TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm C

“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”. (Ga 10, 27-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo hoàng được bầu như thế nào?

Thứ ba - 06/05/2025 09:21 | Tác giả bài viết: Vatican News |   53
Tông hiến Universi Dominici Gregis do Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22/2/1996 mô tả tỉ mỉ các chi tiết của việc bầu Giáo hoàng

Giáo hoàng được bầu như thế nào?

va060525k


Hơn 2 tuần sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời và sau 12 Phiên họp chung để thảo luận về các vấn đề của Giáo hội và thế giới, đặc biệt suy tư về chân dung một vị tân Giáo hoàng thích hợp và cần thiết cho Giáo hội và thế giới, cũng như qua thời gian cầu nguyện và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, vào chiều thứ Tư ngày 7/5/2025, một sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo hội sẽ bắt đầu khi 133 Hồng y cử tri sẽ bước vào Nhà nguyện Sistine để bắt đầu Mật nghị bầu chọn vị Giáo hoàng thứ 267.

Tông hiến Universi Dominici Gregis do Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22/2/1996 mô tả tỉ mỉ các chi tiết của việc bầu Giáo hoàng, từ cuộc bỏ phiếu của các Hồng y cử tri cho đến việc kiểm các phiếu sau đó được đốt trong lò gang từ năm 1939, tất cả các chi tiết về những gì diễn ra trong Nhà nguyện Sistine.

Phát phiếu

Trước hết là việc phát phiếu. Các vị trong ban nghi lễ của Giáo hoàng sẽ phân phát các phiếu đã được chuẩn bị cho các Hồng y cử tri, ít nhất là 2 hoặc 3 phiếu cho mỗi vị. Sau đó vị Hồng y phó tế cuối cùng sẽ rút thăm từ tên tất cả các Hồng y cử tri để chọn 3 vị kiểm phiếu, 3 vị phụ trách thu phiếu bầu của những Hồng y ốm đau và 3 vị kiểm soát lại. Nếu rút thăm trúng tên các Hồng y cử tri không thể thực hiện các nhiệm vụ này do bệnh tật hoặc lý do khác, sẽ có lần rút thăm lại để chọn tên các Hồng y khác thay thế. Đây là giai đoạn trước bỏ phiếu.

Nhưng trước khi các Hồng y cử tri bắt đầu viết phiếu bầu, thư ký của Hồng y đoàn, Trưởng Văn phòng Nghi lễ Phụng vụ của Giáo hoàng và các vị trong ban nghi lễ của Giáo hoàng phải rời khỏi Nhà nguyện Sistine. Vào thời điểm đó, vị Hồng y phó tế cuối cùng đóng cửa lại, cũng như mở và đóng cửa này khi cần thiết, ví dụ như khi các Hồng y đi ra ngoài để thu thập phiếu bầu của các Hồng y đau bệnh rồi quay trở lại Nhà nguyện.

Bỏ phiếu

Lá phiếu hình chữ nhật, ở nửa trên có dòng chữ “Eligo in Summum Pontificem” - Tôi chọn Giáo hoàng, và nửa trên có chỗ để viết tên người được bầu. Phiếu được làm theo cách để có thể gấp đôi lại được”. 

Mỗi Hồng y cử tri, theo thứ tự ưu tiên, sau khi viết tên của vị mình muốn chọn, sẽ gấp lá phiếu, giơ lên ​​cao sao cho dễ nhìn thấy và mang đến bàn thờ trên đó có đặt một chiếc hộp được đậy bằng một chiếc đĩa.

Mỗi Hồng y đọc to công thức “Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ phán xét tôi, làm chứng rằng lá phiếu của tôi được trao cho người mà theo Thiên Chúa, tôi cho là nên được bầu” và đặt lá phiếu của mình lên đĩa và bỏ vào hộp đựng. Cuối cùng, mỗi Hồng y cúi chào bàn thờ và trở về chỗ ngồi của mình.

Các Hồng y cử tri có mặt tại Nhà nguyện Sistine không thể đến bàn thờ vì đau ốm, sẽ có sự hỗ trợ của người kiểm phiếu cuối cùng: Sau khi tuyên thệ, Hồng y đau bệnh sẽ đưa lá phiếu đã gấp cho người kiểm phiếu và người này sẽ mang lá phiếu đến bàn thờ và đặt lá phiếu lên đĩa rồi bỏ vào hộp đựng.

Các Hồng y đau ốm bỏ phiếu như thế nào?

Nếu có Hồng y cử tri bị ốm và không thể đến Nhà nguyện Sistine, ba Hồng y có nhiệm vụ thu phiếu sẽ đến phòng của Hồng y bị bệnh và mang theo một số phiếu bầu trên một khay nhỏ và một hộp do các Hồng y kiểm phiếu trao cho. Chiếc hộp này trước đó được các Hồng y kiểm phiếu mở công khai để những Hồng y cử tri khác có thể thấy rằng hộp trống, sau đó khóa lại bằng chìa khóa được đặt trên bàn thờ; chiếc hộp có một lỗ ở phần trên để nhét lá phiếu đã gấp vào.

Ngay sau khi người bệnh bỏ phiếu - theo cách tương tự như các Hồng y khác - các Hồng y thu phiếu sẽ mang hộp phiếu trở lại Nhà nguyện Sistine, nơi sẽ được các Hồng y kiểm phiếu mở ra sau khi các Hồng y có mặt đã bỏ phiếu. Kiểm hết các lá phiếu trong hộp, sau khi xác định được số phiếu bằng với số phiếu của các Hồng y đau ốm, các Hồng y kiểm phiếu sẽ đặt từng lá phiếu vào đĩa và sau đó cho tất cả vào hộp đựng phiếu.

Kiểm phiếu

Sau khi tất cả các Hồng y cử tri đã đặt lá phiếu vào đĩa và bỏ vào hộp đựng phiếu, Hồng y kiểm phiếu đầu tiên sẽ lắc hộp đựng phiếu nhiều lần để trộn các lá phiếu, sau đó Hồng y kiểm phiếu cuối cùng sẽ tiến hành đếm phiếu bằng cách lấy từng lá phiếu ra khỏi hộp đựng phiếu và đặt vào một hộp rỗng khác. Nếu số phiếu không tương ứng với số cử tri thì phải đốt hết và phải tổ chức bỏ phiếu lại ngay; nếu số phiếu tương ứng thì sẽ tiến hành đếm phiếu.

Ba Hồng y kiểm phiếu ngồi vào một chiếc bàn đặt trước bàn thờ: vị đầu tiên cầm một lá phiếu, mở ra, xem tên người được bầu và chuyển phiếu cho vị thứ hai; vị này sau khi đã xác định tên người được bầu, sẽ chuyển phiếu cho vị thứ ba, và vị này sẽ đọc to phiếu bầu - để tất cả cử tri có mặt có thể đánh dấu phiếu bầu vào một tờ giấy được chuẩn bị sẵn - và ghi lại tên đã được đọc.

Trong quá trình kiểm phiếu, nếu vị kiểm phiếu phát hiện hai lá phiếu được gấp lại trông giống như được một cử tri điền vào, nếu chúng có cùng tên thì chúng được tính là một phiếu bầu duy nhất; nếu chúng mang hai tên khác nhau thì cả hai phiếu đều không có giá trị; nhưng trong cả hai trường hợp, cuộc bỏ phiếu đều không bị hủy bỏ. Sau khi việc kiểm phiếu hoàn tất, các vị kiểm phiếu sẽ cộng tổng số phiếu bầu theo các tên khác nhau và ghi chúng vào một tờ giấy riêng. Vị kiểm phiếu cuối cùng sẽ đọc từng lá phiếu một, dùng kim đâm vào điểm có chữ “Eligo” - tôi chọn - và xỏ chúng vào một sợi chỉ để có thể bảo quản chúng an toàn hơn. Khi các lá phiếu đã được kiểm, các đầu sợi chỉ được thắt nút, sau đó các lá phiếu được ghép lại với nhau và đặt vào hộp đựng hoặc sang một bên bàn. Và lúc này việc cộng phiếu và kiểm tra phiếu bầu được bắt đầu.

Số phiếu cần thiết để một vị được chọn làm Giáo hoàng

Để bầu được Giáo hoàng, cần có ít nhất 2/3 số phiếu bầu. Trong trường hợp cụ thể của Mật nghị Hồng y bắt đầu vào thứ Tư ngày 7/5/2025, bởi vì có 133 Hồng y cử tri, nên cần có ít nhất 89 phiếu bầu để chọn được Giáo hoàng.

Cho dù Giáo hoàng có được bầu hay không, các Hồng y kiểm phiếu vẫn phải tiến hành kiểm tra các lá phiếu và các ghi chú của các vị kiểm phiếu để đảm bảo rằng họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách chính xác và trung thực.

Ngay sau khi kiểm phiếu, trước khi các Hồng y cử tri rời khỏi Nhà nguyện Sistine, tất cả các lá phiếu đều được đốt bên trong một chiếc lò gang, được sử dụng lần đầu tiên trong Mật nghị Hồng y năm 1939. Những Hồng y kiểm phiếu sẽ thực hiện việc này, với sự giúp đỡ của thư ký của Hồng y đoàn và những vị trong ban nghi lễ Giáo hoàng đã được Hồng y phó tế cuối cùng triệu tập vào lúc đó.

Một chiếc bếp lò thứ hai, được xây dựng từ năm 2005, được kết nối, dùng để đốt các hóa chất tạo màu cho khói do các lá phiếu bị đốt cháy thoát ra từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine: khói màu đen nếu chưa bầu được Giáo hoàng và màu trắng nếu đã bầu được. Các lá phiếu được đốt một lần vào cuối buổi sáng sau hai lần bỏ phiếu, và một lần vào cuối buổi chiều cũng sau hai lần bỏ phiếu, trừ khi có kết quả sau lần bỏ phiếu đầu tiên vào buổi sáng hay buổi chiều.

Các lần bỏ phiếu

Việc bỏ phiếu diễn ra hàng ngày, 2 lần vào buổi sáng và 2 lần vào buổi chiều, trừ ngày đầu tiên, ngày 7/5/2025, chỉ có một lần vào ban chiều. Nếu các Hồng y cử tri gặp khó khăn trong việc đồng thuận về người được bầu, sau 3 ngày không có kết quả, các Hồng y kiểm phiếu sẽ cho ngưng việc bỏ phiếu, tối đa một ngày, để cầu nguyện, trò chuyện tự do giữa các cử tri và nghe lời khuyên thiêng liêng ngắn gọn của Hồng y trưởng đẳng phó tế. Sau đó, cuộc bỏ phiếu tiếp tục.

Sau bảy lần bỏ phiếu, nếu vẫn chưa bầu được Giáo hoàng, sẽ có một khoảng dừng nữa để cầu nguyện, thảo luận và nghe lời nhắn nhủ của vị Hồng y trưởng đẳng linh mục. Sau đó,  bảy lần bỏ phiếu khác được tiến hành, và nếu không đạt được kết quả, một thời gian tạm dừng mới để cầu nguyện, thảo luận, và lời khuyên được đưa ra bởi Hồng y trưởng đẳng Giám mục. Sau đó, cuộc bỏ phiếu tiếp tục, tối đa là bảy lần. Nếu vẫn chưa bầu được Giáo hoàng, sẽ có một ngày được dành cho việc cầu nguyện, suy tư và đối thoại, và trong các lần bỏ phiếu tiếp theo, các Hồng y sẽ phải lựa chọn giữa hai cái tên đã giành được số phiếu bầu cao nhất trong lần bỏ phiếu trước. Ngay cả trong những lần bỏ phiếu này, cần phải có đa số phiếu, đáp ứng điều kiện là ít nhất hai phần ba số phiếu của các Hồng y có mặt và bỏ phiếu; nhưng trong những vòng này, hai Hồng y được chọn không được bỏ phiếu.

Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây