Những người trẻ này, với độ tuổi từ 16-27, đến từ nhiều hoàn cảnh kinh tế xã hội khác nhau, những người tị nạn, những sinh viên của các trường danh giá và cả những người trẻ bị loại trừ khỏi hệ thống giáo dục.
Họ là những người trẻ thuộc các nền văn hoá và niềm tin khác nhau, Do thái, Hồi giáo, Kitô giáo, Ấn giáo, Phật giáo và các truyền thống khác, đang quy tụ tại Roma trong cuộc gặp gỡ từ ngày 23-28/11 do cộng đoàn Scholas Occurrentes tổ chức, để chia sẻ những kinh nghiệm họ trải qua trong thời gian đại dịch và những bài học kinh nghiệm họ học được từ các cộng đoàn đặc thù của họ.
Scholas Occurrentes là Tổ chức Quốc tế thuộc Tòa Thánh, do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, nhằm mục đích “đáp lại lời kêu gọi tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ và gắn kết những người trẻ lại với nhau trong một nền giáo dục tạo ra ý nghĩa.” Tổ chức này hiện diện thông qua mạng lưới tại 190 quốc gia và tiếp cận hơn 1 triệu người trẻ.
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với những người trẻ diễn ra trong bầu khí thân mật, một số bạn trẻ ngồi xếp bằng xung quanh Đức Thánh Cha. Các bạn trẻ đã có những bài hát, chia sẻ các chứng từ và diễn một vở kịch, trong đó các diễn viên đeo các mặt nạ trắng với các sọc màu khác nhau tượng trưng cho những đau khổ đè nặng trên những người trẻ ngày nay.
Đức Thánh Cha đã trả lời 2 câu hỏi mà các bạn trẻ đặt ra cho ngài.
Câu hỏi đầu tiên được điều phối viên đặt ra thay cho một cô gái không thể hiện diện, đó là làm cách nào để giữ một cộng đồng “mở”. Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời rằng một cộng đồng duy trì sự cởi mở ngang qua khả năng gặp gỡ của mỗi cá nhân. “Khi chúng ta mất khả năng gặp gỡ này, chúng ta sẽ trở nên hóa thạch: linh hồn hóa thạch, trái tim hóa thạch”. Từ đó, ngài nói rằng, “sáng tạo là thứ thúc đẩy bạn, sáng tạo là một sự mạo hiểm, nhưng một cộng đồng không sáng tạo là một chiếc mặt nạ như thế này”, ngài diễn tả bằng chiếc mặt nạ cầm ở tay.
Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng khi cảm xúc bị tắt, “cảm xúc bên trong bị tắt”, thì chúng ta làm những gì mọi người làm, và chúng ta đánh mất con người của mình. Ngài kết luận: hãy chân thực! Với khả năng mỉm cười không chỉ bằng khuôn mặt, mà bằng cả trái tim, nghĩa là mở ra với người khác.
Sau đó, Đức Thánh Cha đã lắng nghe câu chuyện của Austen, một người trẻ đến từ Rwanda, về cách cha mẹ mình chạy đến Cộng hoà dân chủ Congo do hậu quả của cuộc diệt chủng Rwanda năm 1994 thế nào, và được chào đón bởi mạng lưới Scholas Occurrentes. Hiện Austen đang theo học Luật ở Nam Phi, và nhấn mạnh rằng cậu biết ơn như thế nào vì có được một cơ hội như vậy.
Đáp lại câu chuyện này và trả lời cho câu hỏi về những gì cộng đồng quốc tế có thể làm để giúp những người tị nạn trốn chạy khỏi thực tế khó khăn tại đất nước của họ, Đức Thánh Cha nói rằng: “Ngày nay cuộc sống của người tị nạn thật khắc nghiệt. Tôi đang nghiên cứu và tôi thấy những gì xảy ra trên bờ biển Libya với những người phải quay lại, với những người bị mafia khai thác, bóc lột, tra tấn và buôn bán phụ nữ. Các bạn là phụ nữ hãy tưởng tượng việc bị bán như một món hàng. Điều đó xảy ra ngày nay với những cô gái như các bạn, với những bà mẹ trẻ.”
Đức Thánh Cha lưu ý: “Khi chúng ta nói về những người tị nạn, đừng nói về những con số, nhưng hãy nói về những anh chị em của chúng ta, những người đã phải chạy trốn. Một số không thể trốn thoát và bị bắt lại vào những trại tập trung, tôi muốn nói đến bờ biển Libya.”
“Với những kẻ buôn người, chính những kẻ này đưa người ta đi, rồi sau đó nhận họ khi họ bị trả lại. Đó là một thời gian rất khó khăn. Là một người tị nạn nghĩa là bước đi trên bề mặt không an toàn, bước đi mà không biết về đâu.”
Đức Thánh Cha tiếp: Là một người tị nạn có nghĩa là sống trên đường phố. “Nhưng đó không phải là trên đường của bạn. Không phải trên đường trong thành phố của bạn, mà là trên đường đời, nơi bạn bị đối xử như một kẻ không giống ai”. Người tị nạn không phải là khách du lịch, không phải là người chạy trốn vì lý do thương mại, mà là người “chạy trốn để được sống”.
Đức Thánh Cha kết thúc câu trả lời khi nói với các bạn trẻ rằng mong muốn của ngài không phải là “tra tấn” những người trẻ hiện diện với những thực tế khắc nghiệt này, mà là giúp họ nghĩ về anh chị em của mình. Ngài mời gọi họ biết ơn những gì họ có, và tự hỏi bản thân về câu chuyện của những người tị nạn này có thể dạy họ điều gì. (CSR_7615_2021 / CSR_7576_2021).
Văn Yên, SJ - Vatican News