Mở đầu bài nói chuyện với những người hiện diện, Đức Thánh Cha trích một câu trong sách Ai Ca: “Tai hoạ ngươi mắc phải lớn quá rồi, lớn tựa trùng dương, ai chữa nổi?” (Ac 2,13). Những lời này nói về những nỗi đau của Giêrusalem, nhưng nó cũng làm chúng ta nghĩ đến những nỗi đau của những người Syria trong 12 năm qua với các xung đột bạo lực. Nếu chúng ta để ý đến số người chết và bị thương, các làng mạc và thành phố bị phá huỷ, trong đó có cả những cơ sở quan trọng như bệnh viện, thì chúng ta phải thốt lên: “Syria, ai có thể chữa lành nổi cho ngươi.”
Đức Thánh Cha cho thấy thực tế cuộc khủng hoảng của đất nước Syria được các nhà quan sát quốc tế chỉ ra rằng đây là một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trên toàn cầu, xét về sự phá huỷ, nhu cầu nhân đạo, sự sụp đổ kinh tế xã hội, nghèo đói ở nhiều cấp độ.
Đối diện với những đau khổ của người dân Syria, Giáo hội được mời gọi để trở thành một “bệnh viện giã chiến” để chữa lành những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Chính Chúa Giêsu đã làm như vậy: “Chiều đến, lúc mặt trời lặn, người ta mang đến cho Chúa Giêsu tất cả những người bệnh và bị thần ô uế ám. Cả thành tụ họp trước cửa. Và Người chữa lành cho nhiều người với đủ loại bệnh khác nhau” (Mc 1,32-34; x. Lc 4,40). Sách Công vụ Tông đồ cũng kể điều tương tự, “Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó.” (Cv 5,15)
Với sự bảo trợ của Bộ Cổ võ Phát triển Con người Toàn diện, sự hỗ trợ của Quỹ Giáo hoàng, của nhiều Hội đồng giám mục, một số cơ quan chính phủ, các tổ chức nhân đạo Công giáo và nhiều cá nhân, dự án “Những Bệnh viện Mở” đã và đang hỗ trợ cho 3 bệnh viện Công giáo và 4 phòng khám tại Syria dành cho những người nghèo và đau khổ, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo.
Đức Thánh Cha đã đặc biệt khen ngợi về thành quả kép của dự án “Những Bệnh viện Mở”: trước hết là chữa lành thể xác và hàn gắn kết cấu xã hội, thúc đẩy sự chung sống giữa các nhóm dân tộc-tôn giáo khác nhau, là đặc trưng của Syria. Và kế đến là rất nhiều người Hồi giáo đã tỏ lòng biết ơn vì được hỗ trợ tại các bệnh viện của dự án.
Đứng trước nhu cầu lớn với khả năng giới hạn của dự án, Đức Thánh Cha khuyến khích “chúng ta có thể nói mình như một giọt nước giữa sa mạc. Nhưng ngay cả sa mạc Syria sỏi đá, sau những cơn mưa đầu mùa xuân, cũng được khoác lên mình một tấm thảm màu xanh lá. Nhiều giọt nước nhỏ sẽ mọc lên nhiều ngọn cỏ!”
Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã tặng những người hiện diện một bức hình do một nghệ sĩ người Ý, Massimiliano Ungarelli, tặng cho ngài, mô tả Thánh Giuse với Hài nhi Giêsu trên vai trong cuộc chạy trốn sang Ai Cập. Ngài nói rằng nó gợi cho ngài nhớ đến hình ảnh của một ông bố người Syria chạy trốn chiến tranh với đứa con trên vai.
Văn Yên, SJ - Vatican News