TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Chay -Năm C

“Em con đã chết nay sống lại”. (Lc 15,1-3.11-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chủ Chăn Giáo phận Vĩnh Long t4.2025

Thứ bảy - 29/03/2025 17:32 | Tác giả bài viết: GM Phêrô Huỳnh Văn Hai |   72
Thư mục vụ tháng 4/2025 cho dân Chúa Giáo phận Vĩnh Long với chủ đề: “Truyền giáo trong một xã hội biến động”.
Lời Chủ Chăn Giáo phận Vĩnh Long t4.2025

LỜI CHỦ CHĂN GIÁO PHẬN VĨNH LONG THÁNG 4/2025: TRUYỀN GIÁO TRONG MỘT XÃ HỘI BIẾN ĐỘNG


WGPVL (27/3/2025) - Ngày 20/03/2025, Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai đã gửi Thư mục vụ tháng 4/2025 cho dân Chúa Giáo phận Vĩnh Long với chủ đề: “Truyền giáo trong một xã hội biến động”. Sau đây là nguyên văn Thư mục vụ của Đức cha Phêrô.

Lời Chủ chăn Giáo phận Vĩnh Long

Tháng 4/2025

TRUYỀN GIÁO TRONG MỘT XÃ HỘI BIẾN ĐỘNG

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa trên tài liệu định hướng mục vụ cho Hội Thánh tại Việt Nam trong năm 2025 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Đây là chủ đề thứ ba mà Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã xác định năm 2022. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần IV, sẽ nói đến “TRUYỀN GIÁO TRONG MỘT XÃ HỘI BIẾN ĐỘNG” được tra cứu trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bộ Giáo Luật, Thông điệp về Niềm Hy Vọng Kitô Giáo (Spe Salvi) Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp Hành và Tính Hiệp Hành trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế. 

Xã hội biến động là gì ?

Truyền giáo Trong một Xã hội biến động. Thuật ngữ gây ra sự ngỡ ngàng. Xã hội biến động bao gồm những gì. Ở đây chúng ta không thể thống kê hết, nhưng chỉ nêu ra một số khung cảnh tiêu biểu của xã hội biến động: nơi chốn, hoàn cảnh cá nhân, gia đình, môi trường truyền thông, các dân tộc, những lãnh vực văn hóa mới, đấu tranh cho hòa bình, cho quyền lợi các dân tộc đặc biệt là dân tộc thiểu số, bảo vệ trẻ con, bảo vệ thiên nhiên, cho dù bị bách hại. Bên Nhật Bản, ngày 5 tháng 2 năm 1597, ở Nagaxaki hai mươi sáu Kitô hữu đã bị đóng đinh vào thập giá, trong đó có các nhà truyền giáo, các giáo lý viên, các người thông ngôn, hai bác sĩ và các trẻ em nữa. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát khi chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Ngày nay vẫn còn nhiều nơi trên thế giới chịu cảnh tử đạo nầy. Dĩ nhiên, tất cả những lãnh vực này rất cần phải được truyền giáo, loan báo Tin mừng. Giáo luật nhắc các linh mục nhớ bổn phận của mình: “Các linh mục luôn cổ võ hòa bình và sự hòa hợp trong xã hội, dựa trên công lý Kitô giáo” (Điều 287 §1).

Hơn nữa, sứ mệnh này của Giáo hội là đặc thù chuyên biệt trong mức độ mà Giáo hội loan báo Vương quốc cho những tầng lớp nhân loại chưa bao giờ “chạm đến” Tin Mừng hay những tầng lớp tương phản trái ngược với nhân phẩm và với Lời Chúa: “Đối với Giáo Hội, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi cảnh vực nhân loại và nhờ sự tiếp xúc này làm thay đổi tự bên trong, đổi mới chính nhân loại: “Này đây Ta tạo dựng một vũ trụ mới” (Ap 21, 5)” (Evangelii Gaudium, số 18).

Với tư cách là người canh gác cảnh giác, Giáo hội được kêu gọi đưa ra phán đoán mang tính tiên tri về lịch sử nhân loại, để hướng lịch sử đến mục đích là sự giải phóng hoàn toàn. Đây là nơi nảy sinh những thách thức mới hay những biến động mới của việc truyền giáo.

Truyền giáo trong một Thế giới đang thay đổi

Trong một Thế giới như thế, Giáo hội phải tìm ra cách vừa đáp ứng thích nghi với các nhu cầu của con người tùy theo môi trường, vừa giữ vững sứ mệnh loan báo Tin Mừng. “Giáo hội được kêu gọi ra khỏi chính mình và đi đến vùng ngoại biên, không chỉ theo nghĩa địa lý mà cả theo nghĩa hiện sinh: đó là những nơi có đau khổ, bóng tối, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Thế giới ngày nay đòi hỏi lòng can đảm để truyền giáo, không ngừng loan báo Tin Mừng trong bối cảnh đầy biến động, với những thách thức mới” (Evangelii Gaudium, số 20).

Trong một thế giới như thế, Giáo hội cũng phải xét lại đối tượng của việc rao giảng Tin mừng như vừa nói. Tin mừng phải được loan báo đến với mọi người không trừ một ai. Không ai có ưu tiên trong việc nầy. Tin Mừng phải đến nơi xa xăm hẻo lánh, đến với những người không quen biết, không bà con họ hàng, nhưng đến với những người “không có gì để trả lại ngươi” (Lc 14:14) (xem Evangelii Gaudium, số 48)

Trước khi làm Giáo hoàng, Đức Hồng Y Bergoglio tại cuộc họp mật nghị với các Hồng y vào năm 2013 đã nói về truyền giáo, ngài có một so sánh rất hay mà chúng ta nên ghi nhớ: “Giáo hội không được giống như người phụ nữ còng lưng của Tin Mừng (xem Lc 13, 10-13). Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được, bà bị bệnh, bị quỷ ám. Còng lưng, nên bà chỉ nhìn vào rốn của mình. Giáo hội là người phụ nữ bị còng lưng khi rút lui vào chính mình, chỉ quan tâm đến tổ chức của mình, chỉ quan tâm đến hoạt động bên trong của mình. Trên thực tế, khi người đàn bà làm điều đó, vì bà bị bệnh. Nhưng Giáo Hội, giống như người phụ nữ còng lưng đó được Chúa Giêsu chữa lành, Giáo hội phải đứng thẳng lên, ra đi, bắt đầu cuộc hành trình của mình, ra đi để gặp gỡ những người nam nữ đang chờ đợi một lời cứu độ một cách mầu nhiệm. Giáo hội phải là một nhà truyền giáo”. Khi ngài trở thành Giáo hoàng, ngài kêu gọi một Giáo hội “ra đi”, một Giáo hội phải đi đến những vùng ngoại vi hiện sinh, nơi con người nam nữ sống, đau khổ, hy vọng, thắc mắc, là nạn nhân của nhiều hình thức nghèo đói, bấp bênh và phân biệt đối xử. Giáo hội phải nói với họ Tin Mừng nầy là họ được yêu thương. Nếu họ tin, thì họ luôn hy vọng “Đức tin và hy vọng là những nhân đức căn bản trong đời sống Kitô hữu” (GLHTCG số 1817). Thông điệp Spe Salvi của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, số 3: “Hy vọng là sức mạnh của các Kitô hữu trong thế giới đầy thách thức”. Đó là một lời khuyên truyền giáo trong một xã hội biến động.

Sự Thích nghi của Giáo hội với những Thách thức hiện đại

Giáo hội phải sẵn sàng thích nghi với những thay đổi xã hội, đặc biệt trong một thế giới mà các giá trị truyền thống đang bị thách thức. Nói đến đây chúng ta liên tưởng đến chủ đề “Hội nhập Văn hóa”. Hội nhập văn hóa là một quá trình tiệm tiến, sự gặp nhau giữa Thần học Kitô giáo và Nhân chủng học mà qua đó thông điệp Kitô giáo được đưa vào một nền văn hóa cụ thể. Tuy nhiên, sự thích nghi này không có nghĩa là đánh mất bản chất truyền giáo, không làm mất đi hương vị riêng của Giáo hội mà là tìm ra những phương cách mới để loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả.

Truyền giáo trong Thời đại biến động là sống đức tin và đức ái

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng truyền giáo trong thời đại đầy biến động đòi hỏi sự đồng hành với những người yếu đuối, người bị gạt ra ngoài lề, và những người chịu ảnh hưởng của sự thay đổi toàn cầu. Đây là một hình thức truyền giáo đòi hỏi Giáo hội không chỉ nói về Tin Mừng mà còn phải sống Tin Mừng qua hành động của mình: Sống đức tin và đức ái “Nhờ Bí tích Phép Rửa, “Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, làm chứng sống động cho Người trước hết bằng đời sống đức tin và đức ái” (LG 12)” (Tài liệu Chung kết Thượng Hội Đồng Giám Mục số 22)

Truyền giáo và sự Can đảm đối mặt với thay đổi

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các thành phần trong Giáo hội cần có sự can đảm để đối mặt với những thách thức của thế giới hiện đại. Phải ra đi Truyền giáo. Truyền giáo trong bối cảnh này đòi hỏi sự sáng tạo, mạnh dạn ra đi: “Vì vậy chúng ta hãy đi ra, đi ra để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ở đây tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều tôi từng nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (Evangelii Gaudium, số 49). Đây là lúc cần đến lòng can đảm truyền giáo.

Tất cả mọi lời nói, việc làm của mình đều mang tính truyền giáo, cho dù trong những biến động nghịch cảnh nào, chúng ta cũng phải tìm ra phương thế. Nhưng trước hết, chúng ta cầu nguyện, nguyện xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí chúng ta để chúng ta truyền giáo trong hoàn cảnh xã hội mới.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 3 năm 2025.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

Nguồn: giaophanvinhlong.neta

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây