TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếp kiến chung 11/12/2024

Thứ năm - 12/12/2024 03:52 |   112
Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Thánh Thần là nguồn mạch luôn giữ cho niềm hy vọng sống động, là cánh buồm đưa con thuyền Giáo hội ra khơi giữa biển lịch sử.
Capture
Capture

Tiếp kiến chung 11/12 - Kitô hữu phải chiếu tỏa niềm hy vọng cho người khác

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 11/12/2024, Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Thánh Thần là nguồn mạch luôn giữ cho niềm hy vọng sống động, là cánh buồm đưa con thuyền Giáo hội ra khơi giữa biển lịch sử. Sự hiện diện của Người trong cuộc sống của chúng ta giúp chúng ta không chỉ có niềm hy vọng mà còn lan tỏa hy vọng, mang hy vọng đến cho nhân loại đang rất cần nó. Ngài mời gọi các tín hữu hãy là những chứng nhân của niềm hy vọng không làm thất vọng!

 

Bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 11/12/2024 là bài suy tư cuối cùng của loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần và Giáo hội. Đức Thánh Cha đã dành bài suy tư để nói về chủ đề niềm hy vọng Kitô giáo, cũng là chủ đề của toàn bộ loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần.

Đức Thánh Cha nói rằng hy vọng không phải là một nhân đức thụ động, vốn chỉ giới hạn ở việc chờ đợi sự việc xảy ra; nhưng là nhân đức tích cực, bởi vì Thánh Thần thúc đẩy để chúng ta đạt tới điều mong muốn. Ngài mời gọi các tín hữu đưa ra những lý do của niềm hy vọng sống, cách hiền hoà và với sự kính trọng. Bởi vì không phải sức mạnh của những lý lẽ sẽ thuyết phục được mọi người, mà là tình yêu thương mà chúng ta sẽ đặt vào đó. Đây là hình thức loan báo Tin Mừng đầu tiên và hiệu quả nhất. 

Như thường lệ, buổi tiếp kiến bắt đầu với đoạn Kinh Thánh, trích từ sách Khải huyền (22,17.20):

Thần Khí và Tân Nương nói: “Xin Ngài ngự đến!” Ai nghe, hãy lặp lại: “Xin Ngài ngự đến!” Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền. [...] Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến”. Amen, Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài ngự đến!

Và sau đó Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giáo lý như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Maràna tha!”

Chúng ta đã đi đến phần cuối của loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Chúng ta dành suy tư cuối cùng này cho tựa đề mà chúng ta đã đặt cho toàn bộ chu kỳ giáo lý - “Thánh Thần và Tân Nương. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Dân Chúa đến gặp Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta”. Tựa đề này đề cập đến một trong những câu cuối cùng của Kinh Thánh, trong Sách Khải Huyền; Sách này viết: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’” (Kh 22,17). Lời này cầu khẩn với ai? Với Chúa Kitô phục sinh. Thật vậy, cả Thánh Phaolô (x. 1 Cr 16,22) và Sách Didache, một tác phẩm từ thời các tông đồ, đều chứng thực rằng trong các cuộc gặp gỡ phụng vụ của các Kitô hữu tiên khởi vang lên tiếng kêu bằng tiếng Aramaico “Maràna tha!”, nghĩa là "Lạy Chúa xin ngự đến!" Một lời cầu xin Chúa Kitô ngự đến.

Giáo hội mong đợi Chúa đến

Vào thời cổ xưa đó, lời khẩn cầu có một bối cảnh mà ngày nay chúng ta gọi là cánh chung. Thực ra, nó diễn tả niềm mong mỏi tha thiết về cuộc quang lâm của Chúa. Tiếng kêu này và sự mong đợi mà nó diễn tả chưa bao giờ hết trong Giáo hội. Ngay cả ngày nay, trong Thánh Lễ, ngay sau khi truyền phép, Giáo hội vẫn công bố sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô “trong khi chờ đợi Người đến”. Giáo hội mong đợi Chúa đến.

Nhưng mong đợi về lần đến sau cùng của Chúa Kitô không còn chỉ là mong đợi một lần và duy nhất nữa. Nó cũng được kết hợp với việc mong chờ Người tiếp tục đến trong hoàn cảnh lữ hành và hiện tại của Giáo hội. Và Giáo Hội, trên hết, nghĩ đến việc Người đến này, khi được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, kêu lên với Chúa Giêsu: “Xin ngự đến!”.

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”

Đã có một thay đổi – hay đúng hơn là một sự phát triển – đầy ý nghĩa liên quan đến lời kêu xin “Xin ngự đến!”, “Lạy Chúa, xin ngự đến!”. Tiếng kêu này thường không chỉ hướng về Chúa Kitô, mà còn hướng đến chính Chúa Thánh Thần! Đấng kêu lên bây giờ cũng là Đấng mà chúng ta kêu cầu. “Xin ngự đến!” là lời kêu cầu mở đầu của hầu hết các bài thánh ca và lời cầu nguyện của Giáo hội hướng về Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”, chúng ta đọc trong Kinh Veni Creator (Lạy Đấng Sáng Tạo, xin ngự đến), và “Veni Sancte Spiritus” (Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến) trong ca Tiếp liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống; và cũng trong nhiều lời cầu nguyện khác. Và đúng là như vậy, bởi vì, sau khi Phục Sinh, Chúa Thánh Thần là “hữu thể khác” thực sự của Chúa Kitô, Đấng thay thế Người, làm cho Người, hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội. Chính Người, là Đấng “báo trước những điều sẽ xảy đến” (x. Ga 16,13) và khiến chúng được Giáo hội khao khát và chờ đợi. Đây là lý do tại sao Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần không thể tách rời, ngay cả trong nhiệm cục cứu độ.

Chúa Thánh Thần là nguồn hy vọng của người Kitô hữu

Chúa Thánh Thần là nguồn hy vọng luôn tuôn trào của người Kitô hữu. Thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta những lời quý giá này: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15,13). Nếu Giáo hội là một con thuyền thì Chúa Thánh Thần là cánh buồm đẩy nó và đưa nó tiến lên trong biển lịch sử, hôm nay cũng như trong quá khứ!

Hy vọng là một điều chắc chắn, dựa trên lời hứa trung thành của Thiên Chúa

Hy vọng không phải là một từ trống rỗng, hay ước muốn mơ hồ của chúng ta khi muốn mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp nhất. Hy vọng là một điều chắc chắn, bởi vì nó dựa trên sự trung thành của Thiên Chúa đối với những lời hứa của Người. Đây là lý do tại sao hy vọng được gọi là nhân đức đối thần: bởi vì nó được Thiên Chúa thông ban và có Thiên Chúa bảo đảm. Đó không phải là một nhân đức thụ động, chỉ chờ đợi sự việc xảy ra. Đây là một nhân đức rất tích cực, sẽ giúp thực hiện những điều đó. Có một người đấu tranh giải phóng người nghèo đã viết những lời này: “Chúa Thánh Thần là nguồn gốc tiếng kêu của người nghèo. Đó là sức mạnh được trao cho những người không có sức mạnh. Người lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng và sự hoàn thành trọn vẹn của các dân tộc bị áp bức”[1].

Hy vọng là món quà đẹp nhất mà Giáo hội có thể trao tặng cho nhân loại

Người Kitô hữu không thể hài lòng với việc “có” niềm hy vọng; họ còn phải “chiếu tỏa” niềm hy vọng, là người gieo mầm hy vọng. Đó là món quà đẹp nhất mà Giáo hội có thể trao tặng cho toàn thể nhân loại, đặc biệt trong những thời điểm mà mọi thứ dường như đều thúc đẩy chúng ta hạ cánh buồm xuống.

Yêu thương là là hình thức loan báo Tin Mừng đầu tiên và hiệu quả nhất

Thánh Tông đồ Phêrô đã khuyên nhủ các Kitô hữu tiên khởi bằng những lời này: “Hãy tôn thờ Đức Kitô, Đấng ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”. Nhưng ngài thêm lời khuyên nhủ: “Trên hết, phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1Pt 3,15-16). Đúng vậy, bởi vì không phải sức mạnh của những lý lẽ sẽ thuyết phục được mọi người, mà là tình yêu thương mà chúng ta sẽ đặt vào đó. Đây là hình thức loan báo Tin Mừng đầu tiên và hiệu quả nhất. Và nó mở cửa cho tất cả mọi người!

Anh chị em thân mến, xin Chúa Thánh Thần luôn giúp chúng ta “tràn đầy niềm hy vọng nhờ Chúa Thánh Thần”! Cảm ơn anh chị em!

 

 

[1] J. Comblin, Chúa Thánh Thần và sự giải phóng, Assisi 1989, 236.

Nguồn tin Vatican News 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây