TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhà in Làng Sông - Qui Nhơn

Chủ nhật - 25/12/2022 23:18 | Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính |   833
Nhà in Làng Sông là một trong ba nhà in lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nói đến nhà in Làng Sông, sẽ là rất thiếu sót nếu không nhắc đến nhà in Nazareth ở Hong Kong.
Nhà in Làng Sông - Qui Nhơn
NHÀ IN LÀNG SÔNG – QUI NHƠN:
DẤU ẤN TRONG LỊCH SỬ IN ẤN CHỮ QUỐC NGỮ
 
WGPQN (26.12.2022) - In mộc bản (xylographie) và in thạch bản (lithographie) là hai kỹ thuật in thường được sử dụng. Các kỹ thuật này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của các thừa sai, nghĩa là có thể in được bất kỳ thứ chữ viết nào của phương Đông và in với số lượng nhỏ tùy theo nhu cầu. In typo được sử dụng muộn hơn vì khó hoàn thiện và sắp xếp các kiểu chữ của phương Đông vốn phức tạp và nhiều con chữ. Kỹ thuật in thạch bản đã được các thừa sai nhập vào phương Đông từ năm 1820, nhưng không thông dụng bằng in mộc bản. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Yamamoto Tatsurō cho rằng kỹ thuật in typo đã được du nhập vào Việt Nam từ cuối triều Lê trung hưng thế kỷ XVIII, nhưng không thông dụng: “Có bằng chứng về thuật in typo ở Việt Nam vào thế kỷ XVIII nhưng không biết được nó được sử dụng ở mức độ nào ở đấy”.[1] Ở Nhật Bản và Việt Nam, cả Trung Hoa nữa, in mộc bản vẫn là phương pháp in chính mãi cho đến thế kỷ XIX.
 
Ý tưởng về việc thành lập một nhà in ở Đàng Trong đã có từ rất sớm, tuy nhiên điều này khó thực hiện trong bối cảnh đất nước không ổn định vì luôn có chiến tranh loạn lạc. “Ngày 9 tháng Năm 1773, Pigneau De Béhaine đã viết một bức thư gởi cho thừa sai Steiner, hỏi thông tin về  anh học trò người Đàng Trong khoảng 15, 16 tuổi mà ngài đã gởi đi Macao để “học cách in tiếng Hán” vì “việc này rất quan trọng cho miền truyền giáo Đàng Trong””.[2] Tuy nhiên cũng không có dấu vết lịch sử nào về sự kiện này mà chỉ biết được rằng vào năm 1774, một cuốn giáo lý bằng chữ Nôm của Pigneau de Béhaine được khắc và in ở Quảng Châu. Sách dày 82 trang, kích cỡ 0,152 x 0,097 (Arch. M.E. de Paris, Vol. 1095). Ghi chú cuối cùng cho biết Quảng Châu là nơi in ấn và lời tựa ghi năm 1774 mang chữ ký của Pigneau de Béhaine.[3]
 
 
Nhà in Làng Sông – Qui Nhơn
 
Nhà in Làng Sông là một trong ba nhà in lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nói đến nhà in Làng Sông, sẽ là rất thiếu sót nếu không nhắc đến nhà in Nazareth ở Hong Kong.
 
 
 
Từ năm 1452, Gutenberg đã biết kết hợp 3 kỹ thuật đã có từ trước để phát minh ra máy in: giấy, máy ép nho làm rượu, và mực có gốc dầu. Nhưng kỹ thuật in này vẫn tiến triển rất chậm chạp vì không có nhiều cải tiến, số lượng bản in vẫn chưa được nhiều. Mãi đến cuối thế kỷ XVIII thì máy in bằng gỗ mới được thay thế bằng khung sắt, và anh em nhà Didot mới du nhập máy này vào Pháp vào năm 1818, nhưng máy vẫn phải được vận hành bằng thủ công. Bauer và Koenig chế tạo thành công một máy in cơ giới và được chủ nhân của tờ báo Times của Anh mua lại. “Ngày 28 tháng 12 năm 1814, một thông báo ở trang đầu tờ báo đã loan tin rằng số báo này được in bằng máy in vận hành bằng hơi nước. Và năm 1823, máy in hơi nước mới có mặt ở Pháp và từ đó công việc in ấn được nhanh chóng phát triển. Cuối cùng, Marinoni đã hoàn thiện máy in cho phép in 20.000 bản trong 1 giờ”.[4] Đây là hệ thống máy in trục xoay 6 lề được gọi là “presse rotative à plieuse Marinoni”  đạt con số bản in kỷ lục vào thời ấy so với 800 bản một giờ của máy in Bauer và Koenig vào năm 1814 là máy in ép phẳng![5] “Năm 1867, tờ Petit Journal, được Moise-Polydore Millaud thành lập năm 1863, là tờ báo đầu tiên ở Pháp sử dụng máy in trục xoay mà Hippolyte Marinoni giới thiệu ở Hội chợ thế giới (Exposition Universelle) mở vào ngày 1 tháng Tư 1867 (tại Paris). Chiếc máy này được 6.000.000 khách tham quan, đã có thể in được 20.000 bản in trong 1 giờ. Một sự đầu tư như thế chỉ có thể được chứng minh qua số phát hành lớn của tờ nhật báo này với giá rất khiêm tốn, chỉ 1 xu”.[6] Kỹ thuật in thạch bản (Lithographie, do tiếng Hy Lạp λίθος, lithos, nghĩa là “đá”, và γράφειν, graphein, “viết”) được Alois Senefelder, người Đức, phát minh năm 1796.
 
 
 
Trước khi phát minh ra máy in, việc phổ biến sách hoàn toàn là công việc thủ công, bản văn được sao chép tay. Và đến lúc các bản sao chép tay không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng các bản văn ngày càng gia tăng. Phát minh máy in đã thay đổi việc xuất bản sách. Máy in của Gutenberg đã cho phép in những ấn phẩm giống nhau và bao nhiêu bản tùy ý. Và điều này cũng đã góp phần làm cách mạng trong lãnh vực diễn đạt ý tưởng cũng như quyền tác giả nữa. “Vào thời các bản chép tay, vai trò của tác giả rất lờ mờ và không rõ ràng. Trái lại, máy in đã là một phương tiện để nói cao hơn và mạnh hơn cũng như cho phép chính mình nói với thế giới, đồng thời cũng cho phép tiếp cận và khám phá cả thế giới sách vở mà cho đến lúc này được gìn giữ dưới những ổ khóa trong các căn phòng của tu viện hay chỉ được phổ biến một vài bản trong các đại học hay tư thất của các giáo sĩ”.[7] Và “Lợi ích của nhà in đã rõ ràng: công việc soạn thảo nhanh chóng, sự đồng nhất các bản văn (không còn những lỗi của người sao chép), có thể sản xuất số lượng lớn và giá rẻ. Những thành quả của việc phát minh ra nhà in là: sự phổ biến tinh thần Phục Hưng, phổ biến các văn bản và ý tưởng với giá rẻ, phổ biến các bản thảo cổ xưa, phát triển tinh thần phê bình…”[8]

Thấy được lợi ích của nhà in, các thừa sai đã nỗ lực đưa kỹ thuật in ấn typo về với các miền truyền giáo của mình. “Từ thập niên 1870, các thừa sai dám nghĩ dám làm đã phát triển và hiện đại hóa các cơ sở in, cũng vì lúc nầy những biến động tôn giáo đã lắng dịu và cũng vì sự phổ biến của kỹ thuật in typo. Chính trong bối cảnh này mà Nhà in Nazareth của các thừa sai ở Hong Kong đã được thành lập vào năm 1885. Tuy nhiên, đây không phải là bước khởi đầu trong lịch sử in ấn của các thừa sai MEP, đúng ra đây là thành quả của những nỗ lực đã được khởi đầu từ trước đó”.[9] Sau nửa thập kỷ hoạt động, nhà in Nazareth ở Hong Kong kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm 1925. “Trong vòng 50 năm, nhà in đã in 3 triệu bản sách và 4 triệu bản tạp chí. Các tác phẩm in gồm 28 ngôn ngữ trong đó có 7 thứ tiếng của Châu Âu (gồm cả tiếng Latinh) và 21 phương ngữ của miền Viễn Đông. Trong các thứ tiếng này, tiếng Hoa chiếm 28%, Việt Nam 22%, Latinh 18%, Pháp 12%, và các ngôn ngữ khác 20%.”[10] Và nhà in Nazareth đã trở nên hình mẫu cho nhà in Làng Sông với sự vào cuộc mạnh mẽ của cha Maheu ... sau một kỳ dưỡng bệnh!

 
 
 
Trong thời gian dưỡng bệnh tại Sanatorium de Béthanie, Hong Kong, cha Maheu đã học nghề tại nhà in Nazareth. Dưới sự hướng dẫn của cha Monnier, cha Maheu đã học cách vận hành máy in, đúc chữ, xếp chữ, đóng bìa …. Khi trở về địa phận, cha Maheu đã thành lập “Imprimerie de Lang-Song” vào năm 1904, tiếp nối truyền thống in ấn của địa phận. “Thiếu nguồn tài chánh và nhân lực hỗ trợ khiến lúc này chúng tôi làm được rất ít công việc giáo huấn ngoại trừ việc lập một nhà in nhỏ in kiểu mẫu tự Âu châu. Được thành lập từ hai năm nay, nhờ vào sự đóng góp của các thừa sai và các linh mục bản xứ, nó đã lớn mạnh dưới sự điều hành khéo léo của cha Maheu. Ngoài những bức thư luân lưu của giám mục và tờ thông báo hàng tháng, một vạch nối giữa các thành viên sống rải rác trong gia đình giáo phận, nhà in bắt đầu in vài cuốn sách kinh, những tác phẩm về giáo lý. Dần dần nó có thể đáp ứng được nhu cầu rất khẩn thiết của chúng tôi và trong khả năng khiêm tốn của mình cũng đã thực hiện được một trong những ước ao của Thánh Phaolô: Omni modo Christus annuntietur.[11]
 
 
 
Đây là nhà in với kỹ thuật in typo sắp chữ hiện đại, được giáo quyền địa phận tái lập và cha Maheu điều hành, có thể nói là nhà in chính thức mang tên “Imprimerie de Lang-Song”, “Librairie-Imprimerie de Lang-Song” hay “Imprimerie de Quinhon” được dùng thay đổi nhau, với chức năng in ấn và phát hành như một nhà xuất bản.  Đôi khi chức năng “Librairie” được thêm vào danh xưng vì nhà in cũng là nơi bán sách, cả những sách của các nhà in khác thậm chí những sách xuất bản từ Pháp. Trước đây ở Làng Sông đã có một cơ sở in ấn, từ thời Đức cha Charbonnier chuyển nơi ở từ Gia Hựu về Làng Sông, lập cơ sở nhà chung tại đây. Trong báo cáo năm 1872, Đức cha Charbonnier liệt kê cơ sở nhà chung gồm “3 nhà thuốc và 1 nhà in”.[12] Dù sao, nhà in nầy với kỹ thuật in mộc bản đã bị phong trào Văn Thân phá hủy năm 1885. Báo cáo năm 1885 ghi nhận các thiệt hại gồm “17 cô nhi viện, 10 tu viện, 4 trang trại, 2 chủng viện, 2 nhà thuốc, 1 nhà in, 1 tòa giám mục, 225 nhà thờ”.[13] Năm 1890, sau 5 năm tái xây dựng những thiệt hại do biến cố Văn Thân để lại, nhà in vẫn còn là một điều “xa xỉ”, chưa thể hiện diện được trong khi có biết bao nhiêu điều khác phải lo lắng trong địa phận. Cơ sở Nhà chung ở Làng Sông năm 1890 vẫn vỏn vẹn chỉ là “căn nhà của Đức cha Camelbeke, hai nhà nguyện, một chủng viện, dãy nhà cho các cha và nhân sự. Tất cả cơ sở này được bao bọc vuông vức bằng một hàng rào bằng tre, có hào bảo vệ mà ta phải đi qua trên những cây cầu bằng đá nhỏ nhắn xinh xinh”.[14] Sự hiện diện của một cơ sở in ấn chưa được ghi nhận vào thời gian này.

 
 
 
 

Mãi đến năm 1904, Nhà in Làng Sông được tái lập chỉ với mục đích truyền giáo và phổ biến chữ quốc ngữ, đã duy trì hoạt động nhờ sự đồng lòng và chung sức của các cha Việt Nam và các thừa sai Pháp. Đức cha Grangeon đã ghi nhận điều đó: “Từ khi lập nhà in tại Làng Sông đến nay, ta thấy các Cố cùng các Cha bổn quốc đều sẵn lòng thương giúp, hoặc cúng thí bạc tiền, hoặc đặt ra sách vở in, ta hết lòng cám ơn”.[15] Và từ khi mở công cuộc truyền giáo lên Tây nguyên, các thừa sai cũng đã lập một nhà in ở đây. Thống kê về hiện tình Địa phận Đông Đàng Trong năm 1922 ghi nhận: “Địa phận có hai nhà in: một ở Làng Sông, xuất bản nhiều sách tôn giáo và học đường; một nhà in khác ở Kontum dành để in những ấn bản bằng tiếng Bahnar.”[16] Lúc này, vùng Tây Nguyên vẫn còn thuộc về Địa phận Qui Nhơn và được tách ra vào ngày 18.1.1932 để thành lập Địa phận Kontum.
 
 
Công việc điều hành nhà in Làng Sông cũng được san sẻ và nhận sự giúp sức của các cha Việt Nam cũng như các thừa sai. Năm 1907, Cha Sanh được gọi về Làng Sông giúp cho công việc của nhà in.[17] Giữa năm 1913, Cha Durand tạm thời làm quản lý nhà in thay thế cho cha Maheu buộc phải về Pháp vì đau bệnh.[18] Ngày 13 tháng 3 năm 1920, cha Maheu cũng giao nhà in cho cha Durand quản lý để đi nghỉ vài ngày.[19] Năm 1927, cha Émile Laborier (Cố Hảo) thay thế cha Maheu điều hành nhà in Làng Sông;[20] tháng 5 năm 1928, cha Bober làm phụ tá nhà in cho cha Maheu,[21] và sau đó vì cha Maheu đang dốc toàn tâm toàn lực để xây dựng những tòa nhà đầu tiên của Trại phong Qui Hòa nên “Cha Maheu đã phải bỏ lại nhà in và tạp chí rất nổi tiếng là Lời Thăm, tuy nhiên chúng được trao quyền điều hành vào đôi tay tài hoa đó là cha Dorgeville (Cố Sĩ)”;[22] và “năm 1929, Đức cha Grangeon giao nhà in Làng Sông cho cha Perreaux (cố Qui) điều hành cho đến khi nó được chuyển về Qui Nhơn”.[23] Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, nửa thuộc địa, nửa phong kiến và bị “thực dân bóc lột”, các công nhân nhà in Làng Sông đã được hưởng một chế độ hưu bổng đi trước thời đại: “đương khi trên đất Trung Kỳ này chưa nghe tới tiếng liên đoàn xã hội, thì cha (Maheu) đã gầy nên một món tiền làm “hưu bổng”, cho ấn công làm việc lâu năm, được nhờ lúc già nua, lưng còm gối yếu, không còn làm việc được nữa.”[24]
 
 
 
 

Đặt mục tiêu truyền giáo lên hàng đầu, trong khi vẫn phát hành sách báo để trang trải chi phí in ấn và đủ để tồn tại, nhà in vẫn phát hành những ấn phẩm phi lợi nhuận: “Nhà in Qui Nhơn vừa in 5.000 bản tập sách nhỏ “Lương thiện” hay “Bên nào cũng như bên nấy”, 24 trang. Tập thứ hai hiện đang in là “Quang minh” hay “Bổn phận loài người”. Các tập này đã được in ở Hong Kong dưới các phụ đề như đã nói trên. Tác giả là hai thừa sai ở Hà Nội đã vui lòng cho phép tái bản với vài sửa đổi thiết thực hơn cho miền Nam Việt. Tập thứ ba của một linh mục bản xứ sẽ xuất bản gần đây. Chúng tôi hy vọng những tập khác sẽ bổ sung cho công cuộc truyền giáo giữa các lương dân này…. Những tập này sẽ được phân phối miễn phí cho mọi người, các cha sở và cha phó, và với số lượng mà mỗi vị thẩm định tùy theo môi trường hoàn cảnh. Ngay cả tiền cước gởi cũng do Nhà in chịu. Quod gratis acceptis, gratis et date”.[25]  Ngoài các báo chí trong địa phận, nhà in Quinhon còn in các ấn phẩm và báo chí của các địa phận khác: Nguyệt san Sacerdos Indosinensis, do Đức khâm sứ Constantin Ayuti và Ðức Cha Eugène Joseph Allys Lý sáng lập, phát hành số 1-2-3 ngày 19-03-1927; Nguyệt san Bulletin Catholique Indochinois, do cha Francois Lemasle Lễ sáng lập, phát hành số đầu tiên vào tháng 6 năm 1927; Kinh bổn sơ lược, Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn cho Địa phận Hưng Hóa; Sách bổn dạy những lẽ cần; Sách kinh cho Địa phận Vinh.
 
 
Ngoài những khoản tiền ít oi có được nhờ việc in ấn chính thức như tạp chí, sách vở, gọi là “travaux de labeur”, những khoản phụ thêm của nhà in như in bì thư, tờ rơi, cáo phó … gọi là “travaux de ville”, cũng đã giúp sửa sang được ngôi “Tòa giám mục” của Đức cha Grangeon vốn đã không lấy gì làm to lớn cho lắm: “Sự khủng hoảng nơi ở tại Làng Sông đã đưa đến việc xây dựng thêm hai căn phòng mới cho Đức cha, trên nền móng nối dài của tòa giám mục, nhưng ngăn cách bằng một hành lang dài và rộng. Như vậy văn phòng cũ của ngài có thể sử dụng được và phòng ngủ kề bên đủ để cho vị thư ký ở. Phí tổn xây dựng công trình khiêm tốn này (tường gạch lợp mái tranh) được một người anh em đồng sự xin giấu tên[26] hỗ trợ một nửa và nửa kia là do khoản in ấn phụ của nhà in chúng ta.”[27]  
 
 
Những ấn phẩm sách báo đến tay các độc giả nhờ hệ thống phát hành của nhà in trải khắp ba miền: Saigon: Magasin Nam Xuân, 80 Boulevard Charner; Mỹ Tho: Nhà trường Thầy Dòng – Ông trùm Phi; Cần Thơ: M. Pierre Dương, photographie Khánh Ký; Phnompenh: M. Janneau, 1 rue Orsini; Hà Nội: Trung hòa nhật báo, 33 rue de la Mission. Đồng thời, các chị em Mến Thánh Giá cũng tham gia vào hệ thống phân phối này: “Ít ra là tạm thời, các nữ tu Mến Thánh Giá đã được Nhà in Qui Nhơn giao bán các sách và ấn phẩm của nhà in”.[28] Và để khích lệ người mua, các đại lý cũng đã có những phương cách khá hiện đại mà ngày nay vẫn còn áp dụng, chẳng hạn như phiếu thưởng hay đăng quảng cáo trên những tờ báo khác. “Trong hạn 2 tháng kể từ 1er Mars 1936 đến hết ngày 30 Avril 1936, ai mang phiếu thưởng này đến mua hàng tại hiệu Hòa Lợi, 11, rue de la Mission Hanoi, sẽ được bớt giá hàng kể sau này: A) – Bớt 10% về các thứ thuốc Võ Đình Dần, về các tượng, về thánh giá và đồ gỗ Đồng Hới, và về các sách do nhà in Qui Nhơn xuất bản …”[29] hay “Hàng bán vải lụa “Nam Xuân” (Au printemps cochinchinois), số 59 Boulevard Charner , Saigon - Lại từ đây bổn hiệu cũng trữ sách và tuồng của nhà in Qui Nhơn tiện bề cho quí ông, quí bà muốn mua khỏi viết thư chờ đợi. Kính mời ông bà đến viếng, bổn hiệu sẵn lòng tiếp rước.”[30]
 
 
 
 

Ngày 1 tháng 11 năm 1933, nhà in Làng Sông chịu thiệt hại nặng nề trong trận bão lụt dữ dội: “Trường Latinh ở Làng Sông, tầng gác bị lún, cho nên hoặc phải tốn công sửa lại cho chắc chắn, có lẽ phải phá đi. Nhà thờ gỗ tuy chống lại được, nhưng tường và mái nhà sạt đổ mất nửa. Các nhà khác đều đổ sụp. Nhà in Qui Nhơn các mái tốc hầu hết, nên hằng mấy tiếng đồng hồ, nước cứ tự do mà chảy vào tràn cả giấy má sách vở, máy móc và các đồ vật, nên thiệt hại lắm”.[31] Và kể từ ngày 23 tháng 4 năm 1935, “công việc dọn về nhà mới đã tạm yên, nhà in Qui Nhơn bỏ hẳn chỗ cũ ở Lòng Sông, mà làm việc tại sở mới, ở chính trong châu thành Qui Nhơn. Nhà cửa cao lớn chắc chắn, ngăn nắp thứ tự”.[32] Năm 1946, trong thời gian tiêu thổ kháng chiến thời Việt Minh, Qui Nhơn được lệnh di tản, cha bề trên Huy lên ở Dòng Thánh Giuse Kim Châu, giao máy in cho các thầy quản lý. Sau này, cha Antôn Nguyễn Anh Thuận đưa máy in về Vĩnh Minh (Nam Bình): “khi cha Thuận được bổ nhiệm về làm cha sở Kim Châu, cha bề trên Huy đang cư trú tại nhà Dòng Thánh Giuse Kim Châu giao máy cho các thầy quản lý và tùy nghi sử dụng, để tổ chức lại việc in ấn, vừa giúp Giáo phận vừa giúp nhà dòng. Sau này nhà dòng chỉ định thầy Paul Định tổ chức nhà in tại Trường Thuế, Nam Bình, cho đến khi cùng với dân chúng di tản vì sợ Pháp đổ bộ”.[33] Có thể nói kể từ thời gian này trở đi, danh xưng “Imprimerie de Quinhon” không còn tồn tại nữa vì không thuộc quyền quản lý của bản quyền Địa phận. Ở ngoài “truyền thống” in ấn của địa phận, những gì còn lại của nhà in Qui Nhơn chỉ là khung máy bằng sắt thép, những con chữ bằng chì, hay đơn giản hơn chỉ là những “công cụ sản xuất”. Từ thời gian này, máy móc và dụng cụ trước đây của “Imprimerie de Quinhơn” được “trưng dụng”, một mỹ từ có nội hàm nhất định, được chuyển đến Đại An (Phù Cát), Ân Thường (Hoài Ân), Kim Châu, và cuối cùng là Nha Trang…
 
 
Cùng với Nhà in Tân Định ở Nam kỳ, nhà in Kẻ Sở ở Bắc kỳ, nhà in Làng Sông - Quinhon đã góp phần phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ và hình thành một nền báo chí phong phú, sôi động vào đầu thế XX. “Như vậy, sự thành lập và hoạt động của các nhà in nói trên của các giáo sĩ đạo Thiên Chúa đã để lại một số ấn phẩm có giá trị, đáng kể nhất là hai cuốn tự điển của Taberd và Génibrel. Đây là những tư liệu quý hiếm đánh dấu giai đoạn phát triển của chữ Quốc ngữ, là sự gợi mở cho việc biên soạn các cuốn tự điển khác về sau này, góp phần hoàn chỉnh thêm chữ Quốc ngữ. Thông qua những ấn phẩm in bằng chữ Quốc ngữ của các nhà in này, chúng ta có thể dựng lại các giai đoạn phát triển lịch sử của chữ Quốc ngữ về cấu trúc từ ngữ, cú pháp, âm, vần... Rõ ràng có thể thấy mặc dù các xưởng in đó lúc đầu chỉ phục vụ cho giáo hội, nhưng điều quan trọng là sự du nhập kỹ thuật in tiên tiến của phương Tây vào Việt Nam đã là tiền đề vật chất quan trọng cho sự phát triển của văn hoá bản địa sau này, mà trước hết là sự phát triển của báo chí - một lĩnh vực của văn hoá được du nhập từ phương Tây vào nước ta.”[34]
 
 
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn: gpquinhon.org
 

 
[1] Yamamoto Tatsurō, “Development of movable type printing in Vietnam under the Lê dynasty: a study of the comparative  history between Japan and Vietnam”, Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko 57 (1999), tr. 1-11.
 
[2] Archives de M.E. de Paris, vol 800 (02), Cochinchine Septentrionale, 1704–1783, tr. 621, No d’inventaire : 1409.
 
[3] Xem Pham Dam Ca, De la nécessité de la création d’une typographie vietnamienne, ÉSAD Amiens, 2012, tr. 32-33
 
[4]  G. Ducoudra, Histoire et civilisation contemporaines (de 1815 à nos jours), Hachette, 1905, tr. 742
 
[5]https://www.arts-et-metiers.net/sites/arts-et-metiers.net/files/asset/document/fo_marinoni.pdf
 
[6] Jean-Paul Visse, La Presse du Nord et du Pas-De-Calais au temps de l'Écho du Nord (1819-1944), Presses Univ. Septentrion, 2004, tr. 118
 
[7] Jean-Marie Bomengola-Ilomba, L’évangélisation par les médias, Université Lumière Lyon 2, 2008, tr. 23
 
[8] Jean-Marie Bomengola-Ilomba, sđd., tr. 37.
 
[9] Véronique Delcourt, L’apostolat par le livre dans l’Extrême-Orient des missions-étrangères au XIXe siècle, d’après la correspondance, thèse de doctorat, École national des chartes, Université PSL (Paris Sciences & Lettres), 2003.
 
[10] Annales MEP, 1935, tr. 92
 
[11] Compte-rendu des travaux MEP, 1906, tr. 170 
 
[12] Compte-rendu des travaux MEP, 1874, tr. 20
 
[13] Compte-rendu des travaux MEP, 1885, tr. 84
 
[14] Bulletin de géographie historique et descriptive: année 1890, Ernest Leroux, tr. 87
 
[15] Mémorial, Mission de Quinhon, số 109, Juillet 1914, tr. 46-48
 
[16]  Bulletin MEP, 1 Janvier 1922 , tr. 33
 
[17] Mémorial, Mission de Quinhon, 31 Aout 1907, tr. 66
 
[18] Mémorial, Mission de Quinhon, 8 Mai 1913, tr. 17
 
[19] Mémorial, Mission de Quinhon, 20 Avril 1920, tr. 20
 
[20] Gérard Moussay, Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des missions étrangères, 1659-2004, MEP, 2004, tr. 439
 
[21] Mémorial, Mission de Quinhon, Mai 1928, tr. 65
 
[22] Bulletin MEP, 1929, tr. 565 và Gérard Moussay, Brigitte Appavou, Répertoire des membres de la Société des missions étrangères, 1659-2004, MEP, 2004, tr. 397.
 
[23] Compte-rendu des travaux MEP, 1939, tr. 289 
 
[24] Lời Thăm, số 198, 15 tháng Ba 1931, tr. 161-163
 
[25] Mémorial, Mission de Quinhon, Juin 1914, tr. 40
 
[26] Theo suy đoán của chúng tôi thì vị ân nhân này chính là cha Dorgeville, cố Sĩ, cũng là “kiến trúc sư” xây dựng các công trình của giáo phận. Gia đình ngài có một xưởng dệt len nên cũng vào hạng khá giả. Xem thêm về cha Dorgeville trong bài “Nguồn gốc của Trung tâm thông tin tư liệu Đại học Qui Nhơn: một cơ sở tôn giáo”, trong Xuôi ngược thời gian, Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính biên tập, Tủ sách Nước Mặn, TGM Qui Nhơn, 2019, tr. 13.
 
[27] Mémorial, Mission de Quinhon, 1 Novembre 1922, tr. 135
 
[28] Compte-rendu des travaux, MEP, 1935, tr. 144
 
[29] Trung hòa nhật báo, Số 1764, 7 Tháng Ba 1936
 
[30] Đông Pháp thời báo, 14 tháng 10 năm 1927
 
[31] “Cái nỗi thống khổ của anh em giáo hữu địa phận Qui Nhơn phải chịu vì trận bão vừa rồi”, Trung hòa nhật báo, Số 1419, 14 Tháng Mười Một 1933
 
[32] Lời Thăm, 1 Mai 1935, tr. 143
 
[33] Ban biên soạn lịch sử giáo phận, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Antôn & Đuốc sáng, 2017, tr. 303
[34] Ths. Phạm Thị Thanh Huyền, “Một số đóng góp của Thiên Chúa giáo đối với văn hoá Việt Nam (thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XX)”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba, Đại học quốc gia Hà Nội, 2010, tr. 120

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây