TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bí quyết trong đối thoại giữa vợ chồng

Thứ sáu - 28/05/2021 05:32 | Tác giả bài viết: Trần Mỹ Duyệt |   909
Bí quyết trong đối thoại giữa vợ chồng

CẦN GÌ, MUỐN GÌ?
Bí quyết trong đối thoại giữa vợ chồng


Câu truyện ngày càng trở nên bế tắc khi Tuất nhất định muốn vợ phải đưa cho anh 5.000 đồng để đặt cọc mua một chiếc xe mới, vì anh là người thích chơi xe hơi. Đối với Tuất, nếu không có số tiền này thì không còn lý luận, không còn nói năng, và không còn tình nghĩa gì nữa. Cuối cùng, ý muốn của anh cũng được toại nguyện, anh đã mang về một chiếc xe như ý của mình. Nhưng thay vì mọi người trong gia đình vui mừng, sung sướng được ngồi trên chiếc xe mới, vợ anh và hai con anh không ai thèm bước lên chiếc xe này. Chiến tranh lạnh bùng nổ thành chiến tranh nóng, vợ chồng anh luôn luôn có những bất đồng về chiếc xe. Hai con anh vì đứng về phía mẹ, nên cũng trở thành “kẻ thù” đối với anh.

Trong một cuộc tranh cãi sau đó, Tuất đã nói như hét vào tai vợ anh:
- Tại sao hễ cái gì bà muốn thì bà được, còn những gì tôi muốn tôi không bao giờ được?!
Vợ anh tuy cầm hãm lắm, nhưng cũng to tiếng lại với anh:
- Em không muốn gì cho em cả. Những cái em muốn là những cái cần cho gia đình. Anh có thấy em muốn cái gì riêng cho bản thân em không?
- Tôi không cần biết muốn hay cần, cần hay muốn khác nhau như thế nào. Nhưng tôi muốn làm điều tôi muốn có được không?

Câu truyện này nghe như quen quen trong nhiều gia đình, và đôi khi cũng xảy ra tương tự cho chính gia đình bạn và gia đình tôi. Trong những buổi truyện trò, trao đổi mà trong đó nội dung câu truyện dẫn đến những tranh chấp, khác biệt nhau về ý thức và lòng ham muốn của một người hay của cả hai vợ chồng.
Tuy nhiên, những câu nói khác cũng khá quen thuộc mang hình ảnh tương phản, đó là: “Vợ muốn là trời muốn.” Và cái muốn này cũng làm điêu đứng nhiều ông chồng, đúng như câu ca dao hè phố: “Sau lưng người đàn ông thất bại là người đàn bà xúi dại!”

Kinh nghiệm đã cho chúng ta điều này: chữ dùng, âm điệu, cường điệu, và cách thức diễn tả ngôn ngữ qua cử chỉ và hành động đóng một phần quan trọng trong những câu chuyện thường ngày giữa vợ chồng. Nhưng một điều quan trọng khác nữa, là ta phải biết mình muốn gì và cần gì mỗi khi vợ chồng truyện trò, trao đổi với nhau nữa.

Muốn gì và cần gì?
Đó là câu hỏi mà vợ hay chồng phải tự hỏi mình trong khi chia sẻ, nói năng hoặc trò truyện với nhau. Nó phản ảnh ý nghĩa của câu châm ngôn nói về sự khôn ngoan trong cách xử thế: “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói.” Đặc biệt, khi câu truyện bắt đầu đi tới chỗ hiểu lầm, căng thẳng và có thể dẫn đến bế tắc, hoặc tranh cãi.
Trong đời thường, ta hay có một lối nhìn không mấy phân định rõ ràng giữa cái mình cần và cái mình muốn, và do đó thường cho rằng bất cứ những gì mình muốn cũng là những gì mình cần. Hay ngược lại, bất cứ những gì mình cần cũng là những gì mình muốn. Sự lẫn lộn này vô tình đã biến thành một nhu cầu đòi hỏi cần được thỏa mãn mỗi khi vợ chồng có vấn đề đưa tới tranh cãi. Vậy muốn và cần khác nhau như thế nào trong suy tư và lời nói của vợ chồng. Tại sao ta cần phải phân biệt hai vấn đề này mỗi khi vợ chồng trò truyện, nói năng với nhau.

Anh muốn, em muốn, chúng mình muốn:
Muốn, ý muốn, là động lực tự nó nói lên sự thèm khát và mong chiếm đoạt một cái gì. Nhưng khi nói năng và trong những câu truyện thường ngày giữa vợ chồng, cái muốn ấy vô tình biến thành cái mà anh hay tôi phải muốn. Lý do, vì tôi là vợ hoặc tôi là chồng mà tôi đã muốn. Trường hợp của Tuất muốn có một chiếc xe mới cũng không ra ngoài quan niệm lẫn lộn giữa mình muốn và vợ muốn này.
Nhìn lại những lần vợ chồng bất đồng ý kiến, những cuộc tranh cãi lớn nhỏ phần lớn có cùng một nguyên nhân là tại sao tôi muốn anh không muốn, tôi muốn em không muốn. Câu truyện của Tuất trên cũng là câu truyện tương tự như câu truyện của người bạn trẻ mà tôi đã có dịp gặp ít tuần trước đây.
Anh đến với tôi bằng tâm tình hết sức bất mãn vì cho rằng tất cả những gì vợ anh muốn thì anh phải muốn.
Và bất cứ những gì anh đem ra phân tích, giải thích giữa vợ chồng thì vợ anh đều phản đối, hoặc không chấp nhận.

Hành động muốn mà bị từ chối. Và hành động không muốn mà phải làm này cứ lập đi, lập lại dẫn đến tình trạng sứt mẻ giữa vợ chồng. Bầu khí gia đình trở nên hết sức ngột ngạt, căng thẳng khiến anh đã vài lần bỏ nhà ra đi sống một mình trong một thời gian.
Nhưng sau đó trở về nhà, anh vẫn phải muốn cái mà vợ anh muốn.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là cái mà người chồng muốn mà người vợ từ chối; hoặc ngược lại, cái mà người vợ muốn mà người chồng từ chối, nhưng là làm sao để hai cái muốn ấy có thể “nói truyện” được với nhau. Điều này đòi hỏi cả vợ lẫn chồng phải biết kìm hãm cái muốn của mình, để nghe và cảm nghiệm cái muốn của vợ hay chồng mình.

Bằng cách nào?
Bằng cách nghĩ xem cái muốn ấy đến từ động lực nào?
Nó bị thôi thúc bởi những đam mê nào?
Những cái muốn ích kỷ nhằm thỏa mãn ý riêng mình, thỏa mãn lòng tự kiêu, tự đại của mình?
Những cái muốn vượt quá khả năng của mình hay vượt quá tầm mức hiểu biết, địa vị xã hội. Những cái muốn dùng sức mạnh vật chất, quyền lực, và ảnh hưởng để khống chế và loại bỏ ý muốn của người khác…
Ego “cái tôi”:

Dù là giữa vợ chồng nhưng nếu nói năng dựa trên “cái tôi” thì kết quả dĩ nhiên sẽ là tranh cãi, và phản bác. Bởi vì lúc này không phải là vợ hoặc chồng nói với nhau, mà là hai “ego”, hai cái tôi nói với nhau. Mà đã là hai cái tôi nói, thì bắt buộc phải có một cái thắng và một cái thua.
Theo Sigmund Freud, sáng lập ngành phân tâm học, hành động của ego không phải là hành động hiểu biết thuần nhất của lý trí. Dưới cái nhìn tâm thần này, thì chính cái tôi điều động khả năng tự vệ, và hành động của nó hoàn toàn dựa trên vô thức (tăm tối). Sự giành giật giữa bản năng và tri thức ấy nẩy sinh sức mạnh và cho phép cái tôi đi tìm lý do tự bảo vệ mình, và biến thành một lực đối kháng rất mãnh liệt. Ta có thể lấy thí dụ qua một cuộc tranh hùng giữa hai con hổ đực khi chúng muốn được quyền làm lãnh chúa trên vùng đất sống và trên những con hổ cái trong vùng. Chúng sẽ đấu nhau cho đến khi một con thua bỏ chạy, hoặc chết.

Khả năng tự vệ của hai cái tôi giữa vợ chồng khi lâm vào tình trạng tự bảo vệ, tự cho mình có quyền thắng cũng như vậy. Lúc này không phải là lúc của lý trí và hiểu biết, nhưng là lúc xử dụng sức mạnh của bản năng mù lòa. Chính vì vậy khi hai vợ chồng đã đi đến chỗ tranh nhau thắng hay thua, thì không còn ai muốn nhường ai. Ngược lại, phải tìm mọi cách bất chấp đạo lý, phải trái miễn sao đạt được phần thắng về mình.
Khắc khẩu, điều mà nhiều người vẫn thường quan niệm xảy ra trong trường hợp vợ chồng tranh cãi là ở chỗ này.

Chỗ cả hai cùng muốn cái “muốn” của mình thắng cái “muốn” của đối phương.
Và đó là những cái tôi “đáng ghét”.
Tóm lại, phải biết mình muốn gì và phải biết dừng cái “muốn” ấy lại khi biết rằng cái muốn của mình vượt quá những điều kiện mà mình đang có. Đồng thời cũng phải để khoảng cách cho cái muốn của vợ hay chồng mình được nhận diện và biết đến. Cái muốn của lý trí, của hiểu biết và thông cảm. Đó mới là anh muốn, em muốn, chúng mình muốn.

Anh cần, em cần, chúng mình cần:
Bạn cần tôi, cần sự giúp đỡ của tôi, hoặc việc cần thiết của bạn là điều mà tôi có thể làm được, chấp nhận được, khác với điều bạn muốn mà không cần biết điều bạn muốn ấy hợp lý hay không hợp lý đối với tôi.
Nếu vợ chồng cần nhau, cần sự giúp đỡ của nhau và sự cần thiết ấy là điều mà cả hai có thể chấp nhận, cũng hoàn toàn khác với điều mà vợ hay chồng phải làm điều bắt buộc theo ý muốn của người này hay người khác. Tâm lý cần nhau làm cho cái tôi của cả hai không trở thành đối chọi, nhưng tạo được cảm thông. Nó làm nhẹ những thách thức có khả năng đưa đến những hành động tự vệ và đồng thời kiểm soát được cái tôi của mỗi người.

Em cần anh giúp em việc này, khác với tôi muốn ông làm cái này cho tôi.
Hoặc anh cần em phụ anh một tay, khác với bà phải làm cái này, cái kia.
Một đàng mong tìm được sự chia sẻ và đón nhận.
Một đàng muốn người đối diện phải chấp nhận, phải tùy thuộc vào ý mình, hoặc theo đòi hỏi của mình.
Khi người vợ cần người chồng thì người chồng không có lý do gì để mình bị va chạm hoặc phải tự vệ.
Cũng vậy, khi người chồng cần người vợ thì người vợ cũng không có lý do gì để mình bị va chạm mà phải dùng cái tôi để tự vệ, để phản bác lại chồng.
Cần sự cảm thông. Cần sự trợ giúp. Cần sự chia sẻ.
Cần hòa khí cởi mở và thân thương.
Đó là những cái cần mà vợ chồng có thể đem vào câu truyện thường ngày khi nói năng, trao đổi, bàn tính với nhau. Những nhu cầu này không những không làm ngãng trở, ngược lại tạo bầu khí cảm thông, bầu khí hiểu biết và yêu thương.

Một sự đồng thuận đem lại sức mạnh của hợp nhất: “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Việc người vợ, người chồng cần nhau, còn nói lên thái độ khiêm tốn, chấp nhận giới hạn của mình.
Tâm lý này, do đó, cũng làm cho người chồng hay người vợ ít bị va chạm tự ái. Nó cũng không làm ta có cảm tưởng mình bị mất phẩm giá, hoặc bị coi thường, bị lép vế, từ đó không có những lời lẽ gay gắt, hoặc những thái độ hằn học, kẻ cả, vì tâm thức kẻ cả của người này lấn lướt tâm thức kẻ cả của người khác sẽ dẫn đến hành động tự vệ. Bạn nghĩ sao khi vợ hoặc chồng bạn nói với bạn:
“Có giỏi thì làm đi!”
Hoặc: “Cứ làm đi rồi sẽ biết tay tôi!”.
Đó là những lời nói mang tính khích bác, khinh thường, và miệt thị?!!
Và vì muốn dùng tâm thức kẻ cả để khủng bố chồng hoặc vợ mình, nên chúng phải được đáp lại bằng cái tôi rất đáng ghét của nhau.

Sau cùng, đối với người được tin tưởng, cậy nhờ, nó còn mang lại cái cảm giác sung sướng và hãnh diện vì được cộng tác, được đóng góp với vợ hay chồng của mình. Vì một trong những đặc tính của tình yêu là hy sinh cho người mình yêu. Trong tình trường, ta thường ví von thơ mộng và cho đó là “cái thú đau thương”.
***
Tóm lại điều ta muốn và điều ta cần thoạt đầu như giống nhau, nhưng lại hoàn toàn khác nhau.
Muốn thường mang ý nghĩa nhằm thỏa mãn, chiếm đoạt, trong đó thỏa mãn cái tôi: “Tôi muốn”.
Ngược lại cần mang ý nghĩa một nhu cầu thiết yếu.

Nhận thức được sự khác biệt này, và biết kiềm chế cái “tôi” đó là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc, dẫn đến sự trao đổi, chia sẻ thân tình và tương kính giữa vợ chồng.
Trong thực tế, truyện cãi lẫy vẫn xảy ra chỉ vì một đàng muốn cái tôi của mình đè bẹp cái tôi của người khác. Trong khi người khác lại muốn vùng dậy, chối bỏ cái tôi ấy. Dưới cái nhìn phân tâm học, thì đó chính là lúc 2 cái “tôi” nói chuyện với nhau, và như vậy bắt buộc phải có một trận thư hùng một mất, một còn.

Trần Mỹ Duyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây