TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếp kiến chung sáng thứ Tư 26/10/2022

Thứ tư - 26/10/2022 06:41 | Tác giả bài viết: |   517
Đức Thánh Cha đã trình bày điều được các nhà tu đức gọi là “sầu khổ thiêng liêng”, khi chúng ta cảm thấy đêm tối trong tâm hồn, sự bồn chồn bất an và xa cách Thiên Chúa và xa cách sự an ủi của đức tin.
Tiếp kiến chung sáng thứ Tư 26/10/2022

ĐTC Phanxicô: Đừng trốn tránh nỗi buồn nhưng hãy học cách hiểu nó

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư 26/10/2022 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã trình bày điều được các nhà tu đức gọi là “sầu khổ thiêng liêng”, khi chúng ta cảm thấy đêm tối trong tâm hồn, sự bồn chồn bất an và xa cách Thiên Chúa và xa cách sự an ủi của đức tin. Ngài nói rằng nó có thể làm nản lòng những ai muốn theo Tin Mừng và làm điều thiện, nhưng không có sự cám dỗ nào vượt quá sức của chúng ta. Ngài mời gọi đọc hiểu nó để nhận ra điều Chúa muốn nói.

Đức Thánh Cha nói rằng để tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cần phải đối mặt với những đêm tối của linh hồn và phân định điều Chúa muốn nói với chúng ta qua đó. Đôi khi, sự sầu khổ có thể là lời kêu gọi nhìn nhận tình trạng tội lỗi của chúng ta và mời gọi đón nhận tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời thánh Tôma Aquinô nói rằng linh hồn chúng ta, cũng giống như thân thể, có thể cảm thấy một loại đau đớn khiến chúng ta cảnh giác về những đe doạ đối với sức khoẻ thiêng liêng.

Nhưng sự sầu khổ, theo Đức Thánh Cha, đôi khi có thể là một cám dỗ trở nên hờ hững trong cầu nguyện và trong kỷ luật của đời sống Kitô hữu. Trong hoàn cảnh này, các bậc thầy tu đức khuyên chúng ta không nên khuất phục trước cám dỗ này, nhưng hãy kiên trì, tin tưởng rằng qua thử thách này, Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta hiểu biết đầy đủ hơn về kế hoạch nhân từ Người dành cho cuộc đời của chúng ta và kết hợp với Người sâu sắc hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sự phân định, như chúng ta đã thấy trong các bài giáo lý trước, chủ yếu không phải là một tiến trình lý luận; nó dựa trên các hành động, và các hành động cũng có một hàm ý tình cảm, điều này phải được thừa nhận, bởi vì Thiên Chúa nói với trái tim. Bây giờ chúng ta hãy đi vào cảm xúc đầu tiên, đối tượng của sự phân định: đó là sự sầu khổ thiêng liêng. Điều đó có nghĩa là gì?

Sầu khổ thiêng liêng: kinh nghiệm chung

Sự sầu khổ thiêng liêng đã được định nghĩa như sau: “Đêm tối của tâm hồn, sự xáo trộn nội tâm, sự thúc đẩy hướng đến những thứ thấp hèn và trần thế, sự bồn chồn bởi những kích động và cám dỗ khác nhau: cứ thế linh hồn hướng đến sự mất tin tưởng, không hy vọng, không yêu thương; linh hồn cảm thấy mình hoàn toàn lười biếng, buồn tẻ, buồn bã và như thể bị chia cách với Đấng Tạo Hóa và Chúa của mình” (Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 317). Tất cả chúng ta có kinh nghiệm này. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đã có kinh nghiệm về sự sầu khổ thiêng liêng này, theo một cách nào đó. Vấn đề là làm sao có thể giải thích nó, bởi vì nó cũng có điều gì đó quan trọng để nói với chúng ta, và nếu chúng ta vội vàng lẩn tránh nó thì chúng ta có nguy cơ đánh mất điều này.

Cắn rứ lương tâm

Không ai muốn cảm thấy trống vắng, buồn bã. Đây là sự thật. Tất cả chúng ta đều mong muốn một cuộc sống luôn vui vẻ, hạnh phúc và viên mãn. Tuy nhiên, điều này, ngoài việc là không thể, cũng sẽ không tốt cho chúng tôi. Thật vậy, sự thay đổi của một cuộc sống đang nghiêng về tội lỗi có thể bắt đầu từ một tình cảnh đau buồn, hối hận về những gì mình đã làm. Nguyên ngữ của từ này, “cắn rứt”, rất hay: nghĩa đen là lương tâm cắn rứt, không cho phép an bình. Alessandro Manzoni, trong tác phẩm The Betrothed, đã mô tả cách tuyệt vời về sự hối hận như một cơ hội để thay đổi cuộc đời của một người. Đó là cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Đức Hồng Y Federico Borromeo và Người Vô danh, người mà sau một đêm kinh hoàng, đã đến với Đức Hồng y trong tâm trạng suy sụp; Đức Hồng y đã nói với anh những lời khiến anh ngạc nhiên: “‘Anh có tin tốt cho tôi; tại sao anh lại ngần ngại nói về nó?’ - ‘Tin tốt à? Tôi có địa ngục trong tâm hồn [...]. Hãy nói cho tôi biết, hãy nói cho tôi biết, nếu ngài biết, tin tốt nào ngài có thể chờ đợi từ một người như tôi.’ – ‘Thiên Chúa đã chạm vào trái tim bạn, và đang kéo bạn đến với Người’, vị Hồng y trả lời một cách bình tĩnh” (ch. 23). Thiên Chúa chạm vào trái tim và có điều gì đó xảy ra trong lòng bạn, nỗi buồn, sự day dứt vì điều gì đó là một lời mời gọi bắt đầu lại hành trình. Con người của Thiên Chúa biết cách để ý sâu xa những gì đang chuyển động trong trái tim.

Cần học cách đọc nỗi buồn

Điều quan trọng là học cách đọc nỗi buồn. Tất cả chúng ta đều biết buồn là gì. Nhưng chúng ta có biết đọc nó không? Chúng ta có biết nỗi buồn này có ý nghĩa gì với mình không? Trong thời đại của chúng ta, nỗi buồn hầu như bị coi là tiêu cực, như một căn bệnh phải tránh bằng mọi giá. Nhưng nó có thể là một hồi chuông cảnh báo không thể thiếu cho cuộc sống, mời gọi chúng ta khám phá những cảnh quan phong phú và sinh động hơn mà sự nhất thời và triết lý trốn tránh ngăn cản chúng ta. Thánh Tôma định nghĩa nỗi buồn như một nỗi đau của tâm hồn: giống như dây thần kinh của thân thể, nó hướng sự chú ý của chúng ta đến một mối nguy hiểm có thể xảy ra, hoặc một lợi ích không được chú ý (x. Summa Theologica I-II, q. 36, a.1). Vì vậy, nó không thể thiếu đối với sức khỏe của chúng ta; nó bảo vệ chúng ta khỏi gây hại cho bản thân và những người khác. Sẽ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn rất nhiều nếu chúng ta không cảm nhận được tình cảm này. Nỗi buồn đôi khi giống như đèn giao thông, nhắc chúng ta: “Dừng lại! Dừng lại! Đang đèn đỏ, dừng lại! Bạn đang buồn, nghĩa là có điều gì ở đó.”

Sầu khổ là trở ngại cho người muốn làm điều thiện

Ngược lại, đối với những người mong muốn thực hiện điều tốt, nỗi buồn là một trở ngại mà kẻ cám dỗ muốn làm chúng ta nản lòng. Trong trường hợp đó, chúng ta phải hành động theo cách hoàn toàn ngược lại với những gì được đề nghị, quyết tâm tiếp tục những gì chúng ta dự định làm (x. Linh Thao, 318). Chúng ta hãy nghĩ đến công việc, học tập, cầu nguyện, một cam kết thực hiện: nếu chúng ta từ bỏ chúng ngay khi chúng ta cảm thấy chán nản hoặc buồn bã, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được bất cứ điều gì. Đây cũng là một kinh nghiệm chung cho đời sống thiêng liêng: Phúc Âm nhắc nhở chúng ta rằng con đường dẫn đến sự thiện thì hẹp và lên dốc, nó đòi hỏi phải chiến đấu, chiến thắng chính mình. Tôi bắt đầu cầu nguyện, hoặc dấn thân cho một công việc tốt, và kỳ lạ thay, ngay sau đó tôi nghĩ ra những điều cần phải làm gấp - để không cầu nguyện và không làm điều tốt. Tất cả chúng ta có kinh nghiệm này.

Không nên thay đổi quyết định khi bạn đang ở trong tình trạng sầu khổ thiêng liêng

Điều quan trọng là đối với những ai muốn phục vụ Chúa, đừng để mình bị sự sầu khổ thiêng liêng dẫn dắt. Thật không may, một số người, bị thúc đẩy bởi sự sầu khổ thiêng liêng, đã quyết định từ bỏ đời sống cầu nguyện, hoặc lựa chọn của họ, hôn nhân hoặc đời sống tu trì, mà trước đó không dừng lại để xem xét trạng thái tâm trí này, và đặc biệt là không có sự giúp đỡ của một người hướng dẫn. Một quy tắc khôn ngoan nói rằng không nên thay đổi khi bạn đang ở trong tình trạng sầu khổ thiêng liêng. Chính thời gian sau đó, thay vì tâm trạng lúc này, sẽ cho thấy sự tốt đẹp hay mặt khác của những lựa chọn của chúng ta.

Chúa Giêsu đẩy lui các cám dỗ bằng thái độ kiên quyết mạnh mẽ

Điều thú vị là trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đẩy lui các cám dỗ bằng thái độ kiên quyết mạnh mẽ (x. Mt 3,14-15; 4,11-11; 16,21-23). Những hoàn cảnh thử thách đến với Người từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng chúng luôn luôn đụng phải sự kiên định nơi Người, sự kiên định quyết tâm thực hiện ý muốn của Chúa Cha, và chúng thất bại và không còn cản trở hành trình của Người. Trong đời sống thiêng liêng, thử thách là một thời điểm quan trọng, Kinh Thánh nhắc rõ ràng điều đó khi nói: “Nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2,1). Nếu bạn muốn đi đúng đường, hãy chuẩn bị tinh thần: sẽ có trở ngại, sẽ có cám dỗ, sẽ có lúc buồn bã.

Không có thử thách nào quá sức của chúng ta

Nếu chúng ta biết cách vượt qua sự cô đơn và sầu khổ với sự cởi mở và nhận thức, chúng ta có thể thoát ra được và mạnh mẽ hơn trong chiều kích nhân bản và thiêng liêng. Không có thử thách nào vượt quá khả năng của chúng ta; không có thử thách nào sẽ vượt quá những gì chúng ta có thể làm. Nhưng đừng chạy trốn những thử thách: hãy xem thử thách này có nghĩa gì, điều tôi đang buồn có nghĩa gì: tại sao tôi buồn? Việc tôi đang ở trong sự sầu khổ ngay bây giờ có nghĩa gì? Việc tôi đang ở trong tình trạng sầu khổ và không thể tiến tới có nghĩa gì?

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng không ai bị cám dỗ quá sức của họ vì Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và khi Người ở gần, chúng ta có thể chiến thắng mọi cám dỗ (x. 1Cr 10,13). Và nếu chúng ta không chiến thắng được nó ngày hôm nay, chúng ta hãy đứng dậy lần nữa, bước đi và chúng ta sẽ chiến thắng được nó vào ngày mai. Nhưng đừng chết luôn, đừng để một phút giây buồn bã, trống vắng chiến thắng chúng ta: hãy tiến bước. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em trên cuộc hành trình can đảm của đời sống thiêng liêng, luôn luôn bước đi. Cảm ơn anh chị em.

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây