TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khóa Thường Huấn Linh Mục Năm 2019

Thứ sáu - 07/05/2021 22:45 |   893
Khóa Thường Huấn Linh Mục Năm 2019

Khóa Thường Huấn Linh Mục Năm 2019


Chiều ngày 11.3.2019, tất cả Quý Cha triều, dòng đang phục vụ trong Giáo phận Ban Mê Thuột, Quý Thầy Phó tế đã về Tòa Giám Mục tham dự khóa Thường Huấn năm 2019.

Khóa Thường Huấn chính thức khai mạc vào lúc 16g30 chiều sau giờ chầu Thánh Thể.

Trong dịp Thường Huấn này, Quý Cha, Quý Thầy Phó tế sẽ được học hỏi về Tài liệu “HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 2017, do Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung Tâm Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo Lý Giáo phận Sàigòn hướng dẫn; có sự tham gia của Cha GB. Nguyễn Huy Bắc, Giám đốc Trung Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo lý Giáo phận Ban Mê Thuột hướng dẫn về việc DẠY GIÁO LÝ THEO HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT; và Cha Mt. Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng Ban Thánh nhạc Giáo phận Ban Mê Thuột, hướng dẫn về CỬ HÀNH THÁNH NHẠC trong giáo phận.

8 giờ sáng ngày 12.3.2019, tại Hội trường Tòa Giám mục, tiết học đầu tiên của Khóa Thường Huấn đã bắt đầu. Nội dung học hỏi về bản HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM 2017. Do Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung Tâm Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo Lý Giáo phận Sài Gòn trình bày và hướng dẫn.

Dẫn nhập:

Việc giáo dục đức tin rất quan trọng trong việc phát triển Giáo Hội, bởi giáo dục đức tin đào tạo nên những con người đích thực vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

- Tầm quan trọng của việc giáo dục đức tin

Tóm kết Thư Chung 2007 của HĐGMVN về giáo dục như sau:

“Giáo dục Kitô giáo là công trình học và sống làm người và làm con Chúa. Đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu mọi nơi mọi thời. Thế hệ trước có trách nhiệm chuyển giao đức tin cho thế hệ sau. Thế hệ sau tiếp nhận, củng cố và bàn giao cho thế hệ hậu sinh. Lịch sử là một cuộc hành trình qua đó Kitô hữu chia sẻ đức tin cho nhau dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

Giáo dục Kitô giáo còn là một sứ mạng cấp bách. Sự thay đổi choáng ngợp của nền văn minh thời đại không cho phép chúng ta chần chừ trì hoãn, nếu không muốn bị đẩy vào nguy cơ tụt hậu. Hơn bao giờ hết, phương châm mà chúng ta phải nêu cao là: “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai” (39).

Trong Thư Chung này, các giám mục ví các giáo lý viên giống như những cành nho gắn liền với thân nho là Chúa Kitô. Giáo lý viên hút nhựa sống Lời Chúa từ thân cây là Chúa Kitô, để chuyển đến các học viên bằng chứng từ rao giảng và thực thi huấn lệnh Chúa (20). Trong ý hướng này, mọi Kitô hữu chúng ta đều là giáo lý viên, bởi vì qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi tham gia vào một công trình giáo dục này và bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội lữ hành, chúng ta còn là học trò và còn là thầy dạy đức tin bằng chứng từ cuộc sống của mình (21).

Nếu tại gia đình, đức tin được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được giảng dạy ngay giữa thực tế thì tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ giảng giải và việc cử hành phụng vụ (29). Việc dạy giáo lý là phương cách căn bản của giáo dục Kitô giáo; trong đó, cha xứ và giáo lý viên chịu trách nhiệm khai tâm Kitô giáo và chuẩn bị cho học viên lãnh nhận các bí tích (30).

- Tiến trình soạn thảo Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý 2017

Bản HDTQ.VDGL.VN 2017 được soạn thảo bắt nguồn từ ước mong của Bộ Giáo Sĩ khi ban hành HDTQ.VDGL 1997 rằng các HĐGM cũng soạn thảo những bản văn định hướng tương tự, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy giáo lý tại quốc gia của mình (282).

Ngay trong Đại hội Giáo lý Toàn quốc (ĐHGLTQ) đầu tiên tại Nha Trang năm 2006, bản HDTQ 1997 đã được cha Antôn Trần Văn Trường giới thiệu, đến ĐHGLTQ lần thứ 2 tại Mỹ Tho năm 2008, bản Hướng Dẫn đã được dịch sang tiếng Việt, sang ĐHGLTQ lần thứ 3 tại Hà Nội năm 2011, bản Hướng Dẫn được đem ra học hỏi, và ĐHGLTQ lần thứ 4 tại Huế năm 2014, thống nhất trong Bản Ghi Nhớ những điểm căn bản trong VDGL làm nền tảng cho việc biên soạn bản Hướng Dẫn VDGL của HĐGMVN. Cuối cùng, năm 2017 bản Hướng Dẫn được HĐGMVN chấp thuận và cho thử nghiệm trong 3 năm. Ngay sau đó, Bản Hướng Dẫn được dùng làm nền tảng cho việc dào tạo giáo lý viên trở nên con người hiệp thông, chủ đề của ĐHGLTQ lần thứ 5 tại Xuân Lộc.

Nỗ lực biên soạn HDTQ.VDGL.VN 2017 còn được cổ võ bởi “mong mỏi sớm có những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam” của HĐGMVN trong Đại Hội Dân Chúa năm 2010 (11).

- Những đòi hỏi cần được đáp ứng khi soạn thảo Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý 2017
Trước hết là đòi hỏi vừa trung thành với HDTQ.VDGL 1997 của Bộ Giáo Sĩ vừa đáp ứng được mong mỏi của HĐGMVN; đó là “gần gũi với văn hóa Việt Nam”. Điều này đòi hỏi ban soạn thảo phải tìm hiểu thực trạng xã hội và tình hình dạy giáo lý tại Việt Nam cũng như học hỏi kinh nghiệm của các bậc cha anh trong đức tin.

Kế đến là đòi hỏi dung hợp được yêu cầu của Đức Giáo hoàng Phanxicô lấy Truyền giáo hay Loan báo Tin Mừng làm mục tiêu cho mọi hoạt động của Giáo Hội (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 27) và định hướng mục vụ của HĐGMVN trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 “Giáo Hội tại Việt Nam cần xác tín và sống đúng với căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên dết nước này” (9).

Điều này đòi hỏi ban soạn thảo phải nối kết được truyền giáo và hiệp thông như được diễn tả trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về sự hiệp thông mang tính truyền giáo: “hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai thâm nhập và bao hàm nhau, đến độ sự hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của việc truyền giáo. Có thể nói, tự bản chất, hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo mang tính hiệp thông” (32).

Sau cùng là đòi hỏi bản văn phải ngắn gọn nhưng đầy đủ, chính xác và rõ ràng. Điều này đòi hỏi ban soạn thảo phải mất nhiều thời gian dể chọn lựa và chỉnh sửa cách trình bày cũng như ngôn từ sao cho dễ hiểu mà không hy sinh nội dung.

Đề tài 1: Thực trạng xã hội và tình hình dạy giáo lý hiện nay tại Việt Nam. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 5-23)
Gợi ý suy tư:
1.1. Vì sao bản Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý tại Việt Nam 2017 khởi đầu với việc khảo sát thực trạng xã hội và tình hình dạy giáo lý?
1.2. Thực trạng xã hội hiện nay đòi hỏi việc dạy giáo lý phải quan tâm và đáp ứng những vấn đề gì?
Gợi ý trao đổi:
1.3. Theo quý cha, đâu là nét đặc thù của tình hình Ban Mê Thuột mà việc dạy giáo lý cần đặc biệt quan tâm và đáp ứng?

Đề tài 2: Định hướng việc dạy giáo lý của Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý 1997 của Bộ Giáo Sĩ và Hướng dẫn Tổng quát 2017 của HĐGMVN. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 24-51 và NVTM 163-168)
Gợi ý suy tư:
2.1. Bộ Giáo Sĩ trong Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý 1997 và ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng định hướng thế nào về việc Dạy Giáo lý?
2.2. HĐGM.VN trong Hướng Dẫn Tổng Quát việc Dạy Giáo lý 2017 định hướng thế nào về việc Dạy Giáo lý?
Gợi ý trao đổi:
2.3. Theo quý Cha, định hướng của HĐGM.VN soi dẫn cho việc Dạy Giáo lý tại giáo phận Ban Mê Thuột những gì?

Đề tài 3: Áp dụng định hướng của HĐGM.VN vào việc dạy giáo lý: hiệp thông với Thiên Chúa. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 52-54 và NVTM 174-175)
Gợi ý suy tư:
3.1. Làm thế nào để việc dạy giáo lý giúp học viên hiệp thông với Thiên Chúa?
3.2. Làm thế nào đặt Lời Chúa vào tâm điểm của việc dạy giáo lý?
Gợi ý trao đổi:
3.3. Theo quý Cha, lối dạy giáo lý bằng những câu hỏi thưa cần bổ sung điều gì để củng cố vai trò ưu tiên của Thánh Kinh trong đời sống của người giáo dân và canh tân đời sống của họ dưới ánh sáng của Lời Chúa?

Đề tài 4: Áp dụng định hướng của HĐGM.VN vào việc dạy giáo lý: hiệp thông với Giáo Hội. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 55)
Gợi ý suy tư:
4.1. Làm thế nào để việc dạy giáo lý giúp học viên hiệp thông với Giáo Hội?
4.2. Làm thế nào để việc dạy giáo lý có được tính Giáo Hội?
Gợi ý trao đổi:
4.3. Theo quý Cha, làm thế nào để mọi người trong giáo xứ tham gia vào việc học và dạy giáo lý?

Đề tài 5: Áp dụng định hướng của HĐGM.VN vào việc dạy giáo lý: hiệp thông với mọi người? (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 56 và NVTM 169-173)
Gợi ý suy tư:
5.1. Làm thế nào để việc dạy giáo lý giúp học viên hiệp thông với mọi người?
5.2. Làm thế nào để việc dạy giáo lý có thể giúp học viên phân định hay khám phá ra các dấu chỉ của thời đại?
Gợi ý trao đổi:
5.3. Theo quý Cha, việc dạy giáo lý trong giáo phận Ban Mê Thuột cần làm gì để thực thi việc đối thoại với người nghèo, với các tôn giáo, với các nền văn hóa và với người vô thần?

Đề tài 6: Áp dụng định hướng của HĐGM.VN vào việc đào tạo giáo lý viên. (x HDTQ.VDGL.VN 2017, 57-61 và UBGLĐT.HĐGM.VN, Giáo lý viên, con người hiệp thông, trong Logos 01, NXB Tôn Giáo, 2018)
Gợi ý suy tư:
6.1. Làm thế nào để đào tạo giáo lý viên trở thành những con người hiệp thông với Thiên Chúa, với Giáo Hội, với mọi người?
6.2. Làm thế nào để đào tạo giáo lý viên trở thành những nhà truyền giáo?
Gợi ý trao đổi:
6.3. Việc đào tạo giáo lý viên phải chăng chỉ là việc của Ban giáo lý giáo phận? Nếu không phải chỉ là việc của Ban giáo lý giáo phận, thì đâu là trách nhiệm của Cha xứ trong việc đào tạo giáo lý viên?

KẾT LUẬN

Sau khi trình bày, hướng dẫn và cùng nhau suy tư, trao đổi, thảo luận về bản Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý 2017, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung Tâm Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo Lý Giáo phận Sài Gòn, dâng lên những lời cảm tạ:

- Cảm tạ vì định hướng của HĐGMVN về Việc Dạy Giáo Lý nhằm đào tạo những Kitô hữu sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông trong cả ba chiều kích với Chúa, với Giáo Hội và với mọi người, rất phù hợp với bối cảnh: nhân học biến đổi sâu xa, xã hội bị phân hóa nặng nề bởi các chủ nghĩa và trào lưu tư tưởng hiện đại.

- Cảm tạ vì định hướng này đòi hỏi đặt Thánh Kinh vào tâm điểm của việc dạy giáo lý và trình bày Lời Chúa theo tinh thần của Tông Huấn Lời Chúa (Verbum Domini) của ĐGH. Bênêđictô XVI năm 2010 (nhấn mạnh đến Tiếng của Lời, Khuôn mặt của Lời, Căn nhà của Lời & Con đường của Lời) và Tông Huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của ĐGH. Phanxicô năm 2013 (nhấn mạnh đến việc trình bày giáo lý theo sư phạm khai tâm và đồng hành thiêng liêng).

- Cảm tạ vì bàn tiệc “huấn giáo” như đã được dọn sẵn, chờ khách ngồi vào bàn để chung hưởng niềm vui của những người được sai đi rao giảng Tin Mừng. (Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền)

Ngày thứ Năm, 14.3.2018, Cha GB. Nguyễn Huy Bắc, Giám đốc Trung Tâm Mục vụ, Trưởng Ban Giáo lý Giáo phận Ban Mê Thuột hướng dẫn về việc DẠY GIÁO LÝ THEO HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT; và Cha Mt. Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng Ban Thánh nhạc Giáo phận Ban Mê Thuột, hướng dẫn về CỬ HÀNH THÁNH NHẠC trong giáo phận.

Buổi tối, 19g30 thứ Năm (14.3.2018), Đức Cha Giáo Phận và Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đúc kết khóa Thường Huấn. Vào lúc 5g00 sáng thứ Sáu (15.3.2019), linh mục đoàn dâng Thánh lễ Tạ Ơn tại Nhà Nguyện TGM trước khi trở về nhiệm sở.

 

Ban VHTT-GP.BMT


 















 


Ban VHTT-GP


HÌNH ẢNH
tải về Tài liệu

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây