Xuân yêu thương tại giáo xứ Próh
Năm nay, như mọi năm, các nữ tu Đaminh Rosa Lima tại Lưu xá Đức Mẹ Guadalupe thuộc giáo xứ Đức Mẹ Thăm Viếng, tọa lạc tại thôn K’Răng Gọ, xã Próh, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng lại tất bật chuẩn bị cho một hành trình sẻ chia yêu thương đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên bản thượng.
Próh là tiếng Churu, có nghĩa là cây sậy. Trước đây vùng này có rất nhiều sậy nên được người dân gọi là ‘vùng Próh’. Ðây là vùng đất của người Churu và K'Ho, nhưng người Churu đông hơn. Sau năm 1975 có nhiều người Kinh đến đây sinh sống lập nghiệp nên vùng này được gọi là Kinh Tế Mới Próh. Xã Próh, cũng như giáo xứ Đức Mẹ Thăm viếng, có dân số gồm cả người Kinh và người dân tộc thiểu số.
Giáo xứ được Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, nay là Hồng y, ký văn thư thiết lập vào tháng 5/1997. Hiện nay giáo xứ có 2581 người, trong đó có 1028 người Kinh và 1553 người dân tộc thiểu số
Lưu xá Próh và Lưu xá Đức Mẹ Guadalupe
Ở khu vực này giao thông không thuận lợi nên việc đi lại rất khó khăn. Trong các làng dân tộc, học sinh phải đi bộ hai đến ba chục cây số mới đến điểm có trường học, cộng thêm cái “nghèo bền vững” luôn đeo bám, nên con đường đến với con chữ của các em nơi đây luôn là một thách đố lớn đối với những người làm cha làm mẹ. Nhiều em không có điều kiện nên đành phải gác lại ước mơ đến trường của mình. Với mong muốn chung tay cùng cộng đồng góp phần thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, để các em có một tương lai tươi sáng hơn, các nữ tu Đaminh Rosa Lima đã thành lập ngôi nhà Lưu xá Próh để giúp đỡ các em ở các làng dân tộc có nơi ở thuận tiện cho việc học tập.
Trong mười năm, con số học sinh đăng ký ngày càng tăng. Trước nhu cầu này, cũng như thấy việc các em có thể bỏ học bất cứ lúc nào do những ngăn trở về địa hình và hoàn cảnh gia đình, các nữ tu Đa Minh Rosa Lima lại thao thức tìm cách để giúp cho nhiều em có điều kiện đến trường. Nhờ sự trợ giúp của một số tổ chức bác ái, và quý ân nhân, bạn bè thân hữu cũng như từ phía nhà Dòng, sau một thời gian dài thi công, ngày 12/12/2020, ngôi nhà Lưu xá thứ hai của cộng đoàn thánh Giuse Próh với tên gọi “Lưu xá Đức Mẹ Guadalupe” đã hoàn thành trong sự chúc lành của Thiên Chúa.
Những cánh tay nối dài
Mùa xuân năm nay cuộc hành trình chia sẻ yêu thương của các nữ tu Đaminh không chỉ dừng lại đâu đó tại một số hộ gia đình, mà còn được lan tỏa khắp giáo xứ Próh. Nhà nhà, người người ai cũng có thể tham gia góp của, góp công và góp sức, từ những vị ân nhân rất xa cho đến những bà con đồng bào tại buôn làng thông qua việc gói bánh chưng được quý sơ tổ chức ngay tại Lưu xá.
Kế hoạch tổ chức đã được Quý sơ dự kiến trước đó 1 tháng với sự chuẩn bị tỉ mỉ và chu đáo gồm các việc như: số lượng bánh, gạo, đậu, thịt, lá, lạt, nồi, củi, địa điểm nấu, khuôn gói bánh, nguồn cung cấp và nhân sự để thực hiện.
Rạng sáng ngày 09/1/2023, mặc dù trời mưa bão, một số bà con đồng bào đã tập trung để làm các việc chuẩn bị như: rửa lá, gấp lá, chặt lá, đãi gạo, đãi đậu. Ban thường vụ giáo xứ và các anh em gia trưởng thì chở củi, chở nồi và đào bếp. Công việc nào cũng khá vất vả, nhưng trên từng khuôn mặt, ai ai cũng đong đầy những niềm vui khi được cùng tham gia đóng góp chút công sức của mình. Công việc chuẩn bị này kết thúc vào lúc 20giờ.
Đến 2 giờ sáng ngày 10/1/2023 trời vẫn không ngớt mưa, nhưng quý sơ đã thức dậy cùng với một số bà con giáo dân lại tiếp tục đãi đậu, đãi gạo để chuẩn bị cho công việc gói bánh.
Một số anh em gia trưởng chuẩn bị khâu thái thịt làm nhân bánh. Số khác tiến hành khâu gói bánh. Những chiếc bánh chưng lần lượt được hình thành qua các đôi bàn tay nhân ái khéo léo của các cụ ông cụ bà, các bà mẹ, ông bố, các anh chị thanh thiếu niên, các sơ… Chiếc bánh nào cũng chất chứa đầy ắp tình yêu thương và sự cố gắng cùng với tinh thần trách nhiệm và lòng bác ái của mọi người.
Với 6 tạ gạo, gần 2 tạ thịt, gần 2 tạ đậu và 8 thiên lá dong, lá chuối..., 1430 chiếc bánh chưng đã ra đời, được xếp ngay ngắn trong 10 nồi lớn. Đến 14 giờ, ngọn lửa ở bếp đầu tiên được thổi lên. Mọi người dù đã thấm mệt nhưng vẫn luôn nở nụ cười trên môi qua những câu chuyện dí dỏm và hài hước về mùa xuân. Chiếc bánh cuối cùng được gói xong lúc 17 giờ. Tất cả các bếp đã được thổi lửa lên. Ban đêm, một số anh em sẽ canh thức bên nồi bánh chưng. Họ cùng ăn bữa tối, cùng uống chút rượu mừng xuân và bên tách trà để chia sẻ với nhau những buồn vui của năm cũ…, lâu lâu lại chêm thêm nước vào nồi bánh và những khúc củi vào bếp khi lửa sắp tàn. Sức nóng của ngọn lửa xua tan khí lạnh của vùng núi rừng cao nguyên, làm ấm lên tình yêu thương giữa người với người thông qua những công việc thiện nguyện từ trái tim.
Sau khi tất cả các bếp đều tắt lửa, công đoạn vớt bánh theo trình tự vớt, rửa và ép. Thật vất vả nhưng tinh thần phục vụ cũng thật cao. Những chiếc bánh chưng được xếp ngay ngắn để chuẩn bị gởi đến từng gia đình trong giáo xứ thông qua người đại diện của từng khu: Khu Phao lô, Khu Phanxicô, Khu Martinô, Khu Đa Minh, Khu Giuse, Khu Vinh Sơn, Khu Mân Côi và Khu Phêrô.
Từ người lớn cho đến em nhỏ, ai ai cũng có thể tham gia và cộng tác trong việc thực hiện chia sẻ yêu thương này. Mùa xuân sẽ đọng lại mãi trong lòng mọi người, đọng lại nơi những quí vị ân nhân đã có lòng quảng đại yêu thương và giúp đỡ cách này cách khác cho việc gói bánh này, đọng lại nơi những gia đình đã nhận được những chiếc bánh gói trọn tình yêu thương của rất nhiều người.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn