Bác sĩ Denis Mukwege được biết đến là người đã dành cả cuộc đời để hỗ trợ các phụ nữ ở Congo. Cụ thể ông đã tạo dựng Bệnh viện Panzi ở Bukavu, để điều trị và chăm sóc các nạn nhân bị hãm hiếp trong chiến tranh. Năm 2018 ông đã được nhận giải Nobel Hòa bình vì những cống hiến nhân đạo này. Trong những ngày này ông đang ở Roma để giới thiệu về công việc và tổ chức ông đang thực hiện.
Sau buổi tiếp kiến, bác sĩ Denis Mukwege nói với Vatican News: “Cuộc viếng thăm này đối với tôi là một ân sủng đặc biệt, một vinh dự được gặp một con người của đức tin, hòa bình, hoạt động vì hòa bình, công lý và hòa nhập trên toàn thế giới và trong bối cảnh cụ thể của ngày nay với nhiều khủng hoảng. Vì vậy, chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Congo của Đức Thánh Cha là một tín hiệu mạnh mẽ. Thực tế, chuyến viếng thăm này hoàn toàn cho thấy sự hy vọng và tình liên đới mà Đức Thánh Cha thể hiện đối với dân tộc chúng tôi, một dân tộc đã bị thương tích trong hơn 25 năm”.
Ông cho rằng những gì mọi người mong đợi là sự hiện diện của Đức Thánh Cha có thể góp phần nâng cao nhận thức của dư luận thế giới về thảm kịch mà người Congo đang phải trải qua. Ông cũng hy vọng rằng qua cầu nguyện và lời kêu gọi Đức Thánh Cha có thể giúp chấm dứt thảm kịch này.
Theo ông, Giáo Hội có một vai trò rất quan trọng và ông tin rằng lời ngôn sứ của Giáo Hội có thể tạo ra một sự khác biệt rất lớn. Một Giáo hội im lặng khi con người đau khổ là một Giáo hội không còn ở đúng vị trí. Và vì thế ông cho rằng vai trò quan trọng nhất của Giáo hội là đau khổ với người đau khổ. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một phần của lý luận này để cùng chịu đau khổ với những người dân Congo đang đau khổ. Và do đó, tiếng nói ngôn sứ của Giáo hội hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn”.
Về câu hỏi liên quan đến phụ nữ, bác sĩ Mukwege nhấn mạnh rằng, ngày này phụ nữ vẫn còn bị đối xử bất công. Đây là lý do tại sao ông và các cộng tác viên yêu cầu báo chí quốc tế phải nói nhiều về vấn đề này. Bệnh viện Panzi do ông thành lập cố gắng làm việc để các hoạt động chăm sóc y tế có thể tiến xa hơn. Bệnh viện cố gắng đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến gần hơn với bệnh nhân. Cụ thể, trung tâm y tế đang trong quá trình nhân rộng các trung tâm chăm sóc được gọi là “trung tâm một cửa”, cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện, ở mọi cấp độ y tế-phẫu thuật, tâm lý, cũng như kinh tế - xã hội và pháp lý.
Ngọc Yến - Vatican News