đầu. Một cuộc chiến sẽ không có hiệp định đình chiến cho đến khi hoàn toàn đánh bại tất cả các thế lực thù hận và hủy diệt (C.M. MARTINI, Bài giảng lễ Phục Sinh, 4/4/1999).

Giáo hội có thể cùng nhau làm điều gì để giúp cho thế giới mà chúng ta đang sống nhân đạo hơn?

Vậy câu hỏi thứ hai là: Là Giáo hội, chúng ta có thể cùng nhau làm điều gì để giúp cho thế giới mà chúng ta đang sống nhân đạo hơn, công bình và liên đới hơn, cởi mở hơn với Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa loài người? Chắc chắn chúng ta không được rút lui vào những nhóm Giáo hội của chúng ta và tiếp tục gắn chặt vào một số cuộc tranh luận không có kết quả của chúng ta, nhưng thay vào đó, hãy giúp đỡ lẫn nhau để được dậy men trong khối bột thế giới này. Cùng nhau, chúng ta có thể và phải tiếp tục chăm sóc sự sống con người, bảo vệ thụ tạo, phẩm giá của công việc, các vấn đề của gia đình, chăm sóc người già và tất cả những người bị bỏ rơi, bị từ chối hoặc bị đối xử khinh miệt. Nói cách khác, chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội thúc đẩy văn hóa quan tâm và cảm thông đối với những người dễ bị tổn thương. Một Giáo Hội chiến đấu chống lại mọi hình thức tham nhũng và mục nát, bao gồm cả những thành phố của chúng ta và những nơi chúng ta thường lui tới, để niềm vui của Tin Mừng có thể tỏa sáng trong đời sống của mọi người. Đây là "cuộc chiến tốt" của chúng ta.

Được kêu gọi "mau chóng trỗi dậy"

Thưa anh chị em, hôm nay, theo một truyền thống tốt đẹp, tôi đã làm phép các dây Pallium cho các Tổng Giám mục chính toà được bổ nhiệm trong thời gian gần đây, nhiều người trong số các ngài hiện diện trong Thánh lễ này. Trong sự hiệp thông với thánh Phêrô, các ngài được kêu gọi "mau chóng trỗi dậy" để phục vụ như những lính canh bảo vệ đàn chiên và "chiến đấu tốt", không bao giờ đơn độc, nhưng cùng với tất cả đoàn dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa.

Chào đón Phái đoàn của Tòa Thượng phụ

Tôi thân ái chào đón Phái đoàn của Tòa Thượng phụ do người anh em thân yêu của tôi là Đức Thượng phụ Bartolomeo cử đến. Cảm ơn sự hiện diện của quý vị ở đây! Chúng ta hãy cùng nhau hành trình, bởi vì chỉ cùng nhau, chúng ta mới có thể là hạt giống của Tin Mừng và là chứng nhân của tình huynh đệ.

Xin thánh Phêrô và thánh Phaolô chuyển cầu cho chúng ta, cho thành Roma, cho Giáo hội và cho toàn thế giới của chúng ta. Amen.

Vào cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã trao các dây Pallium cho các tân tổng giám mục. Các ngài sẽ chính thức nhận dây này từ Sứ thần Toà Thánh trong một Thánh lễ được cử hành tại giáo phận của các ngài.

Hồng Thủy - Vatican News

 Tags: Phêrô, Phaolô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây