Nhân tháng Mân Côi, đọc khảo luận duy nhất về Đức Mẹ, Thiếu Nữ Sion, của Ratzinger
Vũ Văn An
Thiếu Nữ Sion
Các Suy tư liên quan đến Niềm tin
vào Đức Mẹ của Giáo Hội
Hồng Y Joseph Ratzinger
Bản tiếng Anh của John M. McDermott, S.J.
Tựa đề nguyên bản tiếng Đức: Die Tochter Zion © 1977 Johannes Verlag, Einsiedeln
Với sự chấp thuận của giáo quyền © 1983 Ignatius Press, San Francisco
Nội dung
Lời nói đầu
Chương I: Vị trí Thánh mẫu học trong Kinh Thánh
Chương II: Niềm tin Thánh Mẫu của Giáo Hội
1. Tín điều hàng đầu về Đức Mẹ: Đồng trinh và là Mẹ
a. Các bản văn Tân Ước
b. Ý nghĩa Thần học
2. Không mắc tội Ađam
3. Hồn xác lên trời
Lời nói đầu
Cuốn sách nhỏ này, mà tôi hiện đang cung cấp cho công chúng, lấy lại ba bài giảng được trình bày vào mùa xuân năm 1975 tại Puchberg bei Linz.
Sau khi yếu tố Đức Mẹ đã đóng một vai trò giảm thiểu trong đời sống của Giáo Hội trong nhiều năm, người ta muốn, một cách hết sức chừng mực, được nghe những gì lúc này thực sự còn lại trong niềm tin về Đức Mẹ, và những gì nên tiếp tục duy trì. Do đó, tôi tự giới hạn vào việc cung cấp một dẫn nhập không cần phải đầy đủ về chi tiết, nhưng phải cho thấy một cách chính xác viễn ảnh mà từ đó chi tiết và toàn bộ những điều tương tự có thể được hiểu đúng đắn.
Do đó, ý định và giới hạn của ấn phẩm này đã được chỉ rõ cùng một lúc. Trong lần tái duyệt, tôi đã cố tình tránh thay đổi đặc tính tổng thể của nó. Cuốn sách này chắc chắn không có ý thay thế một khảo luận toàn diện, mà chỉ đơn thuần mở ra trước mắt người đọc lớp lang ý nghĩa để sau đó có thể làm cho việc tiếp cận các tác phẩm lớn hơn khả hữu.
Để tránh làm mờ đi những hạn chế của bài tiểu luận này, tôi đã cố ý không thay đổi những đặc điểm ngẫu hứng, xuề xòa hơn vốn là đặc điểm của văn phong nói chuyện. Cả việc hoàn tất thích đáng nội dung bài giảng, như qua việc nghiên cứu chứng từ của Thánh Mátthêu về việc hạ sinh đồng trinh, đối với tôi, dường như cũng không cần đối với mục tiêu khách quan tổng thể của công trình này.
Tôi hy vọng cuốn sách nhỏ này, theo cách riêng của nó, có thể giúp hướng tới một sự hiểu biết và nắm bắt mới những điều không nên để mất trong niềm tin về Đức Mẹ của Giáo hội. Cuối cùng, tôi không muốn bỏ qua việc gửi lời cảm ơn chân thành đến người bạn đáng kính của tôi, Hans Urs von Balthasar, vì đã kiên nhẫn giựt bản thảo này từ tay tôi và đã một lần nữa lo cho nó đến lúc nó đến nhà in, sau khi tôi được ơn gọi trở thành tổng giám mục của Munich và Freising, một việc, được công bố công khai vào Lễ Truyền Tin, khiến tôi choáng ngợp với những nhiệm vụ mới.
Vong Lễ Thăng thiên, 1977
Joseph Ratzinger
Chương I: Vị trí Thánh mẫu học trong Kinh thánh
Một người quan sát biết biện phân đời sống của Giáo hội ngày nay sẽ khám phá ra một sự lưỡng phân đặc biệt trong niềm tin và lòng sùng kính Đức Mẹ của Giáo hội. Một mặt, người ta có cảm tưởng Thánh mẫu học là một bản sao thu nhỏ của Kitô học mà phần nào đã nảy sinh trên những cơ sở phi lý; hoặc còn hơn thế nữa, nó dường như chỉ là tiếng vọng của những mô hình cổ xưa được tìm thấy trong lịch sử các tôn giáo, vốn dĩ nhất định sẽ trở lại để khẳng định vị trí và giá trị của nó ngay trong Kitô giáo, mặc dù việc xem xét kỹ hơn cho thấy không có cơ sở lịch sử và thần học nào hỗ trợ nó.
Thiếu sự hỗ trợ lịch sử vì rõ ràng Đức Maria hầu như không đóng bất cứ vai trò nào trong sự nghiệp của Chúa Giêsu; ngài xuất hiện, đúng hơn, dưới dấu hiệu hiểu lầm. Thiếu sự hỗ trợ thần học vì Mẹ-Đồng Trinh không có chỗ trong cấu trúc của tín điều Tân Ước. Thật vậy, nhiều người không cảm thấy bối rối khi xác định nguồn gốc không phải là Kitô giáo của niềm tin và lòng sùng kính Đức Mẹ: từ thần thoại Ai Cập, từ sự sùng bái Mẹ Vĩ đại, từ Diana của Êphêsô, đấng chỉ có ngài trở thành "Mẹ Thiên Chúa" (Θεοτόκος) tại Công đồng được triệu tập ở Êphêsô...
Mặt khác, có những người kêu gọi lòng khoan dung đối với các loại lòng sùng đạo đa dạng: loại bỏ các khuynh hướng khắt khe, chúng ta nên để mặc người La Mã với các đức bà (madonnas) của họ. Đằng sau sự khoan dung này ta có thể thấy một thái độ đang trở nên mạnh mẽ hơn một cách đáng kể do xu hướng hợp lý hóa Kitô giáo: tức là, niềm khao khát, trong lĩnh vực tôn giáo, muốn được đáp ứng các đòi hỏi của cảm xúc; và sau đó, niềm khao khát muốn thấy hình ảnh người phụ nữ như đồng trinh và làm mẹ cũng có một vị trí trong tôn giáo.
Tất nhiên, sự khoan dung trước các phong tục đa dạng mà thôi sẽ không đủ để biện minh cho lòng tôn sùng Đức Mẹ. Nếu cơ sở của nó dường như không đáng kể căn cứ vào các xem xét vừa đề cập, thì việc tiếp tục vun xới lòng tôn sùng Đức Mẹ sẽ không là gì khác ngoài một phong tục đi ngược lại sự thật. Những phong tục như vậy hoặc héo tàn đi vì gốc rễ của chúng, tức chân lý, đã cạn kiệt, hoặc chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở trái với sự xác tín, và do đó phá hủy mối tương quan giữa sự thật và sự sống.
Do đó, chúng dẫn ta đến việc đầu độc sinh vật có trí hiểu-tâm linh, một việc chúng ta không lường được hậu quả. Vì vậy, cần có sự suy tư sâu sắc hơn. Trước khi đi vào việc khảo sát các bản văn riêng rẽ, chúng ta phải lưu ý đến toàn bộ bức tranh, đó là vấn đề cấu trúc. Chỉ bằng cách này, mới có thể có được sự sắp xếp có ý nghĩa các yếu tố cá thể. Trong Kinh Thánh, trong khuôn mẫu tổng thể của đức tin và lời cầu nguyện của nó có chỗ nào cho một điều gì đó giống như Thánh Mẫu Học không?
Về phương pháp luận, người ta có thể tiếp cận vấn đề này theo một trong hai cách, ngược hoặc xuôi, có thể nói như thế: người ta có thể đọc ngược từ Tân ước sang Cựu ước hoặc ngược lại, từ từ đi từ Cựu ước sang Tân ước. Lý tưởng là hai cách này nên trùng khớp vào nhau, thẩm thấu vào nhau, để tạo ra hình ảnh chính xác nhất có thể có.
Nếu người ta bắt đầu bằng cách đọc ngược hay chính xác hơn là từ phần kết đến phần đầu, thì họ sẽ hiểu rõ hình ảnh của Đức Maria trong Tân Ước được dệt hoàn toàn bằng những sợi chỉ của Cựu Ước. Trong cách đọc này, có thể phân biệt rõ ràng hai hoặc thậm chí ba dải truyền thống chính được sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Đức Maria.
Đầu tiên, chân dung của Đức Maria cho thấy sự tương đồng với những bà mẹ vĩ đại trong Cựu ước: Sara và đặc biệt là Hanna, mẹ của Samuen. Thứ hai, dệt vào bức chân dung ấy là toàn bộ nền thần học về Thiếu nữ Sion, trong đó, trên hết, các tiên tri đã công bố mầu nhiệm tuyển chọn và giao ước, mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với Israel. Có lẽ có thể nhận diện được dải thứ ba trong Tin Mừng Gioan: hình ảnh của Evà, “người phụ nữ” đệ nhất, được mượn để diễn giải về Đức Maria.
Những quan sát đầu tiên này, mà chúng ta sẽ phải theo đuổi sau này, cung cấp cho chúng ta một hướng dẫn để bước vào Cựu Ước; chúng cho biết những yếu tố đó hệ ở chỗ nào khiến chúng có tầm quan trọng đối với tương lai. Tất cả lòng sùng kính và thần học sau đó về Đức Mẹ, trong căn bản, đều dựa trên nền tảng thần học sâu xa về phụ nữ của Cựu Ước, một nền thần học không thể thiếu đối với toàn bộ cơ cấu của nó.
Trái với định kiến phổ biến, hình tượng người phụ nữ chiếm một vị trí không thể thay thế trong kết cấu tổng thể của đức tin và lòng sùng kính trong Cựu Ước. Sự kiện này hiếm khi được xem xét đầy đủ. Do đó, việc đọc Cựu Ước một chiều không thể mở ra cánh cửa nào để hiểu về yếu tố Đức Mẹ trong Giáo Hội của Tân Ước.
Thông thường người ta chỉ xem xét một mặt: các nhà tiên tri đã tiến hành một cuộc chiến liên tục để bảo vệ tính độc nhất của Thiên Chúa chống lại cơn cám dỗ muốn ngả về chủ nghĩa đa thần, và như vấn đề được hiểu lúc đó, đây là một trận chiến chống lại nữ thần trên trời, một trận chiến chống lại tôn giáo sinh sản, vốn tưởng tượng Thiên Chúa như là người nam và người nữ. Trên thực tế, đây là một trận chiến kiên quyết chống lại việc trình bầy có tính phụng tự người phụ nữ thần linh trong thực hành mãi dâm ở đền thờ, một trận chiến chống lại một thứ phụng tự vinh danh khả năng sinh sản bằng cách bắt chước nó trong nghi thức tà dâm.
Từ quan điểm này, việc thờ ngẫu thần thường bị văn chương Cựu Ước coi là "tà dâm". Việc bác bỏ những kiểu trình bầy này rõ ràng đã dẫn đến kết quả là việc phụng tự của Israel chủ yếu là chuyện của đàn ông, vì phụ nữ chắc chắn phải ở ngoài tiền đình của đền thờ.
Từ những xem xét trên, người ta kết luận rằng phụ nữ không có vai trò gì trong đức tin của Cựu ước, và không có và không thể có nền thần học nào về phụ nữ vì mối quan tâm chính của Cựu ước hoàn toàn đi ngược lại: loại trừ phụ nữ khỏi thần học, khỏi ngôn từ về Thiên Chúa. Do đó, điều này có nghĩa là Thánh mẫu học trên thực tế chỉ có thể được coi là sự xâm nhập của một mô hình phi Kinh thánh.
Nhất quán với quan điểm trên sẽ là luận điểm cho rằng tại Công đồng Êphêsô (431), nơi đã xác nhận và bảo vệ danh hiệu Đức Maria như "Mẹ Thiên Chúa", lòng sùng kính ngoại giáo đối với "Người mẹ vĩ đại", trước đây vốn bị bác bỏ, trên thực tế đã chiếm được một vị trí cho ngài trong Giáo Hội. Tuy nhiên, những giả định của quan điểm này về Cựu Ước là điều sai lầm. Vì mặc dù đức tin tiên tri bác bỏ mô hình các vị thần được đặt thành các "syzygies", tức các cặp, và biểu thức phụng tự của mô hình này trong thực hành mãi dâm thánh thiêng, nhưng đức tin này, theo cách riêng của nó, vẫn mang lại cho người phụ nữ một vị trí không thể thiếu trong mô hình niềm tin và cuộc sống của chính nó, tương ứng với hôn nhân ở bình diện nhân bản.
Thậm chí, người ta có thể nói nếu các tín ngưỡng thờ khả năng sinh sản trên toàn thế giới cung cấp cơ sở thần học trực tiếp cho mãi dâm, thì niềm tin của Israel đưa đến hậu quả coi mối liên quan của Thiên Chúa với con người nam nữ như là một cuộc hôn nhân. Ở đây, hôn nhân là “bản dịch” trực tiếp của thần học, là hệ quả của một hình ảnh về Thiên Chúa; ở đây và chỉ ở đây mới hiện hữu một nền thần học về hôn nhân đúng nghĩa, y như trong các tín ngưỡng thờ sinh sản hiện hữu nền thần học về mãi dâm.
Điều trên chắc chắn bị che khuất trong Cựu Ước bởi rất nhiều dàn xếp sai lạc, nhưng những gì Chúa Giêsu chủ trương trong Tin Mừng Máccô 10: 1-12 và những gì Thư Êphêsô 5 sau đó giải thích thêm về mặt thần học hoàn toàn là hệ quả của nền thần học Cựu Ước. Cùng với hệ quả này, ý niệm và thực tại đồng trinh cũng đã xuất hiện. Vì đức đồng trinh được nối kết mật thiết nhất với nền tảng thần học về hôn nhân; nó không đối lập với hôn nhân, nhưng đúng hơn, biểu thị kết quả của nó và xác nhận nó.
Nhưng, cuối cùng, chúng ta hãy cố gắng đi vào chi tiết. Bằng cách truy ngược lại Cựu ước các yếu tố mà nhờ chúng, Tân ước giải thích hình ảnh của Đức Maria về mặt thần học, chúng ta đã bắt gặp ba dải tư duy của nền thần học về người phụ nữ.
1. Đầu tiên chúng ta phải nói đến hình ảnh Evà. Bà được mô tả như cực đối lập cần thiết của người đàn ông, Ađam. Con người ông nếu không có bà sẽ "không tốt" (St 2:18). Bà phát xuất, không phải từ trái đất, mà từ chính ông: "huyền thoại" hay "truyền thuyết" chiếc xương sườn nói lên mối liên quan thân mật nhất giữa người đàn ông và người đàn bà. Trong mối liên quan hỗ tương đó, tính toàn vẹn của nhân loại lần đầu tiên được thể hiện. Điều kiện cần thiết cho việc tạo ra loài người, được hoàn tất trong sự nên một của người nam và người nữ, trở nên rõ ràng ở đây, giống như trước đó Sáng thế 1:27 đã mô tả loài người ngay từ đầu là nam và nữ giống họa ảnh Thiên Chúa, và, một cách mầu nhiệm, bí ẩn, đã liên kết sự giống nhau của họ với Thiên Chúa bằng sự liên quan hỗ tương của các giới tính với nhau.
Phải thừa nhận rằng bản văn cũng giúp tính hàm hồ của mối liên quan này trở nên hiển nhiên: người phụ nữ có thể trở thành cơn cám dỗ đối với người đàn ông, nhưng đồng thời họ là mẹ của mọi sự sống, mà do đó, họ nhận được tên của mình. Theo ý kiến của tôi, điều quan trọng là tên của họ được ban cho trong Sáng thế 3:20 sau cuộc sa ngã, sau những lời phán xét của Thiên Chúa. Nhờ cách này, phẩm giá và sự uy nghiêm không bị hủy hoại của người phụ nữ được phát biểu. Họ bảo tồn mầu nhiệm sự sống, một sức mạnh đối lập với cái chết; vì sự chết giống như quyền lực của hư vô, phản đề của Giêhôva, Đấng tạo dựng sự sống và là Thiên Chúa của người sống.
Người đàn bà, người cung cấp trái cây dẫn đến cái chết, người có nhiệm vụ biểu lộ mối liên hệ mầu nhiệm với cái chết, nhưng, tuy nhiên, từ nay trở đi, họ là người giữ con dấu sự sống và là phản đề của sự chết. Người phụ nữ, người mang chìa khóa sự sống, do đó trực tiếp chạm tới mầu nhiệm hiện hữu, Thiên Chúa hằng sống, Đấng mà từ Người, nếu phân tích đến cùng, mọi sự sống đều bắt nguồn và là Đấng, vì lý do đó, được gọi là "sự sống", "đấng hằng sống". Chúng ta sẽ xem xem các mối liên hệ này được tiếp nhận ra sao trong tín điều Mông triệu.
2. Trong lịch sử các lời hứa của Cựu Ước, đúng là các tổ phụ đứng ở tuyến đầu như những người thực sự mang lịch sử đó. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng đóng một vai trò chuyên biệt. Trong lịch sử tổ phụ, Sara-Haga, Raken-Lêa và Hanna-Penina là những cặp phụ nữ trong đó yếu tố phi thường nổi bật trong con đường hứa hẹn. Trong mỗi trường hợp, người mắn con và người hiếm muộn đứng đối nghịch với nhau, và trong diễn trình này, có sự đảo ngược đáng kể về phương diện giá trị.
Trong các phương thức tư duy cổ xưa, mắn con là một chúc phúc, hiếm muộn là một nguyền rủa. Tuy nhiên, ở đây tất cả đã bị đảo ngược: người hiếm muộn cuối cùng hóa ra là người thực sự được chúc phúc, trong khi người mắn con trở thành người tầm thường hoặc thậm chí phải đấu tranh chống lại tai họa bị bác bỏ, không được yêu thương. Hệ luận thần học của việc đảo ngược các giá trị này chỉ trở nên rõ ràng một cách từ từ; từ đó, Thánh Phaolô đã phát triển nền thần học của ngài về sự sinh hạ thiêng liêng: con cái đích thực của Ápraham không phải là người có gốc rễ thể lý với ông, nhưng là người, một cách mới mẻ vượt ra ngoài việc sinh hạ thể lý, đã được tượng thai nhờ quyền năng sáng tạo của lời Thiên Chúa hứa. Sự sống thể lý như vậy không thực sự là sự phong phú; Lời hứa này, kéo dài quá bên kia sự sống, mới là điều đầu tiên làm cho sự sống trở nên trọn vẹn là chính nó (x. Rm 4; Gl 3: 1-14; 4: 21-31).
Ở giai đoạn đầu tiên của sự biến hóa của Cựu ước, một nền thần học về ân sủng đã được phát triển từ sự đảo ngược các giá trị này trong bài hát của Hanna, có âm vang trong bài Magnificat [kinh ngợi khen] của Đức Maria: Chúa nâng người khiêm nhường lên khỏi bụi đất, Người nâng người nghèo lên khỏi đống tro tàn (1 Sm 2: 8). Thiên Chúa cúi xuống những kẻ hèn mọn, vô quyền, bị từ khước, và trong sự hạ mình này, tình yêu của Thiên Chúa, Đấng thực sự cứu rỗi, tỏa sáng đối với cả Hanna lẫn Đức Maria, trong hiện tượng đáng chú ý của những người phụ nữ không được chúc phúc và được chúc phúc. Mầu nhiệm chỗ cuối hết (Lc 14:10), sự trao đổi giữa chỗ hàng đầu và chỗ cuối hết (Mc 10:31), sự đảo ngược các giá trị trong Bài giảng trên núi, sự đảo ngược các giá trị trần thế dựa trên kiêu căng, tất cả những điều này đều đã được loan báo. Cả ở đây, nền thần học về đức đồng trinh cũng tìm thấy công thức đầu tiên, vẫn còn ẩn giấu của nó: sự hiếm muộn trần gian trở thành sự mắn con thực sự...
3. Gần cuối qui điển Cựu ước, trong các trước tác cuối cùng của nó, một loại thần học mới và hoàn toàn độc đáo về phụ nữ đã được khai triển. Các hình ảnh cứu rỗi vĩ đại của Étte và Giuđít xuất hiện trong hình ảnh của thủ lãnh Đơvôra, tiếp nối truyền thống cổ xưa nhất. Cả hai người phụ nữ đều có một đặc điểm chủ yếu chung với các bà mẹ vĩ đại: một người là góa phụ, người kia là vợ hậu cung tại triều đình Ba Tư, và do đó cả hai đều nằm trong trạng thái bị áp bức, theo những cách khác nhau. Cả hai đều là hiện thân của Israel bại trận: Israel đã trở thành góa phụ và sống mòn mỏi trong đau khổ, Israel đã bị bắt cóc và bị sỉ nhục giữa các quốc gia, làm nô lệ cho các ham muốn độc đoán của họ.
Nhưng, đồng thời, cả hai đã nhân cách hóa sức mạnh tinh thần vô song của Israel, không hề huênh hoang như những kẻ quyền thế của thế gian nhưng chính vì thế mà biết cách khinh miệt và chiến thắng kẻ hùng mạnh. Người phụ nữ như một vị cứu tinh, hiện thân niềm hy vọng của Israel, do đó, nàng đã chiếm được vị thế bên cạnh những người mẹ được chúc phúc và không được chúc phúc. Điều có ý nghĩa ở đây là trong suy nghĩ và niềm tin của Israel, người phụ nữ luôn mang khuôn mạo không phải như một nữ tư tế, mà như nữ tiên tri và thủ lãnh cứu tinh.
Điều chuyên biệt của nàng, vị thế được chỉ định cho nàng, phát xuất từ điều này. Yếu tính của điều ta đã thấy trước đây được lặp lại và củng cố: kẻ hiếm muộn, kẻ vô quyền trở thành vị cứu tinh bởi vì chính ở đó, người ta tìm thấy địa cứ [locus] của việc mặc khải về quyền năng Thiên Chúa. Sau mỗi lần sa phạm tội lỗi, người phụ nữ vẫn là “mẹ của sự sống”.
4. Trong thể loại truyện ngắn thần học về người phụ nữ cứu tinh, người ta thấy đã có giả thiết và phát biểu mới mẻ về điều mà lời rao giảng tiên tri đã khai triển một cách sâu sắc về phương diện thần học từ hình ảnh những người phụ nữ mẫu thân và được coi là trung tâm thích hợp của nền thần học Cựu Ước về người phụ nữ: Chính Israel, dân được tuyển chọn, đã được giải thích đồng thời là phụ nữ, là trinh nữ, là người yêu, là vợ và là mẹ.
Những người phụ nữ vĩ đại của Israel đại diện cho điều chính dân tộc này vốn là. Lịch sử của những người phụ nữ này trở thành nền thần học về dân Chúa và, cùng một lúc, nền thần học về giao ước. Nhờ làm cho phạm trù giao ước trở nên dễ hiểu và nhờ dành cho nó ý nghĩa và định hướng tâm linh, hình tượng người phụ nữ đã đi vào tầm với cao nhất của lòng đạo đức Cựu ước, của mối quan hệ giữa Cựu ước với Thiên Chúa.
Có lẽ lúc đầu ý niệm giao ước phần lớn được mô phỏng theo mô hình khế ước chư hầu phương Đông cổ xưa, trong đó vua có chủ quyền phân bổ các quyền lợi và nhiệm vụ. Tuy nhiên, ý niệm chính trị và pháp lý của giao ước này liên tục được thâm hậu hóa và vượt qua trong nền thần học của các nhà tiên tri: mối liên hệ giao ước của Giêhôva với Israel là một giao ước của tình yêu vợ chồng, một giao ước - như trong thị kiến tuyệt vời của Hôsê – làm chính Giêhôva xúc động và khích động tận cõi lòng của Người.
Người đã yêu thiếu nữ Israel bằng một tình yêu chứng tỏ là bất diệt, vĩnh cửu. Người có thể tức giận với người vợ thời xuân xanh của mình khi nàng ngoại tình. Người có thể trừng phạt nàng, nhưng tất cả những điều này đồng thời nhằm chống lại chính Người và làm Người đau đớn, vì Người vốn là người yêu với một "ruột gan rối bời". Người không thể rẫy bỏ nàng mà không đưa ra phán quyết chống lại chính Người.
Chính trên điều này, trên sự hoang mang tận cùng của bản thân Người trong tư cách người yêu này, mà đặc tính vĩnh cửu và không thể thay đổi của giao ước đã được xây dựng. "Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi ! Hỡi Ítraen, Ta trao nộp ngươi sao đành !... Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm, là Đấng Thánh Ở giữa ngươi. Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11: 8 tt).
Thần tính của Thiên Chúa không còn được mạc khải trong khả năng trừng phạt của Người mà ở sự bất khả hủy tiêu và bền vững của tình yêu nơi Người. Điều này có nghĩa là mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Israel không chỉ bao gồm Thiên Chúa mà cả Israel như người đàn bà, người trong mối liên hệ này với Thiên Chúa cùng một lúc vừa là đồng trinh vừa là mẹ.
Vì lý do này, giao ước, vốn tạo nền tảng cho sự hiện hữu của Israel như một quốc gia và sự hiện hữu của mỗi cá nhân như một người Israel, được phát biểu một cách liên ngã trong lòng trung thành với giao ước hôn nhân chứ không hề theo cách nào khác. Hôn nhân là hình thức của mối liên hệ hỗ tương giữa vợ và chồng vốn là kết quả của giao ước, mối liên hệ căn bản của con người mà trên đó trọn bộ lịch sử nhân loại đặt cơ sở.
Nó mang một nền thần học trong chính nó, và quả thực, nó chỉ khả hữu và có thể hiểu được về mặt thần học. Nhưng trên hết, điều này cũng có nghĩa là kết hợp với Thiên Chúa, Đấng duy nhất, không phải là một nữ thần, nhưng, như trong mặc khải lịch sử của Người, là tạo vật được tuyển chọn, là Israel, là thiếu nữ Sion, người đàn bà. Bỏ người đàn bà ra khỏi toàn bộ thần học sẽ là phủ nhận sự sáng tạo và sự tuyển chọn (lịch sử cứu độ) và do đó làm vô hiệu sự mặc khải.
Nơi các phụ nữ của Israel, những người mẹ và những vị cứu tinh, nơi sự hiếm muộn phong phú của họ, việc sáng thế là chi và việc tuyển chọn là gì, việc “Israel” là gì trong tư cách dân Thiên Chúa đã được phát biểu một cách thuần túy và sâu sắc nhất. Và bởi vì việc tuyển chọn và mặc khải là một, điều cuối cùng trở nên rõ ràng trong việc này lần đầu tiên là Thiên Chúa là ai và là gì.
Tất nhiên dòng phát triển này trong Cựu ước vẫn chưa đầy đủ và cởi mở như tất cả các dòng khác của Cựu ước. Nó có được ý nghĩa dứt khoát lần đầu tiên trong Tân Ước: nơi người phụ nữ được mô tả như người số sống thoát thánh thiện đích thực, là thiếu nữ Sion đích thực, và do đó là mẹ của đấng Cứu thế, vâng, mẹ của Thiên Chúa. Nhân tiện, người ta có thể nói rằng việc chấp nhận Diễm Ca vào quy điển Kinh thánh sẽ bất khả nếu nền thần học về tình yêu và phụ nữ này không hề có. Về mặt kỹ thuật, Diễm Ca chắc chắn là một bộ sưu tập các bản tình ca phàm tục có màu sắc gợi dục nặng nề. Nhưng một khi các bài hát này đã đi vào qui điển, chúng được dùng như một biểu thức của cuộc đối thoại của Thiên Chúa với Israel, và đến mức đó, cách giải thích về chúng chỉ là một phúng dụ.
5. Trong các lớp lang cuối cùng của Cựu ước, một đường phát triển đáng chú ý nữa được đem ra ánh sáng, một đường phát triển cũng không tự để nó được giải thích duy nhất trong bối cảnh Cựu ước. Hình tượng khôn ngoan (Sophia) đã đạt tới ý nghĩa trung tâm. Có lẽ nó đã được tiếp nhận từ nguyên mẫu Ai Cập và sau đó được thích ứng vào niềm tin của Israel.
"Khôn ngoan" xuất hiện như trung gian của lịch sử sáng thế và cứu thế, như tạo vật đầu tiên của Thiên Chúa, trong đó cả hình thức thuần túy, nguyên thủy của ý chí sáng tạo của Người lẫn đáp ứng thuần túy, được Người khám phá, tìm được cách phát biểu của chúng; thực vậy, người ta có thể nói rằng chính khái niệm đáp ứng này có tính cách đào tạo đối với ý niệm khôn ngoan trong Cựu Ước.
Sáng thế đáp ứng, và đáp ứng này gần gũi với Thiên Chúa như người cùng thủ diễn, như người tình. Trước đây chúng ta đã nhận định rằng để giải thích về Đức Maria, Tân ước tham khảo trở lại các bà mẹ của Cựu ước, trở lại nền thần học về thiếu nữ Sion, và có lẽ cả Evà nữa, và sau đó liên kết ba dòng phát triển này lại với nhau.
Bây giờ chúng ta phải nói thêm rằng phụng vụ của Giáo Hội mở rộng nền thần học Cựu Ước này về phụ nữ trong chừng mực nó giải thích các vị phụ nữ cứu tinh, Étte và Giuđít, theo Đức Maria và nối kết các bản văn Khôn ngoan vào Đức Maria. Điều này từng bị chỉ trích mạnh mẽ bởi phong trào phụng vụ của thế kỷ này dựa vào quan điểm thần học qui Kitô của nó; người ta đã lập luận rằng các bản văn này chỉ có thể và chỉ nên cho phép lối giải thích qui Kitô mà thôi.
Sau nhiều năm hoàn toàn đồng ý với quan điểm vừa kể, tôi càng thấy rõ ràng rằng nó thực sự đã đánh giá sai những gì có tính đặc trưng nhất trong những bản văn Khôn ngoan đó. Mặc dù đúng khi nhận định rằng Kitô học đã đồng hóa các yếu tố thiết yếu của ý niệm khôn ngoan, đến nỗi người ta phải nói đến mạch phát triển Kitô học trong việc Tân Ước tiếp nối ý niệm khôn ngoan, tuy nhiên, nhiều người khác chống lại việc tích nhập hoàn toàn vào Kitô học.
Trong cả tiếng Do Thái lẫn tiếng Hy Lạp, "khôn ngoan" là một danh từ giống cái, và đây không phải là hiện tượng văn phạm trống rỗng trong ý thức sống động của thời cổ xưa về ngôn ngữ. "Sophia", một danh từ giống cái, đứng ở phía đó của thực tại được đại diện bởi người phụ nữ, bởi những gì thuần túy và đơn giản là nữ giới.
Nó biểu thị câu trả lời vốn gióng lên từ lời kêu gọi thần linh của sáng thế và tuyển chọn. Nó diễn tả chính xác điều này: có một câu trả lời thuần túy và tình yêu của Thiên Chúa tìm thấy nơi cư ngụ không thể thu hồi ở bên trong nó. Để đối phó với tính phức tạp trọn vẹn của các sự kiện trong vụ này, người ta chắc chắn phải xem xét điều này là hạn từ "Spirit" trong tiếng Do Thái (tuy nhiên, không phải trong tiếng Hy Lạp) cũng ở giống cái. Về khía cạnh này, vì giáo huấn về Chúa Thánh Thần, người ta, gần như thực tế, có thể linh cảm thấy một loại nữ tính nguyên thủy nào đó, một cách mầu nhiệm, ẩn khuất, bên trong chính Thiên Chúa.
Tuy nhiên, tín lý về Chúa Thánh Thần và tín lý về khôn ngoan đại diện cho những dải truyền thống riêng biệt. Theo quan điểm của Tân Ước, một đàng, khôn ngoan chỉ Chúa Con như Ngôi Lời, mà trong Người, Thiên Chúa tạo dựng, nhưng đàng khác chỉ thụ tạo, chỉ dân Israel đích thực, người được nhân cách hóa trong nữ tỳ hèn mọn mà trọn vẹn cuộc hiện sinh được đánh dấu bằng thái độ của Fiat mihi secundum verbum tuum (xin làm cho tôi theo lời ngài dạy).
Sophia chỉ Logos, Ngôi Lời, Đấng thiết lập ra khôn ngoan, và cũng chỉ câu trả lời của người phụ nữ nhận được khôn ngoan và đưa nó tới chỗ sinh hoa trái. Việc xóa bỏ lối giải thích thần học minh triết (sophiology) về Đức Mẹ cuối cùng đã loại bỏ toàn bộ chiều kích mầu nhiệm Kinh thánh và Kitô giáo.
Vì vậy, giờ đây, chúng ta có thể nói hình ảnh người phụ nữ không thể thiếu đối với cấu trúc của đức tin Kinh thánh. Hình ảnh này phát biểu thực tại sáng thế cũng như tính sinh hoa kết trái của ân sủng. Nét phác thảo trừu tượng của niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ hướng về phía dân của Người sẽ nhận được, trong Tân Ước, một cái tên cụ thể, có tính bản vị nơi con người Chúa Giêsu Kitô.
Cùng lúc đó, hình ảnh người phụ nữ, cho đến nay chỉ được nhìn theo loại hình (typologically) ở Israel, mặc dù được nhân cách hoá bởi những phụ nữ vĩ đại của họ, cũng xuất hiện với một cái tên: Maria. Ngài xuất hiện như một mẫu mực bản vị của nguyên tắc nữ tính một cách đến nỗi nguyên tắc chỉ đúng trong bản vị này, nhưng bản vị trong tư cách cá thể này luôn hướng quá bản thân mình tới thực tại bao trùm mọi sự, thực tại ngài mang và đại diện.
Việc phủ nhận hay bác bỏ khía cạnh nữ tính trong niềm tin, hay cụ thể hơn, khía cạnh Maria, cuối cùng sẽ dẫn đến việc phủ nhận tạo thế và làm mất hiệu lực của ân sủng. Nó dẫn đến hình ảnh Thiên Chúa toàn năng khiến tạo vật chỉ còn là một giả trang không hơn không kém và hình ảnh này cũng hoàn toàn thất bại trong việc hiểu được Thiên Chúa trong Kinh thánh, Đấng vốn được coi là Đấng tạo dựng và là Thiên Chúa của giao ước, Đấng Thiên Chúa mà đối với Người việc trừng phạt và bác bỏ người yêu đã trở thành thống khổ của tình yêu, tức thập giá. Không phải vô cớ mà các Giáo phụ đã giải thích cuộc khổ nạn và thập giá như là hôn nhân, như nỗi đau khổ trong đó Thiên Chúa tự gánh lấy nỗi đau của người vợ không chung thủy để lôi kéo nàng đến với chính Người trong tình yêu vĩnh cửu.
Kỳ tới: Chương II: Niềm tin Đức Mẹ của Giáo hội
Vietcatholic News