TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC gặp gỡ nhân viên của các tổ chức bác ái

Thứ hai - 04/09/2023 03:24 | Tác giả bài viết: |   637
Sáng thứ Hai 4/9/2023, gặp gỡ các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ và làm phép và khánh thành Ngôi nhà Thương xót
ĐTC gặp gỡ nhân viên của các tổ chức bác ái

ĐTC gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái và khánh thành Ngôi nhà Thương xót

Sáng thứ Hai 4/9/2023, gặp gỡ các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ và làm phép và khánh thành Ngôi nhà Thương xót, một cơ sở bác ái của Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, Đức Thánh Cha nói với các nhân viên bác ái rằng để thực sự làm điều tốt cần có một trái tim nhân hậu. Ngài đề cao sự quảng đại dấn thân vô vị lợi của các tình nguyện viên và mời gọi người dân Mông Cổ hãy tham gia phục vụ tha nhân, cũng như nhấn mạnh rằng việc bác ái không bao giờ được trở thành công việc kinh doanh.

Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc lại những lời của Chúa Giêsu: “Ta đói và các con đã cho ăn, Ta khát và các con đã cho uống” (Mt 25,35) và nói rằng đây là tiêu chuẩn Chúa đưa ra cho chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Người trên thế giới và điều kiện để vào hưởng niềm vui tột đỉnh của Nước Chúa vào ngày phán xét cuối cùng.

Giáo hội Mông Cổ sống căn tính bác ái

Chân lý này đã được cộng đoàn Kitô hữu sơ khai chứng minh bằng hành động rằng bác ái là một yếu tố nền tảng cho căn tính của mình, để xây dựng một Giáo hội được thiết lập vững chắc trên bốn trụ cột: hiệp thông, phụng vụ, phục vụ và chứng tá. Và Đức Thánh Cha nhận xét: “Thật tuyệt vời khi thấy rằng, sau bao nhiêu thế kỷ, cũng tinh thần đó đã thấm nhập vào Giáo hội Mông Cổ: trong sự nhỏ bé của mình, Giáo hội sống hiệp thông huynh đệ, cầu nguyện, phục vụ quên mình cho nhân loại đang đau khổ và làm chứng cho đức tin của chính mình.”
 

ĐTC gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

ĐTC gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

Ngôi nhà Thương xót 

Ngôi nhà Thương xót, theo Đức Thánh Cha, là một biểu hiện cụ thể về việc chăm sóc người khác, dấu chỉ mà qua đó người ta nhận ra các Kitô hữu; bởi vì nơi nào có sự chào đón, lòng hiếu khách và sự cởi mở với người khác, nơi đó chúng ta hít thở hương thơm tốt lành của Chúa Kitô (x. 2 Cr 2,15). Ngài giải thích: “Sự quảng đại phục vụ tha nhân - quan tâm đến sức khỏe của họ, những nhu cầu thiết yếu, giáo dục và văn hóa - ngay từ đầu đã là nét nổi bật của thành phần sống động này của Dân Chúa”. Những sáng kiến bác ái của các nhà truyền giáo tại Mông Cổ đã phát triển thành những dự án dài hạn và rất được người dân và các cơ quan dân sự đánh giá cao.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng Ngôi nhà Thương xót được xem là một điểm quy chiếu cho nhiều hoạt động bác ái, là một bến đỗ, nơi người dân có thể tìm thấy sự lắng nghe và thấu hiểu. Và ngài nhấn mạnh nét đặc biệt của sáng kiến này: Giáo hội địa phương thực hiện công việc, với sự cộng tác của các nhóm truyền giáo, vẫn giữ căn tính địa phương rõ ràng, như một cách thể hiện chân thực về tính toàn thể của Phủ doãn Tông Tòa.

Thương xót - đặc tính của Giáo hội

Tên của ngôi nhà - Thương xót -, theo Đức Thánh Cha, là đặc tính của Giáo hội, “được kêu gọi trở thành một ngôi nhà nơi tất cả được chào đón và có thể cảm nghiệm một tình yêu lớn hơn, tình yêu đánh động và lay động trái tim: tình yêu dịu dàng và quan phòng của Chúa Cha, Đấng muốn chúng ta trở thành anh chị em trong nhà của Người.” Và ngài hy vọng rằng tất cả mọi người có thể đóng góp vào dự án này và các cộng đoàn truyền giáo khác nhau sẽ tích cực tham gia bằng sự dấn thân về nhân sự và nguồn lực.
 

ĐTC gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

ĐTC gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

Vai trò của các tình nguyện viên

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lưu ý về yếu tố không thể thiếu để thực hiện dự án, đó là sự đóng góp của các tình nguyện viên. Trước hết Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là một sự phục vụ hoàn toàn quảng đại và vô vị lợi mà mọi người tự do chọn để phục vụ những người khốn khổ. Đức Thánh Cha nhắc lại đây là phong cách phục vụ mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta khi nói: “Các con đã nhận nhưng không, thì hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10,8). Ngài nhận định rằng việc phục vụ tha nhân theo cách này có vẻ như là một sự thua thiệt, nhưng những gì mình cho đi cách miễn phí đều không hề lãng phí; trái lại, nó trở thành một kho tàng to lớn cho những ai cống hiến thời gian và sức lực của mình.

Đức Thánh Cha lưu ý một thực tế khác là chỉ riêng hệ thống an sinh xã hội thôi thì không đủ để cung cấp mọi dịch vụ cho người dân, nếu không có đông đảo tình nguyện viên cống hiến thời gian, kỹ năng và nguồn lực cho tình yêu dành cho tha nhân. Ngài khuyến khích tất cả công dân Mông Cổ hãy tham gia vào công việc tình nguyện, sẵn sàng phục vụ người khác.
 

ĐTC gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

ĐTC gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

Bác bỏ các huyền thoại sai lầm

“Không nhất thiết phải giàu có mới làm được việc tốt"

Cuối cùng, Đức Thánh Cha muốn bác bỏ một số “huyền thoại”. Đầu tiên là huyền thoại cho rằng chỉ những người giàu có mới có thể tham gia hoạt động tình nguyện. Ngài nhận định: “Không nhất thiết phải giàu có mới làm được việc tốt; đúng hơn, hầu như luôn luôn chính những người có thu nhập khiêm tốn lại chọn cống hiến thời gian, kỹ năng và sự quảng đại của mình để chăm sóc người khác”.

Giáo hội làm việc bác ái vì nhận ra Chúa Giêsu nơi người đau khổ

Huyền thoại thứ hai cho rằng Giáo hội Công giáo dấn thân vào các hoạt động thăng tiến xã hội để chiêu dụ tín đồ; chăm sóc tha nhân là một hình thức dụ dỗ người khác. Đức Thánh Cha khẳng định rằng các Kitô hữu nhận ra những ai đang cần được giúp đỡ và làm mọi điều có thể để xoa dịu nỗi đau khổ của họ bởi vì ở đó họ nhìn thấy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Ngài mong muốn Ngôi nhà Thương xót là nơi mà những người thuộc các “tín ngưỡng” khác nhau, và ngay cả những người không có tín ngưỡng, cùng nỗ lực với người Công giáo địa phương để giúp đỡ nhiều anh chị em trong nhân loại một cách đầy nhân ái. Và để giấc mơ này trở thành hiện thực, những người có trách nhiệm công phải hỗ trợ những sáng kiến ​​nhân đạo này, khuyến khích sự hiệp lực chân thực vì lợi ích chung.

Các việc bác ái không được trở thành việc kinh doanh

Huyền thoại thứ ba cho rằng chỉ có tiền bạc mới quan trọng, và cách duy nhất để chăm sóc người khác là thuê nhân viên làm công ăn lương và đầu tư vào các cơ sở vật chất to lớn. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “việc bác ái đòi hỏi tính chuyên nghiệp, nhưng các sáng kiến​​ bác ái không được trở thành công việc kinh doanh, mà phải duy trì sự tươi mới của các công việc bác ái, nơi những người cần giúp đỡ tìm thấy những người có khả năng lắng nghe và cảm thông mà không nghĩ đến bất cứ sự đền trả nào”.
 

ĐTC gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

ĐTC gặp các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ

Làm việc bác ái vì tình yêu Chúa

Đức Thánh Cha tóm lại rằng để thực sự làm điều tốt cần có một trái tim nhân hậu, quyết tâm tìm kiếm điều tốt nhất cho người khác. “Chỉ dấn thân vì thù lao thì không phải là tình yêu đích thực; chỉ có tình yêu mới chiến thắng được sự ích kỷ và giúp thế giới phát triển.” Ngài kết thúc với câu chuyện về Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta. Khi một nhà báo nhìn thấy Mẹ cúi xuống vết thương nặng mùi của một bệnh nhân, đã nói với Mẹ: “Việc Mẹ đang làm thật đẹp, nhưng cá nhân tôi sẽ không làm điều đó dù có một triệu đô la”. Mẹ Têrêsa mỉm cười và trả lời: “Tôi cũng không làm điều này vì một triệu đô la. Tôi làm điều này vì tình yêu Chúa!”

Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã cùng với những người hiện diện đọc kinh Kính Mừng và sau đó ngài ban phép lành cho mọi người.

Trước khi rời cơ sở, Đức Thánh Cha đã làm phép tấm bảng tên của cơ sở bác ái.
 

ĐTC làm phép 'Ngôi nhà Thương xót' của Giáo hội Mông Cổ

ĐTC làm phép "Ngôi nhà Thương xót" của Giáo hội Mông Cổ

Hồng Thủy - Vatican News

 

 

 

 

Diễn văn của ĐTC trong buổi gặp gỡ các nhân viên của các tổ chức bác ái

Sáng thứ Hai 4/9/2023, gặp gỡ các nhân viên của các tổ chức bác ái ở Mông Cổ và làm phép và khánh thành Ngôi nhà Thương xót, một cơ sở bác ái của Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, Đức Thánh Cha nói với các nhân viên bác ái rằng để thực sự làm điều tốt cần có một trái tim nhân hậu. Ngài đề cao sự quảng đại dấn thân vô vị lợi của các tình nguyện viên và mời gọi người dân Mông Cổ hãy tham gia phục vụ tha nhân, cũng như nhấn mạnh rằng việc bác ái không bao giờ được trở thành công việc kinh doanh.

 

TÔNG DU MÔNG CỔ
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
Gặp gỡ các thành viên các tổ chức bác ái
và khánh thành “Ngôi nhà Thương xót"
Ulaanbaatar, 04/09/2023

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi chân thành cảm ơn anh chị em về sự đón tiếp nồng ấm anh chị em đã dành cho tôi và về những điệu múa lời ca, những lời chào đón và chứng tá của anh chị em! Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này có thể được tóm tắt bằng những lời của Chúa Giêsu: “Ta đói và các con đã cho ăn, Ta khát và các con đã cho uống” (Mt 25,35). Bằng những lời này, Chúa đưa ra cho chúng ta tiêu chuẩn để nhận ra sự hiện diện của Người trên thế giới và điều kiện để vào hưởng niềm vui tột đỉnh của Nước Chúa vào ngày phán xét cuối cùng.

Ngay từ thưở ban đầu Giáo hội đã chú trọng đến chân lý này khi chứng tỏ bằng hành động rằng bác ái là một yếu tố nền tảng cho căn tính của mình. Tôi đang nghĩ đến các trình thuật trong sách Công vụ Tông đồ, với vô số sáng kiến ​​được cộng đồng Kitô hữu đầu tiên thực hiện để thực hành lời Chúa Giêsu, để xây dựng một Giáo hội được thiết lập vững chắc trên bốn trụ cột: hiệp thông, phụng vụ, phục vụ và chứng tá. Thật tuyệt vời khi thấy rằng, sau bao nhiêu thế kỷ, cũng tinh thần đó đã thấm nhập vào Giáo hội Mông Cổ: trong sự nhỏ bé của mình, Giáo hội sống hiệp thông huynh đệ, cầu nguyện, phục vụ quên mình cho nhân loại đang đau khổ và làm chứng cho đức tin của chính mình. Giống như bốn cột của một căn lều ger to lớn, nâng đỡ vòng tròn trung tâm phía trên, giúp cho cấu trúc đứng vững và mang lại không gian chào đón bên trong.

Vì vậy, chúng ta ở đây với nhau, trong ngôi nhà mà anh chị em đã xây dựng và hôm nay tôi vui mừng làm phép và khánh thành. Đó là một biểu hiện cụ thể về việc chăm sóc người khác, dấu chỉ mà qua đó người ta nhận ra các Kitô hữu; bởi vì nơi nào có sự chào đón, lòng hiếu khách và sự cởi mở với người khác, nơi đó chúng ta hít thở hương thơm tốt lành của Chúa Kitô (x. 2 Cr 2,15). Sự quảng đại phục vụ tha nhân - quan tâm đến sức khỏe của họ, những nhu cầu thiết yếu, giáo dục và văn hóa - ngay từ đầu đã là nét nổi bật của thành phần sống động này của Dân Chúa. Kể từ khi những nhà truyền giáo đầu tiên đến Ulaanbaatar vào những năm 1990, ngay lập tức họ cảm nhận được lời kêu gọi thực thi bác ái, điều dẫn họ đến việc chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi, anh chị em vô gia cư, các bệnh nhân, người khuyết tật, tù nhân và những người trong hoàn cảnh khó khăn đau khổ mong được chăm sóc.

Ngày nay chúng ta thấy rằng, từ những gốc rễ đó, một cây đã lớn lên, những cành cây đã đâm chồi và sinh rất nhiều hoa trái trong rất nhiều sáng kiến ​​bác ái đáng khen ngợi. Những sáng kiến này đã phát triển thành những dự án dài hạn, hầu hết được thực hiện bởi các dòng truyền giáo hiện diện ở đây và rất được người dân và các cơ quan dân sự đánh giá cao. Thật sự, chính chính phủ Mông Cổ đã yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo Công giáo để giải quyết vô số tình trạng khẩn cấp về xã hội của một đất nước mà vào thời điểm đó, đang trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị mong manh và được đánh dấu bởi tình trạng nghèo đói lan rộng. Ngày nay, các nhà truyền giáo từ nhiều quốc gia vẫn tham gia vào các dự án này; họ dùng kiến ​​thức, kinh nghiệm, nguồn lực và đặc biệt là tình yêu của họ, để phục vụ xã hội Mông Cổ. Tôi xin bày tỏ sự cảm phục và lời “cảm ơn” chân thành nhất của tôi đối với họ và đối với tất cả những người ủng hộ rất nhiều công việc tốt đẹp này.

Ngôi nhà Thương xót được xem là một điểm quy chiếu cho nhiều hoạt động bác ái, giống như những bàn tay dang rộng hướng tới những anh chị em đang nỗ lực để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Nó giống như một bến đỗ, nơi người dân có thể tìm thấy sự lắng nghe và thấu hiểu. Tuy nhiên, sáng kiến ​​mới này, trong khi bổ sung vào nhiều sáng kiến​​khác được các tổ chức Công giáo khác nhau hỗ trợ, nó rất đặc biệt: bởi vì ở đây, trên thực tế, chính Giáo hội địa phương thực hiện công việc, với sự cộng tác của các nhóm truyền giáo, vẫn giữ căn tính địa phương rõ ràng, như một cách thể hiện chân thực về tính toàn thể của Phủ doãn Tông Tòa. Và tôi thực sự thích cái tên anh chị em muốn đặt cho nó: Ngôi nhà Thương xót. Những từ này chứa định nghĩa về Giáo hội, được kêu gọi trở thành một ngôi nhà nơi tất cả được chào đón và có thể cảm nghiệm một tình yêu lớn hơn, tình yêu đánh động và lay động trái tim: tình yêu dịu dàng và quan phòng của Chúa Cha, Đấng muốn chúng ta trở thành anh chị em trong nhà của Người. Vì vậy, tôi hy vọng rằng tất cả anh chị em có thể đóng góp vào dự án này và các cộng đoàn truyền giáo khác nhau sẽ tích cực tham gia bằng sự dấn thân về nhân sự và nguồn lực.

Để thực hiện điều này thì không thể thiếu sự đóng góp của các tình nguyện viên: Một sự phục vụ hoàn toàn quảng đại và vô vị lợi mà mọi người tự do chọn để phục vụ những người khốn khổ: không phải bởi quan tâm đến thù lao về tiền bạc hay lợi ích cá nhân, nhưng vì tình yêu trong sáng dành cho tha nhân. Đây là phong cách phục vụ mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta khi nói: “Các con đã nhận nhưng không, thì hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10,8). Phục vụ tha nhân theo cách này có vẻ như là một sự thua thiệt, nhưng khi đặt mình vào tình thế nguy hiểm, anh chị em phát hiện ra rằng những gì anh chị em cho đi mà không chờ đợi được đáp lại đều không hề lãng phí; trái lại, nó trở thành một kho báu vĩ đại cho những ai cống hiến thời gian và sức lực của mình. Thực vậy, lòng quảng đại khiến tâm hồn thanh thoát, chữa lành những vết thương trong tâm hồn, đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, trở thành nguồn vui và giữ cho tâm hồn chúng ta luôn trẻ trung. Ở đất nướ c này có rất nhiều người trẻ, hoạt động tình nguyện có thể là một con đường quyết định cho sự phát triển cá nhân và xã hội.

Một thực tế nữa là, ngay cả trong những xã hội phát triển công nghệ và với mức sống cao, chỉ riêng hệ thống an sinh xã hội là không đủ để cung cấp mọi dịch vụ cho người dân, nếu không có đông đảo tình nguyện viên cống hiến thời gian, kỹ năng và nguồn lực cho tình yêu dành cho tha nhân. Trên thực tế, sự tiến bộ thực sự của các quốc gia không được đo bằng sự giàu có về kinh tế và càng không được đo bằng số tiền họ đầu tư vào sức mạnh ảo tưởng của vũ khí, mà bằng khả năng chăm sóc y tế, giáo dục và sự phát triển toàn diện cho người dân. Do đó, tôi muốn khuyến khích tất cả công dân Mông Cổ, những người nổi tiếng về lòng quảng đại và khả năng hy sinh bản thân, hãy tham gia vào công việc tình nguyện, sẵn sàng phục vụ người khác. Ở đây, tại Ngôi nhà Thương xót, anh chị em có một “nơi tập luyện”, nơi luôn mở cửa, nơi anh chị em có thể thực hành những ước muốn tốt đẹp và rèn luyện trái tim mình.

Cuối cùng, tôi muốn bác bỏ một số “huyền thoại”. Đầu tiên là huyền thoại cho rằng chỉ những người giàu có mới có thể tham gia hoạt động tình nguyện. Thực tế cho chúng ta thấy điều ngược lại: Không nhất thiết phải giàu có mới làm được việc tốt; đúng hơn, hầu như luôn luôn chính những người có thu nhập khiêm tốn lại chọn cống hiến thời gian, kỹ năng và sự quảng đại của mình để chăm sóc người khác.

Huyền thoại thứ hai cần được xóa bỏ là huyền thoại cho rằng Giáo hội Công giáo, vốn nổi bật trên thế giới vì sự dấn thân to lớn đối với các hoạt động thăng tiến xã hội, thực hiện tất cả những điều này để chiêu dụ tín đồ, như thể việc quan tâm chăm sóc tha nhân là một hình thức dụ dỗ người khác “về phe của mình”. Không, các Kitô hữu nhận ra những ai đang cần được giúp đỡ và làm mọi điều có thể để xoa dịu nỗi đau khổ của họ bởi vì ở đó họ nhìn thấy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, và nhận thấy nơi Người phẩm giá cao cả của mỗi người, được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa. Tôi muốn tưởng tưởng rằng Ngôi nhà Thương xót này là nơi mà những người thuộc các “tín ngưỡng” khác nhau, và ngay cả những người không có tín ngưỡng, cùng nỗ lực với những người Công giáo địa phương để giúp đỡ nhiều anh chị em trong nhân loại một cách đầy nhân ái. Lòng nhân ái cảm thông là khả năng chịu đau khổ với người khác. Nhà nước sẽ biết phải bảo vệ và phát huy điều này một cách đầy đủ. Thực ra, để giấc mơ này trở thành hiện thực, điều cần thiết, ở đây và bất cứ nơi nào, là những người có trách nhiệm công phải hỗ trợ những sáng kiến ​​nhân đạo này, khuyến khích sự hiệp lực chân thực vì lợi ích chung.

Cuối cùng, huyền thoại thứ ba cần được loại bỏ: quan điểm cho rằng chủ có tiền mới đáng kể, như thể cách duy nhất để chăm sóc người khác là thuê nhân viên làm công ăn lương và đầu tư vào các cơ sở vật chất to lớn. Tất nhiên, việc bác ái đòi hỏi tính chuyên nghiệp, nhưng các sáng kiến ​​bác ái không được trở thành công việc kinh doanh, mà phải duy trì sự tươi mới của các công việc bác ái, nơi những người cần giúp đỡ tìm thấy những người có khả năng lắng nghe và cảm thông mà không nghĩ đến bất cứ sự đền trả nào.

Nói cách khác, để thực sự làm điều tốt, điều không thể thiếu là một trái tim nhân hậu, quyết tâm tìm kiếm điều tốt nhất cho người khác. Chỉ dấn thân vì thù lao thì không phải là tình yêu đích thực; chỉ có tình yêu mới chiến thắng được sự ích kỷ và giúp thế giới phát triển. Về vấn đề này, tôi muốn kết thúc bằng cách nhắc lại một đoạn liên quan đến Thánh Têrêsa Calcutta. Khi một nhà báo nhìn thấy Mẹ cúi xuống vết thương nặng mùi của một bệnh nhân, đã nói với Mẹ: “Việc Mẹ đang làm thật đẹp, nhưng cá nhân tôi sẽ không làm điều đó dù có một triệu đô la.” Mẹ Têrêsa mỉm cười và trả lời: “Tôi cũng không làm điều này vì một triệu đô la. Tôi làm điều này vì tình yêu của Chúa!” Tôi cầu nguyện rằng phong cách phục vụ với tình yêu nhưng không này sẽ là giá trị được thêm vào của Ngôi nhà Thương xót. Tôi xin chân thành cảm ơn anh chị em vì tất cả những điều tốt đẹp anh chị em đã và tiếp tục làm và tôi chúc lành cho anh chị em. Và tôi xin anh chị em cũng có lòng bác ái cầu nguyện cho tôi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây