HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN CÁC ĐẠI CHỦNG VIỆN NĂM 2022: ĐÚC KẾT THUYẾT TRÌNH VÀ THẢO LUẬN NGÀY THỨ IV
WHĐ (08.7.2022) – "Lạy Chúa, này con xin đến để thi thành thánh ý Chúa" (Dt 10, 7). Đó là tâm tình và ước nguyện của Hội Nghị muốn thưa lên cùng Thiên Chúa tình yêu trong ngày sống và làm việc mới này (07.7.2022). Trong bầu khí thiêng liêng, toàn thể Hội Nghị cùng chung lòng ca ngợi và chúc khen Chúa trong giờ Kinh Sáng và Thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Thánh Thể và xin ơn thánh hóa các linh mục.
“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng” (Mt 10, 9). Đó là ý tưởng chủ đạo cha Đaminh Phạm Văn Cầu đã dùng như một định hướng chủ đạo trong phần chia sẻ Lời Chúa. Cha giải thích rằng Đức Giêsu đã cho đi trọn vẹn cuộc đời khi bỏ trời cao đến trần gian sống và chết trên thập giá hầu mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Đức cha Lambert đã sống triệt để tâm niệm đời mình theo gương thầy chí Thánh Giêsu. Từ đó, linh mục và nữ tu cũng được mời gọi sống giá trị Tin mừng khi biết diễn tả khuôn mặt người cha và cả trái tim người mẹ cho mọi người. Đặc biệt, trong đào tạo linh mục, nhà đào tạo cần huấn luyện cho người Chủng sinh biết học cách sống cho đi.
Trong buổi sáng
Lúc 8g00, Hội Nghị tiếp tục học hỏi chủ đề về Đức cha Lambert qua những đề tài được trình bày. Như thường lệ, cha Giuse Nguyễn Văn Am giúp tham dự viên tóm lược các ý tưởng chìa khóa của các buổi thuyết trình và thảo luận hôm qua.
Với khả năng uyên thâm về Sử học và tài thuyết giảng thu hút, cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng đã làm cho cả hội trường im lặng lắng nghe. Với đề tài, “Thành lập hàng giáo phẩm tiếp nối tinh thần của ĐC Lambert.” Cha Phêrô dẫn độc giả theo xuôi theo dòng thời gian của lịch sử Giáo hội Việt Nam được chảy trong lịch sử xã hội Việt Nam giúp cho Hội Nghị hiểu được tính sống còn của Giáo hội non trẻ nhờ vào Hàng giáo sỹ bản xứ và Hàng giáo phẩm Việt Nam. Bài thuyết trình gồm 3 phần chính:
- Tổng quát dòng lịch sử Giáo hội Việt Nam
- Tiến trình thành lập Hàng giáo sỹ bản xứ Việt Nam
- Thiết lập Hàng giáo phẩm Việt Nam
Sau 10 phút giải lao, cha Đaminh Ngô Quang Tuyên trình bày đề tài thứ 2 về “Hoạt động loan báo “Đức Giêsu chịu đóng đinh” của Đức cha Lambert. Nội dung gồm 4 phần:
- Thông truyền tình yêu của Thiên Chúa: Một nhiệm vụ cấp bách
- Thiên Chúa là tình yêu, là sự thông truyền tình yêu
- Các mốc ngày tháng và các sự kiện truyền giáo quan trọng
- Các hoạt động loan báo Đức Kitô chịu đóng đinh theo Đức cha Lambert
Bốn phần có một sự xuyên suốt làm nổi bật tính cấp thiết phải loan truyền Thiên Chúa tình yêu mà Đức cha Lambert như một mẫu gương được thôi thúc khai đường mở lối thực hiện sứ mạng loan báo Đức Kitô chịu đóng đinh cho anh chị em. Tuy nhiên, vì lượng thời gian có hạn, cha Đaminh chỉ xoay quanh phần 4 dẫn tham dự viên vào tâm điểm của linh đạo truyền giáo dựa trên nền tảng Tin Mừng. Từ điểm nhấn này, Hội Nghị được học hiểu lý tưởng truyền giáo của Đức cha Lambert. Tác giả cho thấy Đức cha Lambert chính là ngọn lửa truyền giáo lan tỏa sang môn đệ truyền giáo và làm mới lại tình đầu với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Dùng một cách nói khác cho thấy “Đức cha Lambert người tông đồ tự đồng hóa mình với Đức Kitô để tiếp nối và hoàn tất sứ mạng cứu rỗi của Người; người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Cứu Thế.” Điểm nổi bật của Đức cha Lambert là đức vâng lời - thực hiện đúng chỉ thị của Tòa Thánh. Ngài định hướng truyền giáo vào trung tâm điểm đời sống của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Bởi thế, theo Đức cha Lambert, hoạt động truyền giáo hữu hiệu chính là cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể - mở tâm hồn cho Chúa Thánh Thần hoạt động.
Cũng trong buổi sáng, Nữ Tu Maria Fiat Trần Thị Tuyết Mai tiếp tục giúp tham dự viên hiểu sâu về những khao khát của Đức cha Lambert trong những cách thức năng động của việc rao giảng Tin Mừng với đề tài “Hoạt động truyền giáo của các Hiệp hội Mến Thánh Giá.” Nội dung bài thuyết trình, ngoài phần dẫn nhập và kết luận, được chia thành 3 phần:
- Các tổ chức Mến Thánh Giá liên kết: Hội Tông Đồ, Hội Tín hữu Mến Thánh Giá và Nữ Tu Mến Thánh Giá.
- Những nguyên lý nền tảng cho hoạt động truyền giáo: Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu.
- Các qui định tông đồ cụ thể cho từng tổ chức Mến Thánh Giá.
Với ba điểm nhấn, thuyết trình viên cho Hội Nghị xác tín rằng linh đạo Mến Thánh Giá dành cho mọi tín hữu bao gồm Giám mục, linh mục, thừa sai, tu sĩ; mọi tín hữu và Nữ Tu Mến Thánh Giá; bởi lẽ, Đức Kitô chịu đóng đinh là nguồn sống, nguồn ơn cứu độ cho mọi người, và dự án quy tụ Những Người Mến Thánh Giá nhằm góp phần cải tổ, canh tân công cuộc truyền giáo. Thuyết trình viên đã dành giờ làm rõ mối tương quan nội tại của Hội Tông Đồ, Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá và Nữ Tu Mến Thánh Giá. Phần quan trọng Sơ Maria muốn Hội Nghị nắm bắt chính là ý nghĩa then chốt về “sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu như lý do hiện hữu của các tổ chức Mến Thánh Giá”: Chính Chúa Giêsu tiếp tục sứ mạng cứu độ nơi thân thể mầu nhiệm của Người là mỗi tín hữu. Sơ rất say sưa đọc chính các lời tâm huyết của Đức cha Lambert để truyền cảm hứng cho Hội nghị.
Vào buổi chiều
Lúc 14g30, bầu khí Hội Nghị được tiếp tục sống dậy vào giờ thảo luận và đúc kết của các nhóm. Câu hỏi được Ban Tổ Chức gợi ra: “Tiếp nối tinh thần truyền giáo của Đức cha Lambert, cha có thao thức gì để đào tạo các linh mục tương lai ra đi loan báo Tin Mừng trong bối cảnh tại VN (7 triệu công giáo / 97 triệu dân số = 7%)?”
Sau đây là các bài đúc kết thuyết trình và thảo luận của ngày làm việc thứ III của Hội nghị do cha Giuse Nguyễn Văn Am SDB, Thư ký Hội nghị thực hiện.
Đúc kết thuyết trình và thảo luận đề tài 5:
THÀNH LẬP HÀNG GIÁO PHẨM
TIẾP NỐI TINH THẦN CỦA ĐỨC CHA LAMBERT
Đây là một bài mang tính lịch sử về những đóng góp của Đức cha Lambert vào việc xây dựng Hàng Giáo sĩ tại Việt Nam để hướng tới thiết lập Hàng Giáo phẩm tại Việt Nam.
Tác giả Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng cho thấy khởi đi từ cha Đắc Lộ. Ngài không chỉ cống hiến cho Dân tộc Việt Nam chữ Quốc ngữ mà còn mang đến cho Giáo hội tại Việt Nam một hướng hội nhập vào cuộc sống và định mệnh của Dân tộc, bất chấp những khó khăn bách hại. Từ kinh nghiệm tại Nhật Bản và Macau, ngài hết sức vận động để định hướng “dân tộc Việt Nam truyền giáo cho dân tộc Việt Nam” được hiện thực, vì đó là cách thức duy nhất để Giáo hội được tồn tại nơi Á châu. Qua hội Thầy giảng, cha Đắc Lộ minh chứng trực giác mục vụ của ngài là chính đáng. Ngài đã “một lòng gắn bó” với Giáo hội tại Việt Nam, dẫu rằng ngài không thể được ở lại nơi đây.
Và mảnh đất ấy có thể nói sửa soạn cho những công trình của Đức cha Lambert. Ngài không đi một mình. Ngài hưởng nhận những kinh nghiệm mục vụ, truyền giáo của những người đi trước. Ngài không phá đổ mọi thứ, rồi xây dựng; nhưng ngài xây dựng Toà Nhà trên những công nghiệp của các môn đệ truyền giáo đi trước.
Như vậy, ta đến phần chính của bài viết. Khi được phong Giám mục, Đức cha Lambert cũng nhận được Chỉ thị phải thiết lập Hàng Giáo sĩ địa phương. Ngài gặp nhiều khó khăn nhưng chu toàn sứ mạng triệt để. Khi kinh lý Đàng Trong lần thứ hai (1675-1676), ngày 21.03.1676, ngài ban tác vụ linh mục cho thầy Louis Doan (68 tuổi); ngày 18.07.1677, thầy Philipphê Trà và Dominicô Hảo được thụ phong linh mục từ tay Đức cha Lambert. Họ là những linh mục cuối cùng được thụ phong do cha Lambert. “Ngài đã truyền chức cho 15 linh mục Việt Nam, gồm 11 vị Đàng Ngoài và 4 vị Đàng Trong”. Như thế, Đức cha Lambert là “Ông Tổ thiết lập Hàng Giáo sĩ bản xứ Việt Nam. Rồi ngài còn tổ chức Công nghị Phố hiến ngày 14.02.1670, Công nghị Hội An ngày 15.01.1672, với những nghị quyết liên quan đến việc nhận Thánh Giuse làm Bổn mạng của Giáo hội Việt Nam, đào tạo hàng Giáo sĩ bản xứ, lập Dòng Mến Thánh Giá. Tuy nhiên điểm thú vị ta ghi nhận là ngài xây dựng sự bền vững của Hàng Giáo sĩ từ địa phương, từ bên dưới. Vì vậy, ngài thiết lập tổ chức Nhà Đức Chúa Trời. “mỗi giáo xứ ổn định thường có một ‘Tiểu Chủng Viện’ để ươm trồng ơn gọi. Ngài không đi theo hướng “nhập cảng ơn gọi” vốn dễ bị thúc đẩy bởi tính chất hiệu quả lập tức. Bằng cách đó, nền tảng vững chắc cho Giáo hội tại Việt Nam đã được thiết lập. Từ đây, linh mục và tu sĩ không thiếu trong Giáo hội tại Việt Nam ngay cả trong thời bách hại.
Cho dù Đức cha Lambert luôn mang canh cánh trong lòng chỉ dẫn và mệnh lệnh của Toà thánh về việc thiết lập Hàng Giáo phẩm. Tuy nhiên, việc phong chức Giám mục cho người bản xứ để tiến việc thiết lập Hàng Giáo phẩm tại Việt Nam ngài chưa thực hiện được. Phải đợi một quãng thời gian rất dài, gần 300 năm (1659-1960). Tất cả chỉ được hiện thực mãi cho tới thế kỷ XX, khi Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng được thụ phong Giám mục ngày 11.06.1933 tại Rôma.
Như vậy, những khao khát của Đức cha Lambert và Pallu về việc thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vẫn chưa được trọn vẹn, vì các ngài khuất bóng trước khi thấy được vị Giám mục đầu tiên của Việt Nam. Và mãi tới 24.11.1960, với Tông sắc Venerabilium Nostrorum của Đức Gioan XXIII, Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập. Ước nguyện của Đức cha Lambert được toại nguyện dẫu không có ngài hiện diện.
Có câu hát dân gian quen thuộc, “Hà Nội không vội được đâu”. Có lẽ phần nào ta cũng nói “trong Giáo hội không vội được đâu”. Vì sao? Hà Nội không vội vì những tính toán thuần nhân. Nhưng Giáo hội không vội vì là thực tại của một cây trổ sinh. Chẳng có cây nào trong một ngày biến thành cây cổ thụ. Giáo hội là cây nho, cây Oliu của Thiên Chúa cũng từ từ tăng trưởng. Qua đó, ta thấy rõ ràng chính Thiên hướng dẫn Giáo hội, chứ không phải những con người và dự phóng của họ. Chắc chắn, các vị mục tử với lòng yêu mến Giáo hội thiết tha vẫn phải luôn có những ao ước, giấc mơ lớn lao cho các Giáo hội non trẻ. Các ngài vẫn phải có những dự phóng và kế hoạch để hiện thực chúng. Thế nhưng, vai chính vẫn là và chỉ là Thánh Thần của Thiên Chúa. Đọc lịch sử về Đức cha Lambert với Giáo hội tại Việt Nam chúng ta đều thấy như thế. Nhưng chúng ta thấy những thành tựu ấy đã được đặt nền vững chắc qua tôi tớ của Thiên Chúa là Đức cha Lambert. Giáo hội Việt Nam hết lòng tri ân ngài và tạ ơn Thiên Chúa đã ban ngài cho chúng ta.
Đúc kết thuyết trình và thảo luận đề tài 6:
HOẠT ĐỘNG LOAN BÁO
ĐỨC GIÊSU-KITÔ-CHỊU-ĐÓNG-ĐINH CỦA ĐỨC CHA LAMBERT
Bài thuyết trình có tựa đề “các hoạt động loan báo Đức Kitô chịu đóng đinh theo Đức cha Pierre Lambert de La Motte”. Trong đó, tác giả Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên đề cập đến bốn phần khác: (1) Thông truyền tình yêu của Thiên Chúa: một nhiệm vụ cấp bách; (2) Thiên Chúa là tình yêu, là sự thông truyền tình yêu; (3) Các mốc ngày tháng và các sự kiện truyền giáo quan trọng; (4) hoạt động loan báo Đức Kitô chịu đóng đinh theo Đức cha Lambert de La Motte. Nếu tinh ý, độc giả sẽ thấy rằng tựa đề của bài viết và phần 4 này giống nhau. Và tác giả cũng chỉ trình bày phần 4 này mà thôi.
Với tựa đề của phần IV “các hoạt động loan báo Đức Kitô chịu đóng đinh theo Đức cha Lambert de la Motte”, độc giả có lẽ mong đợi tác giả sẽ cho biết những hoạt động truyền giáo của cha Lambert diễn tiến ra sao và với phong cách nào. Thế nhưng ta lại bắt gặp những điều ngoài mong đợi: (1) linh đạo truyền giáo theo Giáo hội; (2) lý tưởng truyền giáo theo Đức cha Lambert; (3) tính hiện đại trong quan niệm truyền giáo của Đức cha Lambert mà trong phần này tác giả chủ yếu đặt song song những lời của Đức cha Lambert với những hướng dẫn thiêng liêng và mục vụ của Đức thánh Gioan Phaolô II. Như thế, rõ ràng tác giả không trình bày hoạt động cho bằng trình bày linh đạo truyền giáo của Đức cha Lambert.
Vậy ta phải hỏi đâu là những nét đặc trưng của linh đạo truyền giáo Mến Thánh Giá theo Đức cha Lambert. Đọc những gì tác giả viết, ta thấy trồi hiện lên những điều sau:
1. Linh đạo này đặt vai trò tối thượng của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa làm công việc sai phái; chính ngài hướng dẫn mọi sự. Trong truyền giáo, chính Thánh Thần là vai chính, bởi lẽ chỉ có một sứ mệnh/sự sai phái mà thôi. Chúa Cha sai Chúa Con và Chúa Con sai các tín hữu trong quyền năng Thánh Thần. Và Thánh Thần hoán cải lòng người để chỉ nhìn về Đức Kitô chịu đóng đinh mà thôi. Truyền giáo được hiểu như mời gọi mọi người khẩn cấp nhìn lên Đấng chịu đóng đinh để được hạnh phúc sung mãn và tròn đầy. Chính điều này làm cho Đức cha Lambert không hề cậy dựa vào tiền bạc, thông thái hay quyền lực của vua chúa. “Không có Thiên Chúa, không có Chúa Thánh Thần người môn đệ truyền giáo không thể chống đỡ trước những lôi cuốn phù phiếm.” Nhất là “trong công việc này [truyền giáo] cần phải hoàn toàn từ bỏ mình, phải cam đoan với Thiên Chúa rằng mình chỉ muốn làm theo lệnh của Ngài, và việc người ta trở lại đạo là hoàn toàn do Ngài.”
2. Linh đạo truyền giáo của Đức cha Lambert tiếp tục niềm đam mê của Giáo hội dành cho Đức Kitô. Giáo hội trong khát vọng sâu thẳm nhất của mình chỉ muốn thuộc trọn về Đức Kitô mà thôi. Giáo hội chỉ thốt lên “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến”. Như vậy, linh đạo truyền giáo mà vị Mục tử Lambert thấm nhiễm bắt nguồn từ mối tình đầu dành cho Đức Giêsu chịu đóng đinh, là “đối tượng duy nhất” của cuộc đời tín hữu Mến Thánh Giá. Chính trong mối tình đam mê này được biểu lộ trong sự vâng phục Giáo hội. Không thể là một nhà truyền giáo Mến Thánh Giá mà lại không sống đời vâng phục. Điều đó ngược hẳn lại với chính mình. Đức cha Lambert nói “chỉ muốn sống chết và làm việc cho Giáo hội, hoàn toàn vâng phục Đức Thánh cha.” Đức cha Lambert xác tín rõ “Đức Giêsu cứu chuộc nhờ vâng phục”, “Đức Giêsu chịu đóng đinh” mới chiến thắng. Chính vì thế, Đức cha Lambert luôn tiến bước dưới những chỉ thị của Toà thánh.
3. Linh đạo truyền giáo của Đức cha Lambert tập trung vào Đức Giêsu chịu đóng đinh được Giáo hội không ngừng chiêm ngắm từ lúc Ngài được nâng cao. Nhà truyền giáo Mến Thánh Giá xác tín luận lý của Thập giá đảo lộn mọi trật tự của thế gian. Chính điều này được tỏ lộ trong phong cách hiền lành, khiêm nhường, kính trọng.
4. Vai trò chuyển cầu của nhà truyền giáo. Người thừa sai như cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Kitô.
5. Linh đạo truyền giáo của Đức cha Lambert là chiêm niệm trong hành động. Đặc sủng Mến Thánh Giá như Đức cha Lambert nhìn không phải là sống đời chiêm niệm; ngài mong muốn những người yêu mến Thánh giá phải là tông đồ trọn vẹn và là một tông đồ với cõi lòng yêu mến Thiên Chúa mà thôi. Người tông đồ hành động “với một tinh thần thực sự tự do”: liên lỷ thấm nhập vào tinh thần của Thiên Chúa. “Thiên Chúa không ngừng linh hoạt tinh thần chúng ta và để cho tinh thần ngài bao bọc chúng ta, đến nỗi tinh thần chúng ta không còn tự sức mình hoạt động, nhưng chính Thiên Chúa hoàn toàn ngự trị trong ta.”
6. Dành chỗ ưu tiên cho những người bình dân. Đặc sủng Mến Thánh Giá say mến những con người bình dân, nghèo khổ. Đức cha Lambert thú nhận “tình trạng nhu cầu của anh chị em khiến cha rên xiết hằng ngày dưới chân Chúa Giêsu Kitô.”
7. Linh đạo truyền giáo Mến Thánh Giá cũng dành một chỗ không thể thiếu cho Đức Nữ Trinh Maria. Ngài gọi mẹ Maria là Nữ Vương các miền truyền giáo.
Những đặc trưng đó khẳng định cho ta rằng nhà thừa sai đích thực phải là một vị thánh, sống theo tinh thần các mối phúc. “Xin các con hãy nhận lấy lối sống này như từ Thiên Chúa mà đến hơn là từ cha… các con sẽ đạt tới mức độ rất cao trọng của sự hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu Kitô… Đối với những ai đã đặt tất cả hy vọng vào Thiên Chúa thì lòng nhân hậu của Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi họ”.
Như vậy, ta có thể nói rằng Đức cha Lambert làm cho những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết: đừng bao giờ gởi vào cánh đồng truyền giáo những người tầm thường, tệ hơn nữa, những người ươn lười hoặc có vấn đề. Phải gởi vào đó những người tốt nhất. Và rồi chúng ta sẽ chẳng mất mát gì đâu, vì Thiên Chúa không bao giờ thua kém sự quảng đại của chúng ta. Đó sẽ là một nét quan trọng để canh tân sinh lực truyền giáo trong Giáo hội ngày hôm nay.
Đúc kết thuyết trình và thảo luận đề tài 7:
HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA
CÁC HIỆP HỘI MẾN THÁNH GIÁ
Tác giả Nữ tu Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, MTG muốn trình bày cho chúng ta ‘thiên tài’ tổ chức của Đức cha Pierre Lambert de La Motte để làm cho những trực giác thiêng liêng, truyền giáo và mục vụ của mình được hiện thực.
Tác giả cho thấy cội nguồn của Đức cha Lambert: ngay từ nhỏ (1633) ngài muốn có được một hội của những người yêu mến Thánh giá ở khắp mọi nơi và được kết hiệp với nhau. Một Giấc mơ lớn! Nhưng được khởi sự từ những bước nhỏ! Ước mơ ấy bắt đầu khởi sự tại Xiêm La với “hội Mến Thánh Giá, dành cho những ai làm tông đồ” (1662-1663) không chỉ ở Á châu mà cả ở Rôma và Paris. Từ đó “Hội Tông đồ” được thành lập (1664-1665), tại Công nghi Ayutthaya, sau khi thuyết phục được Đức cha Pallu và các cha thừa sai. Vào ngày 06.01.1665, bốn thành viên tuyên khấn và thiết lập Hội dòng Tông đồ: Đức cha Lambert, Đức cha Pallu, cha Laneau và cha Deydier, với tiêu chí là sự đóng góp vào việc tông đồ do Toà thánh điều khiển. Những kinh nghiệm đó dẫn tới việc thành lập Hội Mến Thánh Giá mở rộng cho mọi người Kitô hữu “thuộc mọi phái tính, địa vị xã hội, bình dân, trí thức trong đó hạt nhân là Hội dòng Tông Đồ. Rõ ràng ở đây tính chất bao gồm, không loại trừ là điểm nổi bật trong việc phục vụ truyền giáo. Tiếp theo năm 1669-1670, tại Đàng Ngoài, ngài thiết lập Tu hội Nữ Mến Thánh Giá ngày 19.2.1670.
Như thế, “Tu hội Nữ Mến Thánh Giá được thành lập ngày 19.02.1670 sau khi soạn luật tại Ayutthaya và có ý định lập Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá năm 1668.
ngày 12.10.1670, ngài đệ trình lên Đức Giáo hoàng một lá thư đính kèm hai Bản Luật để xin phê chuẩn Hiệp Hội Tín Hữu Mến Thánh Giá và Tu hội Nữ Mến Thánh Giá.” “Ngày 28.8.1678, Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin chấp thuận ban Ân xá liên quan đến việc xin thành lập các Hiệp hội Mến Thánh Giá. Ngày 02.01.1679, Đức Giáo hoàng Innocent XI ban Tông thư xác nhận các Hiệp Hội Mến Thánh Giá và đồng ý ban Ân xá theo đề nghị của Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin. Và như thế, theo tác giả, trực giác của Đức cha Lambert được đúc kết như sau. “Mọi thành viên trong 3 tổ chức đều là Những Người Mến Thánh Giá, hợp thành “Dân Thiên Chúa”. Dân Thiên Chúa là những người cùng nhìn lên Đức Giêsu để ngài bảo gì thì hãy làm theo. Một định nghĩa đẹp về Giáo hội phải không? Nó hợp thành một Giáo hội “hiệp thông truyền giáo”, trong đó mọi thành phần đều tham gia và đồng trách nhiệm, vai trò của phụ nữ được trân trọng, mỗi người mặc lấy Đức Giêsu-Kitô-Chịu-Đóng-Đinh, “sống và đi cùng với anh chị em mình như một chủ thể có trách nhiệm và tích cực trong sứ vụ duy nhất của Dân Thiên Chúa”.
Tổ chức các Hiệp hội Mến Thánh Giá
Dòng Nữ Mến Thánh Giá lại xum xuê như một cây cổ thụ. Khắp nơi trong 27 Giáo phận, các nữ tu Mến Thánh Giá góp phần vào sức sống của Giáo hội. Tác giả cho ta những thông tin đáng nể phục trong niềm tri ân Thiên Chúa như sau:
“Từ hơn 350 năm qua, Dòng đã đồng hành với Giáo hội Việt Nam qua mọi biến cố thăng trầm. Năm 2021, số nữ tu Mến Thánh Giá đạt đến 9.298 khấn sinh, 618 tập sinh, 365 tiền tập sinh, 938 thanh tuyển (Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá, Thống kê MTG năm 2021). Chị em dấn thân truyền giáo, phục vụ Giáo hội và xã hội trong 5 lãnh vực: Văn hóa, xã hội, y tế, luân lý và đức tin. Hiện nay có 2934 chị dạy giáo lý trẻ em, 693 chị dạy giáo lý dự tòng, 241 chị . cho dân tộc thiểu số, 1704 chị phục vụ ca đoàn, 950 lo các đoàn thể khác, 3536 chị dạy trẻ mầm non, 142 chị dạy lớp tình thương, 447 chị làm việc trong lãnh vực y tế, 23 chị giúp trại phong, 274 chị lo cho trẻ khuyết tật, 628 chị phục vụ người nghèo và trẻ mồ côi, 71 chị lo cho phụ nữ hoàn lương, 33 chị dạy nghề cho các thiếu nữ, 12 chị giúp trẻ em đường phố, 24 chị làm việc cho di dân và 13 chị giúp cai nghiện HIV.”
Tuy nhiên, hơi tiếc rằng vì hạn chế thời gian tác giả không nói gì mấy về những hoạt động của Hiệp hội Tín hữu Mến Thánh Giá, với hơn 15.000 thành viên đang góp phần phục vụ khắp nơi trong các giáo xứ tại nhiều Giáo phận.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn