Trong diễn văn trước những người hiện diện, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc phát triển một tầm nhìn Kitô giáo về gia đình, trong đó bao gồm cả tình phụ tử, lòng hiếu thảo và tình huynh đệ - chứ không chỉ mối liên kết vợ chồng. Ngài thúc giục các thành viên của cộng đoàn học thuật hội nhập thần học về mối dây liên kết vợ chồng với một nền thần học cụ thể hơn về các tình trạng của gia đình.
Ngài nói: “Sự chao đảo chưa từng có, vốn thử thách tất cả các mối quan hệ gia đình ngày nay, đòi hỏi sự phân định cẩn thận để nắm bắt các dấu chỉ của sự khôn ngoan và lòng thương xót của Thiên Chúa. Do đó, khi xem xét các lý do khủng hoảng, chúng ta không bao giờ được để mất những dấu chỉ an ủi, đôi khi cảm động về những khả năng liên kết gia đình vẫn tiếp tục được thể hiện, như ủng hộ cộng đồng đức tin, xã hội dân sự, vì sự chung sống của con người.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Gia đình vẫn là một ‘ngữ pháp nhân học’ không thể thay thế cho những tình cảm cơ bản của con người.” Do đó, cả Nhà nước và Giáo hội đều có trách nhiệm lắng nghe các gia đình, dưới góc độ gần gũi tình cảm, tương trợ và hiệu quả. Đồng thời, “chúng ta không cần phải đợi gia đình trở nên hoàn hảo, để chăm sóc ơn gọi và khuyến khích sứ mạng của gia đình.” Đức Thánh Cha khẳng định: “Hôn nhân và gia đình sẽ luôn không hoàn hảo và dở dang cho đến khi chúng ta ở trên Thiên đàng. Tuy nhiên, chúng ta tín thác sự bất toàn của mình cho Chúa, bởi vì chính ân sủng của bí tích làm cho việc truyền đạt ý nghĩa của sự sống - chứ không chỉ là sự sống thể xác – trở nên điều có thể”. (CSR_4492_2022).
Văn Yên, SJ - Vatican News