Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha ghi nhận những dấn thân của các thành viên của phong trào làm chứng cho Tin Mừng. Tuy nhiên, ngài cũng nhắc rằng: “Đừng sa đà vào những hình thức tự tôn vinh mình, nhưng nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần trong những khúc quanh lịch sử của phong trào, không chỉ trong những biến cố lớn mà còn cả trong những biến cố khiêm tốn và hằng ngày.”
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, Đức Thánh Cha gợi ý cho phong trào hai suy tư: thanh luyện và gieo hạt giống mới. Trước hết về sự thanh luyện, ngài nhắc rằng trước hết cần ý thức chúng ta là tội nhân và cần lòng thương xót như cần không khí để hít thở. Vì vậy, việc hoán cải và thanh luyện là dấu hiệu của lòng can đảm và sức mạnh chứ không phải của sự yếu đuối. Về điều này, ĐTC khuyến khích phong trào trao quyền cho người trẻ để họ có không gian cho những sáng kiến và chia sẻ. Đồng thời, họ cũng cần dấn thân vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị và lao động với sự phân định dựa trên các tiêu chuẩn về sinh thái toàn diện và tình huynh đệ.
Điều thứ hai là gieo hạt giống mới. Đức Thánh Cha nhận xét rằng, đây không phải là thời điểm để thu hoạch nhưng là để gieo hạt. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khó khăn với đại dịch và chiến tranh, tạo nên một bầu khí xã hội đen tối và bi quan. Vì vậy ngài mời gọi các thành viên của phong trào công nhân Kitô giáo trở thành những người gieo hạt giống hy vọng, bắt đầu từ mình và sau đó làm lan rộng sang những người khác.
Đặc biệt, với sứ mạng của phong trào, Đức Thánh Cha khuyến khích các thành viên giúp cải thiện điều kiện làm việc và xoá bỏ sự bất bình đẳng xã hội trong môi trường làm việc, mà đôi khi vẫn còn những hình thức nô lệ và bóc lột. Những người nghèo là những người chịu thiệt thòi hơn cả trong các điều kiện làm việc. họ khó tìm được việc làm hoặc bị trả lương thấp, và làm việc trong môi trường căng thẳng. Vì vậy, phong trào trở thành men trong bột, men của công lý và liên đới, để cải thiện cơ cấu xã hội của đất nước.
Nhắc đến dụ ngôn trong Tin Mừng nói về những người thợ được gọi làm việc vào những giờ khác nhau và người vào làm giờ thứ mười một cũng được trả lương xứng đáng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Không ai phải bị cảm thấy bị loại trừ khỏi thế giới công việc.” Nhưng ngược lại, mọi người, đặc biệt là những người trẻ, cần được khuyến khích tham gia vào công việc, với các hợp đồng xứng phẩm giá, để họ có thời gian cho gia đình, cho các hoạt động tình nguyện và các mối tương quan trong cuộc sống. (CSR_5261_2022).
Văn Yên, SJ - Vatican News