Thứ Tư 29/6/2022, sau khi cử hành Thánh lễ trọng thể kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, bổn mạng của Roma, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã chủ sự giờ kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trước sự hiện diện của rất đông tín hữu.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hai thánh Phêrô và Phaolô đã trải qua hành trình đầy những thử thách và cả vấp ngã để trưởng thành trong đức tin. Ngài nhắc nhở các tín hữu rằng hành trình đức tin của chúng ta cũng thế. Chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa nhưng khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta kêu trách phản đối Chúa. Chúng ta cũng cần phải học để với thời gian, sự khiêm nhường và kiên trì, chúng ta có thể tuyên xưng đức tin vào Chúa và biết dùng những khó khăn thử thách như cơ hội để thêm tin tưởng tín thác vào Chúa hơn.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến!
Bài Tin Mừng Phụng vụ hôm nay, lễ trọng kính các Thánh Bổn mạng của thành phố Roma, nhắc lại lời thánh Phêrô thưa với Chúa Giêsu: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Đó là một lời tuyên xưng đức tin; thánh Phêrô không tuyên xưng điều này dựa trên sự hiểu biết của con người, nhưng Thiên Chúa Cha đã soi sáng cho ngài (x. c. 17). Đối với ngư phủ Simon, được gọi là Phêrô, đó là khởi đầu của một hành trình: thực tế là phải cần một thời gian rất lâu trước khi ý nghĩa của những từ đó đi sâu vào cuộc sống của ngài, liên quan đến toàn bộ cuộc đời ngài. Có một "thời gian tập nghề" về đức tin đối với các tông đồ Phêrô và Phaolô, cũng như đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa hằng sống, nhưng cần có thời gian, sự kiên nhẫn và rất nhiều khiêm nhường để cách suy nghĩ và hành động của chúng ta hoàn toàn tuân theo Phúc Âm.
Thánh tông đồ Phêrô đã trải nghiệm điều này ngay lập tức. Chính ngay sau khi ngài tuyên xưng đức tin của mình với Chúa Giêsu, khi Chúa thông báo rằng Người sẽ phải chịu đau khổ và bị kết án tử hình, thánh Phêrô đã chối bỏ viễn tượng này, điều ngài cho là không phù hợp với Đấng Cứu Thế. Thánh nhân thậm chí cảm thấy có trách nhiệm phải phê bình Thầy, Đấng sau đó lại nói với ngài: "Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (câu 23).
Chúng ta hãy suy nghĩ: không phải điều tương tự cũng xảy ra với chúng ta sao? Chúng ta lặp lại Kinh Tin Kính, chúng ta đọc kinh với đức tin; nhưng trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc đời dường như mọi thứ đều chao đảo. Chúng ta có chiều hướng phản đối Chúa, nói với Người rằng điều đó là không đúng, rằng phải có những con đường khác, thẳng lối hơn, ít mệt mỏi hơn. Chúng ta đang trải qua sự giằng xé của người tín hữu, người tin vào Chúa Giêsu, tín thác vào Người; nhưng đồng thời cảm thấy rằng thật khó để theo Người và bị cám dỗ để tìm kiếm những cách khác với những cách của Thầy. Thánh Phêrô đã sống bi kịch nội tâm này, và ngài cần thời gian và sự trưởng thành. Lúc đầu, ngài kinh hoàng khi nghĩ đến thập giá; nhưng vào cuối đời, ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa, đến mức, theo truyền thống, ngài đã chịu đóng đinh ngược, để không ngang bằng với Thầy của mình.
Tông đồ Phaolô cũng trải qua một giai đoạn trưởng thành đức tin cách chậm chạp, trải qua những thời điểm không chắc chắn và nghi ngờ. Sự xuất hiện của Đấng Phục Sinh trên đường đến thành Đamascô, điều khiến thánh nhân từ một kẻ bắt bớ trở thành một Kitô hữu, phải được coi là sự khởi đầu của một hành trình mà trong đó thánh Tông đồ phải đương đầu với những khủng hoảng, thất bại và những cực hình liên tục của những gì mà ngài gọi là một "cái dằm đâm vào thân xác" (x. 2Cr 12, 7). Hành trình đức tin, đối với thánh Phêrô, thánh Phaolô, bất kỳ tín hữu nào, không bao giờ là một cuộc dạo chơi, nhưng đòi sự dấn thân, đôi khi khó nhọc: ngay cả thánh Phaolô, khi đã trở thành Kitô hữu, đã phải học cách dần dần trở thành một Kitô hữu cho đến cùng, nhất là qua những giây phút thử thách.
Dưới ánh sáng của kinh nghiệm này của các tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: khi tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, tôi làm điều đó với ý thức rằng luôn luôn phải học hỏi, hoặc tôi giả định rằng "tôi đã hiểu tất cả mọi thứ rồi"? Và thêm nữa: trong những khó khăn và thử thách, tôi có nản lòng, phàn nàn, hay tôi học cách biến nó thành cơ hội để lớn lên trong sự tin thác vào Chúa? Thánh Phaolô viết cho Timôthêô: Thật vậy, Người giải thoát chúng ta khỏi mọi điều ác và sẽ cứu và đưa chúng ta vào thiên đàng (x. 2Tm 4,18). Xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương của các Tông đồ, dạy chúng ta noi gương các ngài để thăng tiến mỗi ngày trên con đường đức tin.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến Ucraina và nói rằng: Mỗi ngày tôi đều mang Ucraina thân yêu và bị giày xéo trong lòng mình; nơi này tiếp tục mang thương tích bởi các cuộc tấn công man rợ, chẳng hạn như vụ tấn công trung tâm mua sắm Kremenchuk. Tôi cầu nguyện rằng cuộc chiến điên cuồng này sẽ sớm kết thúc, và tôi tiếp tục lời mời gọi hãy kiên trì, không mệt mỏi, trong lời cầu nguyện cho hòa bình: xin Chúa mở ra những con đường đối thoại mà loài người không muốn hoặc không thể tìm thấy! Và chúng ta đừng bỏ qua việc giúp đỡ người dân Ucraina, những người đang rất đau khổ.
Đức Thánh Cha cũng nói đến nhiều đám cháy đã bùng phát ở Roma trong những ngày gần đây do nhiệt độ rất cao, trong khi ở nhiều nơi hạn hán đang là vấn đề nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hoạt động sản xuất và môi trường. Ngài hy vọng rằng các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện để đối mặt với những trường hợp khẩn cấp này và ngăn ngừa những trường hợp khẩn cấp trong tương lai. Ngài nhận định: những điều này phải khiến chúng ta suy tư về việc bảo vệ thụ tạo, đó là trách nhiệm của chúng ta, của mỗi người chúng ta. Đó không phải là mốt, đó là trách nhiệm: tương lai của trái đất nằm trong tay chúng ta và do chúng ta quyết định!
Hôm nay, số đầu tiên của báo "L'Osservatore di strada", nguyệt san mới của báo "L'Osservatore Romano" được phát tại quảng trường. Đức Thánh Cha cho biết người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội tham gia vào công việc biên tập, viết báo, cho phép mình được phỏng vấn, minh họa cho các trang của tờ này hàng tháng, được cung cấp miễn phí. Ngài mời gọi nhận báo được phân phát miễn phí và có thể đóng góp tự nguyện vì đó là việc làm tốt xuất phát từ người nghèo.
Đức Thánh Cha cũng chúc mừng những người Roma và mọi người ở thành phố này nhân ngày lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, bổn mạng của Rôma.
Hồng Thủy - Vatican News