HỘI THÁNH LÀ THẦY VÀ LÀ MẸ
WGPMT (21.08.2023) – Trên chuyến bay từ Lisbon về lại Rôma sau những ngày đại hội giới trẻ thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho giới truyền thông buổi phỏng vấn. Nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó Anita Hirschbeck – KNA, đã nêu vấn đề: “Thưa Đức Thánh Cha, ở Lisbon ngài nói với chúng con rằng trong Hội Thánh có chỗ cho tất cả mọi người, mọi người, tất cả. Hội Thánh mở ra cho mọi người, nhưng đồng thời không phải mọi người đều có quyền và cơ hội như nhau, chẳng hạn các phụ nữ, những người đồng tính không được lãnh nhận mọi bí tích. Đức Thánh Cha giải thích ra sao về sự bất nhất này giữa một Hội Thánh mở ra và một Hội Thánh không bình đẳng cho tất cả mọi người?”
Đức giáo hoàng trả lời phỏng vấn trên máy bay từ Lisbon trở về Roma
Phải chăng Hội Thánh bất nhất, nói một đàng làm một nẻo? Quả là một câu hỏi hóc búa và được Đức Thánh Cha Phanxicô khen là “can đảm khi nêu câu hỏi này”! Đức Thánh Cha đã trả lời ra sao về vấn đề này?
Trước hết, ngài thẳng thắn nói rằng nhìn vấn đề như thế là quá đơn giản! Từ sự kiện “các phụ nữ và những người đồng tính không được lãnh nhận mọi bí tích”, phóng viên Anita đi đến kết luận “Hội Thánh không mở ra và không bình đẳng cho mọi người”. Đúng là Đức Maria, các thánh nữ trong lịch sử Hội Thánh và nữ giới nói chung không được lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng phải chăng vì thế họ bị Hội Thánh loại trừ, hay ngược lại, họ đã và đang là những người đóng góp tích cực cho đời sống và sứ vụ của Hội Thánh theo cách riêng của họ, và Hội Thánh dành cho họ sự kính trọng đặc biệt?
Với những người đồng tính, họ không được lãnh bí tích Hôn Phối vì theo Hội Thánh Công giáo, hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ, tạo nên sự hiệp thông suốt cuộc đời; tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái (x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1601). Những người đồng tính không thể lãnh nhận bí tích Hôn Phối nhưng điều đó không có nghĩa là họ bị loại trừ khỏi Hội Thánh. Họ “vẫn được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị”, và Hội Thánh nghiêm cấm “bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử nào” đối với họ (Ibid 2358).
Cùng với lời phê bình thẳng thắn, Đức Thánh Cha nêu cao hình ảnh Hội Thánh như một bà mẹ. Hội Thánh là Thầy và là Mẹ nhưng xem ra Đức giáo hoàng Phanxicô thích đề cao hình ảnh người mẹ hơn. Chẳng hạn, khi nói về nhiệm vụ giảng lễ, ngài nói: “Hội Thánh là Mẹ và rao giảng cho dân như một người mẹ nói với con cái mình, biết rằng con cái tin tưởng vào tất cả những gì mẹ dạy, vì mẹ chỉ muốn điều tốt lành cho mình và biết rõ mẹ yêu mến mình” (Evangelii gaudium, 139). Từ đó ngài căn dặn các linh mục phải mang lấy tâm tình và ngôn ngữ của người mẹ: “Kể cả trong trường hợp bài giảng có chút buồn chán, cũng sẽ đem lại kết quả nếu người nghe cảm nhận được tình mẹ và Giáo hội, như những lời khuyên bảo buồn chán của một người mẹ dịu dàng, theo thời gian, cũng sinh hoa kết trái trong tâm hồn con cái” (140).
Nói đến người mẹ là nói đến tình thương, sự hiểu biết và đồng hành. Bà mẹ nào cũng thương con và con cái biết rõ điều đó, biết rằng mẹ yêu thương mình và chỉ muốn điều tốt lành cho mình. Không chỉ thương yêu, các bà mẹ còn hiểu biết con, không phải sự hiểu biết của một bác sĩ hay một nhà khoa học nhưng là sự hiểu biết của trái tim. Vì hiểu biết từng đứa con với tính nết khác nhau nên người mẹ có thể đồng hành với từng đứa con bằng những cách thế khác nhau. Tương tự như thế, “mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm này: Mẹ Hội Thánh đã và đang đồng hành với chúng ta trên con đường trưởng thành của riêng mỗi người”.
Ước gì hình ảnh người mẹ cũng được thể hiện nơi các mục tử, trong cách ứng xử cũng như khi truyền đạt Lời Chúa, để có thể đồng hành, nâng đỡ, khích lệ các tín hữu trên hành trình đức tin.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: giaophanmytho.net