TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm C

“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”. (Ga 10, 27-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thường huấn Linh mục 2025 -đợt 1

Thứ năm - 08/05/2025 05:19 | Tác giả bài viết: Ban Truyền Thông – GP.BMT |   513
Học hỏi TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN - Bản dịch của Ủy ban Kinh Thánh trực thuộc HĐGMVN. Trình bày: Linh mục GB Nguyễn Quốc Hưng

Thường huấn Linh mục 2025 -đợt 1

BMT 080525a

 

“Khuôn mặt Hội Thánh trong Tin Mừng theo Thánh Gioan” là chủ đề của Thường huấn năm 2025 dành cho linh mục đoàn Giáo phận Ban Mê Thuột.

Thường huấn Linh mục Ban Mê Thuột năm 2025 chia thành hai đợt.   

Đợt 1: Các linh mục tham dự từ chiều thứ Hai ngày 05/05/2025 đến chiều thứ Năm ngày 08/05/2025. Gồm có 148 Linh mục chịu chức từ năm 2014 đến năm 2024, trong đó 120 Linh mục triều (từ Khóa 9 đến Khóa 16 ĐCV Sao Biển Nha Trang) và 28 Linh mục dòng đang làm mục vụ trong Giáo phận.

Trong dịp thường huấn này, Đức Cha Giáo Phận sắp xếp Cha giáo GB. Nguyễn Quốc Hưng, một Linh mục có trình độ và kiến thức sâu rộng trình bày về Tin Mừng Gioan hầu giúp các Linh mục trẻ hiểu biết nhiều hơn về Kinh thánh và về Giáo hội.

Trong dịp này, các Linh mục trẻ cũng có dịp gặp gỡ nhau, trao đổi các kinh nghiệm mục vụ với nhau và có những ngày sống thân tình trong bầu khí Linh mục đoàn Giáo phận.          

Đợt 2: Gồm các linh mục còn lại, sẽ tham dự từ thứ Hai ngày 12/05/2025 và kết thúc sáng thứ Sáu ngày 16/05/2025 với thánh lễ Truyền Chức Linh Mục cho 19 thầy Phó tế lúc 6 giờ 00 tại Nhà Thờ Chính Tòa.

Giảng huấn đợt 1 do Cha giáo GB. Nguyễn Quốc Hưng hướng dẫn học hỏi Tin Mừng Gioan.

Chiều thứ Năm 08.5.2025, Cha TĐD Phêrô Nguyễn Văn Thái hướng dẫn học hỏi Quy Chế Giáo Xứ.
 
I. Thứ Hai, ngày 05.05
• 16g30: Kính chào Đức Cha Giáo Phận     
• 17g00: Kinh Chiều + Chầu Thánh Thể + Ăn tối.         
• 19g30: Gặp gỡ và trao đổi với Cha hướng dẫn + Kinh Tối.   

II. Thứ Ba - Thứ Năm, ngày 06 - 08.05     
• Cha giáo GB. Nguyễn Quốc Hưng hướng dẫn học hỏi Tin Mừng Gioan.
• Cha TĐD Phêrô Nguyễn Văn Thái hướng dẫn học hỏi Quy Chế Giáo Xứ.

 

Cha giáo GB. Nguyễn Quốc Hưng
 

Cha TĐD Phêrô Nguyễn Văn Thái
 

 Toàn cảnh buổi Thường huấn

Toàn cảnh buổi Thường huấn
 

HÌNH ẢNH 

Ghi nhanh của Ban Truyền Thông – GP.BMT

 

Tóm tắt nội dung Giảng huấn của Cha giáo GB. Nguyễn Quốc Hưng:

KHUÔN MẶT HỘI THÁNH
TRONG TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN

Khám phá khuôn mặt của Giáo hội mà Lời Chúa trình bày cũng là nhận ra khuôn mặt của người tín hữu mà Thiên Chúa mong đợi. Như thế, việc khám phá khuôn mặt của Giáo hội trong chương trình của Thiên Chúa là điều cần thiết, giúp người tín hữu định hướng đời sống và điều chỉnh dấn thân của mình, nhất là đối với những người được Chúa giao phó trách nhiệm coi sóc cộng đoàn tín hữu.

Các sách Tin mừng phác họa những khuôn mặt khác nhau của Giáo hội, tùy vào mối bận tâm thần học và cách trình bày mầu nhiệm Đức Kitô cho cộng đoàn tín hữu. Tin mừng Gioan nhấn mạnh rằng Đức Giêsu là Lời sự sống của Thiên Chúa (1,1-3); Người đến để ban “sự sống trong Danh Người” cho tất cả những ai tin vào Người (20,30-31). Chính để sự sống của Người tiếp tục được ban tặng cho thế giới mà Người thiết lập Giáo hội. Vậy, Giáo hội là cộng đoàn như thế nào? Đó là câu hỏi mà chúng ta sẽ tìm cách trả lời trong các giờ thường huấn trong những ngày này.

Chúng ta tìm hiểu vấn đề dưới ánh sáng của Tin mừng Gioan, bằng cách đọc lại những đoạn văn có liên quan cách đặc biệt với cộng đoàn các môn đệ trong Tin mừng này. Nội dung của bài tìm hiểu được phân chia như sau:
 

1.     Một cộng đoàn môn đệ (1,35-21)
1.1.    Cái nhìn tổng quát: ưu tiên địa vị môn đệ
1.2.    Cộng đoàn môn đệ điển hình (1,35-51)
2.     Những ẩn dụ về Hội Thánh
2.1.    Đàn chiên của Đức Giêsu Mục tử và Cửa chuồng chiên (10,1-18)
2.2.    Những cành nho của cây nho Giêsu (15,1-8)
3.     Gia đình của Thiên Chúa (19,25-20,18)
3.1.    Một gia đình sinh ra trong mầu nhiệm thập giá (19,25-39)
3.2.    Một cộng đoàn « anh em » (20,1-18)
4.     Một cộng đoàn được sai đi thi hành sứ vụ trong Thần Khí (20,19-23)
5.     Một cộng đoàn làm tỏ hiện vinh quang của Đức Giêsu (21,1-23)
5.1.    Cộng đoàn dấn thân trên nền tảng Lời Chúa (21,1-14)
5.2.    Vai trò của Phêrô mục tử (21,15-19)

Tóm kết

Sau khi phân tích một số trình thuật gợi lên hình ảnh cộng đoàn tín hữu, chúng ta có thể rút ra vài dòng tư tưởng quan trọng liên quan đến cái nhìn của Tin mừng thứ Tư về mầu nhiệm Giáo hội, và cũng là những lối nhìn khả dĩ giúp điều chỉnh những dấn thân của chúng ta trong sứ mạng phục vụ Giáo hội hôm nay.

Trước hết, trong cái nhìn của Tin mừng Gioan, Giáo hội tìm thấy lý do hiện hữu và bản chất của mình nơi mầu nhiệm Đức Giêsu, Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu độ thế giới. Giáo hội là gia đình mới của Thiên Chúa (19,25-27), có Thiên Chúa là Cha và mọi người là « anh chị em » với nhau trong Đức Giêsu. Giáo hội là cộng đoàn « thừa sai », có sứ mạng làm tỏ hiện khuôn mặt của Đức Giêsu trong thế giới, như Đức Giêsu được Cha đã bày tỏ vinh quang của Cha Đấng đã sai Ngài đến. Giáo hội sống và hoạt động nhờ Thần Khí - hơi thở mà Đức Giêsu Phục sinh đã thổi vào các môn đệ. Giáo hội được sai đi để làm cho chiến thắng của Đức Giêsu trên quyền lực của tội lỗi được nói dài trong thế giới (20,22-23). Do đó, Giáo Hội không đơn thuần là một định chế trần thế; Giáo Hội có nhiệm vụ thông truyền cho thế giới Tin mừng cứu độ mà Chúa Giêsu đã công bố và thực hiện trong suốt cuộc đời làm người của Người, mà đỉnh cao là biến cố Thập Giá và Phục Sinh của Người. Một sự quy chiếu nền tảng như thế vào con người của Đức Giêsu Con Một của Thiên Chúa kéo theo những hệ lụy quan trọng liên quan đến chính hiện hữu và các cách thế hiện hữu của Giáo Hội.

Điều quan trọng hàng đầu trong đời sống của Giáo hội chính là phẩm chất của mối dây liên kết mỗi tín hữu với Chúa Giêsu Kitô yêu dấu của mình. Xác tín nền tảng như vậy sẽ tương đối hóa những khác biệt về địa vị hoặc những mức độ thuộc về Giáo hội mà người ta xác định dựa trên chức vụ theo phẩm trật. Người Kitô hữu không có một ưu tiên nào khác quan trọng hơn ưu tiên sự kết hiệp cá vị với Đức Kitô bằng một mối tương quan duy nhất, mật thiết và không thể thay thế, giống như đàn chiên trong dụ ngôn, trong đó mỗi con chiên đều được mục tử duy nhất biết đến, và chính con chiên biết mục tử của mình qua tiếng nói của mục tử ấy. Khi mỗi tín hữu nên một với Chúa, thì tất cả anh chị em – một khi liên kết với nhau trong Đức Kitô như thế – sẽ làm nên một toàn thể mới giống như Đức Kitô toàn thể, như một cây nho duy nhất bao gồm nhiều cành nho. Hai hình ảnh mục tử-đàn chiêncây nho-cành nho là những hình ảnh đầy chất sống và có tác dụng nhấn mạnh rằng Giáo hội trước hết và thiết yếu là một cộng đoàn gắn bó với Đức Giêsu bằng một mối tương quan cá vị và sống động, và mối tương quan này là vấn đề sống còn của Giáo hội.

Như thế, trong cái nhìn của Tin mừng Gioan, Giáo hội không đơn thuần là một thực tại mang tính lịch sử và xã hội. Đúng hơn, Giáo hội là một « mầu nhiệm », sống lệ thuộc vào mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong con người và công trình của Đức Giêsu.

Thứ hai, Tin mừng Gioan không hề phủ nhận tầm quan trọng của chức vụ và quyền bính đi kèm với chức vụ ấy. Vấn đề mà Tin mừng nhấn mạnh là cách thức thi hành chức vụ và sử dụng quyền bính ấy như thế nào. Nhưng trong khi xác nhận tầm quan trọng của chức vụ và quyền bính, Tin mừng này nhấn mạnh rằng Giáo hội trước hết là cộng đoàn môn đệ trong đó điều quan trọng là gắn bó với Đức Giêsu và trở thành chứng nhân của Người, thành những người mang chở sự sống và tình yêu của Người đến cho thế giới. Phẩm vị môn đệ này dành cho tất cả mọi tín hữu và là yếu tố quan trọng hơn mọi chức vụ.

Chính với cái nhìn trên đây mà khi miêu tả cộng đoàn môn đệ, tuy không bỏ qua những nhân vật truyền thống như Phêrô và Nhóm Mười Hai, Tin mừng này còn thêm vào và thậm chí ưu tiên những nhân vật khác, được nhận biết dựa trên ân ban hay đặc sủng của cá nhân hơn là trên nền tảng chức vụ, trong đó phải kể đến người môn đệ Chúa yêu, Nathanael…

Hơn nữa, trong cộng đoàn Hội thánh, những nhân vật nữ có một vị trí quan trọng. Đây là điều đặc biệt và càng đáng lưu tâm nếu chúng ta xét đến lối nhìn định kiến đối với phụ nữ trong bối cảnh văn hóa phụ quyền thời đó. Trong các phụ nữ mà Tin mừng thứ Tư nói tới, chúng ta đã dừng lại ở hai nhân vật: Mẹ của Đức Giêsu, và Maria Magđala[1]. Đây là là những nhân vật chiếm vị trị quan trọng trong chiến lược tường thuật của Tin mừng và là những mẫu gương tuyệt vời cho đời sống Kitô hữu, trên phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Đức Mẹ có mặt đó như một nhân tố không thể thiếu để Đức Giêsu thiết lập gia đình Hội thánh trong đó người tín hữu được dự phần vào địa vị làm con Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Maria Magđala không được xác định bằng danh xưng tông đồ hay môn đệ, nhưng bà có đủ mọi phẩm chất của người môn đệ và tông đồ lý tưởng. Nhờ yêu mến và gắn bó trung tin với Đức Giêsu bất chấp tình trạng hiểu lầm (20,1-2.11-17), bà trở thành người đầu tiên sống cuộc gặp gỡ cá vị với Đấng Phục Sinh và là người đầu tiên được sai đi loan báo cho cộng đoàn các môn đệ Tin mừng phục sinh và sự kiện Đức Giêsu được tôn vinh bên Cha cùng với ân huệ làm con Thiên Chúa được ban tặng cho các « anh chị em » tín hữu trong Cộng đoàn Hội Thánh (20,17-18). Bà hòa nhập vào trong cộng đoàn các môn đệ nơi bà được sai đến. Khi hành động như thế, bà biểu lộ một sự tương hợp trọn vẹn giữa kinh nghiệm cá nhân về ơn cứu độ và việc tham dự vào đời sống của cộng đoàn Hội thánh, giữa tin vào Đức Giêsu và làm chứng về Người giữa cộng đoàn. Bà sống chiều kích cá nhân của đức tin ngay giữa lòng cộng đoàn Giáo hội. Như thế, trong bức tranh các tín hữu nam nữ nổi bật trong cộng đoàn Hội Thánh, không có sự phân biệt về khả năng hiểu biết, sự nhanh nhạy hoặc khả năng đáp trả.

Cuối cùng, qua hình ảnh Phêrô xuất hiện bên cảnh môn đệ Chúa yêu, Tin mừng phác họa bức chân dung rất ý nghĩa về cộng đoàn Giáo Hội. Danh tính của người môn đệ này không bao giờ được xác định bởi tên riêng, nhưng bằng kiểu nói « môn đê Đức Giêsu yêu mến ». Nhìn vào cách gọi này, độc giả chỉ thấy một từ nói về bản thân ông, đó là từ “môn đệ”. Mà từ “môn đệ” lại hướng sự chú ý của độc giả về vị thầy. Mặt khác, độc giả không thấy tên của ông, mà chỉ thấy danh « Giêsu » và tình yêu mà Đức Giêsu dành cho ông. Như thế, cách gọi “người môn đệ Đức Giêsu yêu” nói lên rằng môn đệ này sống và hoạt động trong mối tương quan gắn bó với Chúa Giêsu. Ông có mặt giữa cộng đoàn Giáo hội không phải để lôi kéo sự chú ý của người ta về bản thân mình, nhưng hướng người ta về Chúa Giêsu. Ông chấp nhận hy sinh bản thân, xóa mình hoàn toàn, để làm nổi bật Danh thánh Giêsu. Ông hiện diện trong cộng đoàn như một người mang chở tình yêu của Đức Giêsu đến cho mọi người, và ông làm tất cả để mọi người thấy tình yêu và khuôn mặt của Đức Giêsu.

Khi đặt môn đệ này bên cạnh Phêrô, Tin mừng cho thấy rằng Phêrô trong phẩm vị mục tử đại diện của Đức Giêsu phải bước đi trong tâm thế như người môn đệ Chúa yêu, dấn thân phục vụ không phải để tôn vinh bản thân, nhưng như một người mang chở tình yêu của Đức Giêsu và làm tỏ hiện Danh Giêsu giữa cộng đoàn. Để trở thành mục tử coi sóc đàn chiên của Đức Giêsu và góp phần làm tỏ hiện vinh quang của Đức Giêsu trong thế gian, Phêrô cần phải sống trong mối tương quan gắn bó với Đức Giêsu, đón nhận tình yêu của Đức Giêsu và sống bằng tình yêu ấy. Đây là điều kiện và là nền móng căn bản để đoàn chiên mà Đức Giêsu trao phó cho môn đệ này coi sóc thực sự là một gia đình liên kết mọi người trong tình huynh đệ trong Chúa Giêsu và tình con thảo với Thiên Chúa.

Gắn bó với Đức Giêsu bằng một mối tương quan tình yêu sống động và đậm đà là một nhu cầu không thể bỏ qua, bởi vì người Kitô hữu chỉ có thể có được sự sống của Thiên Chúa nhờ sự chết, sống lại và lên trời của Đức Giêsu; chính hành động cứu độ đó của Thiên Chúa trong lịch sử là nguồn mạch tuôn trào Thần Khí, Đấng là sự sống của người Kitô hữu. Bởi đó, sự gắn bó của từng cá nhân với Đức Giêsu là điều quan trọng hơn mọi chức vụ hay đặc sủng. Điều đó không có nghĩa là trong cái nhìn của Tin mừng Gioan, cơ cấu phẩm trật và tính cộng đoàn của Giáo Hội không có ý nghĩa hay bị coi nhẹ. Thực ra, Gioan luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của Phêrô, và đó là dữ kiện xác nhận rằng cơ cấu phẩm trật vẫn luôn được khẳng định. Chúng ta có thể suy đoán rằng người tường thuật Tin mừng Gioan đã biết đến sự hiện hữu của cơ chế và phẩm trật trong Giáo hội và cảm thấy không cần phải chứng minh tầm quan trọng cơ chế và phẩm trật ấy trong đời sống Kitô hữu nữa. Nếu tác giả Tin mừng nhấn mạnh mối hiệp thông giữa từng cá nhân với Đức Giêsu thì không phải để bác bỏ vai trò trung gian của Cộng đoàn Hội Thánh và các Bí tích, nhưng để cảnh giác xu hướng vụ hình thức vốn dĩ là nguy cơ không thể tránh được của cơ chế và các chức vụ đã được thiết định. Trong viễn ảnh đó, Giáo hội học của Tin mừng Gioan là một nỗ lực nhắm bảo đảm ý nghĩa cho cơ chế trong Giáo Hội, đồng thời giúp ngăn ngừa Giáo hội khỏi nguy cơ dần dà đi dến chỗ bị người ta hiểu như một toàn thể độc lập với Đức Giêsu lịch sử.

Giáo hội học của Gioan, vì thế, luôn mang tính thời sự, nhất là trước những vấn nạn trong Giáo Hội cũng như trong đời sống của người Kitô hữu hiện nay, trong đó chiều kích thiêng liêng luôn có nguy cơ bị giản lược hay bị xói mòn bởi xu hướng chuộng hình thức bên ngoài, hoặc bởi não trạng thực dụng, chạy theo những công trình vật chất mà kết quả dễ thấy được, hơn là xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất trong tình yêu, gắn bó với Chúa và với nhau. Khuôn mặt Giáo hội mà Tin mừng Gioan đề nghị với chúng ta là một cộng đoàn trong đó mỗi người trở thành như người môn đệ Đức Giêsu yêu mến, tựa vào ngực Chúa Giêsu và ngụp lặn trong tình yêu của Người, để mang chở tình yêu ấy đến cho mọi người.

Những người được giao phó trách nhiệm coi sóc Cộng đoàn tín hữu không phải là những quan chức, nhưng là những người sống gắn bó với Thiên Chúa và là những cầu nối sống động liên kết anh chị em với Đức Giêsu, có khả năng dẫn đàn chiên đi vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa tình yêu.

Hình ảnh cuối cùng nói về Giáo hội trong Tin mừng Gioan là hình ảnh mục tử, được áp dụng cho chính Phêrô, với sứ mạng ‘chăn dắt’ mà đối tượng là “các chiên con” và “các chiên” của Đức Giêsu, và được làm sáng tỏ bởi động từ ‘yêu’ (agapaôphileô) (21,15-19). Phêrô là mục tử được ủy nhiệm, còn Đức Giêsu là mục tử duy nhất chân chính, tốt lành (Ga 10). Mà Đức Giêsu là mục tử yêu các chiên của mình, Người ‘biết’ từng con chiên, ‘thí’ mạng sống mình để cứu độ đoàn chiên. Hơn nữa, Người còn là Cửa, nói cách khác, là lối đi bắt buộc, dẫn đến sự sống và sự an toàn. Simon Phêrô chỉ là ‘dụng cụ’ của vị Mục Tử duy nhất, và vai trò ấy được đặt trên nền tảng tình yêu đối với Đức Giêsu. Mối dây tình yêu đối với Chúa của mình đòi buộc Phêrô phải có cùng một cách cư xử như Đức Giêsu với các tín hữu thuộc đàn chiên của Người: một cách hành xử phản chiếu một tình yêu trọn vẹn và vô vị lợi, lưu tâm đến từng con chiên, đồng thời lo lắng cho tất cả đàn chiên, dấn thân không dè xẻn, đến độ trao ban cả sự sống của mình. Phêrô phải là người khích lệ và bảo đảm một sự hiệp nhất đích thực và mãnh liệt, trong sự hiệp thông sống động và được nuôi vừa bởi những khác biệt và năng lực riêng của mỗi thành viên, mà không bỏ qua sự lo lắng cho “những chiên khác không thuộc chuồng này” (10,16). Một điều đáng chú ý là hình ảnh mục tử có thể được mở rộng để rồi áp dụng cho cả Phêrô, nhưng hình ảnh ‘cánh cửa’ thì chỉ dành cho Đức Giêsu: chỉ một mình Con Một của Cha là lối đi bắt buộc cho tất cả những ai muốn đạt tới sự sống đời đời.

Một điều chắc chắn là hình ảnh mục tử, áp dụng cho Phêrô, thì vô cùng dịu dàng hơn, nhân bản hơn, sống động hơn nhiều so với hình ảnh ‘Đá’ trong Mt 16,16-18. Chúng ta có thể kết thúc lộ trình tìm hiểu khuôn mặt của Giáo hội trong Tin mừng Gioan với một lời bày tỏ mong ước trước hết và quan trọng nhất, đồng thời là một lời cầu nguyện tha thiết: ước gì hình ảnh mang tính xác thịt của người mục tử và đàn chiên có thể điều hòa, làm dịu lại tính cách cứng ngắc, quyền hành, duy lý, vô cảm, không chấp nhận thay đổi, cố chấp, vốn dĩ có thể nảy sinh vì quy chiếu quá nhiều vào vị thế “Đá”, vào quyền bính. 

Lm GB. Nguyễn Quốc Hưng

 

[1] Ngoài Mẹ của Đức Giêsu và Maria Magđala, Tin mừng còn nêu lên những phụ nữ tín hữu gương mẫu khác: đó là người phụ nữ Samaria (ch. 4), Matta và Maria chị em của Lazarô. Người phụ nữ Samaria đã tin và lôi kéo mọi người trong làng của bà cùng tin, và như thế góp phần mở ra cánh đồng truyền giáo vượt khỏi biên giới Israel. Matta phục vụ với tư cách phát ngôn viên của lời tuyên xưng đức tin mà Tin mừng Nhất Lãm đặt trên môi miệng của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa” (Ga 11,27; cf. Mt 16,16-17).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây