TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC tiếp Phái đoàn Phật giáo Campuchia

Thứ sáu - 20/01/2023 19:05 | Tác giả bài viết: |   647
Đức Thánh Cha nhấn mạnh “sự phong phú sâu sắc mà các truyền thống tôn giáo của chúng ta mang lại trong việc hỗ trợ các nỗ lực nuôi dưỡng trách nhiệm sinh thái”.
ĐTC tiếp Phái đoàn Phật giáo Campuchia

ĐTC Phanxicô tiếp Phái đoàn Phật giáo Campuchia

Gặp gỡ phái đoàn Phật giáo Campuchia vào sáng thứ Năm 19/1/2023 Đức Thánh Cha nhấn mạnh “sự phong phú sâu sắc mà các truyền thống tôn giáo của chúng ta mang lại trong việc hỗ trợ các nỗ lực nuôi dưỡng trách nhiệm sinh thái”.

Cùng với phái đoàn Phật giáo tham dự buổi yết kiến Đức Thánh Cha có các đại diện xã hội dân sự của Campuchia và Đức cha Olivier Schmitthaeusler, Giám quản Tông tòa của Phnom Penh.

Hợp tác liên tôn

Trước hết, Đức Thánh Cha đề cao cuộc viếng thăm của Phái đoàn Phật giáo Campuchia với mục đích củng cố tình bạn lâu dài của các nhà lãnh đạo tôn giáo để tăng cường hợp tác liên tôn. Theo ngài, đây là “yếu tố quan trọng của xã hội giúp mọi người có thể chung sống hòa bình như anh chị em, hòa giải với nhau và với môi trường mà họ đang sống.”

Hoán cải Sinh thái

Chủ đề của cuộc gặp gỡ là “Hoán cải Sinh thái”. Đức Thánh Cha gọi đây là “một dấu hiệu tích cực cho thấy sự nhạy cảm và mối quan tâm ngày càng tăng đối với sự thịnh vượng của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.”

Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng “Nghèo đói và sự thiếu tôn trọng phẩm giá của những người bị loại ra bên lề gây ra nhiều đau khổ và thất vọng trong thời đại chúng ta. Chúng cần phải được chống lại bằng những chiến lược toàn diện, thăng tiến sự ý thức về căn cội mong manh của môi trường của chúng ta.” Do đó cần khẩn cấp, thông qua việc đối thoại ở tất cả các cấp, tìm kiếm các giải pháp tổng hợp dựa trên sự tôn trọng, sự phụ thuộc lẫn nhau của gia đình nhân loại và thiên nhiên.” Ngài kêu gọi “tôn trọng thụ tạo, tôn trọng người lân cận, tôn trọng chính chúng ta và tôn trọng Đấng Tạo Hóa” và lưu ý rằng điều này không thể có nếu không có sự thay đổi của trái tim, tầm nhìn và thực hành.

Sự hoán cải sinh thái, Đức Thánh Cha lưu ý, chỉ có thể bắt đầu khi chúng ta nhận ra rõ ràng “nguyên nhân con người” trong cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay. Ngài nói thêm rằng chỉ có sự hoán cải thực sự mới có thể chấm dứt các ý thức hệ và thực hành gây hại cho trái đất, bao gồm cả việc tìm kiếm lợi nhuận quá mức và thiếu tình liên đới.

Trách nhiệm sinh thái

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng đối thoại liên tôn giúp những người thuộc các tôn giáo khác nhau làm việc cùng nhau để vun trồng trách nhiệm sinh thái. Theo ngài, thực hành giới luật cấm sát sinh của đạo Phật và đời sống đơn giản các Phật tử có thể mang lại sự bảo vệ từ bi cho tất cả chúng sinh, kể cả trái đất, môi trường sống của họ. Về phần mình, các Kitô hữu hoàn thành trách nhiệm sinh thái của mình khi, với tư cách là những người quản lý đáng tin cậy, họ bảo vệ thụ tạo, công trình mà Thiên Chúa đã giao phó cho họ “canh tác và gìn giữ” (St 2,15; x. Laudato Si’, 95; 217). (CSR_239_2023).

Hồng Thủy - Vatican News
 

Hình: Vatican Media
 
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
DÀNH CHO PHÁI ĐOÀN PHẬT GIÁO CAMPUCHIA

 
WHĐ (20.01.2023) - Sáng ngày 19. 01. 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã dành cho phái đoàn Phật giáo Campuchia buổi tiếp kiến riêng tại Vatican, nơi họ sẽ có cuộc gặp gỡ với Bộ đối thoại liên tôn của Toà thánh.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có Đức Hồng y Miguel Angel Aryso Guixot, Bộ trưởng Bộ Đối thoại liên tôn, Đức Giám mục Olivier Schmitthaeusler, Đại diện Tông tòa Phnom Penh, cùng với một số vị chức sắc Phật giáo và xã hội dân sự của Campuchia.

Dưới đây là nội dung bài Diễn văn của Đức Thánh Cha

 
Hình: Vatican Media
 
Kính thưa Đức hồng y, Đức giám mục, và quý vị,

Tôi nồng nhiệt chào mừng phái đoàn, quý Phật tử thân mến, quý đại diện xã hội dân sự từ Campuchia, và Đức Giám mục Olivier Schmitthaeusler, Giám quản Tông tòa Phnom Penh. Tôi rất biết ơn về chuyến viếng thăm này, nhằm củng cố tình bằng hữu lâu dài của quý vị với tư cách là những nhà lãnh đạo tôn giáo đang nỗ lực tăng cường sự hợp tác liên tôn, một yếu tố quan trọng của xã hội giúp mọi người có thể chung sống hòa bình như anh chị em, hòa giải với nhau và với môi trường mà tất cả đang sống.

 
 
Hình: Vatican Media

Vào thời điểm mà gia đình nhân loại và hành tinh của chúng ta đang đối diện với những mối đe dọa nghiêm trọng, quý vị đã chọn chủ đề “Sự chuyển hồi Sinh thái” rất phù hợp cho cuộc gặp gỡ của mình. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng đáp ứng và mối quan tâm ngày càng tăng đối với thiện ích của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, và đối với những đóng góp quan trọng, được truyền cảm hứng từ niềm tin tôn giáo và truyền thống tâm linh, mà quý vị có thể cống hiến cho đất nước cao quý của mình trên hành trình chữa lành xã hội, và tái thiết kinh tế sau các cuộc khủng hoảng chính trị xã hội trong những thập niên vừa qua.
 
Nghèo đói và thiếu tôn trọng phẩm giá của những người bị gạt ra bên lề gây ra nhiều đau khổ và thất vọng trong thời đại chúng ta; vì thế, cần chống lại tệ nạn đó bằng những chiến lược toàn diện nhằm cổnhận thức về tính mong manh của môi trường của chúng ta. Thông qua đối thoại ở mọi cấp độ, cần khẩn cấp tìm ra những giải pháp toàn diện, dựa trên thái độ tôn trọng sự lệ thuộc lẫn nhau giữa gia đình nhân loại và thiên nhiên. Vì lý do này, theo lộ trình mà những vị tiền nhiệm của tôi đã vạch ra, tôi tiếp tục thúc đẩy việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, việc chăm sóc này cũng là “lời kêu gọi tôn trọng: tôn trọng thụ tạo, tôn trọng người khác, tôn trọng bản thân, và tôn trọng Đấng Tạo Hóa” (Diễn văn dành cho các tham dự viên tại Đại hội Đức tin và Khoa học: Hướng tới COP26”, ngày 04. 10. 2021). Tuy nhiên, điều này không thể tiến hành nếu không có sự thay đổi tâm can, cái nhìn, và thói quen.
 
Hình: Vatican Media
 
Sự chuyển hồi sinh thái xảy ra khi nguyên nhân mang tính con người của cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay được nhìn nhận; khi sự sám hối đích thực dẫn đến việc làm chậm lại hoặc chấm dứt các xu hướng, ý thức hệ, và thực hành gây tổn thương và thiếu tôn trọng trái đất; và khi con người dấn thân cổ vũ các mô hình phát triển chữa lành vết thương gây ra bởi lòng tham, bởi sự tìm kiếm lợi nhuận tài chính quá mức, bởi sự thiếu tình liên đới với người thân cận, và bởi sự thiếu tôn trọng môi trường. Sự chuyển hồi sinh thái có mục đích biến những gì đang xảy ra trên thế giới thành nỗi lo âu của cá nhân, và do đó, nhận thức sự đóng góp mà mỗi người chúng ta có thể thực hiện” (Thông điệp Laudato Si’, 19). Điều này kêu gọi chúng ta “thay đổi hướng đi, thay đổi những thói quen xấu để có thể mơ ước, đồng sáng tạo và cùng nhau hành động nhằm hiện thực hóa một tương lai công bằng và bình đẳng” (Lời nói đầu của Laudato Si’ Reader, 13).
 
Hình: Vatican Media
 
Đối thoại cho thấy sự phong phú sâu xa mà các truyền thống tôn giáo của chúng ta cống hiến cho việc duy trì những nỗ lực vun đắp trách nhiệm về sinh thái. Bằng việc tuân theo những giới luật mà Đức Phật truyền lại như một di sản cho các môn sinh về sự Giải thoát (Pratimoksa), trong đó có việc thực hành đức Từ bi (Metta), hệ tại không làm hại chúng sinh (x. Metta Sutta sn 1.8), và sống thanh bạch, các Phật tử có thể đạt được tâm thế từ bi đối với mọi chúng sinh, kể cả trái đất, nơi họ sinh sống. Về phần mình, các tín hữu Kitô chu toàn trách nhiệm sinh thái của mình khi, như là những người quản lý đáng tin cậy, bảo vệ thụ tạo, công trình mà Thiên Chúa đã ủy thác cho mình vun trồng và chăm sóc” (St 2, 15; x. Laudato Si’, 95; 217).
 
Một lần nữa, tôi xin cảm ơn và rất cảm kích về chuyến thăm của quý vị. Tôi hy vọng là quý vị sẽ có một thời gian thật hữu hiệu và ý nghĩa tại Roma. Tôi cũng đoan chắc rằng cuộc gặp gỡ của quý vị với các viên chức Bộ Đối thoại Liên tôn sẽ tạo cơ hội để khám phá những cách thế tiếp theo nhằm thúc đẩy chuyển hồi sinh thái thông qua các sáng kiến được thực hiện bởi cuộc đối thoại Phật giáo-Kitô giáo tại Campuchia và toàn khu vực.
 
Tôi nài xin muôn vàn phước lành từ Trên Cao xuống trên quý vị, và tất cả mọi người của đất nước Campuchia yêu quí.
 
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (19. 01. 2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây