TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lắng nghe bằng trái tim

06/04/2022 05:21:30 |   1431

 Lắng nghe bằng trái tim
 

ccct 060422a

 

Ngày 4/4, theo hãng tin Reuters, ông Alexander Bastrykin - người đứng đầu Ủy ban Điều tra Nga có phát ngôn cho biết, việc Kiev cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở thị trấn thuộc thành phố Bucha là hành động “khiêu khích”.

Vì vậy, ông Bastrykin đã ra lệnh mở cuộc điều tra trên cơ sở Ukraine đã phát tán “thông tin sai lệch có chủ ý” về các lực lượng vũ trang Nga ở thị trấn thuộc thành phố Bucha.

Trước đó, Ukraine đã công bố nhiều thông tin cho rằng, các binh sỹ Nga đã sát hại nhiều dân thường tại các thị trấn thuộc vùng Kiev trong thời gian kiểm soát các khu vực này.

Thị trưởng thành phố Bucha - ông Anatoly Fedoruk cho biết họ đã phát hiện có khoảng 300 người chôn trong một hố lớn.

Một hãng tin của Pháp cũng đăng tải video công bố hình ảnh ghi lại cảnh thi thể của ít nhất 20 dân thường nằm rải rác trên một con phố tại Bucha.

Đáp lại những cáo buộc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Mỹ và khối liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đằng sau dàn dựng những cáo buộc trên.

Bà Maria Zakharova cho rằng việc phương Tây ngay lập tức lên án mà không hề nghi ngờ những hình ảnh dường như là dân thường thiệt mạng tại Bucha đã cho thấy câu chuyện này là một phần trong kế hoạch bôi nhọ danh tiếng Nga.

Mỹ và các nước phương Tây đang cực lực lên án Nga liên quan tới những thông tin vừa được công bố tại Bucha và đe dọa áp thêm lệnh trừng phạt với Moscow.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nga-se-dieu-tra-hanh-dong-cao-buoc-nga-sat-hai-dan-thuong-o-bucha-cua-kiev-d547968.html

Thông tin trên đây cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở thị trấn thuộc thành phố Bucha. Đáp lại phía Nga cho rằng Mỹ và NATO đứng đằng sau dàn dựng những cáo buộc trên.

Sự thật đúng sai thế nào còn phải chờ kết quả điều tra. Tuy nhiên, những thông tin dạng như thế này đã làm ảnh ảnh hưởng sâu rộng đến người nhận tin và những bên liên quan. Đó là chiến tranh “Mạng” – loại chiến tranh không bom đạn, không gươm giáo, nhưng tác hại khôn lường.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, trên mạng xã hội ngày nay có cả “rừng” thông tin, và rất nhiều thông tin sai sự thật, khó mà kiểm chứng được đâu là tin thật và đâu là tin giả. Có những thông tin bị bóp méo sự thật, một nửa sự thật, hoặc những thông tin được thêm bớt, “xào nấu” lại, gây hiểu lầm, hoang mang nghi ngờ trong cộng đồng.

Có những trang mạng đưa thông tin giả mạo đùa nghịch cho vui, dạng “ngày cá tháng Tư - 01/4” (ngày nói dối). Có những trang mạng chuyên cắt ghép, xuyên tạc thông tin nhằm mục đích xấu. Thậm chí có những trang mạng giả danh để gây sự chú ý, nhưng thông tin sai sự thật gây nhiễu loạn.

Vậy, làm sao phân biệt được đâu là giả, đâu là thật?

Đây chính là vấn đề nan giải trong thời điểm hiện nay. Mặc dù đã có Luật an ninh mạng, có Luật bản quyền, nhưng dường như hiệu quả đạt được chưa cao, chưa đủ sức ngăn chặn, chưa mang lại kết quả khả quan.

Tất cả mọi người đều có bổn phận chống lại những sự giả trá. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì “con cái thế gian thì khôn ngoan hơn con cái sự sáng”. Những thông tin sai lạc thường dựa trên những lối diễn đạt cố ý lẩn tránh vấn đề và khôn khéo đánh lạc hướng, và đôi khi còn sử dụng cả các kỹ năng tâm lý tinh vi.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn và xác định cách thức hoạt động của thông tin giả cũng đòi hỏi một quá trình phân định sâu sắc và thận trọng. Cần phải vạch trần “những chiến thuật của con rắn” được kẻ xấu sử dụng để tấn công bất cứ lúc nào và nơi nào.

Trong sách Sáng Thế ký “Con rắn quỷ quyệt” đã dùng chiến lược này để đánh bại bà Eva.

- “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không?” (St 3, 1).

Eva trả lời:

- “Trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (St 3, 3).

Con rắn nói:

- “Chẳng chết chóc gì đâu!” (St 3, 4). “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3, 5).

Sách Sáng Thế kể tiếp: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng thèm muốn” (St 3, 6). 

Chẳng hề có thông tin sai lạc nào mà vô hại; trái lại, tin vào sự giả dối có thể xảy ra những hậu quả thảm khốc. Thậm chí chỉ một chút xíu bóp méo sự thật thôi cũng sẽ gây những hậu quả nguy hại to lớn.

Điều nguy hiểm là tin giả thường lan truyền nhanh chóng đến nỗi khó có thể dừng lại, bởi vì nó khơi gợi trí tò mò, tính kiêu căng và lòng tham để rồi người nghe sẵn sàng chấp nhận tin theo và xúi dục người khác tin theo. Vậy, cần lắng nghe bằng trái tim, bình tâm phân định, đánh giá và thấu hiểu, đừng để đánh mất cái nhìn hướng thiện khiến ta phải đầu hàng các cơn cám dỗ.

Sự thật liên quan đến cuộc sống nhân loại. Sự thật là cái người ta có thể dựa vào, để không bị ngã. Theo ý nghĩa tương quan này, chỉ một Đấng duy nhất thật sự đáng tin cậy và đặt niềm tin vào – Đó là Thiên Chúa hằng sống. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta là sự thật” (Ga 14, 6). Hãy khám phá và tái khám phá sự thật để trải nghiệm điều này trong lòng mình với lòng trung thành và tin tưởng vào Đấng giàu lòng thương xót. Chỉ điều này thôi mới có thể giải thoát chúng ta: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32).

Trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông 2022, Đức Thánh Cha mời gọi Lắng nghe bằng trái tim. 

“Từ các trang Kinh thánh, chúng ta biết rằng lắng nghe không chỉ có nghĩa là nhận thức âm thanh, mà về cơ bản được liên kết với mối tương quan đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người. “Shema Israel - Nghe đây, hỡi Israel” (Đnl 6, 4), lời mở đầu của điều răn thứ nhất trong kinh Torah, liên tục được nhắc lại trong Kinh thánh, đến mức thánh Phaolô khẳng định rằng “Đức tin có được là nhờ lắng nghe” (xem Rm 10, 17). Quả thực, sáng kiến ​​là của Thiên Chúa, Đấng nói chuyện với chúng ta, và chúng ta đáp lại bằng cách lắng nghe Ngài. Cuối cùng, ngay cả sự lắng nghe này cũng xuất phát từ ân sủng của Chúa, như trường hợp của đứa trẻ sơ sinh đáp lại ánh mắt và giọng nói của mẹ hoặc cha mình. Trong số 5 giác quan, giác quan được Chúa ưu ái dường như là thính giác, có lẽ vì nó ít xâm lấn hơn, kín đáo hơn thị giác, và do đó, con người được tự do hơn.
 

Lắng nghe tương ứng với phong cách khiêm tốn của Thiên Chúa. Đó là hành động cho phép Thiên Chúa bày tỏ Ngài là Đấng dùng lời để tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, và dùng cách lắng nghe để nhìn nhận họ là đối tác trong cuộc đối thoại. Thiên Chúa yêu thương loài người: đó là lý do tại sao Ngài ngỏ lời với họ, và tại sao Ngài “ghé tai” lắng nghe họ.

Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đồ xét lại xem họ đã lắng nghe như thế nào. “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8, 18): đây là điều Ngài khuyên họ làm sau khi kể lại dụ ngôn người gieo giống, giúp cho người ta hiểu rằng chỉ nghe thôi là chưa đủ, mà cần phải biết chăm chú lắng nghe. Chỉ những ai đón nhận lời với tấm lòng “lương thiện” và trung thành tuân giữ thì mới sinh hoa kết quả là sự sống và ơn cứu độ (x. Lc 8, 15). Chỉ khi nào chúng ta chú ý đến người mà chúng ta lắng nghe, đến điều chúng ta lắng nghe và cách chúng ta lắng nghe, chúng ta mới có thể phát triển trong nghệ thuật giao tiếp - trọng tâm của nghệ thuật ấy không phải là lý thuyết hay kỹ thuật, mà là “con tim rộng mở, làm cho người ta có thể gần gũi nhau” (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 171).
 

Tất cả chúng ta đều có đôi tai, nhưng nhiều khi ngay cả những người có thính giác hoàn hảo cũng không thể nghe thấy người khác. Trên thực tế, có một chứng điếc nội tâm còn tồi tệ hơn điếc thể chất. Thật vậy, việc lắng nghe liên quan đến toàn bộ con người, chứ không chỉ là thích giác. Cơ quan thực sự của lắng nghe là trái tim. Dù còn rất trẻ, Vua Salômôn đã tỏ ra mình khôn ngoan vì ông đã xin Chúa ban cho ông một “trái tim biết lắng nghe” (xem 1V 3, 9). Thánh Augustinô từng khuyến khích chúng ta lắng nghe bằng trái tim (corde audire), đón nhận những lời nói không phải để lọt ra ngoài qua lỗ tai, nhưng đi vào tim ta cách linh thiêng: “Chớ để trái tim ở lỗ tai, mà hãy để lỗ tai trong tim mình.” Thánh Phanxicô Assisi đã khuyến khích các anh em của mình “hãy nghiêng lỗ tai của con tim mà lắng nghe”.

Nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động mục vụ chính là việc “tông đồ lắng nghe” – lắng nghe trước khi nói, như Thánh tông đồ Giacôbê khuyên nhủ: “Mọi người hãy mau nghe, và hãy chậm nói” (1, 19). Tự nguyện dành một chút thời gian của riêng mình để lắng nghe mọi người là hành vi bác ái đầu tiên”.


Lạy Chúa, xin cho mọi người biết vượt lên trên chính mình mà lên đường tìm kiếm sự thật.

Biết khiêm hạ lắng nghe, để không ủ ấp những thành kiến, không đưa ra những kết luận vội vàng.

Biết dành thời gian cần thiết để thấu hiểu, chú ý đến những điều cốt yếu, không bị phân tâm bởi những điều thừa thãi.

Biết phân định giữa vẻ ngoài lừa dối và sự thật.

Lạy Chúa, xin ban ơn cho mọi người biết lắng nghe bằng trái tim để cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong thế giới ngày nay và xin ban sự trung thực cần thiết để mỗi người biết thuật lại cho người khác cách trung thực những gì mình đã thấy.

Vũ Đình Bình 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây