Trong bài giảng Thánh lễ Chúa nhật 18/7, Đức Thượng phụ đã đề cập trực tiếp đến tình hình chính trị tại Libăng, sau khi thủ tướng được chỉ định Saad Hariri tuyên bố từ bỏ nhiệm vụ thành lập nội các mới. Ngài nói: “Do cuộc khủng hoảng, người dân Libăng đói khát và suy sụp, như đàn chiên không người chăn dắt. Nhưng trong tình trạng bế tắc này, mọi người vẫn còn tin tưởng vào sự cầu bầu của thánh Charbel, với niềm tin rằng ngài sẽ không để Libăng sụp đổ”.
Theo Đức Hồng y, điều cấp bách cần phải làm ngay là tìm một đại diện chính trị người Sunni để giao phó việc thành lập một chính phủ mới. Ngài nhấn mạnh: “Quốc gia đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng quốc gia, để vượt qua nó, bên cạnh sự hỗ trợ của các nước khác, đòi hỏi mọi người phải nỗ lực. Chỉ bằng cách này, đất nước mới có thể tái hiện bức tranh về sự chung sống giữa những khác biệt, điều tạo nên bản sắc của Libăng”.
Đức Hồng y chỉ ra một loạt các điểm tiêu cực nếu chính phủ không được thiết lập: Nếu không có một chính phủ vững chắc và được quốc tế công nhận, Libăng không thể tiến bước. Nếu không có chính phủ thì nạn tham nhũng ngày càng gia tăng và các đảng phái mặc sức sử dụng quyền lực. Nếu không có chính phủ thì việc điều tra vụ nổ Beirut năm ngoái sẽ bị ngưng lại. Nếu không có chính phủ, thì yêu cầu cấp bách về việc kiểm soát của ngân hàng trung ương, và hệ thống chống lãng phí và cướp bóc các nguồn lực công sẽ bị loại bỏ.
Đức Hồng y kết luận: “Chính sự bất động của các lực lượng chính trị và sự tê liệt của thể chế ngày càng khẳng định rằng người ta chỉ có thể thoát ra khỏi khủng hoảng bằng cách triệu tập một hội nghị quốc tế cho Libăng, dưới sự bảo hộ của Liên Hiệp Quốc. Hiện nay, các chính trị gia của đất nước không thể giải quyết các vấn đề đơn giản hàng ngày như rác thải, điện, thực phẩm, thuốc và chất đốt. Họ không có khả năng chống tham nhũng, hỗ trợ cơ quan tư pháp”. (Sir. 19/7/2021).
Ngọc Yến - Vatican News