TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm B

“Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. (Mc 7, 31-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sống Đạo

05/04/2023 10:32:39 |   722

Sống Đạo

SỐNG ĐẠO

Có một vị linh mục kể câu chuyện sau đây:

Hôm nọ, có người đàn ông đem đến cho tôi một tượng chuộc tội khá lớn. Bàn tay Chúa Giê-su chịu đóng đinh bị sút ra khỏi thanh ngang của cây thánh giá. Ông ta nhờ tôi đóng lại cây đinh bị sút để tượng Chúa Giê-su chịu nạn được gắn chặt vào thập giá như trước.

Tôi hỏi ông: “Một việc đơn giản như thế, sao ông không tự làm lấy, đem đến nhờ tôi làm gì mất công.” Ông trả lời: “Con không dám đóng đinh Chúa, sợ xúc phạm đến Ngài.”

Vậy mà mấy tuần sau, ông nầy lại vác rựa chém người hàng xóm, may có người can ngăn kịp thời, nếu không thì ông ta đã chém chết một hiện thân sống động của Thiên Chúa.

Nhiều người cung kính cúi đầu trước tượng ảnh thánh và không bao giờ dám xúc phạm đến ảnh tượng thánh do tay người phàm làm ra, nhưng lại ngang nhiên xỉ vả, mắng chửi, đánh đập những người chung quanh là hình tượng sống động của Thiên Chúa do chính Ngài dựng nên mà không áy náy lương tâm. Sở dĩ như thế cũng chỉ vì người ta không nhận ra những người đang sống chung quanh mình là hiện thân của Chúa Giê-su. Mà hiện thân của Chúa Giê-su thì đáng trọng hơn những bức tượng thánh bằng thạch cao, bằng gỗ đá… là biểu tượng của các thánh, do con người tạo
nên.

Nói như thế không phải là xem thường ảnh tượng thánh nhưng để nhấn mạnh rằng nếu chúng ta dành cho các tượng ảnh thánh trên bàn thờ một tâm tình tôn kính đặc biệt và không bao giờ dám xúc phạm đến ảnh tượng thánh, thì chúng ta cũng phải đối xử y như thế đối với anh chị em chung quanh.

Những ai cho người đói khát một bát cơm thì Chúa Giê-su nói là họ đã cho Ngài ăn, vì người đói khát đó cũng chính là Chúa; những ai cho người rách rưới một tấm áo thì Chúa Giê-su nói là họ đã cho Ngài mặc, vì người rách rưới đó cũng chính là Chúa… Như thế, Ngài dạy rằng mọi người chung quanh chúng ta là hiện thân của Ngài, làm gì cho họ là làm cho chính Chúa.

Cơn đại dịch mặc dù đã qua, nhưng cũng không làm sao chúng ta dễ dàng quên được những ngày tháng không được đến nhà thờ. Có một câu chuyện đáng cho chúng ta suy ngẫm:

Trong bóng tối đang bao trùm cả nhà thờ, vị linh mục chuẩn bị dâng thánh lễ trong ngày cuối cùng của tuần bát nhật Phục Sinh, kính “Lòng Chúa Thương Xót”. Ngài đi từ trên xuống dưới quan sát xem coi có ai có mặt trong nhà thờ không, trước khi đóng các cửa lại? Ngài chậm rãi từng bước chỉ toàn thấy cột với cột, ngài chuẩn bị đi lên thì chợt giật mình, trong đêm đen ở cây cột cuối nhà thờ có một cái bóng mờ mờ… ngài lại gần thì thấy một bà cụ đang ngồi bó gối nép sát vào cái cột!

Ngài lên tiếng: Bà ơi, tôi xin mời bà ra về, cho tôi đóng cửa nhà thờ!

Bà lên tiếng khần khoản nài xin: Cha cho con được ngồi ở đây không có ai thấy đâu!

Ngài lên tiếng: Thôi tôi xin bà, bà thương tôi…

Và bà lại tiếp tục: Con thương cha, thì cha cũng phải thương con chứ? Cha cho con được cùng dâng lễ cầu nguyện với cha.

Cha xứ mạnh mẽ, cương quyết: Không có xin gì hết, tôi mời bà ra về! Tôi xin bà, bà về mà mời gọi mọi người trong nhà tụ họp nhau lại đọc kinh, dâng lễ online là được rồi, không cần gì thêm nữa! Tôi khổ lắm bà biết không?

Bà trả lời: Xin Chúa Giêsu Thánh Thể, nâng đỡ cha, như Chúa Giêsu đã thêm sức cho các tông đồ ngày xưa vậy!

Cha xứ lại lên tiếng: Bà nói thì hay lắm, lỡ ra tôi bị phạt, tôi bị bắt đi tù thì bà tính làm sao?

Và bà trả lời một cách thật là nhẹ nhàng: Con sẽ chung phần với cha, họ đưa cha đi tới đâu con sẽ theo tới đó…

Rồi sau một lúc lâu bà cũng phải uể oải đứng lên mà ra về.

Rồi một hôm khác, cha lại gặp một trường hợp oái oăm tương tự. Rút kinh nghiệm với người trước, lần này cha dứt khoát: Tôi mời bà, không có thương xót, không có năn nỉ, van nài…

Bà cụ này thật là đanh đá, ghê gớm đến chẳng ngờ! Bà nói: Cha nhớ nha, con về. Lần sau cha đừng có mời gọi con và mọi người đến nhà thờ nữa nha…

Vị linh mục ấy lặng người xót xa, đau đớn… nhìn theo bóng bà đang nhẹ nhàng rời khỏi nhà thờ… và lê từng bước đến đóng cánh cửa lại… mà nhìn lên cung thánh than thở với Chúa Giêsu đang giang tay trên thập giá và thầm thưa cùng Ngài:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã Phục Sinh, xin cho con được phục sinh cùng Chúa, đừng để con ở mãi trên thập giá ô nhục này mãi!!! Xin nâng đỡ con trên con đường đang bước đi hôm nay…

Còn tôi và bạn - chúng ta hãy làm một việc gì đi, dù nhỏ nhặt nhất cho những người “anh em” sống chung quanh tôi và cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con, xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu, xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công, xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng, xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề, xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh, xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa dang tay chết trên thập giá, xin cho đất nối lại với trời, con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui oà vỡ, xin cho chúng con biết đón lấy đời thường với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

Hồng Long

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây