Sáng kiến cuộc gặp gỡ có tên: “Xây dựng những nhịp cầu trên khắp châu Phi: Cuộc gặp gỡ Hiệp hành giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và các sinh viên Đại học”.
Ubuntu: một nền văn hóa gặp gỡ
Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh, cùng với Đại học Loyola Chicago tổ chức cuộc gặp trực tuyến này, nối tiếp cuộc gặp gỡ được tổ chức vào ngày 24/02/2021 giữa Đức Thánh Cha và các sinh viên của Bắc, Trung và Nam Mỹ. Tiêu đề của sự kiện, “Ubuntu: một nền đạo đức của châu Phi cận Sahara”, tập trung vào sự trung tín và các mối quan hệ hỗ tương của con người. Trong ngôn ngữ Bantu, từ này có nghĩa là “lòng nhân từ đối với người lân cận”. Đó là một quy luật của cuộc sống, dựa trên lòng nhân ái, tôn trọng người khác, khuyến khích hỗ trợ nhau, ý thức không chỉ về quyền của mình mà còn về nghĩa vụ phải thi hành, vì đó là một lý tưởng thúc đẩy toàn thể nhân loại, một khát vọng hòa bình.
Đức Hồng Y Mario Grech: cuộc đối thoại liên thế hệ phải được tiếp tục
Cuộc gặp gỡ được khai mạc bởi Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục. Ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc tạo cơ hội để giới trẻ gặp gỡ người lớn, để không bị mất “con đường”. Đây cũng là dịp để mời gọi mọi người cùng nhau làm việc, giữ cho cuộc đối thoại liên thế hệ được tiếp tục.
Các bạn trẻ ở các nước Congo, Uganda, Nigeria, Bờ Biển Ngà, Kenya, Cameroon đã hỏi Đức Thánh Cha nhiều về nhiều vấn đề. Họ là những người trẻ tìm kiếm khuôn mặt của Chúa Kitô trong cuộc sống hàng ngày và những người đã bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha qua một video vì đã có cơ hội mang tiếng nói của họ đến với toàn thế giới.
Trong gần hai giờ gặp gỡ, Đức Thánh Cha ghi chép đầy đủ các câu hỏi mà các bạn trẻ đặt ra cho ngài. Sau đó, ngài trả lời bằng cách khơi dậy lòng can đảm nơi các bạn trẻ, mời gọi họ sống hiện tại, không “phải là người từ trời rơi xuống”, dự đoán về tương lai mà không mất khả năng nuôi dưỡng ước mơ, luôn duy trì ý thức mình là hoa trái sinh ra từ gốc rễ.
Châu Phi không tồn tại để bị khai thác
Đề cập đến lịch sử châu Phi, Đức Thánh Cha giải thích rằng, tất cả đều có một lịch sử, có thể tốt hoặc xấu. Lịch sử thường là một câu chuyện khó khăn về những dân tộc bị tấn công. Lịch sử châu Phi với chế độ nô lệ và bóc lột, một lịch sử khó khăn. Đức Thánh Cha nhắc lại nền độc lập mà các quốc gia đạt được, mặc dù trong nhiều trường hợp, lãnh thổ tiếp tục bị những người khác tranh giành tài nguyên từ bên ngoài vì nguồn tài nguyên. Nhưng ngài nhấn mạnh: “Châu Phi không tồn tại để bị bóc lột. Châu lục có sự giàu có của riêng mình, đó là sự giàu có về con người, sự giàu có mà tất cả các bạn trẻ đại diện”. Chủ nghĩa thực dân đã để lại những dấu vết đau đớn về mặt này, lợi ích của những người khác đã chiếm ưu thế, như đã xảy ra với nạn phá rừng Amazon. Đó là việc kinh doanh quản lý bóc lột và áp bức các dân tộc.
Đức Thánh Cha hy vọng sẽ viếng thăm Congo và Nam Sudan vào tháng Hai
Trong số các câu hỏi của các bạn trẻ, có một thắc mắc của một thiếu nữ Congo về dự tính viếng thăm Congo và Nam Sudan của Đức Thánh Cha, một chuyến tông du đã phải hoãn lại vì lý do sức khoẻ. Đức Thánh Cha trả lời rằng ngài hy vọng sẽ đến Congo và Sudan vào đầu tháng Hai. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Bác sĩ đã không cho phép tôi đi, nhưng nay tôi đã có thể chống gậy đi lại được”.
Cẩn thận với “siêu thị cứu độ”
Tiếp đến, đi từ thực tế của đại dịch Covid-19 và các căn bệnh khác vẫn còn ảnh hưởng đến người dân châu Phi, như Ebola hoặc sốt rét, một nữ sinh viên bày tỏ lo ngại với Đức Thánh Cha về sự phát triển của các giáo phái, các phong trào Canh tân Đặc sủng và “Tin Mừng của sự sung túc”. Câu hỏi được đặt ra với Đức Thánh Cha liên quan đến cách liên hệ của người Công giáo đối với những thực tại này. Đức Thánh Cha giải thích rằng ngày nay một loại “siêu thị của sự cứu rỗi” đang phát triển, với “một loạt các đề nghị tôn giáo để lựa chọn”. Và ngài cảnh báo rằng “bạn sẽ tìm thấy con đường trong trái tim bạn, không có trung gian”. Trong bối cảnh này, tiêu chí cần tuân theo để định hướng là không để mình bị quyến rũ bởi cái mà Đức Thánh Cha định nghĩa là “nghiệp đoàn hoá tôn giáo”. Theo đó, tiêu chí được áp dụng cho một nhóm tôn giáo là không được lấy đi tự do của các tín đồ. Ngài nói: “Nếu tôn giáo lấy đi tự do của bạn, thì đó không phải là một con đường lành mạnh”.
Thách đố sinh thái và kêu gọi trách nhiệm
Làm thế nào để đối phó với thách đố sinh thái là một câu hỏi quan trọng khác được một bạn trẻ đặt ra với Đức Thánh Cha. Về vấn đề này, một lần nữa Đức Thánh Cha tái khẳng định rằng phá rừng là “một tội ác chống lại nhân loại” và xuất phát từ mong muốn thống trị của con người. Ngài bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự gia tăng nhiệt độ của hành tinh và nguy cơ giao lại cho các thế hệ tương lai một hành tinh chết. Đức Thánh Cha nói ngài rất buồn, vì nhiều vùng đất sẽ biến mất. Ngài kêu gọi tinh thần trách nhiệm của mọi người và nói với các bạn trẻ rằng “Chúa chúc lành mọi nỗ lực của các bạn để hạn chế sự tàn phá này”.
Nỗ lực trong sự hiệp nhất
Đức Thánh Cha đề cập đến Syria, Myanmar và nhiều nơi khác ở châu Phi, nơi các cuộc chiến tranh đẩy người dân đi tìm nơi trú ẩn, nhưng thường cuộc tìm kiếm đưa họ đến cái chết ở Địa Trung Hải. “Đó là một bi kịch”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh và nhắc lại những người tị nạn mà ngài đã thấy ở Uganda, đã làm cho ngài rất xúc động trước tinh thần của dân tộc này.
Phản ánh về tình trạng thiếu cơ hội làm việc ở nhiều khu vực của châu Phi, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ: “Hãy tiếp tục mạnh mẽ với tất cả sức mạnh của sự hiệp nhất”.
Một thiếu nữ hỏi Đức Thánh Cha: “Chúng con muốn sự minh bạch và công bằng hơn trong việc quản lý các nguồn lực. Vậy làm thế nào các Giáo hội địa phương có thể giúp chúng con tìm được chỗ đứng cho những người không muốn từ bỏ quê hương của họ?”. Đức Thánh Cha trả lời: “Cần phải tìm ra một sự cân bằng giữa sản xuất và những nỗ lực cần thiết cho hoạt động sản xuất này. Việc tạo ra những cây cầu có thể dẫn những người trẻ hướng tới các mục tiêu sung túc. Chúng ta phải tổ chức để làm việc cùng nhau. Đừng tự cô lập chính mình.”
Tham gia vào việc điều hành đất nước
Một nữ tu nêu ra vấn đề điều hành đất nước kém và sự tham gia của những người trẻ vào việc lãnh đạo đất nước. Câu hỏi được nữ tu đặt ra là làm thế nào để có thể tăng cường sự tham gia, hòa nhập vào đời sống chính trị? Làm thế nào để thấm nhuần đời sống chính trị - xã hội với các giá trị công bằng xã hội của Kitô giáo?
Đây là một chủ đề mà Đức Thánh Cha rất quan tâm, ngài trả lời: “Giới trẻ không tham gia vào việc điều hành đất nước là cái chết của một quốc gia”. Và ngài lo ngại rằng tình hình kinh tế và xã hội cũng đang tạo ra một loại mặc cảm tự ti trong chính những người trẻ. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta có bao nhiêu vị tử đạo xã hội! Hãy tổ chức tốt, với một sự thận trọng nhất định. Và đấu tranh. Hãy dũng cảm tiến lên phía trước”.
Một học thuyết chính trị đúng để ngăn chặn chủ nghĩa chính thống và băng đảng
Một sinh viên đến từ Nigeria không thể không đề cập đến tình trạng đất nước bị thương tổn bởi chủ nghĩa chính thống cực đoan, bởi những vụ sát hại tôn giáo, bởi sự lan truyền của chủ nghĩa xấu và những vụ bắt cóc. Làm thế nào để xây dựng một thế giới của tình thương, công lý và hòa bình, thế giới của những giấc mơ của chúng ta? Theo Đức Thánh Cha, đó là một “vụ tự sát xã hội” thực sự. Vì thế cần có sự phản kháng, việc tổ chức và học thuyết chính trị, một học thuyết cụ thể, vốn là một hình thức bác ái cao cả. Tất cả được hướng dẫn bởi một học thuyết chính trị sáng suốt, mỗi dân tộc phải đi theo con đường của riêng mình, một con đường không thể bị áp đặt mà phải xuất phát từ bên trong. Sự thận trọng và khéo léo. Chúa sẽ ban cho các bạn sức mạnh.”
Thúc đẩy giáo dục
Từ Cameroon vẫn còn đó nỗi sợ bị loại bỏ, những người trẻ là những người bị tổn thương theo cái nhìn kinh tế và tâm lý. Trong thực tế, sự hòa nhập nghề nghiệp là một vấn đề quan trọng, Đức Thánh Cha nói rằng, sự sợ hãi phá huỷ tuổi trẻ, khi bước đi theo cách này. Do đó cần phải thúc đẩy sự nghiệp giáo dục cho người dân ở mọi cấp độ. Trong việc này, Giáo hội phải giúp vì đây là một trong những cách chính để đóng góp vào sự phát triển của châu Phi.
Ngọc Yến - Vatican News