TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giá trị của một Thánh lễ

06/07/2022 08:37:32 |   1154

Giá trị của một Thánh lễ
 

ccct 070722a


Cha Stanislaus là Linh mục Hội Dòng Thánh Tâm Chúa. Ngài có một người anh là Linh mục Dòng Tên. Thân phụ của hai anh em này là Đại úy kiểm lâm trong một thị trấn nhỏ ở Luxemburg. Ông rất sùng đạo, vẫn đi Lễ và rước Lễ hàng ngày.

Khi nói chuyện với cha Stanislaus về thời thơ ấu của ngài, tôi nói: “Cha thật có phúc được nuôi dưỡng trong một gia đình Công Giáo đạo đức, đã có công cống hiến cho đời hai vị Linh Mục.

Ngài đáp: “Vâng, đúng thế, nhưng không phải mọi sự đều trôi chảy như vậy từ đầu cả đâu! Khi chúng tôi còn bé, cha tôi đã bỏ đạo, và mặc dù mẹ tôi còn đọc kinh cầu nguyện nhưng trong gia đình không một ai đi Lễ, kể cả Chúa Nhật, thể theo ý muốn của cha tôi.”

Tôi nói: “Trời đất ơi! Cha làm tôi ngỡ ngàng quá chừng. Chuyện hiếm có như vậy mà có thể xảy ra thật ư? Vậy chứ ơn gọi làm Linh Mục từ đâu mà ra?”

Ngài nói: “Một hôm, sau khi cha tôi đến thăm một tiệm bán thịt gần nhà thì ông đã đột nhiên thay đổi ý kiến. Câu chuyện xảy ra chiều hôm đó tại cửa hàng bán thịt này là nguyên nhân hoán cải của cha tôi.” Tôi đáp: “Một tiệm bán thịt! Một ơn hoán cải trong một tiệm bán thịt! Chuyện gì đã xảy ra vậy?”

Cha Stanislaus nói: Ồ, đầu đuôi câu chuyện xảy ra như thế này. Cha tôi và ông chủ tiệm là một đôi bạn thân từ hồi còn bé. Khi hai người đang say sưa chuyện vãn như mọi lần thì một bà già lọm khọm bước vào.

Ông chủ tiệm ngưng nói chuyện và bước tới hỏi xem bà cụ cần gì. Bà nói bà đến xin ông một chút thịt nhưng bà không có tiền. Cha tôi chú ý lắng nghe câu chuyện bi hài giữa bà cụ và ông chủ tiệm.

Ông chủ tiệm nói: “Bà cần một chút thịt ư? Nhưng tôi cần biết bà có thể trả cho tôi bao nhiêu tiền cái đã.”

Bà cụ đáp: “Rất tiếc là tôi không có đồng xu nào cả… nhưng tôi sắp đi Lễ đây, và nếu ông muốn thì tôi sẽ dâng Thánh Lễ theo ý chỉ của ông.”

Ông chủ tiệm và cha tôi đều là người tốt bụng (nhưng cả hai đều coi thường tôn giáo, nhất là Thánh Lễ Misa và Giáo Hội Công Giáo) cho nên cả hai đều muốn đùa giỡn với câu trả lời của bà già lẩm cẩm.

Ông chủ tiệm bèn nói: “Được rồi! Đây là một miếng giấy nhá” và ông viết mấy chữ ‘Tôi đi xem lễ và dâng lễ theo ý chỉ của ông…’ rồi đưa cho bà cụ, ông nói: “Cụ đi xem lễ đi và cầu nguyện theo ý chỉ của tôi nhá. Khi về, bà sẽ đưa cho tôi miếng giấy này và chúng ta sẽ xem một Thánh Lễ đáng giá bao nhiêu ký thịt.”

Bà cụ tươi cười ra đi cầm theo tờ giấy. Bà biết Chúa nhân lành sẽ giúp đỡ bà. Khoảng một giờ sau, bà trở lại tiệm bán thịt. Khi nhìn thấy bà ông chủ tiệm liền nói: “Đâu, tờ giấy đâu, bà đưa cho tôi đi và chúng ta sẽ xem Thánh Lễ của bà dâng cho tôi đáng giá bao nhiêu tiền nhá!”

Bà đưa tờ giấy cho ông, ông đặt tờ giấy lên bàn cân phía tay mặt. Trên bàn cân phía trái ông để một khúc xương nhỏ, nhưng mảnh giấy có vẻ nặng hơn miếng xương của ông. Vậy là ông lấy miếng xương ra và đặt vào bàn cân bên trái một miếng thịt nhỏ. Nhưng bàn cân bên mặt vẫn nặng hơn. Ông bèn lấy một miếng thịt lớn hơn đặt trên bàn cân trái, tuy nhiên bàn cân mặt vẫn không nhúc nhích.

ccct 070722b

 Đến lúc này thì cả hai ông đều cảm thấy xấu hổ vì sự nhạo báng của mình, nhưng ông chủ tiệm vẫn còn muốn tiếp tục trò chơi của ông. Ông bèn đặt một tảng thịt thật nặng lên bàn cân trái, nhưng bàn cân mặt vẫn đứng yên bất động. Ông nghĩ chắc cái cân bị trục trặc kỹ thuật thế nào đó chứ không lẽ… Ông lấy miếng giấy ra khỏi bàn cân bên mặt xem sao, tức thì bàn cân bên trái xẹp ngay xuống dưới sức nặng của tảng thịt lớn.

Ông chủ liền lấy cả hai thứ ra khỏi bàn cân, để kiểm soát kỹ lại xem cân có bị trục trặc gì không… rồi ông cân một vài thứ khác như ông vẫn làm từ trước tới nay, thì thấy cái cân hoàn hảo và rất chính xác. Sau cùng ông chủ đảo ngược hai thứ trên bàn cân: ông đặt tờ giấy lên phía bên trái và tảng thịt lên phía bên mặt. Tuy nhiên tờ giấy vẫn nặng ký hơn tảng thịt rất nhiều.

Bực mình, ông nhẹ nhàng nói với bà cụ: “Bà cụ ơi, bây giờ bà muốn gì nào… tôi có phải đưa cho cụ cả một cái đùi cừu chăng ?”

Bỗng chốc, cả ông hàng thịt lẫn viên đại úy đều nhận ra rằng Thánh Lễ Misa thật là vô giá. Ngay lúc đó, cả hai đều được ơn soi sáng để hiểu biết rằng không thể tính được một Thánh Lễ đáng giá bao nhiêu tiền.

Ông hàng thịt đã hoàn toàn hoán cải vì chuyện vừa xảy ra, và ông hứa sẽ cung cấp thịt hàng ngày miễn phí cho bà cụ. Ông giữ lời hứa. Tiếng đồn lan ra các vùng lân cận, dân nghèo khác cũng đến lãnh phần thịt hàng ngày của họ. Rồi lòng quảng đại của ông được các vùng khác biết đến. Thiên hạ cũng nói rằng phẩm chất thịt của tiệm ông rất ngon nên số doanh thu của ông tăng nhanh hơn bao giờ hết.

Cha tôi, tức ông đại úy, ngay hôm sau đã đi Nhà Thờ xem Lễ, và ông được ban cho một thánh sủng khác. Ông được ơn nhận biết Chúa Giêsu đích thực hiện diện trong Mầu Nhiệm Thánh Thể, và ngày hôm sau nữa, cả nhà chúng tôi kéo nhau đi xem Lễ hàng ngày. Trong nhà chúng tôi không khí đã đổi khác, không như trước nữa.

Hạnh phúc chúng tôi được ban cho thật là vĩ đại, khôn tả xiết, và chúng tôi bắt đầu kính mến Chúa và thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Gia đình chúng tôi bỗng trở nên một Tiểu Thiên Đàng, và tôi tin chắc rằng cha mẹ tôi đang chờ chúng tôi đến gặp các ngài trên đó! (Trích bài viết của Sr. Mary Veronica Murphy)

Từ xưa tới nay chưa có một vị thánh nào có đủ tài hùng biện để nói lên nổi sự kỳ diệu của Thánh Lễ Misa. Các đấng cũng chưa bao giờ có thể diễn tả được sự tuyệt vời của đề tài cao quý này. 

Thánh Lễ là sự tái diễn cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá ngày xưa, cho nên thánh lễ Misa là một sự kỳ diệu khôn lường trong thế giới này, một kho tàng chứa đầy mầu nhiệm cực kỳ huyền diệu. Trên trái đất không có gì có thể so sánh được; và trên Thiên Đàng cũng không có gì lớn lao hơn, kỳ diệu hơn thánh lễ Misa. 

Khi dự lễ với một tâm hồn sốt sắng, chúng ta được hưởng chứa chan những ân huệ, những chúc lành, những đặc sủng của Thiên Chúa. Thật đáng buồn khi thấy bao người Công Giáo quá hững hờ, thờ ơ với Thánh lễ. Sự hy sinh cao quý trên đồi Canvê được tái hiện ngay bên nhà họ, nhưng họ quá lười biếng đến dự Lễ.

Có nhiều chứng nhân và chứng tích đã xảy ra cho ta thấy Thánh lễ là một sự thần bí kỳ diệu phi thường:

Thánh Simon De Monfort

Ngài là một tướng lãnh, một vị anh hùng lừng danh. Một lần kia, trong khi ngài đang dự lễ thì hầu cận vô báo địch đang tấn công thành. Không nao núng, ngài bình tĩnh trả lời: “Sau Thánh lễ ta sẽ tới.” Lễ xong, ngài đến trước đoàn quân và bảo họ phải có lòng trông cậy Chúa. 

Với con số 800 quân lính, bộ binh và kỵ binh, ngài ra trận không hề nghĩ có thể bị lọt vào tay địch trong thành Muret, vì bên địch đông hơn với số quân 40.000 người được dẫn đầu bởi hoàng đế Dragon và Raymond thành Toulouse. 

Hai nhóm này là những thành phần tà giáo cố tình gây chiến tranh. Khi cổng thành mở ra, ngài và đội quân xông vào đám địch quân làm tán loạn hàng ngũ của họ. Sau đó ngài đã thắng trận một cách vẻ vang.

Thiên Thần và những bông hồng

Một nông phu nọ có thói quen đi lễ mỗi ngày. Một sáng sớm, ông băng ngang những cánh đồng phủ đầy tuyết để tới nhà thờ, bỗng dưng ông nghe có tiếng chân người phía sau, ông quay lại thì thấy Thiên Thần bản mệnh đang cầm một cái giỏ đựng đầy những bông hồng tuyệt đẹp, tỏa hương thơm ngào ngạt.

Thiên Thần chỉ vào giỏ bông và nói: “Đây là những bông hồng tượng trưng cho mỗi bước chân của con tới nhà thờ, và mỗi bông hồng là một phần thưởng đang chờ đợi con trên Thiên Đàng, nhưng đặc biệt và nhiều hơn nữa là những phần thưởng của những Thánh lễ mà con đã tham dự từ bao nhiêu năm nay.”

Hồng ân từ thánh lễ

Có hai thương gia cùng ngụ trong một thành phố ở Pháp. Cả hai cùng buôn bán một thứ. Trong khi đó một người làm ăn rất phát đạt; còn người kia không sao ngóc đầu lên nổi, mặc dù ông ta dậy sớm thức khuya, làm ăn vất vả hơn người kia. Muốn tìm hiểu, ông tìm tới bạn mong được nghe câu trả lời, hy vọng có thể học hỏi được cái bí mật của bạn.

Người giầu có trả lời: “Bạn ơi, tôi không có gì bí mật cả, tôi làm việc cũng giống như bạn thôi, nếu có sự khác biệt trong phương cách làm ăn là điều này, tôi đi lễ mỗi ngày, còn bạn thì không. Hãy nghe lời khuyên của tôi, năng đi lễ mỗi ngày, tôi đoan chắc Thiên Chúa sẽ chúc lành cho công việc của bạn.” Người này về làm theo lời bạn, quả nhiên một thời gian sau công việc của ông được Chúa chúc lành.

Xin mượn lời của Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận để thức tỉnh tâm hồn: “Tán dóc mấy giờ cũng được, ăn nhậu càng lâu càng khoái, cờ bạc thâu đêm không chán, tại sao con vội vã lúc dự lễ?” (Đường hy vọng số 351).

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra giá trị vô biên của Thánh lễ để được kết hợp mật thiết với Chúa mỗi ngày mà ca tụng tôn vinh danh Chúa.

Vũ Đình Bình tổng hợp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây