TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm B

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”. (Ga 12, 20-33)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Gia đình là một cộng đoàn sống và LBTM

Thứ năm - 23/09/2021 19:53 | Tác giả bài viết: Gioan Lê Quang Vinh |   623
Khi nói đến “cộng đoàn loan báo Tin Mừng”, người ta nghĩ ngay đến một Hội Thừa sai hay một dòng tu, hay ít ra cũng là một hội đoàn trong giáo xứ.
Gia đình là một cộng đoàn sống và LBTM

GIA ĐÌNH LÀ MỘT CỘNG ĐOÀN SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG

WHĐ (23.9.2021) - Khi nói đến “cộng đoàn loan báo Tin Mừng”, người ta nghĩ ngay đến một Hội Thừa sai hay một dòng tu, hay ít ra cũng là một hội đoàn trong giáo xứ. Thế nhưng, tế bào của Hội Thánh là gia đình cũng mang trong mình ơn gọi truyền giáo theo lệnh truyền của Đức Giêsu, đặc biệt trong thời đại này.

Tại sao thế? Câu trả lời thật đơn giản: bởi vì Thánh Công Đồng chung Vatican đã xác định “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Sắc lệnh Ad Gentes 2), mà gia đình là “Hội Thánh thu nhỏ, Hội Thánh tại gia” nên gia đình cũng mang sứ mạng cao quý ấy.

Hội nghị của Ủy Ban Gia đình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2017 đã xác định chủ đề cho lược đồ gia đình là “Gia đình Việt Nam sống và loan báo Tin Mừng”. Vậy gia đình loan báo Tin Mừng hay truyền giáo như thế nào?

I. GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH TẠI GIA

Thánh Công Đồng chung Vaticanô đã gọi gia đình là một Giáo Hội tại gia hay Giáo Hội thu nhỏ (Ecclesia domestica, Hiến chế Lumen Gentium 11). Trong Tông huấn Gia Đình Familaris Consortio, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại chân lý này, và ngài giải thích: “Chính Mẹ Hội Thánh sinh ra, giáo dục, xây dựng gia đình Kitô hữu, bằng cách thực hiện cho gia đình sứ mạng mà Hội Thánh đã nhận được từ nơi Chúa của mình” (FC số 49).

Truyền thống Hội Thánh cũng đã xác tín điều đó qua dòng thời gian từ thời các giáo phụ. Chính Thánh Augustinô cũng đã viết: “Gia đình nhỏ của anh chị em là Hội Thánh thu nhỏ của Chúa Kitô”.

Hội Thánh tại gia là Hội Thánh trong một ngôi nhà, một gia đình, nhỏ về số lượng, nhưng Hội Thánh tại gia ấy lại có đầy đủ (chứ không hề nhỏ hay thiếu) vai trò và sứ mạng mà Chúa Kitô, Đấng sáng lập và là đầu của Hội Thánh, đã trao phó. Hội Thánh tại gia cũng là cộng đoàn dân Chúa, thi hành các vai trò vương đế, tư tế và ngôn sứ như Thánh Phêrô đã viết: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng Tư Tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Phêrô 2,9).

Như thế, gia đình là Hội Thánh tại gia vì gia đình cũng như Mẹ Hội Thánh, là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, cộng đoàn yêu thương, hiệp thông, cộng đoàn phục vụ “loan truyền kỳ công của Thiên Chúa”.

Với những vai trò và sứ mạng ấy, gia đình chính là Hội Thánh tại gia như Giáo Hội đã truyền dạy.

II. GIA ĐÌNH VỚI SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Trong khi đi rao giảng, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi đến các làng mạc để giảng dạy. Trước khi về Trời, Người truyền cho các Tông đồ cũng là truyền cho Hội Thánh: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19).

Lệnh truyền ấy đã làm nên bản chất của Hội Thánh như Thánh Công Đồng Vaticanô xác quyết trong Sắc Lệnh Truyền Giáo Ad Gentes. Và gia đình là Hội Thánh thu nhỏ cũng mang trong mình sứ mạng của Mẹ Hội Thánh. Trong gia đình, Chúa Giêsu Phục sinh luôn hiện diện nhiệm mầu, và gia đình phải làm lan tỏa ơn Phục Sinh cho mọi người chung quanh.

Trong Tông huấn Gia đình Familiaris Consortio, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Cả đức tin và sứ mạng Phúc Âm hóa của gia đình Kitô hữu cũng có cái hơi thở thừa sai Công giáo như thế. Khi Bí tích Hôn Phối lấy lại và nêu lên một lần nữa bổn phận đã ăn rễ từ trong Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức là phải bảo vệ và truyền bá đức tin, Bí tích ấy biến đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu thành chứng nhân của Đức Kitô “cho đến tận cùng trái đất”, thành những vị “thừa sai” đích thực của tình yêu và sự sống” (số 54)

Việc truyền giáo trong gia đình được thực hiện trước hết do những bậc cha mẹ, và con cái cũng có sứ mạng của mình.

1. Người lớn là những nhà truyền giáo

Trong Thánh Gia Nagiaret, Đức Maria là nhà truyền giáo đầu tiên, khi Mẹ “vội vã lên đường đi thăm người chị họ Elizabeth”. Khi Mẹ đem Tin Mừng đến cho gia đình bà Elizabeth thì “hài nhi nhảy mừng trong lòng bà”.

Đức Mẹ cũng là môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.Tông huấn “Dạy Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta” (Catechesi Tradendae) của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1979 viết: “Còn Mẹ lại là môn đệ đầu tiên của Chúa. Mẹ là môn đệ đầu tiên trong thời gian, bởi vì ngay cả khi Mẹ tìm thấy người con còn niên thiếu của Mẹ trong đền thờ Mẹ đã học được của Người bài học mà Mẹ giữ kín trong lòng”.

Môn đệ của Chúa và nhà truyền giáo là một sứ vụ. Gia đình là Hội Thánh thu nhỏ thì gia đình phải noi gương Mẹ, làm môn đệ say mê với sứ mạng truyền giáo mà Chúa đã trao cho mình.

Cha mẹ phải là nhà truyền giáo đầu tiên và trước hết truyền giáo cho chính con cái mình. Công Đồng dạy: “Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ làm nhân chứng bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa (Hiến chế Giáo Hội, Lumen Gentium 11).

Gia đình là Hội Thánh tại gia vì gia đình là trường dạy đức tin đầu tiên cho con cái. Trong gia đình, có hình ảnh nào đẹp bằng hình ảnh người mẹ cầm tay đứa con bé bỏng tập cho con làm Dấu Thánh Giá tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa? Có hình ảnh nào thật dễ thương và ý nghĩa bằng hình ảnh gia đình quây quần trước bàn thờ Chúa trong gia đình, cùng dâng lời cầu nguyện chúc tụng tạ ơn Chúa cuối ngày? Những bài học vỡ lòng sống động ấy sẽ đi theo con mình như một kỷ niệm đầy tình yêu đúng nghĩa.

Thánh Công Đồng đã nhấn mạnh vai trò giáo dục đức tin của cha mẹ như sau: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được” (Tuyên ngôn Giáo dục Công giáo Gravissimum Educationis 3).

Cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên cho con cái mình. Mà giáo lý viên là ai? Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giáo lý viên là những người bảo vệ và nuôi dưỡng ký ức về Thiên Chúa; bảo tồn ký ức ấy nơi chính mình và biết khơi dậy ý thức ấy nơi người khác”.

Chính cha mẹ lưu giữ truyền thống đức tin gia đình, nuôi dưỡng ký ức về Thiên Chúa và làm cho con cái mình đến lượt chúng cũng là giáo lý viên cho các thế hệ mai sau.

Nhưng người tín hữu giáo dân không chỉ có nghĩa vụ loan báo Tin Mừng trong gia đình mình, mà còn cho những người chung quanh và mọi người “ở khắp thế gian”, nghĩa là bất cứ ở môi trường nào mình đến.

Người lớn lưu giữ và bảo tồn ký ức về Thiên Chúa và đã khơi lên ký ức ấy nơi con cái mình, và dĩ nhiên họ cũng phải khơi lên nơi mọi người nữa. Con số phần trăm Kitô hữu nhỏ bé trên quê hương chúng ta chắc chắn cũng làm cho chúng ta suy nghĩ và nhiều khi phải ưu tư. Trách nhiệm Phúc Âm hóa anh chị em mình không phải của riêng các vị mục tử.

Sắc lệnh Truyền Giáo Ad Gentes của Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: “Mọi Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải lấy gương mẫu đời sống và chứng tá lời nói để biểu dương con người mới mà họ đã mặc lấy nhờ phép Rửa, và biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà họ đã được củng cố nhờ phép Thêm Sức, để những người khác nhìn thấy những việc lành của họ mà ngợi khen Chúa Cha, cùng nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa đích thực của đời sống con người và mối dây liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại” (số 11).

Người tín hữu giáo dân có môi trường sống giữa thế gian, dễ dàng gặp gỡ và đối thoại với anh chị em không Công giáo. Như thế chúng ta có nhiều thuận lợi hơn hàng giáo sĩ và tu sĩ về môi trường truyền giáo. Làm sao để ý thức chúng ta lớn mạnh đủ và lòng yêu mến Chúa Giêsu sâu xa đủ để chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác là điều chúng ta phải khắc khoải và ưu tư trong cuộc đời mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Truyền giáo không phải là chiêu dụ người khác gia nhập Đạo. Truyền giáo là lòng say mê yêu Chúa Giêsu và yêu mến dân của Người”. Khi nào lòng yêu mến Chúa nơi chúng ta cháy bùng lên thì những rào cản, những ngần ngại sẽ bị thiêu cháy đi.

2. Trẻ em truyền giáo

Trong hàng ngũ môn đệ Chúa Giêsu không có trẻ em. Khi Chúa truyền lệnh lên đường loan báo Tin Mừng cũng không thấy trẻ em xuất hiện. Nhưng trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19,14).

Trẻ em có một chỗ đứng đặc biệt trong Nước Trời, trong lòng Hội Thánh, do đó trẻ em cũng mang sứ mạng truyền giáo. Các em loan báo Tin Mừng trước hết bằng một tình yêu vô vị lợi các em dành cho Hội Thánh và cho con người chung quanh. Các em cũng loan báo Tin Mừng bằng sự ngây thơ trong sáng và khiêm hạ của mình.

Tại sao loan báo Tin Mừng cần lòng khiêm tốn đơn sơ như trẻ nhỏ? Trong một bài giảng tại nhà nguyện thánh Martha, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Bởi vì chúng ta mang trong mình và ra đi loan báo sự khiêm nhường và thứ vinh quang rất khiêm nhường”. Ngài giải thích thêm: “Việc loan báo Tin Mừng gặp phải nhiều cám dỗ. Đó là cám dỗ của quyền lực, cám dỗ của sự tự hào kiêu hãnh, cám dỗ của thế gian”. May thay, trẻ em đơn sơ chưa vướng phải những cám dỗ ấy.

Như thế trẻ em rất thích hợp cho sứ mạng mà Chúa trao phó cho Giáo Hội. Làm cha mẹ trong gia đình, người lớn có trách nhiệm nhắc nhở con cái mình về vai trò và sứ mạng này, để các em thật sự loan báo Tin Mừng bằng đời sống gương mẫu của mình.

Cha mẹ giúp con cái sống Đạo. Và đến lượt mình, con cái cũng góp phần giúp cha mẹ sống đức tin. Nói cách khác, con cái có thể tái Phúc Âm hóa cho chính cha mẹ mình, trước hết bằng lời cầu nguyện và cũng bằng thái độ sống thân tình với Chúa Giêsu nữa.

Khi ra ngoài xã hội, trẻ em cũng có bổn phận Phúc Âm hóa bạn bè cùng tuổi của mình. Những người có trách nhiệm nuôi và dạy các em cần thổi vào tâm hồn ý thức loan báo Tin Mừng. Cung cách sống, cách cư xử, lòng vị tha, sự trung thực, sự can đảm làm chứng cho đức tin... đều là những nhân tố ảnh hưởng đến người chung quanh, giúp họ nhận ra Đấng mà các em tin thờ.

Do đó, các em cần được chuẩn bị, được huấn luyện đức tin và lòng nhiệt thành truyền giáo. Bổn phận cha mẹ được Tông huấn Familiaris Consortio nói rõ: “Các gia đình Kitô hữu còn góp một phần đặc thù cho công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, bằng cách vun trồng các ơn gọi thừa sai nơi các con trai, con gái của họ, và tổng quát hơn, bằng công việc “dạy cho con cái ngay từ khi còn thơ ấu biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người”. (số 54)

III. VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ NHỎ TRONG VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

Việc truyền giáo là sứ mạng Chúa trao phó cho từng người, nhưng là sứ mạng chung của Hội Thánh và được thực hiện trong cộng đoàn Hội Thánh. Trong mấy thập niên gần đây, Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội tại Á châu, đẩy mạnh phong trào Cộng Đoàn Kitô Nhỏ (CĐKN). Đó một loại cộng đồng xã hội cơ bản quy tụ các thành viên lại với nhau và họ có thể diễn tả mối tương quan liên vị thực sự và cảm nhận mình thuộc về một cộng đoàn, để sống đức tin và loan báo Tin Mừng ngay trong môi trường sống của mình.

Giáo Hội rất quan tâm đến phương thức sống đạo trong các cộng đoàn nhỏ. Trong Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết:

“Có một hiện tượng phát triển nhanh chóng nơi các Giáo Hội trẻ trung -một hiện tượng đôi khi được các vị Giám Mục và Hội Đồng Giám Mục của các vị cho là một ưu tiên mục vụ -đó là hiện tượng “các cộng đoàn giáo hội cơ bản” (cũng được gọi bằng các danh xưng khác nữa), những cộng đoàn đang chứng tỏ cho thấy là những trung tâm ích lợi cho việc đào tạo Kitô hữu cũng như việc dấn thân truyền giáo. Đây là những nhóm Kitô hữu, ở cấp độ gia đình hay trong một môi trường thu hẹp tương tự nào đó, họp nhau lại để nguyện cầu, đọc Thánh Kinh, học giáo lý và bàn luận về các vấn đề nhân bản cũng như giáo hội với ý hướng dấn thân hoạt động chung” (số 51)

Cách nay gần 40 năm, Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) tổ chức Hội nghị quốc tế về Truyền giáo tại Manila, Philippines tháng 12 năm 1979, trong đó các ngài đã một cuộc thảo luận về các Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản và các Thừa tác vụ địa phương. Trước đó hai năm, trong cuộc tọa đàm về các Thừa tác vụ trong Giáo hội của FABC tại Hongkong vào tháng 3 năm 1977, các Giám mục đã đề cập đến vấn đề phát triển các cộng đoàn Giáo Hội cơ bản hay CĐKN.

Để đẩy mạnh các CĐKN tại Á châu, FABC đã thành lập văn phòng AsIPA (Asia Integrated Pastoral Approach, Phương Pháp Tiếp Cận Mục Vụ Toàn Diện tại Á Châu) năm 1993. Chị Bibiana, thư ký văn phòng AsIPA cho biết: “FABC thành lập AsIPA như sự hiện diện mới của Hội Thánh tại châu Á và Đại hội AsIPA được tổ chức 3 năm một lần, gồm khoảng 13-15 nước tham dự. AsIPA quan tâm đến việc chia sẻ Lời Chúa, sinh hoạt CĐKN với tầm nhìn về Hội Thánh như Hội Thánh tham gia”.

Cha Michael Thinaratana Komkris, Giám đốc điều hành AsIPA Thái Lan nói: “AsIPA đưa ra những phương pháp mục vụ áp dụng tại châu Á. Trước đây phương pháp này ứng dụng tại châu Phi. Một trong những người sáng lập là cha Oswald, sau này là Giám Mục ở châu Phi. Năm 1990 ngài có đến châu Á giới thiệu chương trình này. Tất cả mọi thành phần dân Chúa phải tham gia vào sứ mạng này. Giáo Hội hiện diện theo đường lối mới”.

Và trong suốt 40 năm qua, Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã cổ võ cho CĐKN ở các quốc gia tại châu lục này. Và thực tế ở nhiều quốc gia, các CĐKN không những thúc đẩy các thành viên sống đức tin cá nhân, mà còn tích cực tham gia xây dựng cộng đoàn giáo xứ, xây dựng xã hội và làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc: “Những Cộng đoàn này là dấu sinh động trong Giáo Hội, là dụng cụ huấn luyện và truyền bá Tin Mừng” (số 51)

Chẳng hạn ở Ấn độ, hiện nay có hàng chục ngàn các CĐKN. Họ hăng say chia sẻ Lời Chúa và nhiệt tâm xây dựng cộng đồng cũng như loan báo Tin Mừng. Ông Joseph D'Souza ở Nagpur, Ấn độ, đã sinh hoạt CĐKN nhiều năm, tâm sự như sau:

“Qua sứ vụ này của tôi, Thiên Chúa ban cho tôi hiểu được rõ ràng hơn nhiều về chính tôi như một người truyền giáo và về vai trò của tôi là một người Công giáo đã lãnh Bí tích Rửa tội. Tôi tin chắc chắn rằng tất cả chúng ta là những nhà thừa sai và có vai trò rõ rệt trong công cuộc hiện thực hóa kế hoạch về Vương quốc của Thiên Chúa ở nơi Ngài đặt chúng ta vào”.

Cha Thomas Vijay Sac và nữ tu Agnes Chauramma Chawadi là những người phụ trách CĐKN ở Ấn Độ giải thích như sau:

“Nếu một số người cam kết sống Tin Mừng mà có những người khác không quan tâm thì sẽ có một hiệu ứng làm tê liệt ảnh hưởng đến cộng đồng và đến lòng nhiệt thành truyền giáo. CĐKN chứng tỏ rằng công việc truyền giáo của Giáo Hội chính xác là sứ mạng của cả cộng đoàn. Khi tất cả cộng đoàn cùng hợp tác thì công cuộc truyền giáo sẽ trở nên hữu hiệu và có sức hoán cải. Sứ mạng truyền giáo làm chứng cho Chúa Giêsu trong một khu xóm chỉ có thể được thực hiện do chính cộng đoàn tín hữu ở đó. Cùng nhau thực hiện sứ mạng của Chúa Giêsu trong khu xóm là cách duy nhất giúp họ có thể phát triển đức tin và tình yêu một cách chân thật nhất. CĐKN làm chứng về điều ấy”.

Tại Việt Nam, Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn đã tổ chức những buổi hội thảo, học hỏi về AsIPA và các CĐKN vào tháng 8 năm 2017 và mời Cha Michael (Thái Lan), Cha Arthur (Ấn độ) và chị Bibiana (Hàn quốc) hướng dẫn. Trong cuộc hội thảo Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã trình bày về một mô hình của Hội Thánh, Hội Thánh tham gia và hiệp thông.

Làn gió mới mà Chúa Thánh Thần đã thổi vào trong Hội Thánh tại Việt Nam đang thúc đẩy dân Chúa tham gia tích cực vào đời sống Đạo và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng.

IV. GIA ĐÌNH CỦA CÁC GIA ĐÌNH

Tòa nhà Hội Thánh được Thiên Chúa xây trên đá tảng Phêrô, các trụ cột Tông đồ và được lợp mái bằng Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh. Tòa nhà ấy mang đặc tính Công giáo, mang tầm nhìn về Vương Quốc của Thiên Chúa, đang mời gọi các con cái Chúa đang tản mác khắp nơi quay về trong mái nhà chung. Hội Thánh đã không ngừng mời gọi con cái tham gia vào đại cuộc Phúc Âm hóa, và Hội Thánh cũng chỉ cho con cái mình những phương thế hữu hiệu để sống và loan báo Tin Mừng. Và Hội Thánh cũng xác định rõ vai trò của gia đình cũng như nhóm gia đình trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Xin được dùng lời của Đức Hồng Y Ennio Antonelli, khi ngài trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 30 năm Tông Huấn Gia Đình Familiaris Consortio thay lời kết luận cho bài viết này:

“Có một điều nền tảng đó là các gia đình gặp gỡ nhau, trao đổi các kinh nghiệm, tạo thành các mạng lưới tình bạn, mạng lưới tu đức gia đình, mạng lưới trợ giúp nhau một cách cụ thể, kể cả việc ăn uống và chung vui với nhau. Thật là quan trọng khi các gia đình cùng nhau sống các kinh nghiệm cụ thể, không phải chỉ trong gia đình riêng rẽ, mà trong một “gia đình của các gia đình”.

Và dĩ nhiên, trong công việc gặp gỡ để sống và loan báo Tin Mừng ấy, các gia đình không thể vắng bóng Mẹ Maria. Trong Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater), Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Được kiên cường bởi việc Chúa Kitô hiện diện, Giáo Hội hành trình qua thời gian, tiến về tột đỉnh của các thời đại, để nghênh đón Chúa đến. Thế nhưng, trong cuộc hành trình này, Giáo Hội tiến bước theo con đường được vạch vẽ dấu chân của Trinh Nữ Maria (...) Tôi ký thác Giáo Hội, nhất là những ai đang dấn thân thực hiện mệnh lệnh truyền giáo trong thế giới hôm nay cho “vai trò trung gian của Đức Maria là vai trò hoàn toàn hướng về Chúa Kitô và hướng đến việc tỏ hiện quyền năng cứu độ của Người”.

Gioan Lê Quang Vinh
Trích
Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 104 (Tháng 01 & 02 năm 2018)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây