TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sao cứ hoài xuân xưa…

15/05/2024 08:32:52 |   347

Sao cứ hoài xuân xưa…
(Ký ức tết xưa vùng Cái Sắn, Miền Tây…)

QL 150524a

 

Năm vừa qua tôi được về ăn tết sớm với gia đình. Hai mươi sáu âm lịch rồi, nhưng đường quê còn vắng lặng. Đâu đó có chút hương xuân đang vẩn vương trên cành mai chớm nở, trong đôi mắt hạnh phúc đợi chờ con cháu, trong hương hoa tươi mới trên bàn thờ tổ tiên…

Hai ba thập niên trước, làng quê tôi ruộng ít người đông, vì kế sinh nhai mà không ít gia đình phải nặng lòng ly hương tìm kiếm một tương lai mới. Những tưởng người đi đã yên kẻ ở đã ổn, thì một vài năm gần đây giá lúa giảm, phân thuốc tăng, heo dịch chết… khiến nhiều người ngậm ngùi tiếp tục ra đi với hai bàn tay trắng. Quê nhà đìu hiu vắng lặng, mai trước thềm không người chăm sóc, cái lạnh từ đâu cứ ùa về vây kín bốn bề tâm tư.

Tôi với đứa cháu đi câu cá, thành quả là vài chú Rô nhỏ. Đứa cháu câu được một con mà hạnh phúc không tưởng. Vừa câu vừa kể cháu nghe chuyện xưa đi câu với cả trăm loại cá, từ nhỏ như ngón tay đến to bằng bắp đùi… Cảm giác như cháu tôi đang nghe chuyện cổ tích. Những buổi sau kể tiếp cháu nghe chuyện Tết ngày xưa, ký ức lại tràn về ngập tâm tư luyến nhớ…

Hồi tưởng lại những ngày cuối năm Tây lịch của mấy mươi năm trước, thời tiết còn lạnh lắm. Gió bấc buốt da thịt những đứa trẻ thiếu ăn thiếu mặc như tôi. Nước lũ vừa rút để lại con đường quê lầy lội bùn nhơ. Những nhà tranh vách lá rệu rã qua thời gian chống chọi bão lũ. Mọi người âm thầm dọn dẹp bèo rác rong rêu vương đầy lối đi, rửa chút tàn dư phù sa theo lũ cuốn đọng lại mọi ngóc ngách khuôn viên nhà…

Cái buồn man mác len lỏi tâm hồn của những đứa trẻ đang tuổi lớn đầy hoài bão mộng mơ. Gió bấc hằn trên da thịt mốc trắng, trên đôi môi khô khốc tím tái của bọn nhóc quần xoăn chân đất chúng tôi. Tiếng ho rũ rượi của của người già yếu phổi, tiếng thở dài của những ông bố bà mẹ trước cảnh nhà hết tiền hết gạo sau cơn lũ dài bế tắc chuyện mưu sinh, đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm cuộc đời.

Rồi không khí ảm đạm đó cũng nhanh chóng qua đi với bầu khí của Lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch vui tươi ấm cúng. Công việc đồng áng đã tạm yên ổn khi vụ lúa mới được gieo xạ xong. Các gia đình tập trung khôi phục lại việc chăn nuôi để chuẩn bị nguồn thực phẩm đón Tết nguyên đán. Từ đầu năm dương lịch đến tết cổ truyền là khoảng một đến tháng rưỡi. Thời gian này trời đất như lột da thay mới, khí hậu ấm áp trong lành hơn, cây cối lớp thì phục hồi sau mùa lũ, lớp được trồng mới xanh tươi đầy tràn sức sống.
Ngày tết càng gần thì bầu khí thôn quê càng nhộn nhịp. Mỗi lứa tuổi, mỗi vai trò trong gia đình và xã hội đón tết bằng những tâm thế và cảm xúc khác nhau. Nếu như bậc ông bà mong ngóng tết đến để được gặp con cháu, để đại gia đình có cơ hội đoàn viên, thì với các bậc cha mẹ, tết lại là một thách đố với bao lo toan cho vấn đề kinh tế tài chính gia đình. Tết trong lòng thanh niên nam nữ là cả một cõi mộng mơ và đam mê của tuổi thanh xuân hừng hực sức sống. Riêng bọn trẻ con chúng tôi, tết chiếm trọn cả tâm hồn đang nuôi đầy những ước mơ, khát khao và mong chờ.

Bài toán kinh tế luôn là nỗi lo hàng đầu của các gia đình thôn quê vào mỗi dịp tết. Sau gần ba tháng bế tắc mưu sinh trong mùa nước lũ, đầu năm mới họ phải đối diện với rất nhiều những chi tiêu cho gia đình. Từ học phí, chi phí nuôi trồng, đến quần áo giày dép đón năm mới, các nhu yếu phẩm và “lỡi tết” (quà người nhỏ đem đi chúc tết ông bà chú bác…). Nhưng rồi nhờ bản lĩnh lo toan trời phú cho các bậc cha mẹ, họ vượt qua tất cả để cùng hòa chung niềm vui của đất trời và thỏa mãn niềm háo hức mong chờ của con cái với những món quà mà chỉ ngày tết mới có.

Tết vùng Cái Sắn quê tôi là dịp để làm nổi bật đời sống tâm linh, văn hóa và đạo hiếu. Về mặt tâm linh, chúng tôi dành cách đặc biệt thời khắc thiêng liêng của những ngày đầu năm mới thờ kính Chúa qua các thánh lễ: Đêm 30 lễ tạ ơn Chúa ban cho một năm đã qua với biết bao điều tốt đẹp. Sáng Mùng Một xin ơn Chúa ban bình an cho năm mới. Mùng Hai kính nhớ đến các bậc tổ tiên. Mùng Ba thánh hóa công ăn việc làm.

Về văn hóa và đạo hiếu, chúng tôi thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc bằng việc đi chúc tết các bậc bề trên trong gia đình và xứ đạo. Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian cho việc thăm viếng và chia sẻ tình thân giữa bà con dòng tộc và lối xóm qua những bữa tiệc nhỏ ở mỗi gia đình, với bánh mứt và chén rượu chúc xuân cùng rất nhiều món ngon mà chỉ ngày tết mới có.

Khi xưa chưa có nhiều phương tiện giải trí như bây giờ, thế nên ngày tết với thời gian nghỉ ngơi thoải mái thì nhu cầu văn hóa vui chơi là điều không thể thiếu cho mỗi người. Vào thời điểm thiếu thốn mọi bề, vậy mà xứ đạo chúng tôi vẫn tổ chức và duy trì được Hội Xuân hoành tráng. Nhà thờ không chỉ là nơi thờ phượng tâm linh, ở đó còn kiêm thêm chức năng của một trung tâm văn hóa cho cả khu vực mấy ngàn người. Cha xứ đứng ra tổ chức các cuộc thi đấu thể thao: bóng đá, bóng chuyền, marathon, đua thuyền… với đủ mọi lứa tuổi và liên các xứ. Mỗi buổi sáng loa nhà thờ cất lên lời bài hát “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng kiếm nguồn tươi sáng…” (Lên Đàng, Lưu Hữu Phước – Huỳnh Văn Tiểng), thì cả xứ đạo mà nhất là bọn trẻ chúng tôi khí thế hừng hực, lòng rạo rực nôn nao chuẩn bị cho những cuộc thi đấu sôi động sắp diễn ra trong khuôn viên nhà thờ.

Buổi tối Mùng 4 tết có chương trình văn nghệ hoành tráng kết hợp với việc phát thưởng thể thao. Dù đêm văn nghệ so với bây giờ chỉ đáng tầm “cây nhà lá vườn”, và giá trị giải thưởng cho các môn thể thao không đáng là bao, nhưng điều chúng tôi có được qua các Hội Xuân mãi vô giá: Nó chắp cánh cho biết bao ước mơ tuổi thơ bay cao bay xa, nó thấm đượm tình quê tình người, nó giáo dục nhân cách và ý chí người quê trong hoàn cảnh cuộc sống còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Một năm ảm đạm bởi dịch Côrôna virus và bão lũ kinh hoàng sắp qua đi. Biết bao người phải trải qua cảm giác của tang thương, sợ hãi và mệt mỏi. Thế giới hiện đại và văn minh thật đó, nhưng sao chẳng mang lại con người cảm giác ấm cúng, nghĩa tình, an bình như những năm xưa! Chúng ta vất vả khổ tâm tìm kiếm những điều mới lạ với ước mong làm cuộc sống này tốt đẹp thoải mái hơn, nhưng thử bình tâm nhìn lại, cái được chỉ là những hình thức bên ngoài mà thôi, tâm hồn có vẻ còn nặng nề u ám hơn cái thời được cho là thiếu thốn thua thiệt đó.

Tết xưa vẫn mãi còn đó trong tim mỗi người. Hoài niệm ký ức chợt chạnh lòng cho thực tại: Quê hương nay vắng hẳn tiếng… heo kêu. Khói bếp bánh chưng không đủ quấn hồn người viễn xứ. Xuân vẫn nguyên sắc màu đó thôi, có chăng nhiệt độ các mùa nóng hơn đôi chút. Nhưng, xuân đang đến mà người có còn xuân! Trời sắp tết hỏi lòng còn muốn tết!

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây