TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khoảng lặng

Thứ tư - 28/04/2021 02:17 |   978

KHOẢNG LẶNG
Khoảng lặng nhỏ nhoi trên chặng dừng năm mươi năm -
Chủng viện Phao-lô Lê Bảo Tịnh-Bmt...



Năm mươi năm – hơn một nửa hành trình của cuộc đời. Thời gian ấy đong đầy trong tâm hồn mỗi người biết bao nhiêu kí ức, nỗi niềm. Năm mươi năm là một quãng đường đủ để cho muôn giai điệu thăng trầm dệt nên bài ca cuộc đời bất hủ, đủ để cho những sắc màu cuộc sống thấm đượm trên bức tranh của tâm hồn, và cũng đủ để hàng triệu nụ cười và nước mắt biến nên những kinh nghiệm xương máu không thể nào xóa nhòa. Tuổi năm mươi chưa hẳn là tuổi già trong kiếp người, nhưng đôi lúc, người ta có thể bất chợt vọng hồi về một thời thanh xuân đã hóa thành dĩ vãng, hay lặng lẽ ngóng trông về tương lai – khi mà ánh mặt trời cuộc đời mỗi ngày một ngả bóng, chờ đợi thời khắc tiêu biến trong màn đêm. Trong những khoảnh khắc tĩnh lặng nội tâm, khi tất cả mọi náo động đã khép lại, người ta mới có thể nhận chân được những thực tại đó.

Năm mươi năm đời người cũng là quãng đường chất đầy biến động mà chủng viện Phao-lô Lê Bảo Tịnh, GP Banmêthuột đã đi qua. Như một hạt giống nhỏ bé đơn sơ, chủng viện đã được biết bao nhiêu thế hệ mục tử ấp ủ, gieo vãi, cùng dày công chăm sóc nơi mảnh đất đỏ Tây Nguyên xa xôi và hoang sơ này. Thấm thoát nửa thế kỷ trôi qua, dưới bao nhiêu cái nắng mưa dầm dề của đất trời cao nguyên, hạt giống vẫn âm thầm tăng trưởng trong lòng đất mẹ Giáo phận Ban Mê Thuột. Dù cho có những thời khắc cay đắng, từ một mầm sống nhỏ bé, hoa thơm trái ngọt vẫn trổ sinh đem lại một chút sức sống mãnh liệt giữa bạt ngàn núi rừng. Dừng lại một chút ở chặng đường năm mươi năm, chắc hẳn những ai đã sống và gắn mình với chủng viện dọc theo lộ trình thời gian đều có một cảm xúc vỡ òa, trong những thành tựu và cả những mất mát đã qua. Như tuổi đời của một kiếp người, thiết nghĩ, sinh nhật lần thứ năm mươi này của chủng viện cũng chất chứa một khoảng lặng để mỗi tâm hồn khơi lên một thoáng nhìn – nhìn lại kí ức để tri ân quá khứ, nhìn vào thực tế để chấn hưng hiện tại, và hướng vọng về chặng đường phía trước để dấn thân tương lai.

Một thoáng nhìn lại những kí ức:

Có lẽ, những ai đã từng cư ngụ tại miền đất cao nguyên này hơn nửa thế kỉ trước mới có thể thấm thía sâu xa muôn sự bộn bề trong bối cảnh đương thời. Tây nguyên khi đó vẫn còn là một vùng đất còn trống trải và hoang sơ, được mệnh danh là rừng thiêng nước độc, lại ở giữa bối cảnh chiến sự đang nguy biến. Việc cư ngụ tại đây đã là một thách đố quá lớn, huống hồ là việc giữ gìn, bảo vệ và truyền bá đức tin. Thế nhưng, dường như thánh ý Thiên Chúa đã len lỏi nơi mọi ngóc ngách mà con người không thể vươn tới, biến những điều bất khả của con người trở nên khả thể bằng muôn vàn ân sủng. Dù cho hoàn cảnh càng ngày càng trở nên khó khăn, từng bước chân âm thầm của người Ki-tô hữu khắp mọi miền quê hương vẫn đổ về miền rừng núi này, như những tàn lửa chờ ngày bùng cháy lên ngọn lửa niềm tin giữa đêm đen của cuộc đời. Những mục tử và các môn sinh đầu tiên đã âm thầm sống lam lũ trong niềm phó thác tuyệt đối, dầu có những lúc, cái giá phải đánh đổi là chính dòng máu hòa lẫn trong lệ sầu. Giữa dòng đời nổi trôi, hạt mầm đức tin cứ mãi lớn dần lên theo năm tháng, mở ra một viễn cảnh mới tràn trề sức sống và hy vọng. Trước cánh đồng truyền giáo bao la đang chín rộ, giáo phận Ban Mê Thuột đã được khai sinh ngày 22/06/1967. Một giáo phận non trẻ giữa một bối cảnh khó khăn khiến cho nhiều tâm hồn đều đắm chìm trong lo lắng và ưu tư, nhất là mối bận tâm cho công cuộc Loan báo Tin Mừng lại càng lớn hơn nữa. Vị cha chung đầu tiên của giáo phận – Đức cha Phê-rô Nguyễn Huy Mai – dường như đã cảm nghiệm thẳm sâu nỗi khát khao cháy bỏng đó, ngài đã lắng nghe được tiếng lòng thổn thức của đàn chiên đang tản mác khắp núi rừng hiểm trở này. Với sự cương nghị của một người cha, và trái tim của một người mẹ, Đức Cha Phê-rô gói ghém thao thức của mình trong một phương châm: “TẤT CẢ CHO CHỦNG VIỆN”. Và rồi dần dà theo thời gian, chủng viện đã được khai sinh ngày 25/03/1968 trong nỗ lực của mọi thành phần dân Chúa, trong biết bao hoài bão và hy vọng của các vị mục tử.

Những tưởng từ đây, cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên đã vơi bớt nỗi khát khao những bước chân của người tông đồ. Thế nhưng, biến động của thời cuộc lại xảy đến như một huyền nhiệm trong sự bất lực của con người. Khi bức tranh tương lai đẹp đẽ đang được miệt mài thêu dệt bởi những trăn trở và nỗ lực, bỗng nhiên hàng chỉ đã bị cắt đứt trong nỗi đắng cay. Sau vỏn vẹn 7 niên khóa, chủng viện bất ngờ bị gián đoạn trong lúc giao thời, cho đến năm 1983 thì giải tán hoàn toàn. Ngậm đắng nuối cay, ngỡ ngàng và xót xa, tất cả đều bần thần trước bao nhiêu hoài bão và mơ ước bỗng chốc trở về con số không. Thế nhưng, niềm tin Ki-tô hữu dường như không cho phép con người bi quan trước mọi viễn tượng của cuộc đời. Trong những lũng sâu tuyệt vọng, bất chợt những tia sáng le lói được khơi lên trong nỗi niềm của người mục tử nhân lành – Đức Cha Phê-rô: “Con người Lê Bảo Tịnh sẽ không dừng lại ở thời khắc này mà sẽ ra đi khắp bốn phương”. Phải chăng con người “nhỏ bé” này đã nhận ra được ý Chúa trong những biến cố đau thương nhất? Những nỗi niềm đó cất lên vừa như một lời đáp trả “xin vâng” trong những nghịch cảnh éo le, lại mang âm vang của một lời tiên tri chất đầy niềm tin, vừa như một chìa khóa mở ra ngưỡng cửa niềm hy vọng. Như một hạt lúa mì chịu nát tan để làm lương thực cho đời, “hạt mầm” được gieo vãi ngày nào đang tan biến chính mình để chiếm hữu được một giá trị lớn lao hơn. Dòng chảy từ nhánh sông nhỏ đã vỡ òa và mất hút trong biển cả bao la, để rồi sự vĩ đại của đại dương đem nó đi xa hơn những giới hạn nhỏ bé của chính nó. Cho đến giây phút hiện tại, huyền nhiệm đó mới thấm thía trong cảm nghiệm của con người. Giờ đây, không chỉ trên mảnh đất mẹ giáo phận thân yêu, mà còn trên khắp mọi miền thế giới, bước chân, trái tim và tinh thần Lê Bảo Tịnh vẫn hiện diện và sống mãi. Trong từng nỗ lực của cuộc sống, trong ơn gọi cá biệt của mình, mỗi con người Lê Bảo Tịnh hôm nay vẫn khắc ghi và sống mãi tinh thần đã được lĩnh hội từ biết bao thế hệ tiền nhân; dòng máu thắm tử đạo của thánh Tịnh vẫn rực nóng trong trái tim của từng người dù bôn ba khắp chân trời góc bể.

Xin được dành một khoảng lặng nhỏ nhoi để thốt lên tiếng lòng tri ân. Tri ân quá khứ đã để lại những bài học đắt giá, như ngọn hải đăng soi lối cho muôn người hôm nay tìm về bến bờ hy vọng giữa ba đào cuộc đời. Cảm ơn “hạt giống” đơn sơ đã hòa tan chính mình, để rồi hôm nay trên mỗi nẻo đường đi đến năm châu, hình bóng của những con người Lê Bảo Tịnh vẫn mãi mãi rạng rỡ và đẹp ngời.

 

Hoài niệm...!


Một chút thao thức cho hiện tại:
Quá khứ đã đi qua, nhưng dư vị và âm vang của nó vẫn còn đọng lại mãi trong hiện tại. Tưởng chừng như mầm sống đã tiêu biến theo những thăng trầm của đất nước, nhưng ẩn sâu trong lòng đất mẹ, mạch nước ngầm tình thương của Thiên Chúa vẫn chan chứa, để rồi hôm nay, những dấu hiệu của sự sống mới lại le lói trên cánh đồng truyền giáo mênh mông của giáo phận. Tiến bước theo sự dẫn dắt của Thần Khí, nhiều con người vẫn can đảm tiếp nối những thao thức còn dang dở của các bậc tiền nhân. Dù còn rất khiêm tốn, nhưng dấu hiệu của niềm hy vọng vẫn rực sáng khi mà từng lớp tông đồ vẫn âm thầm lớn lên và trưởng thành. Công cuộc đào tạo những linh mục vẫn được tiếp diễn trong sự lưu tâm chăm sóc của mọi thành phần dân Chúa giữa lòng mẹ giáo phận.

Tuy nhiên, như một con người mới hồi phục trong cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh còn rất yếu ớt trước những thay đổi của khí trời, vẫn còn đó muôn ngàn nỗi khó khăn đang chồng chất lên đôi vai và khối óc của những người được giao phó nhiệm vụ đào tạo: cơ sở còn thiếu thốn bộn bề, hoạt động còn rất khiêm tốn so với một giáo phận quá ư rộng lớn, nhân sự thiếu hụt trầm trọng… Những thách đố đó như giằng xé trái tim của những người có trách nhiệm, khiến cho những thao thức mỗi ngày một lớn dần theo thời gian. Nhưng không vì thế mà niềm tin bị dập tắt. Dù còn rất đơn sơ, vẫn còn đó những nỗ lực kiến tạo của mỗi con người, của cả ban đào tạo và những ứng sinh linh mục tương lai hiện diện dưới mái nhà Lê Bảo Tịnh. Từng bàn tay lao động, từng cái cuốc cái cày, từng hạt giống gieo vãi… tất cả mọi khó nhọc hôm nay đều được nâng niu cẩn trọng như những bông hoa cuộc đời chờ ngày nở rộ và tỏa hương.

Nhưng thiết nghĩ, niềm thao thức về cơ sở và nhân sự chưa lớn bằng nỗi ưu tư về con người. Những biến động của đất nước đã lấy đi toàn bộ cơ ngơi được gầy dựng từ mồ hôi nước mắt của bao người; giờ đây, những biến động của xã hội lại đặt ra trước mắt nhà đào tạo những nỗi niềm về con người. Cuộc sống hôm nay bị khuấy động bởi muôn trào lưu vô thần, tâm hồn con người bị nhiễm bẩn bởi muôn tư tưởng và nếp sống độc hại. Giữa bối cảnh đó, việc “gạn đục khơi trong” luôn là thử thách khó khăn của những người được giao phó sứ mạng huấn luyện. Việc đào tạo một linh mục tài giỏi, một nhà lãnh đạo tài ba, một nhà giảng thuyết lôi cuốn… theo thời gian và kiên trì có thể thực hiện. Nhưng việc đào tạo một linh mục “Thánh”, một linh mục chất chứa “hồn tông đồ”, một linh mục có khả năng thao thức cho Giáo Hội, một linh mục vừa đáp ứng được những nhu cầu thời đại vừa có tâm hồn của những người nghèo… vẫn là nỗi quan tâm đau đáu trong hiện tại. Chắc chắn, nỗi thao thức đó sẽ làm hao mòn sức lực, trí tuệ và cả con tim của những người nắm giữ cương vị đào tạo. Nhưng hơn hết, đó là những gì mà thực tại đang khao khát chảy bỏng, và đó cũng chính là chìa khóa duy nhất để bước vào cánh cửa tương lai tươi sáng nhất.

Say đắm trong khoảng lặng của hiện tại, ai cũng có thể nhận ra vẫn còn đó quá nhiều thao thức và trăn trở. Nhưng có một niềm xác tín rằng bàn tay Thiên Chúa đã quan phòng trên gia đình Lê Bảo Tịnh suốt nửa thế kỷ, sẽ vẫn giữ gìn và nâng đỡ chúng ta trong mọi nỗ lực sống.   

 

 

Ươm mầm hiện tại


Tất cả trong tình Chúa quan phòng



 

Nỗ lực kiến tạo
 

Niềm vui huynh đệ

Khỏe để phục vụ


Một niềm hy vọng hướng đến tương lai

Quá khứ đi qua để lại thành tựu và kinh nghiệm, hiện tại vẫn còn đó phơi bày những trăn trở và băn khoăn, tương lai chưa đến tưởng chừng như rất xa xôi và mơ hồ. Thiết nghĩ, việc trình bày quá chi tiết về những viễn cảnh tương lai sẽ không ích lợi cho bằng việc khơi lên một chút niềm tin, dù còn nhỏ nhoi và khiêm tốn so với niềm khát khao mong mỏi của biết bao con người. Không có con đường nào trải toàn hoa hồng, nhưng mỗi bước đi trong tình yêu và niềm tín thác sẽ dẫn dắt con người tới vườn hoa đang tỏa ngát hương thơm và tràn đầy hạnh phúc. Tương lai chắc hẳn còn đó với muôn ngàn nỗi khó khăn, những chắc chắn rằng: một tinh thần, một trái tim, ẩn chứa trong mỗi con người Phao-lô Lê Bảo Tịnh sẽ là động lực để chủng viện tiếp tục vươn lên, tiếp nối sự hy sinh của các bậc tiền bối, đáp trả lời mời gọi lên đường đang vang vọng khắp miến núi rừng: “Đẹp thay! Vượt núi băng rừng, Người đi loan báo TIN MỪNG – BÌNH AN” (Is 52, 7). Con người Lê Bảo Tịnh đã can trường sống giữa những thăng trầm của quá khứ, đang sống trong từng nỗ lực của hiện tại, và chắc chắn sẽ vẫn mãi tiếp bước trong niềm hy vọng vươn đến tương lai.

Lặng mình hướng vọng về tương lai, ánh bình minh đã chộp lấy màn đêm, một chân trời hy vọng như dần mở ra. Vẫn còn đó bao gian nan trắc trở trên con đường ươm mầm ơn gọi, nhưng tình yêu của Thiên Chúa vẫn mãnh liệt và dồi dào, tinh thần tử đạo của thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh vẫn âm vang trong mỗi tâm hồn, như một nguồn sức sống mạnh mẽ khiến những bàn tay không ngừng kiến tạo, thúc bách những đôi chân bước đi không mệt mỏi trên hành trình mới. Bước theo Thần Khí dẫn đường, chắc chắn rằng hành trình này sẽ chẳng con xa xôi nữa...

 


Xây đắp tương lai từ đây!

 

                                                             Người con của Gia đình Lê Bảo Tịnh, BMT

 

 Tags: Khoảng lặng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây