TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mục vụ thời Covid-19

Thứ năm - 30/09/2021 21:31 | Tác giả bài viết: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm |   1316
Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay, đối diện với những khó khăn như: thất nghiệp, thiếu thốn, nghèo khổ. Chúng ta có thể làm gì?
Mục vụ thời Covid-19

MỤC VỤ THỜI COVID-19

WGPMT (24.9.2021) - Bản tin UCA News ngày 10/9/2021 có bài viết về tình trạng tự tử của các hướng dẫn viên du lịch tại Thái Lan. Du lịch là một trong những nguồn lực kinh tế chính của Thái Lan, chẳng hạn trong năm 2019, Thái Lan đã thu hút 40 triệu lượt khách du lịch, đóng góp 1/5 GDP. Vì thế khi đất nước phải đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch cũng đóng băng và cả trăm ngàn người làm việc trong ngành du lịch lâm vào cảnh thất nghiệp. Cụ thể là các hướng dẫn viên du lịch không có việc làm, không có thu nhập suốt 18 tháng qua, từ tháng 3/2020 đến nay. Họ phải sống nhờ vào sự trợ giúp của chính quyền và các tổ chức từ thiện. Tình trạng thiếu thốn kéo dài dẫn đến những suy sụp tinh thần và tuyệt vọng. Chỉ riêng tại thành phố Hat Yai gần biên giới với Malaysia, đã có 9 hướng dẫn viên du lịch tự tử.

Dĩ nhiên không chỉ có hướng dẫn viên du lịch ở thành phố nhỏ Hat Yai mới tự tử, cũng không phải chỉ có người làm trong ngành du lịch tự tử, nhưng con số này là minh họa cụ thể để nhìn rộng ra toàn xã hội và thấy những tác động tiêu cực của dịch bệnh trên đời sống người dân. Tại Việt Nam, tuy không có con số thống kê chính thức nhưng tôi cũng đã nghe một vài linh mục ở Sài Gòn nói đến vấn đề này. Thông thường tự tử chỉ là bước đi cuối cùng, trước đó người ta đã phải chiến đấu với những sang chấn tâm lý như âu lo, sợ hãi, thất vọng, chán nản, cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi, tuyệt vọng…. Và đó là điều mà người làm mục vụ phải quan tâm.

Thực tế trên giúp chúng ta có tầm nhìn bao quát hơn về những nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19. Rất tự nhiên, trên các phương tiện truyền thông cũng như trong câu chuyện hằng ngày, chúng ta nói nhiều đến nguy hiểm của dịch bệnh về mặt thể lý: số ca nhiễm mỗi ngày, số tử vong mỗi ngày, những khó khăn trong việc đi lại, mua bán, chợ búa… đồng thời bàn luận về những phương thế chống dịch về mặt thể lý như giãn cách, phong tỏa, thông điệp 5 K, vaccine… Hình như không mấy ai quan tâm đến những tác động tâm lý mà dịch bệnh và những phương thế chống dịch có thể tạo ra trong đời sống cá nhân cũng như gia đình của người dân. Vì thế cần có tầm nhìn tổng thể về nhiều mặt của đời sống (tâm lý, tinh thần, xã hội) chứ không chỉ gói gọn trong vấn đề thể lý và y tế, dù rất quan trọng. Quả là một thách thức lớn cho tất cả mọi người, nhưng nhận ra vấn đề đã là bước đầu để có thể tìm cách giải quyết.

Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay, người Công giáo cũng không ngoại lệ, cũng phải đối diện với những khó khăn như mọi người: thất nghiệp, thiếu thốn, nghèo khổ. Chúng ta có thể làm gì? Dĩ nhiên người Công giáo có chỗ dựa tinh thần vững chắc là niềm tin vào sự quan phòng và tình yêu thương của Chúa. Tuy nhiên tôi muốn nói đến một lợi thế lớn của người Công giáo là hệ thống giáo xứ. Người Công giáo nào – dù ở thành phố hay nông thôn, cũng đều thuộc về một giáo xứ, và trong mỗi giáo xứ, bà con hầu như biết nhau hết (nhất là trong các vùng tập trung người Công giáo), vì thế có thể giúp nhau trong lúc khó khăn, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần.

Nói đến giáo xứ, không thể không nói đến vai trò của các linh mục. Đây là lúc các linh mục thi hành chức năng mục tử: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi”. Biết chiên đang ở đâu, hoàn cảnh sống ra sao, đầy đủ hay thiếu thốn, khỏe mạnh hay đau yếu. Biết chiên bằng cách gặp gỡ, thăm viếng từng nhà, trong hoàn cảnh bị giãn cách vẫn có thể thăm hỏi qua các phương tiện truyền thông. Biết chiên để tìm cách đồng hành, chia sẻ, nâng đỡ, khuyến khích; nếu quá nhiều việc phải làm, có thể mời gọi những người khác tham gia hỗ trợ. Biết chiên để kiến tạo sự hiệp thông trong gia đình giáo xứ, ví dụ hẹn nhau đọc kinh chung cùng lúc trong ngày, cùng nhau giúp đỡ một gia đình trong xứ hoặc trong khu vực đang gặp khó khăn, nơi nào có khả năng cũng có thể thiết lập đường dây tư vấn online.

“Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng ta”. Bước đầu tiên của mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Độ là Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta. Bước căn bản của Mục vụ cũng là ở cùng, hiện diện, chia sẻ. Đây chính là lúc cần thể hiện mục-vụ-ở-cùng nhiều nhất.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Nguồn: giaophanmytho.net 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây