TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

BÀI 90 HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH

Thứ bảy - 05/11/2022 05:29 | Tác giả bài viết: LM ĐAN VINH – HHTM |   707
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30).
BÀI 90 HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH
BÀI 90
HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH – KHÔN NGOAN ỨNG PHÓ VỚI NGHỊCH CẢNH
 
1. LỜI CHÚA : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30).
2. CÂU CHUYỆN : KIÊN TRÌ TÌM LẠI GIA TÀI TƯỞNG ĐÃ BỊ MẤT.

Ngày xưa có một thương gia do thời thế loạn lạc muốn về quê sinh sống an dưỡng tuổi già. Ông đã đem tất cả tiền bạc đổi thành chi phiếu, rồi nhờ người thiết kế một chiếc ô dù có chiếc cán rỗng ruột để nhét tất cả chi phiếu ngân lượng vào trong đó và lên đường về quê hương. Tuy nhiên, trên đường về quê lại xảy ra một biến cố bất ngờ : Một hôm thương gia đi đường mệt mỏi nên đã dừng chân nghỉ qua đêm tại một ngôi đình làng. Không ngờ khi tỉnh dậy, chiếc ô dù chứa cả gia tài của ông đã "không cánh mà bay". Thương gia vốn là người khôn ngoan nên khi sự cố xảy ra đã không tỏ ra hốt hoảng mà luôn giữ được bình tĩnh. Ông suy nghĩ như sau : "Sao mình lại phải lo lắng về những điều đã xảy ra mà không thể thay đổi được ? Hãy bĩnh tĩnh suy nghĩ làm sao lấy lại được tài sản đã mất. Ông quan sát thấy chiếc bọc tay nải mang theo vẫn không bị mất, nên kết luận người lấy cây dù kia không phải kẻ trộm cắp chuyên nghiệp mà chỉ tiện tay mượn đỡ cây dù mà thôi.


Rồi ông lại suy nghĩ tiếp và quả quyết người đã lấy chiếc ô của ông hiện đang sống trong khu vực lân cận. Có lẽ trên đường đi về nhà gặp cơn mưa to nên vào tạm trú dưới mái đình, khi thấy chiếc ô của ông thì đã tiện tay cầm lấy mang đi thôi.
Sau khi suy nghĩ như vậy, ông thương gia đã tạm hoãn chuyến hồi hương về quê, mà mua một số đồ nghề, tạm trú tại ngôi đình và mở ra sạp chuyên sửa chữa ô dù.
 
Sau thời gian 2 năm, ông thương gia vẫn chưa tìm lại được chiếc ô dù bị mất nhưng ông vẫn không nản chí. Ông suy nghĩ khi chiếc ô sử dụng được một thời gian sẽ bị cũ và người ta sẽ đi mua một chiếc dù mới thay vì mang đi sửa. Ông quyết định mở một sạp bán ô dù, rồi gắn một bảng hiệu ghi : "Đổi ô cũ lấy ô mới, không phải bù thêm tiền". Quả nhiên số người tới đổi ô ngày một thêm đông. Không lâu sau đó, có một người đàn ông trung niên đã cầm theo một chiếc ô làm từ giấy dầu đã cũ tìm đến vị thương gia ấy. Vừa nhìn thoáng qua, ông đã biết chiếc ô cũ nát trên tay người kia chính là chiếc ô có chứa gia tài của mình. Chiếc ô không còn mới, nhưng phần cán ô cũng không có gì thay đổi. Dù rất vui mừng, nhưng ông thương gia vẫn khôn ngoan điềm tĩnh. Ông đã đổi cho người đàn ông nọ chiếc ô cũ lấy ô mới. Khi người kia vừa đi khỏi, ông liền kiểm tra cán ô và rất mừng khi đã tìm lại được gia tài tưởng như đã mất.
3. SUY NIỆM :
1) Bình tĩnh là gì ? : Là khôn ngoan làm chủ tư tưởng, tình cảm và hành động của mình. Thương gia trong câu chuyện trên, khi bị mất cả gia tài, đã không nao núng, mà có thái độ bình tĩnh và khôn ngoan. Nhờ đó đã tìm ra giải pháp phù hợp để cuối cùng đã thành công khi tìm lại được gia sản bị mất.
Bởi vậy, muốn làm được việc lớn nhất định bạn phải rèn luyện sự bình tĩnh. Hãy luôn giữ tâm trạng an hòa, tĩnh tại nội tâm để giải quyết công việc.
2) Phương cách giúp lấy lại sự bình tĩnh ?
a) Tạm dừng và hít thở sâu :
Khi bạn đang bị căng thẳng do nóng giận và mất bình tĩnh, nếu không làm chủ được bản thân, rất có thể bạn sẽ có những hành động, lời nói mà sau đó phải hối tiếc. Trước hết bạn hãy nhắm mắt lại và làm như sau : Hít thở sâu bằng bụng năm lần; Hãy tưởng tượng mỗi lần thở ra là bạn tống sự căng thẳng ra ngoài; Hãy mỉm cười một mình trong nhà tắm. Nhờ đó bạn sẽ luôn giữ được sự bình tĩnh.
b) Thả lỏng cơ thể :
Chắc chắn khi tức giận, cơ thể của bạn sẽ căng thẳng : cơ mặt nhăn nhó, nghiến răng… Bạn hãy kiểm tra để có thái độ thư giãn, thả lỏng tự nhiên các cơ trên mặt và tay chân…
c) Trả lời một số câu hỏi đơn giản :
Cần tránh phản ứng khi đang trong tâm trạng kích động. Hãy suy nghĩ trả lời các câu hỏi sau : Tại sao ta lại bị kích động như thế ? Nó có đáng để ta bị mất bình tĩnh không ? Nó có thể gây hậu quả gì ?... Nhờ đó bạn sẽ không phản ứng thái quá.
d) Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực :
Khi bị mất bình tĩnh chắc bạn sẽ có những tư tưởng oán giận như : “Thật quá bất công !”; “Nó sẽ phải trả giá đắt !”; “Ta phải gặp nó để làm cho ra nhẽ”... Càng suy nghĩ như vậy sẽ càng làm gia tăng sự tức giận, mặt nóng bừng và tăng huyết áp. Do đó, bạn cần loại những tư tưởng tiêu cực ra khỏi đầu óc của mình ngay.
e) Tập thể dục :
Thể dục là một liều thuốc bổ, giúp cơ thể khỏe hơn, giúp bạn giải phóng những cơn giận dữ để có cảm giác thư giãn, thoải mái hơn.
g) Hãy bước ra ngoài :
Hầu hết mọi người khi bị căng thẳng thường thích ở một mình để suy nghĩ oán hận… Tại sao ta không bước ra ngoài nhà như đi bộ, đạp xe hoặc lên một chuyến xe bus đi vòng quanh thành phố… để xả stress.
3) Rèn luyện tính kiên nhẫn mỗi ngày
Mỗi ngày bạn có thể rèn luyện tính kiên nhẫn bằng các việc : Mỉm cười nhiều hơn; Đi câu cá hay đi dạo trong công viên; Đi siêu thị mua sắm các vật dụng cần; Ghi nhật ký...
4. SINH HOẠT :
Khi bị tức giận, bạn có nên áp dụng các phương cách xả “stress” tự nhiên nói trên hầu sớm lấy lại sự bình tĩnh hay không ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa. Xin cho chúng con mỗi khi gặp tình huống bất ngờ thay vì tức giận và phản ứng nóng vội, cho chúng con biết bình tĩnh để nhận định sự việc và tìm ra phương thế khôn ngoan thích hợp giải quyết, hầu đạt được kết quả tốt đẹp.- AMEN. 
 
LM ĐAN VINH – HHTM
 Tags: tiền bạc, ách

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây