TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin 1/1/2023: Quan tâm chăm sóc

Chủ nhật - 01/01/2023 23:51 | Tác giả bài viết: |   678
Trưa Chúa Nhật ngày 1/1, sau khi dâng thánh lễ Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu.
Kinh Truyền Tin 1/1/2023: Quan tâm chăm sóc

Kinh Truyền Tin 1/1/2023: Quan tâm chăm sóc

Trưa Chúa Nhật ngày 1/1, sau khi dâng thánh lễ Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu. Ngày đầu năm mới, rất đông các tín hữu đã đến quảng trường thánh Phêrô để cùng đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc mừng năm mới!

Khởi đầu một năm mới được phó thác cho Đức Maria Rất Thánh, Đấng mà hôm nay chúng ta mừng kính là Mẹ Thiên Chúa. Trong giây phút này, chúng ta cùng nhau, xin Mẹ cầu bầu đặc biệt cho Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, hôm qua ngài đã giã từ thế giới này. Tất cả chúng ta cùng hiệp nhất, cùng một lòng một ý, tạ ơn Thiên Chúa về món quà này - là người tôi tớ trung thành của Tin Mừng và của Giáo hội.

Trong khi chúng ta còn chiêm ngưỡng Mẹ Maria ở hang đá nơi Chúa Giêsu sinh ra, chúng ta có thể tự hỏi: Đức Trinh Nữ nói với chúng ta bằng ngôn ngữ nào? Chúng ta có thể học được gì từ Mẹ cho năm mới này?

Trong thực tế, nếu chúng ta nhìn vào khung cảnh mà phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta, chúng ta nhận thấy rằng Đức Maria không nói. Mẹ ngạc nhiên đón nhận mầu nhiệm mà Mẹ sống, Mẹ gìn giữ mọi sự trong lòng và nhất là chăm sóc cho Hài Nhi, mà theo Tin Mừng - đang “nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Động từ “đặt nằm” này có nghĩa là đặt xuống cách nâng niu, và cho chúng ta biết rằng ngôn ngữ riêng của Mẹ Maria là ngôn ngữ của tình mẫu tử: dịu dàng chăm sóc Hài Nhi. Đây là sự cao cả của Mẹ Maria: trong khi các thiên thần hát mừng, các mục đồng chạy đến và mọi người lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa về biến cố đã xảy ra, thì Mẹ Maria không nói, Mẹ không giải thích cho các vị khách những gì đã xảy ra cho Mẹ, không giành quyền nói; trái lại, Mẹ đặt Hài Nhi làm trung tâm, chăm sóc Người bằng tình yêu. Một nữ thi sĩ đã viết rằng Mẹ Maria “biết cách im lặng một cách long trọng, [...] bởi vì Mẹ không muốn lạc mất ánh nhìn vào vị Thiên Chúa của mình” (A. MERINI, Corpo d'amore. Un incontro con Gesù, Milano 2001, 114) .

Đây là ngôn ngữ đặc trưng của tình mẫu tử: sự dịu dàng của việc quan tâm chăm sóc. Thật vậy, sau khi cưu mang món quà kỳ diệu nơi cung lòng suốt chín tháng, các bà mẹ tiếp tục đặt trung tâm của mọi sự chú ý vào con của mình: họ nuôi nấng chúng, bế chúng trên tay, nhẹ nhàng đặt chúng vào nôi. Quan tâm chăm sóc: đây cũng là ngôn ngữ của Mẹ Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, giống như tất cả các bà mẹ, Mẹ Maria cưu mang sự sống trong cung lòng của Mẹ và do đó nói với chúng ta về tương lai của chúng ta. Nhưng đồng thời Mẹ cũng nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta thực sự muốn năm mới tốt đẹp, nếu chúng ta muốn xây dựng lại niềm hy vọng, thì chúng ta cần phải bỏ đi những ngôn ngữ, cử chỉ và lựa chọn do sự ích kỷ thúc đẩy và học lấy ngôn ngữ của tình yêu, đó là sự quan tâm chăm sóc. Chúng ta cần dấn thân: chăm sóc sự sống của chúng ta, thời gian của chúng ta, linh hồn của chúng ta; chăm sóc thụ tạo và môi trường chúng ta đang sống; và hơn thế nữa, chăm sóc người lân cận của chúng ta, những người mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta, cũng như những anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn và những người cần đến sự quan tâm và lòng trắc ẩn của chúng ta. Mừng Ngày Hòa bình Thế giới hôm nay, một lần nữa chúng ta ý thức trách nhiệm được trao phó cho chúng ta trong việc xây dựng tương lai: trước những khủng hoảng cá nhân và xã hội mà chúng ta đang trải qua, trước thảm kịch chiến tranh, “chúng ta được kêu gọi đối diện với những thách thức của thế giới chúng ta với trách nhiệm và lòng trắc ẩn” (Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới LVI, 5). Và chúng ta có thể làm được điều này nếu chúng ta quan tâm đến nhau và nếu tất cả cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Chúng ta cầu xin Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa, để trong thời đại này, bị ô nhiễm bởi sự ngờ vực và thờ ơ, xin Mẹ làm cho chúng ta có khả năng cảm thương và quan tâm chăm sóc, có khả năng “xúc động và dừng lại trước người khác, bất cứ khi nào cần” (Tông huấn Evangelii gaudium, 169).

Vatican News Tiếng Việt

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây