TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIV Thường Niên -Năm B

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (Mc 8,29-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thơ cầu nguyện

20/11/2023 06:51:46 |   417

Thơ cầu nguyện

tbd 021123a


Tháng Năm kính Đức Mẹ, có hai món vừa đẹp vừa thanh khiết xứng đáng dâng lên Mẹ là Thơ và Hoa, đại diện cho những gì cao đẹp nhất của thiên nhiên và con người. Hoa góp đủ sắc hương, Thơ vương muôn ý tình, ý nguyện.

Có nhiều cách thức cầu nguyện, nhưng cầu nguyện bằng lời thơ dễ đưa hồn người vào những cảm xúc đặc biệt. Trong thơ có sự kết hợp hài hòa của Cung - Nhịp - Âm và Vần điệu. Thường thì lời đẹp ý sâu, mau thuộc nhớ lâu. Đọc một bài thơ hay, thỏa mãn được những thao thức mà đôi khi vì khả năng ngôn ngữ hạn hẹp, sức ta không sao có thể diễn tả được.

Nhưng không phải ai cũng có khả năng làm thơ! Hàn Mặc Tử trong một bức thư riêng (gửi Trọng Miên) đã viết: “Trừ hai loài trọng vọng là Thiên thần và loài người ta, Đức Chúa Trời đã cho ra loài thứ ba là Thi sĩ… với một sứ mệnh rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình quí báu của Đức Chúa Trời gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, tinh sạch”. Khi biết mình được trao cho sứ mạng này, anh đã không để lãng phí một chút tài năng nào cả.

Tuyệt tác AVE MARIA đã chứng minh điều đó.

Thơ cầu nguyện là thơ Quân tử ý
Trượng phu lời và Tông đồ triết lý

Nhà phê bình Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam nhận xét: “Với Hàn Mặc Tử thơ có một quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế mà cũng để nối người ta với Thượng Đế, để ban ơn phước cho cả thiên hạ”. Thế nên, Ý thơ phải xuất nơi lòng Quân tử, Lời từ miệng kẻ Trượng phu, và Lý luận của bậc Tông đồ. Trong AVE MARIA, bao nhiêu lời vàng ý ngọc thi sĩ có được đã cố đổ ra, dốc cho hết để trao dâng Mẹ. Đức Mẹ chính là tri kỷ của Hàn Mặc Tử, mà như chính anh nhận xét: “Tri kỷ phải là bậc cao quý, toàn tài, toàn năng, một Đấng nhận thấy hết mọi sự, có thể trút hận tình, kể lể hết thương đau…”

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế”.

Người thưởng lãm mới chợt dạo qua ý thơ đã thấy lòng dạt dào trăm mối, được ủi an vô ngần.

Có thể xem Hàn Mặc Tử là một trong những người tiên phong cho trường phái thơ cầu nguyện của người Công giáo Việt Nam. Tâm hồn, tài năng, cùng với lượng lớn tác phẩm thơ Đạo của anh không chỉ chinh phục những người đồng đạo, mà tất cả những ai đã từng đọc thơ anh đều phải kính phục. Tinh thần cầu nguyện trong thơ Hàn Mặc Tử rất sâu xa và mãnh liệt. Quả là hiếm người có được đức tin mạnh mẽ như vậy. Hoài Thanh, một nhà phê bình ngoại đạo còn phải thốt lên rằng: “Thơ Hàn Mặc Tử ra đời, điều ấy chứng minh rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ có những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể”.

Tiếp bước đàn anh, nhà thơ Trăng Thập Tự trong tuyển tập CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO đã giới thiệu thêm 141 nhà thơ Công giáo, cùng một số tác phẩm trích dẫn rất gợi hứng cho tâm tình cầu nguyện. Nhắc đến Linh mục Trăng Thập Tự tôi liền nhớ đến mấy lời thơ của ngài:

Có yêu hoa con cũng không làm lá
Còn Ngài yêu con Ngài đã hóa làm người…”.

Ý thơ đưa tôi từ khoảng không hạn hẹp của tâm hồn, lặng suy về Lòng Thươg Xót bao la của Thiên Chúa. Dạt dào tâm tư nguyện cầu.

Mỗi Chúa nhật lúc còn học ở Chủng Viện có dịp đi mục vụ Giáo xứ, được mục kích phần nào cảnh tất bật mưu sinh của đời. Chiều về dự Chầu Thánh Thể lặng nghe mấy câu thơ phổ nhạc của Lê Đình Bảng:

Nào ai gánh nặng đôi vai
Trăm năm là những miệt mài phù sinh
Về đây dâng Ngài lời kinh
Con tin, lạy Chúa, con tin vững vàng”.

Với tôi, không còn lời mời gọi nào tha thiết cho bằng nữa…

Hằng ngày người nhà tu chúng ta vẫn thường ngâm nga những lời thơ tuyệt hảo của Vua Đa-vít, Salômôn, Mẹ Maria, ngôn sứ Dacaria... để ca tụng Chúa và dâng ý nguyện cầu. Có nhiều câu Thánh Vịnh hay ai cũng thuộc nằm lòng, và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể ứng khẩu thành lời cầu nguyện. Tôi biết có một Cha cố lấy chuyện học thuộc Thánh Vịnh làm niềm vui mỗi ngày. Ngài chia sẻ rằng thuộc để những lúc rảnh rỗi, hay đêm khó ngủ thì nằm ngâm nga để vừa ca tụng, cầu nguyện với Chúa, vừa thưởng thức lời hay ý đẹp trong đó. Đời tu như vậy mới thật hạnh phúc biết bao!

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây