BÀI GIẢNG LỄ KHAI MẠC KHÓA TĨNH HUẤN CÁC BAN THƯỜNG VỤ HĐGX
Ngay trong buổi chiều phục sinh. Đức Giêsu trản đầy sự sống Thần Khí, đã vội đến với các tông đồ vì tất cả đều vô cùng hoảng sợ. họ đã gài then, đóng chặt cửa lại, để không một ai vô được.
Họ tự hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài, chính trong hoàn cảnh đó và tâm trạng đó họ đã gặp Đức Giêsu, Đấng đã mở ra tương lai đời họ - những con người khép kín, nhát sợ - những triển vọng hoàn toàn mới mẻ, bất ngờ.
Sự hiện ra của Đức Giêsu là hoàn toàn do sáng kiến tự nguyện của Ngài. Về phía các môn đệ, xem ra họ không còn mong đợi chuyện đó nữa, mặc dù bà Maria Mađalêna báo tin, Thầy sống lại… Họ đã đóng chặt cửa lại. Nội bất xuất, ngoại bất nhập… qua đó, Thánh sử đã muốn nói rằng. Không có bất cứ hệ thống an ninh nhân loại nào có thể ngăn cản được sự hiện ra của Đức Giêsu giữa các môn đệ.
Sau biến cố ngày “thứ sáu khổ nạn” các môn đệ trở nên bất an, khép kín, tâm lý suy xụp – không hẳn vì sợ người Do Thái, nhưng vì quá thất vọng cho suốt ba năm theo Thầy, vì bị bạn bè hàng xóm mỉa mai chê cười là nhẹ dạ, nông nỗi, nhất là lo cho tương lai không biết đi về đâu.
Tình trạng của các Tông đồ, có lẽ cũng trùng hợp với tình trạng ngày hôm nay trong Giáo hội. Một số kitô Hữu lo sợ phải sống Đức Tin vào Chúa Giêsu một cách triệt để. Người ta đâm ra e ngại, sợ hãi, phải bày tỏ công khai niềm tin của mình. Chẳng hạn, họ cho rằng nếu sống đạo một cách triệt để, nghĩa là thực hành sít sao tất cả những gì Chúa đòi hỏi, có lẽ sẽ gây ra đụng chạm và bất bình nơi nhiều người. Họ sợ sẽ bị coi là quá khích cực đoan, thiếu khoan dung, cứng nhắc (hai lúa, cù lần núi …)
Những suy tư lo lắng như thế là vô căn cứ, ngụy biện… Vì ngược lại, sinh hoạt của một xứ đạo có sống động hay không, là hoàn toàn phụ thuộc vào Đức Tin mạnh mẽ vào Chúa Kitô, và tùy thuộc sưc mạnh của Chúa Thánh Thần.
Một thí dụ điển hình: Đức Giáo Hoàng Gioan 23, khi bổng nhiên được linh hứng – theo chính lời Ngài – loan báo triệu tập công đồng chung Vaticanô 2, mà ngài coi như lễ Hiện Xuống mới…Đức Giáo Hoàng đã có lý. Vì từ lúc bấy giờ, mọi cửa ra vào, mọi cửa sổ tòa nhà Giáo hội đều được mở tung, mỗi người đều có thể nghe được sứ điệp Kitô Giáo bằng ngôn ngữ riêng của mình (có khi còn thể hiện qua hình ảnh ngôn ngữ văn hóa riêng của địa phương mình…). Mặc dù phải đối mặt với nhiều chống đối, sau cùng công đồng đã được triệu tập… các vị dè dặt đã tham gia. Các vị nghi ngờ đã cộng tác. Và đời sống Giáo hội đã được kiểm tra cặn kẻ. Một luồng gió mới đã thổi vào lòng Giáo hội, đến nỗi người ta đã nhận ra ranh giới phân biệt rõ ràng hai giai đoạn trong lịch sử Giáo hội: thời “tiền công đồng” và thời “hậu công đồng”.
Nhiều đổi mới của công đồng mà mấy thập niên về trước, còn được coi là “phá rào” hay “cách mạng”, “ cấp tiến” thì ngày nay, đã trở thành đương nhiên. Trong nhiều cách và nhiều hình thức, các thành viên của Giáo xứ (HĐGX), ngày nay đã cùng nhau cộng tác vào việc tổ chức đời sống Giáo xứ, cả trong những lãnh vực mà trước kia chỉ dành cho một mình cha quản xứ (như: dạy giáo lý, phụng vụ, thừa tác viên ngoại lệ…).
Người Kitô hữu hôm nay đã ý thức được rằng: mình là Giáo hội, là thành phần dân Chúa, có trách nhiệm và quyền lợi góp phần xây dựng cộng đồng giáo xứ theo khả năng và cách thức của mình.
Rất có thể xảy ra tình trạng là Thần Khí của Đức Kitô xuất hiện như một niềm vui, hoàn toàn bất ngờ, nhưng cũng có thể tác động của Ngài không được đón nhận và bị chống đối. Một tác giả đã viết như sau: Chúng ta không nên cầu xin Đức Chúa Thánh Thần ngự đến như một điều tất nhiên. Bởi vì Đức Chúa Thánh Thần ngự ở đâu và chọn nơi nào, thì không những người mang ân sủng, nhưng cũng đồng thời, Người cũng là Thần Khí của những đòi hỏi gắt gao. Vâng, đó là Thần Khí đảo lộn. chính Chúa Thánh Thần mà chúng ta kêu cầu, cũng là Thánh Thần làm đảo lộn tất cả những sự tự tin quá khích vào khả năng của riêng mình, nơi cá nhân hay nơi cộng đoàn. Người là sự tấn công của Thiên Chúa vào tất cả tính ù lì, trì trệ, tự mãn của chúng ta. Người không kiêng nể trước bất cứ định chế sẵn có nào, trước bất cứ trật tự nào, nếu như định chế hay trật tự đó đã trở thành mục đích, chứ không còn là phương tiện nữa….
Ai tin vào Chúa Thánh Thần như là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa. Và trong niềm tin đó, cầu xin Người ngự đến, người đó phải hiểu rằng, mình đã kêu xin sức mạnh làm đảo lộn của thiên Chúa, và hãy sẵn sang để thiên Chúa làm đảo lộn nơi con người mình, tính tham lam, ham hố chức quyền, địa vị, danh vọng, tiền của, những thói quen, và những cách suy nghĩ
Vậy ai cầu xin: “Nguyện xin Chúa Thánh Thần, xin ngự đến” thì cũng phải cầu xin: nguyện xin Ngài hãy đến và làm đảo lộn nơi con những chỗ nào mà con phải được đảo lộn.
Dành chổ cho Thần Khí Đức Giêsu trong cộng đoàn giáo xứ là điều rõ ràng. Nhưng có người lập tức nêu câu hỏi: Dựa vào đâu tôi (Chủ tịch, thư ký, ban thường vụ, HĐGX…) hay tập thể HĐGX .v.v… thực sự sống và hành động bởi Thần Khí? Thánh Paulo mau mắn trả lời : Thánh Thần luôn hiện diện ở đâu có bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ .v.v…như là hoa quả những hành động của chúng ta.
Bmt, Ngày 02-08-2011
LM. Antôn Vũ Thanh Lịch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn