Nhớ Trung Thu xưa
Tuổi thơ nào cũng gắn liền một ký ức Trung Thu, màu của những chiếc lồng đèn, những chiếc bánh Trung Thu, những bài hát rước đèn, ngắm đèn sao, cá chép, đèn kéo quân.
Tết Trung Thu du nhập từ văn hóa Trung Hoa, sang đất Việt mang đậm sắc Việt Nam để nhắc đến chị Hằng và chú Cuội, gốc Đa. Cả ba nhân vật gợi lên một biểu trưng của ngày lẽ dễ thương của những ước mơ. Chị Hằng gợi lên vẻ đẹp dịu dàng của người thôn nữ trong trắng, tinh khôi, đẹp như trăng rằm. Chú Cuội, thường cho là “nói dối như cuội”; nhưng sự tích chú Cuội lại khác. Có nhiều tích truyện, đại khái là:
Ngày xưa có một tiều phu chú tên Cuội. Chú vào rừng chợt may tìm thấy loài cây “cải tử hoàn sinh” do nhìn gặp con sư tử già ăn cây ấy và hóa nên mạnh mẽ như khi còn trẻ. Cuội mang cây ấy về, chữa được nhiều người khỏi chết, kể cả vợ của chú. Chú Cuội nhắc vợ nhiều lần chăm sóc cây ấy cẩn thận, không tưới cây ấy bằng thứ nước bẩn, kẻo cây ấy bay mất về trời. Vợ chú bỏ bê, quên lời dạy. Một hôm cây ấy bay về trời, Cuội bèn ôm vào gốc cây giữ lại, nhưng cây ấy bay lên trời, đậu vào trăng kia.
Những ước mơ giản đơn gửi về trời mong sao đẹp mãi, tinh khôi như ngày còn thơ, của chú Cuội, chị Hằng, cây Đa, đem tình thương đến mọi nơi.
Trong thơ văn trào phúng, Trần Tế Xương kể về Chị Hằng, Thằng Cuội:
“Tôi thấy người ta có bảo rằng:
Bảo rằng thằng Cuội ở cung trăng!
Chứa ai chả chứa, chứa thằng Cuội,
Tôi gớm gan cho cái chị Hằng.”
Thằng Cuội có khi ám chỉ là chính ông, ông hay làm thơ tự cười mình:
“Lúc túng toan lên bán cả trời.
Trời cười thằng bé nó hay chơi.
Cho hay công nợ âu là thế.
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời”.
Vào thời niên thiếu của những người thế hệ 5X, 6X, 7X. Thời khó khăn, bao cấp, những món hàng ngày lễ thường tự làm bằng những vật liệu có sẵn. Nhất là khi ở thành phố, tre nứa khó kiếm, hay thường lấy trộm những chiếc đũa tre, những vành nón cũ của mẹ. Ở vật dụng đó, có thanh tre mỏng nhẹ làm những khung đèn và lấy cơm làm keo, lấy giấy bọc lên. Những chiếc đèn khéo tay còn nhìn ra con cá, con gà, không khéo chẳng biết ra con gì, cứ làm theo hai cái vòng tròn ghép lại cũng thành cái đèn, thắp nến dạo chơi. Nếu khá hơn làm đèn bằng cái lon bia, lon nước ngọt, cắt nếp rồi ép xuông cũng thành cái đèn lon. Hoặc có khi làm một cái đèn lon, để trên một cái lon làm bánh xe đẩy thành chiếc xe đèn lon điệu nghệ. Khoái chí là mỗi trẻ đều có một chiếc đèn gần lễ Trung Thu, tối tối họp nhau ngoài đường tự rước đèn, tự hát nghêu ngao, “Tết trung thu em thắp đèn đi chơi…”
Trung thu vui đâu chỉ có thế, còn có bánh, những chiếc bánh của ước mơ cái thời bao cấp. Chẳng biết có phải bánh Trung Thu như ngày nay, nhân mặn, nhân đậu. Ngày thời bao cấp, cái vỏ bánh không biết bằng bột gì cứng khô, nhân chắc là nhân khoai lang, vậy mà những chiếc bánh cứ nhớ mãi. Xếp hàng, đợi ngày lễ hội, ra nhà thờ nhận mỗi bé một bánh. Ăn không ăn, đem để dành như món quà quý giá để khoe, đến khi nhớ lại chiếc bánh đã mốc hư.
Cái thời bao cấp, cái gì cũng quý hiếm, quần áo đứa nào cũng vá chằng, vá đụp. Cái thời tem phiếu, đi học có thằng mang những chiếc áo công nhân của anh, của chị đã cũ, cứ vui vẻ. Có chiếc áo mới mừng đi dự hội, nhưng nhìn bên bên dưới cái quần đã vá, nhàu nát, không đồng bộ với cái áo mới kia. Chân thì đi chân đất, có đôi dép thì cũng đứt quai, buộc bằng dây kẽm, vậy mà ngày Trung Thu cũng khoe, cũng mang đi dự hội vui.
Cái thời, người ta chẳng ai để ý, ai cũng khoe mình “Bần cố nông”, chẳng phải là tư sản, chẳng ai giàu có, ai cũng nghèo, chẳng ai mắc cỡ với ai. Ngày tết Trung Thu có mấy gian hàng hội chợ, quà tặng chỉ vài cái bánh rẻ tiền, không biết là bánh gì, cũng hình con heo, con thỏ; vài cái bút viết, chà mãi mới ra mực; vài cuốn tập còn thơm mùi rơm, khi viết còn cạy cả cọng rơm rác ra trên giấy. Đó là những sản phẩm của bao lòng tốt quảng đại ủng hộ mới có, không dễ có đâu. Một cái thời được đi học, được vui chơi, tham gia hội đoàn Thiếu Nhi nhà thờ là vui. Sớm chiều kinh lễ, vui trong sân nhà thờ, đá banh, đuổi bắt, có được cái gì cũng là tốt, chứ chẳng đòi hỏi cái này hay cái kia.
Vậy rồi ngày vui thưở ấy cũng qua, bây giờ hồi tưởng, cũng mong nhớ ngày xưa tết Trung Thu ấy.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan