TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC dâng Thánh lễ tại Sân vận động GSP

Thứ sáu - 03/12/2021 08:32 | Tác giả bài viết: |   982
Lúc 10 giờ sáng 3/12, sau cuộc gặp gỡ Thánh Hội đồng Chính Thống giáo, Đức Thánh Cha di chuyển đến sân vận động GSP cách đó 9km để dâng Thánh Lễ với các tín hữu Công giáo.

ĐTC dâng Thánh lễ tại Sân vận động GSP của Sýp
 

va031221m

 

Lúc 10 giờ sáng thứ Sáu, 3/12, sau cuộc gặp gỡ Thánh Hội đồng Chính Thống giáo, Đức Thánh Cha di chuyển đến sân vận động GSP cách đó 9km để dâng Thánh Lễ với các tín hữu Công giáo.

Sân vận động GSP với 22 ngàn chỗ ngồi được khánh thành năm 1999. Thánh Lễ hôm nay ban đầu dự kiến có 4000 tín hữu tham dự, và thực tế con số này đã lên đến 10 ngàn người tham dự Thánh Lễ với Đức Thánh Cha, trong đó chính quyền đã xin 700 vé, mặc dù đa số các quan chức chính quyền thuộc Chính Thống giáo.

Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Giêrusalem nghi lễ Latinh đã có lời chào ngắn với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ với phụng vụ kính thánh Phanxicô Xaviê, với bài đọc I được trích từ sách tiên tri Isaia, trong ngày đó mắt của người mù sẽ được thấy, và bài Tin Mừng theo thánh Matthêu về việc Chúa Giêsu chữa lành cho hai người mù. Cả hai bài được đọc bằng tiếng Hy Lạp, trong khi Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Latinh, bài giảng bằng tiếng Ý, và nhiều bài hát bằng tiếng Anh.

Bài giảng

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khai triển 3 bước của việc hai người mù gặp gỡ Chúa Giêsu và được chữa lành. Và từ đó, đến lượt mình, trong hành trình Mùa Vọng này, chúng ta chuẩn bị đón mừng Chúa đến.

Bước đầu tiên: đến gặp Chúa Giêsu để được chữa lành. Bản văn nói rằng hai người mù đã kêu lên với Chúa khi họ đi theo Người (xem câu 27). Họ không nhìn thấy Người nhưng họ lắng nghe giọng nói của Người và theo bước Người. Họ tìm kiếm nơi Đức Kitô những gì các tiên tri đã báo trước, đó là những dấu chỉ của việc chữa lành và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa giữa dân Người. Về điều này, Isaia đã viết: “Mắt người mù mở ra” (35,5). Và một lời tiên tri khác, trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy” (29,18). Hai người trong Tin Mừng tín thác vào Chúa Giêsu và đi theo Người để tìm kiếm ánh sáng cho đôi mắt của họ.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Tại sao hai người này tín thác vào Chúa Giê-su? Bởi vì họ nhận thức rằng, trong bóng tối của lịch sử, Ngài là ánh sáng soi vào đêm tối của trái tim và của thế giới, đánh tan bóng tối và chiến thắng mọi sự mù loà. Cũng vậy, chúng ta biết, chúng ta mang trong tim mình sự mù loà. Chúng ta cũng như hai anh mù, là những lữ khách thường chìm đắm trong bóng tối của cuộc sống. Việc đầu tiên phải làm là đến với Chúa Giêsu, như chính Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28). Ai trong chúng ta không cảm thấy vất vả và gánh nặng? Tuy nhiên, chúng ta cưỡng lại việc tiến về phía Chúa Giêsu; nhiều khi chúng ta thích khép mình lại, cô đơn với bóng tối của mình, chấp nhận khóc than và chấp nhận cho nỗi buồn lẻo đẻo bám theo. Chúa Giêsu là bác sĩ: chỉ có Người, là ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9), mới ban cho chúng ta dư tràn ánh sáng, hơi ấm, tình yêu. Chỉ có Người giải thoát trái tim khỏi sự ác. Chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi có đóng chặt mình trong bóng tối u buồn, điều làm cạn kiệt nguồn vui, hay tôi đến với Chúa Giêsu và mang cuộc sống của tôi đến với Người? Tôi có theo Chúa Giêsu, tôi có “đi theo” Người và kêu lên với Người về những nhu cầu của tôi, tôi có dâng cho Người những cay đắng của tôi không? Hãy làm điều đó, chúng ta hãy cho Chúa Giêsu cơ hội để chữa lành trái tim của chúng ta. Đây là bước đầu tiên. Sự chữa lành bên trong còn đòi hỏi hai điều nữa.

Thứ hai là cùng nhau mang lấy những vết thương. Trong trình thuật Tin Mừng, không có việc chữa lành cho một người mù, chẳng hạn như trường hợp của Bartimê (x. Mc 10,46-52) hoặc người mù bẩm sinh (x. Ga 9,1-41). Ở đây là hai người mù. Họ cùng với nhau trên đường. Họ cùng nhau chia sẻ nỗi đau về tình trạng bệnh tật của mình, cùng nhau khao khát một ánh sáng có thể chiếu vào đêm tối trái tim của họ. Bản văn chúng ta đã nghe luôn ở số nhiều, vì cả hai cùng nhau làm mọi việc: cả hai cùng theo Chúa Giêsu, cả hai cùng kêu lên và xin Người chữa lành; không phải mỗi người tự mình, mà là cùng nhau. Điều quan trọng là họ nói với Chúa Kitô: xin thương xót chúng tôi. Họ sử dụng từ “chúng tôi”, họ không nói “tôi”. Mỗi người không nghĩ về sự mù loà của chính mình mà cùng nhau xin giúp đỡ. Đây là dấu hiệu hùng hồn của đời sống Kitô hữu, đây là điểm đặc trưng của tinh thần giáo hội: suy nghĩ, nói năng, hành động như một “chúng ta”, bằng cách thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân và sự giả định rằng tự mình là đủ, những thứ khiến con tim bệnh hoạn.

Hai người mù, với việc chia sẻ những đau khổ và với tình bạn huynh đệ của họ, đã dạy cho chúng ta rất nhiều điều. Mỗi người chúng ta đều mù lòa theo một cách nào đó do tội lỗi, điều này ngăn cản chúng ta “nhìn thấy” Thiên Chúa là Cha và người khác là anh em. Điều này gây ra tội lỗi, nó bóp méo thực tế: nó khiến chúng ta xem Thiên Chúa là chủ và những người khác là vấn đề. Đó là hành động của kẻ cám dỗ, kẻ làm sai lệch mọi thứ và có xu hướng trình bày mọi thứ dưới dáng vẻ tiêu cực trước mắt chúng ta để ném chúng ta vào tuyệt vọng và cay đắng. Và nỗi buồn xấu xa, vốn nguy hiểm và không đến từ Thiên Chúa, thường ẩn nấp trong sự cô đơn. Do đó, chúng ta không thể một mình đối mặt với bóng tối. Nếu chúng ta tự mình mang lấy sự mù loà bên trong, chúng ta sẽ bị đánh bại. Chúng ta cần đặt mình cạnh người khác, cần chia sẻ những vết thương, và cùng nhau lên đường.

Trước mọi bóng tối cá nhân và những thách đố mà chúng ta gặp phải trong Giáo hội và trong xã hội, chúng ta được mời gọi canh tân tình huynh đệ. Nếu chúng ta vẫn còn chia rẽ, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến mình hoặc nhóm của mình, nếu chúng ta không hợp lại với nhau, chúng ta không đối thoại, chúng ta không cùng nhau bước đi, thì chúng ta không thể chữa lành hoàn toàn sự mù loà. Sự chữa lành sẽ đến khi chúng ta cùng nhau mang lấy những vết thương, khi chúng ta cùng nhau đối diện với những vấn đề, khi chúng ta lắng nghe nhau và nói với nhau. Đây là ân sủng của việc sống trong cộng đoàn, hiểu được giá trị của việc cùng nhau, việc trở nên một cộng đoàn. Tôi cầu xin điều đó cho anh chị em: Ước gì anh chị em luôn ở bên nhau, luôn luôn hiệp nhất; tiến bước như thế và với niềm vui: với tư cách là những anh em Kitô hữu, con cái của một người Cha duy nhất.

Bước thứ ba là loan báo Tin Mừng với niềm vui. Sau khi cùng nhau được Chúa Giêsu chữa lành, hai nhân vật chính ẩn danh của Tin Mừng, mà chúng ta có thể nhìn thấy chính mình trong đó, bắt đầu loan tin khắp cả vùng. Có một sự thật hơi trớ trêu: Chúa Giêsu đã khuyên họ đừng nói gì với ai, nhưng họ lại làm hoàn toàn ngược lại (x. Mt 9,30-31). Tuy nhiên, từ câu chuyện, chúng ta hiểu rằng họ không có ý định không vâng lời Chúa; nhưng đơn giản chỉ là họ không thể kiềm nén sự phấn khích vì đã được chữa lành, niềm vui vì những gì họ đã sống trong cuộc gặp gỡ với Người. Và đây là một dấu hiệu đặc biệt khác của Kitô hữu: niềm vui của Tin Mừng, điều không thể kiềm chế được, “lấp đầy trái tim và trọn cuộc đời của những ai gặp gỡ Chúa Giê-su” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 1); niềm vui của Tin Mừng giải phóng khỏi nguy cơ của một đức tin hù doạ, hà khắc và ảm đạm, nhưng đưa vào sự năng động của việc làm chứng.

Anh chị em quý mến, thật tuyệt vời khi gặp anh chị em và nhìn thấy anh chị em sống vui tươi với lời loan báo giải phóng của Tin Mừng. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều đó. Đây không phải là chiêu dụ tín đồ, mà là làm chứng; không phải chủ nghĩa đạo đức, mà là lòng thương xót; không phải là sự thờ phượng bên ngoài, nhưng là tình yêu được sống. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục đi trên con đường này: giống như hai người mù trong Tin Mừng, chúng ta cũng hãy làm mới lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và chúng ta hãy ra khỏi chính mình mà không sợ hãi để làm chứng về Người cho những người chúng ta gặp! Hãy ra đi để trao tặng ánh sáng mà chúng ta đã lãnh nhận, hãy bước ra để chiếu sáng màn đêm thường vây quanh chúng ta! Cần có những Kitô hữu được soi sáng nhưng đặc biệt là sáng tỏ, những người có thể chạm đến sự mù loà của anh em mình bằng sự dịu dàng; những người bằng những cử chỉ và lời an ủi có thể thắp lên ánh sáng hy vọng nơi bóng tối; những Kitô hữu gieo mầm Tin Mừng trên cánh đồng khô cằn của cuộc sống hàng ngày; những người có khả năng mang lại sự xoa dịu cho nỗi cô đơn của đau khổ và đói nghèo.

Chúa Giêsu cũng đi qua các đường phố Sýp, Người lắng nghe tiếng kêu của sự mù lòa của chúng ta, Người muốn chạm vào mắt chúng ta và trái tim của chúng ta, mang lại cho chúng ta ánh sáng, sự tái sinh và nâng chúng ta lên từ bên trong. Và Người cũng hỏi chúng ta câu hỏi mà Người đã hỏi hai người mù: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” (Mt 9,28). Chúng ta có tin rằng Chúa Giê-su có thể làm được điều này không? Chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta vào Người! Chúng ta hãy nói với Người: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng ánh sáng của Chúa mạnh mẽ mọi bóng tối của chúng con; chúng con tin rằng Ngài có thể chữa lành chúng con, rằng Ngài có thể làm mới tình huynh đệ của chúng con, rằng Ngài có thể làm cho niềm vui của chúng con được nhân lên; và cùng với toàn thể Giáo hội, chúng con cầu xin Chúa: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cùng lặp lại với ngài: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”

Lời chào cuối lễ

Vào cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cảm ơn và chào các tín hữu về sự chào đón và tình cảm dành cho ngài. Ngài nói: “Tại đây ở Sýp, tôi đang hít thở một chút bầu khí đặc trưng của Vùng đất Thánh, nơi sự cổ kính và sự đa dạng của các truyền thống Kitô giáo làm phong phú cho người hành hương. Tôi thật vui, thật vui được gặp cộng đoàn tín hữu sống hiện tại với niềm hy vọng, mở ra với tương lai và chia sẻ chân trời này với những người cần nhất. Đặc biệt, tôi nghĩ đến những người di cư để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, những người mà tôi sẽ có một cuộc gặp cuối cùng trên đảo này, cùng với các anh chị em thuộc các giáo phái Kitô khác nhau.”

Đức Thánh Cha cũng cảm ơn tất cả những người đã cộng tác trong việc tổ chức chuyến thăm!

Kết thúc Thánh Lễ, ĐTC trở về Toà Sứ Thần cách đó gần 8km để nghỉ trưa. Chương trình buổi chiều bắt đầu vào lúc 4 giờ, với buổi cầu nguyện đại kết với những người di cư tại Nhà thờ giáo xứ Thánh Giá ở Nicosia.

Văn Yên, SJ - Vatican News


 

Bài giảng Thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia -3/12/2021
 

Hai người mù, khi Chúa Giêsu đi ngang qua, đã kêu lên với Người về nỗi khốn cùng và niềm hy vọng của họ: “Lạy con vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt 9,27). “Con vua Đa-vít” là một tước hiệu để chỉ về Đấng Mêsia, mà các lời ngôn sứ đã loan báo về dòng dõi của Đa-vít. Do đó, hai nhân vật chính của bài Tin Mừng hôm nay đều bị mù, nhưng họ lại thấy điều quan trọng nhất: họ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai đã đến thế gian. Chúng ta hãy xem xét ba bước của cuộc gặp gỡ này. Chúng có thể giúp chúng ta, trong hành trình Mùa Vọng này, để đến lượt mình, chúng ta đón mừng Chúa đến, Chúa bước qua.

Bước đầu tiên: đến gặp Chúa Giêsu để được chữa lành. Bản văn nói rằng hai người mù đã kêu lên với Chúa khi họ đi theo Người (xem câu 27). Họ không nhìn thấy Người nhưng họ lắng nghe giọng nói của Người và theo bước Người. Họ tìm kiếm nơi Đức Kitô những gì các tiên tri đã báo trước, đó là những dấu chỉ của việc chữa lành và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa giữa dân Người. Về điều này, Isaia đã viết: “Mắt người mù mở ra” (35,5). Và một lời tiên tri khác, trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy” (29,18). Hai người trong Tin Mừng tín thác vào Chúa Giêsu và đi theo Người để tìm kiếm ánh sáng cho đôi mắt của họ.

Thưa anh chị em, tại sao hai người này tín thác vào Chúa Giê-su? Bởi vì họ nhận thức rằng, trong bóng tối của lịch sử, Ngài là ánh sáng soi vào đêm tối của trái tim và của thế giới, đánh tan bóng tối và chiến thắng mọi sự mù loà. Cũng vậy, chúng ta biết, chúng ta mang trong tim mình sự mù loà. Chúng ta cũng như hai anh mù, là những lữ khách thường chìm đắm trong bóng tối của cuộc sống. Việc đầu tiên phải làm là đến với Chúa Giêsu, như chính Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28). Ai trong chúng ta không cảm thấy vất vả và gánh nặng? Tất cả. Tuy nhiên, chúng ta cưỡng lại việc tiến về phía Chúa Giêsu; nhiều khi chúng ta thích khép mình lại, cô đơn với bóng tối của mình, chấp nhận khóc than và chấp nhận cho nỗi buồn lẻo đẻo bám theo. Chúa Giêsu là bác sĩ: chỉ có Người, là ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người (x. Ga 1,9), mới ban cho chúng ta dư tràn ánh sáng, hơi ấm, tình yêu. Chỉ có Người giải thoát trái tim khỏi sự ác. Chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi có đóng chặt mình trong bóng tối u buồn, điều làm cạn kiệt nguồn vui, hay tôi đến với Chúa Giêsu và mang cuộc sống của tôi đến với Người? Tôi có theo Chúa Giêsu, tôi có “đi theo” Người và kêu lên với Người về những nhu cầu của tôi, tôi có dâng cho Người những cay đắng của tôi không? Hãy làm điều đó, chúng ta hãy cho Chúa Giêsu cơ hội để chữa lành trái tim của chúng ta. Đây là bước đầu tiên. Sự chữa lành bên trong còn đòi hỏi hai điều nữa.

Thứ hai là cùng nhau mang lấy những vết thương. Trong trình thuật Tin Mừng, không có việc chữa lành cho một người mù, chẳng hạn như trường hợp của Bartimê (x. Mc 10,46-52) hoặc người mù bẩm sinh (x. Ga 9,1-41). Ở đây là hai người mù. Họ cùng với nhau trên đường. Họ cùng nhau chia sẻ nỗi đau về tình trạng bệnh tật của mình, cùng nhau khao khát một ánh sáng có thể chiếu vào đêm tối trái tim của họ. Bản văn chúng ta đã nghe luôn ở số nhiều, vì cả hai cùng nhau làm mọi việc: cả hai cùng theo Chúa Giêsu, cả hai cùng kêu lên và xin Người chữa lành; không phải mỗi người tự mình, mà là cùng nhau. Điều quan trọng là họ nói với Chúa Kitô: xin thương xót chúng tôi. Họ sử dụng từ “chúng tôi”, họ không nói “tôi”. Mỗi người không nghĩ về sự mù loà của chính mình mà cùng nhau xin giúp đỡ. Đây là dấu hiệu hùng hồn của đời sống Kitô hữu, đây là điểm đặc trưng của tinh thần giáo hội: suy nghĩ, nói năng, hành động như một “chúng ta”, bằng cách thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân và sự giả định rằng tự mình là đủ, những thứ khiến con tim bệnh hoạn.

Hai người mù, với việc chia sẻ những đau khổ và với tình bạn huynh đệ của họ, đã dạy cho chúng ta rất nhiều điều. Mỗi người chúng ta đều mù lòa theo một cách nào đó do tội lỗi, điều này ngăn cản chúng ta “nhìn thấy” Thiên Chúa là Cha và người khác là anh em. Điều này gây ra tội lỗi, nó bóp méo thực tế: nó khiến chúng ta xem Thiên Chúa là chủ và những người khác là vấn đề. Đó là hành động của kẻ cám dỗ, kẻ làm sai lệch mọi thứ và có xu hướng trình bày mọi thứ dưới dáng vẻ tiêu cực trước mắt chúng ta để ném chúng ta vào tuyệt vọng và cay đắng. Và nỗi buồn xấu xa, vốn nguy hiểm và không đến từ Thiên Chúa, thường ẩn nấp trong sự cô đơn. Do đó, chúng ta không thể một mình đối mặt với bóng tối. Nếu chúng ta tự mình mang lấy sự mù loà bên trong, chúng ta sẽ bị đánh bại. Chúng ta cần đặt mình cạnh người khác, cần chia sẻ những vết thương, và cùng nhau lên đường.

Anh chị em thân mến, trước mọi bóng tối cá nhân và những thách đố mà chúng ta gặp phải trong Giáo hội và trong xã hội, chúng ta được mời gọi canh tân tình huynh đệ. Nếu chúng ta vẫn còn chia rẽ, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến mình hoặc nhóm của mình, nếu chúng ta không hợp lại với nhau, chúng ta không đối thoại, chúng ta không cùng nhau bước đi, thì chúng ta không thể chữa lành hoàn toàn sự mù loà. Sự chữa lành sẽ đến khi chúng ta cùng nhau mang lấy những vết thương, khi chúng ta cùng nhau đối diện với những vấn đề, khi chúng ta lắng nghe nhau và nói với nhau. Đây là ân sủng của việc sống trong cộng đoàn, hiểu được giá trị của việc cùng nhau, việc trở nên một cộng đoàn. Tôi cầu xin điều đó cho anh chị em: Ước gì anh chị em luôn ở bên nhau, luôn luôn hiệp nhất; tiến bước như thế và với niềm vui: với tư cách là những anh em Kitô hữu, con cái của một người Cha duy nhất. Và tôi cũng cầu xin điều đó cho chính mình.

Và đây là bước thứ ba: loan báo Tin Mừng với niềm vui. Sau khi cùng nhau được Chúa Giêsu chữa lành, hai nhân vật chính ẩn danh của Tin Mừng, mà chúng ta có thể nhìn thấy chính mình trong đó, bắt đầu loan tin khắp cả vùng. Có một sự thật hơi trớ trêu: Chúa Giêsu đã khuyên họ đừng nói gì với ai, nhưng họ lại làm hoàn toàn ngược lại (x. Mt 9,30-31). Tuy nhiên, từ câu chuyện, chúng ta hiểu rằng họ không có ý định không vâng lời Chúa; nhưng đơn giản chỉ là họ không thể kiềm nén sự phấn khích vì đã được chữa lành, niềm vui vì những gì họ đã sống trong cuộc gặp gỡ với Người. Và đây là một dấu hiệu đặc biệt khác của Kitô hữu: niềm vui của Tin Mừng, điều không thể kiềm chế được, “lấp đầy trái tim và trọn cuộc đời của những ai gặp gỡ Chúa Giê-su” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 1); niềm vui của Tin Mừng giải phóng khỏi nguy cơ của một đức tin hù doạ, hà khắc và ảm đạm, nhưng đưa vào sự năng động của việc làm chứng.

Anh chị em quý mến, thật tuyệt vời khi gặp lại anh chị em và nhìn thấy anh chị em sống vui tươi với lời loan báo giải phóng của Tin Mừng. Tôi cảm ơn anh chị em vì điều đó. Đây không phải là chiêu dụ tín đồ, - xin vui lòng, đừng bao giờ chiêu dụ tín đồ! - mà là làm chứng; không phải chủ nghĩa đạo đức, mà là lòng thương xót; không phải là sự thờ phượng bên ngoài, nhưng là tình yêu được sống. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục đi trên con đường này: giống như hai người mù trong Tin Mừng, chúng ta cũng hãy làm mới lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và chúng ta hãy ra khỏi chính mình mà không sợ hãi để làm chứng về Người cho những người chúng ta gặp! Hãy ra đi để trao tặng ánh sáng mà chúng ta đã lãnh nhận, hãy bước ra để chiếu sáng màn đêm thường vây quanh chúng ta! Anh chị em thân mến, cần có những Kitô hữu được soi sáng nhưng đặc biệt là sáng tỏ, những người có thể chạm đến sự mù loà của anh em mình bằng sự dịu dàng; những người bằng những cử chỉ và lời an ủi có thể thắp lên ánh sáng hy vọng nơi bóng tối; những Kitô hữu gieo mầm Tin Mừng trên cánh đồng khô cằn của cuộc sống hàng ngày; những người có khả năng mang lại sự xoa dịu cho nỗi cô đơn của đau khổ và đói nghèo.

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu cũng đi qua các đường phố Sýp của chúng ta, Người lắng nghe tiếng kêu của sự mù lòa của chúng ta, Người muốn chạm vào mắt chúng ta và trái tim của chúng ta, mang lại cho chúng ta ánh sáng, sự tái sinh và nâng chúng ta lên từ bên trong. Và Người cũng hỏi chúng ta câu hỏi mà Người đã hỏi hai người mù: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” (Mt 9,28). Chúng ta có tin rằng Chúa Giê-su có thể làm được điều này không? Chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta vào Người! Chúng ta hãy nói với Người: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng ánh sáng của Chúa mạnh mẽ hơn mọi bóng tối của chúng con; chúng con tin rằng Ngài có thể chữa lành chúng con, rằng Ngài có thể làm mới tình huynh đệ của chúng con, rằng Ngài có thể làm cho niềm vui của chúng con được nhân lên; và cùng với toàn thể Giáo hội, tất cả chúng con cầu xin Chúa: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây