HIẾN CHẾ PHỤNG VỤ THÁNH SAU 60 NĂM:
HƯỚNG TỚI SỰ THỰC THI ĐÚNG ĐẮN VÀ HOÀN CHỈNH
WHĐ (27.08.2023) – Hermann Pottmeyer, một chuyên viên về Giáo hội học người Đức, đã nhìn Công đồng Vaticanô II như một công trường còn dang dở: một dự án giáo hội học vẫn còn chờ đợi để hoàn tất[1]. Dầu vậy, ai ai cũng phải công nhận, do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, những gì Công đồng đã hoàn thành là quá lớn lao giúp cho Giáo hội thực hiện cuộc canh tân phụng vụ vĩ đại nhất trong lịch sử Hội Thánh[2]. Công đồng Vaticanô II đã ban hành 16 văn kiện (bao gồm: 4 Hiến chế; 9 Sắc lệnh; và 3 Tuyên ngôn). Bài viết này chỉ giới hạn đào sâu vào một văn kiện là Hiến chế Phụng vụ Thánh (PV).
Tính đến hôm nay, Hiến chế Phụng Vụ Thánh vừa tròn 60 tuổi và tầm quan trọng của Hiến Chế này vẫn gia tăng một cách rõ rệt[3]. Bài viết này nhằm gợi lại những điểm quan yếu cũng như bàn tiếp về nội dung của Hiến chế Phụng Vụ Thánh đã được hiểu cũng như áp dụng trong Hội Thánh và nhất là tại Việt Nam như thế nào để có một sự thực thi Hiến chế một cách đúng đắn và hoàn chỉnh hơn trong tương lai đúng theo ý định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô[4].
|
II. KINH THÁNH TRONG PHỤNG VỤ PAGEREF _Toc146746757 \h |
1. Bản dịch Kinh Thánh để công bố trong phụng vụ PAGEREF _Toc146746758 \h
2. Việc công bố Lời Chúa / suy tôn Lời Chúa PAGEREF _Toc146746759 \h
III. ĐƠN GIẢN HÓA CHỮ ĐỎ VÀ NGHI LỄ PAGEREF _Toc146746760 \h
IV. SỰ CUNG KÍNH & THÁNH THIÊNG PAGEREF _Toc146746761 \h
V. THAM DỰ PHỤNG VỤ PAGEREF _Toc146746762 \h
VI. HỘI NHẬP VĂN HÓA PAGEREF _Toc146746763 \h
|
I. TIẾNG MẸ ĐẺ / BẢN XỨ (PV 36, 54)
Sử dụng tiếng bản xứ trong cử hành phụng vụ có lẽ là một trong những thay đổi lớn nhất và là một cuộc cách mạng (sử gia Cyrille Vogel)[5]. Hầu hết các nghị phụ đã đề nghị sử dụng ngôn ngữ địa phương trong phụng vụ, cho nên toàn thể Hội Thánh đã bắt đầu thực hành này từ Chúa nhật thứ I Mùa Chay (1964) và khắp nơi đã cử hành toàn bộ Thánh Lễ bằng tiếng mẹ đẻ từ năm 1967. Tuy nhiên, các nghị phụ Công đồng không bao giờ có ý định dùng tiếng địa phương một cách hoàn toàn nhưng là mở cửa và chào đón việc sử dụng tiếng mẹ đẻ của các tín hữu trong phụng vụ vì Công đồng được canh tân chứ không phải thay đổi hoàn toàn và không muốn thay đổi chỉ vì thay đổi[6]:
Lợi ích của việc dùng tiếng bản xứ trong phụng vụ là rất lớn và đã được nồng nhiệt đón nhận khắp nơi. Ngay Công đồng Trentô và Thông điệp Mediator Dei cũng phải nhận là tiếng La tinh đã ngăn trở giáo dân tham dự chủ động và tích cực vào các nghi lễ phụng vụ, họ cũng không dễ dàng hiểu những bài đọc và những nghi thức vốn hàm chứa nhiều giáo huấn. Về phía linh mục, họ có thể đọc lên các kinh nguyện trong một cách thức cá vị nhiều hơn là đọc bằng tiếng La tinh trong thì thầm. Dù là ai, thì tiếng mẹ đẻ cũng giúp tham dự vào phụng vụ một cách thoải mái, dễ dàng và tích cực hơn trong một Thánh Lễ đối thoại giữa vị chủ tế với toàn thể cộng đoàn chứ không chỉ với các người giúp lễ. Mọi người thực sự nghe được Lời Chúa bằng ngôn ngữ của mình, dễ dàng tiếp cận các nguồn tham khảo để chuẩn bị Thánh Lễ và các bài hát cũng phong phú hơn... Năm 1968, Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam nhận định: nhờ việc đem tiếng Việt vào trong các buổi cử hành Thánh Lễ và các Bí tích, các tín hữu tham dự cách tích cực và ý thức”[7]. Tuy nhiên, nếu xem xét thực hành hiện nay với lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là nên hát trong Thánh Lễ một số bài quen thuộc bằng tiếng La tinh thì Việt Nam chúng ta hẳn là thiếu sót vì hiếm khi nơi nào đụng đến tiếng La tinh nữa[8].
Nói về tiếng mẹ đẻ thì phải bàn về các bản dịch phụng vụ ra tiếng bản xứ. Các ấn bản phụng vụ nguyên thủy thì bằng tiếng La tinh. Sau đó, các bản dịch phụng vụ ra tiếng bản xứ được thực hiện tại các Hội Thánh địa phương, rồi phải trình lên Rôma để được phê chuẩn. Phương thức làm việc này dẫn đến nhiều phiền toái và phức tạp vì các giám mục hay biết rằng các bản văn phụng vụ được trình lên Bộ Phụng tự chủ yếu được đẩy sang cho các chủng sinh đang theo học tại Rôma để duyệt xét. Kết quả là nhiều từ/đoạn trong bản văn phụng vụ đã bị bác bỏ/thay đổi dựa trên sự xét đoán của các chủng sinh này. Cách làm việc này hầu chắc không phản ánh tầm nhìn và ý định của Công đồng[9].
Huấn thị số 5 (Liturgiam authenticam) được ban hành năm 2001 yêu cầu phải dịch đúng dịch sát (số 20) làm cho bản dịch phụng vụ ở khắp nơi kể cả ở Việt Nam theo hướng dịch sát và tương đương hình thức nhiều hơn. May thay, Tự sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô Magnum Principium (03/09/2017) và Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích Postquam Summus Pontifex (22/10/2021) đã tái cân bằng thẩm quyền và trách nhiệm giữa Tòa Thánh và Hội đồng Giám mục, gia tăng quyền hạn cho Hội đồng Giám mục địa phương[10] và giảm thiểu vai trò của Tòa Thánh với những can thiệp có thể xảy ra trong ý định kiểm soát phụng vụ khắp nơi[11] vì phụng vụ được cử hành bằng tiếng bản xứ và diễn ra trong bối cảnh văn hóa địa phương (PV 40).
Tại Việt Nam, cho đến nay, chúng ta đã hoàn thành khá nhiều bản dịch phụng vụ và được Tòa Thánh chuẩn y. Chúng nằm trong các hạng mục sau: (1) Sách lễ Rôma; (2) Nghi thức Thánh Lễ; (3) Các sách cử hành bí tích và á bí tích; (4) Phụng Vụ Các Giờ Kinh (1971; 1985).
Tuy vậy, do hoàn cảnh đất nước và nhiều lý do khác nữa, một số sách/tài liệu phụng vụ vẫn chưa được chuyển dịch hoặc chưa hoàn thành. Chẳng hạn như: Nghi Thức Cung Hiến Nhà Thờ Và Bàn Thờ (1978); Huấn thị Inceslimabile donum (1980); Bộ Sưu Tập Các Thánh Lễ Và Các Bài Đọc Lễ Đức Trinh Nữ Maria (1986); Nghi Thức Trừ Tà Và Một Số Lời Khẩn Cầu Liên Quan (1998); Tử Đạo Lục Thư Rôma (2004); Sách lễ Rôma 2022[12]; Sách Các Phép (1984); Sách Lễ Nghi Giám Mục (1984).
Vấn đề không chỉ là số lượng bản dịch mà các bản dịch còn cần đáp ứng tiêu chí mục vụ cũng như phải vừa sát với bản gốc vừa xuôi ngôn ngữ Việt Nam.
Trước Công đồng Vaticanô II, các tín hữu thường nói đến “Tiền Hiến Tế/Thánh Lễ” để chỉ tất cả những gì đi trước phần Phụng Vụ Thánh Thể chứ không nghe thấy cụm từ Phụng Vụ Lời Chúa. Nhưng với Công đồng Vaticanô II, “Thánh Lễ gồm hai phần chính: Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Hai phần này được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng thờ độc nhất” (PV 56); “Trong việc cử hành phụng vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, người ta trích từ Thánh Kinh những bài để đọc, những bài để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những ca vịnh để hát. Chính nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của Thánh Kinh cũng làm xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài phụng ca, đồng thời còn làm cho những động tác và các biểu hiệu trở thành ý nghĩa” (PV 24); “Bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những quy tắc cho đời sống Kitô giáo” (PV 52).
Đúng là “bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra dồi dào hơn cho các tín hữu, mở ra cho họ những kho tàng Kinh Thánh phong phú hơn” (PV 51, 92). Chẳng hạn:
Đối với Thánh Lễ, Hội Thánh cho công bố ba Bài đọc vào các Thánh Lễ Chúa nhật, lễ trọng thay vì chỉ hai bài; các Bài đọc cho Chúa nhật được sắp xếp theo chu kỳ 3 năm (BĐ 58;60). Vào ngày thường trong tuần, Bài đọc I được chia theo chu kỳ 2 năm (chẵn và lẻ). Nhờ vậy, trong một chu kỳ, các tín hữu trước Công đồng chỉ được nghe 1% Cựu Ước và 17% Tân Ước, thì nay sẽ tăng lên 14% đối với Cựu Ước và 71% đối với Tân Ước[13].
Đối với cử hành các bí tích và á bí tích, tất cả đều dựa trên Lời Chúa. Các lời nguyện và công thức của nghi thức bí tích/á bí tích được rút từ Kinh Thánh và cử hành bí tích/á bí tích sau Công đồng luôn bao gồm việc công bố Lời Chúa. Lời Chúa làm rõ ý nghĩa của những biểu tượng chúng ta sử dụng. Việc công bố Lời Chúa khi cử hành cũng nhắc nhớ chúng ta hành động luôn luôn là một sự đáp trả của con người trước những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta (GLCG 1153-1155).
Tại Việt Nam, tất cả những điều trên đã được thực hiện, nhưng chúng ta cần xét đến: 1/ Bản dịch Kinh Thánh để công bố trong phụng vụ; 2/ Việc công bố Lời Chúa;
1. Bản dịch Kinh Thánh để công bố trong phụng vụ
1.1. Đã hoàn thành: (1) Ngày 01/04/1970, Tòa Thánh chuẩn y bản dịch tiếng Việt Sách các Bài đọc trong Thánh Lễ, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, sau đó là các phần khác của Sách Bài đọc. Trong thực tế hiện nay, 2 phiên bản Kinh Thánh được song song sử dụng: một là phiên bản chính thức của HĐGM/VN như vừa đề cập, hai là bản dịch không chính thức của nhóm PVCGK; (2) Với những nỗ lực của UBKT, bản văn bốn Tin Mừng đã được HĐGM/VN phê chuẩn tháng 04/2022; (3) HĐGM/VN cũng đã chính thức phê chuẩn bản dịch trọn bộ Kinh Thánh Tân Ước do UBKT trình (10/ 2022).
1.2. Chưa hoàn thành: Toàn bộ phần Cựu Ước đang được UBKT tiến hành dịch thuật và hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2025; như vậy bộ Sách Bài Đọc mới cũng chưa thể ra mắt trước năm 2025.
2. Việc công bố Lời Chúa / suy tôn Lời Chúa
Đòi hỏi của Hiến chế Phụng Vụ Thánh trong lãnh vực này là: Giáo dân phải được đào tạo bởi lời Chúa (PV 48); Bài giảng được coi như một phần của chính Phụng Vụ. Buộc giảng vào những ngày Chúa nhật và lễ buộc có dân chúng tham dự, nên phải hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với nghi lễ. Tiên vàn bài giảng phải được múc lấy từ nguồn Thánh Kinh và Phụng Vụ (PV 35, 52);
Đối chiếu với đòi hỏi trên, để thực thi Hiến chế Phụng Vụ Thánh đúng đắn và hoàn chỉnh hơn, chúng ta cần lưu ý thêm:
1) Tránh tình trạng người đọc Sách Thánh thiếu chuẩn bị hoặc thiếu những kỹ năng cần thiết do: (i) bị gọi vào phút chót hay gọi đột xuất[14], (ii) không được hay chỉ được huấn luyện chút ít[15]; (iii) chọn người đọc Sách Thánh theo thói quen hơn theo ý định của Hội Thánh[16].
2) Không làm gián đoạn tính liên tục của các bản văn Tin Mừng được công bố theo ngày [do việc cử hành những ngày lễ kính, lễ trọng hay lễ có nghi thức riêng] bằng cách cho công bố bài Tin Mừng bị bỏ mất gộp chung với bài Tin Mừng của ngày hôm trước hay hôm sau của ngày lễ đó[17].
3) Nên tránh tình trạng giảng lễ với cung giọng tiêu cực, nhiều lời phàn nàn, than vãn, phê bình, trách móc... Bài giảng phải gắn liền với Lời Chúa được công bố, với đời sống của cộng đoàn, lưu ý đến mầu nhiệm được kính nhớ (PV 52)[18], được soạn thảo trong khung cảnh cầu nguyện[19] ngõ hầu bài giảng trở nên thật rõ ràng, dễ hiểu, vắn gọn.
III. ĐƠN GIẢN HÓA CHỮ ĐỎ VÀ NGHI LỄ
Trước Công đồng Vaticanô II, ở phạm vi phụng vụ, người ta chỉ chú trọng tới chữ đỏ. Nhưng nay Công đồng Vaticanô II giúp cho người ta thoát ra khỏi não trạng cử hành phụng vụ cách thành sự là đủ mà không cần để ý việc cử hành hoặc tham dự có sốt sắng hay không và có giúp người ta hiểu biết hơn về mầu nhiệm cứu rỗi hay không. Phương pháp của Công đồng là quay trở lại hình thức cổ điển với những nét văn hóa đơn giản, ngắn gọn và thực tế (PV 21, 34, 50) cũng như có một cách tiếp cận thần học và thiêng liêng hơn đối với phụng vụ để cân bằng giữa khái niệm thuần túy về chữ đỏ và pháp lý về phụng vụ (PV 11, 18). Hiến Chế Phụng Vụ Thánh vẫn đòi hỏi Hội Thánh lưu tâm đến chữ đỏ hay luật phụng vụ (PV 31, 38, 63, 97, 118) để bảo toàn sự hợp nhất cũng như cử hành cho chính xác, dễ dàng và tràn đầy ân sủng[20]. Tuy nhiên, các nghị phụ Công đồng mong ước: “Các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, trong sáng, vắn gọn; phải tránh những lặp đi lặp lại vô ích; phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, cách chung không cần nhiều lời giải thích.” (PV 34); “các nghi lễ, dù vẫn hoàn toàn duy trì bản chất của chúng, nhưng phải được đơn giản hơn (PV 50)[21]. Từ chỉ dẫn này, chúng ta rút ra kết luận sau:
1) Công cuộc đơn giản hóa các dấu chỉ và nghi thức phải làm sao để dân chúng dễ nắm bắt mà không cần nhiều lời giải thích[22];
2) Phụng vụ không phải chỉ là một tổng hợp những luật chữ đỏ cho nên hãy sử dụng chữ đỏ như là sự trợ giúp hơn là theo sát đến độ làm chia trí cộng đoàn;
3) Dù cần phải đơn giản hóa chữ đỏ và “các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, trong sáng, vắn gọn” nhưng không vì thế làm mất đi nét thánh thiêng, sự nghiêm trang và vẻ đẹp của nghi lễ cũng như của môi trường phụng vụ;
4) Ngôn ngữ mới của “nét đơn sơ cao quý” chính là “nghệ thuật cử hành”[23].
Cho đến nay, không hiếm xảy ra tình trạng cực đoan đối với chữ đỏ trong phụng vụ. Một bên thì lơ là bỏ qua, còn bên kia lại tuân giữ và trung thành một cách hẹp hòi cứng nhắc.
Tại Việt Nam, hầu như không có những lạm dụng nặng nề về phụng vụ (chẳng hạn bỏ phẩm phục cử hành thánh lễ, tự ý dịch Kinh nguyện Thánh Thể rồi sử dụng, giải tội tập thể khi không có phép...). Tuy nhiên, chúng ta lại có nhiều nhầm lẫn và khiếm khuyết nho nhỏ liên quan đến việc thiếu cập nhật, bám víu vào một số thói quen và thực hành cũ kỹ, không nắm vững và không theo sát những hướng dẫn của Hội Thánh, ít chú trọng đến vẻ đẹp cùng nghệ thuật cử hành phụng vụ, lấy con người làm trung tâm của cử hành phụng vụ thay vì Thiên Chúa và mầu nhiệm của Ngài, thích sáng tạo hay thêm thắt theo sở thích riêng nhưng lại thiếu nền tảng thần học và tinh thần phụng vụ (PV 22). Phải nói rằng những khiếm khuyết dù nặng hay nhẹ cũng ít nhiều gây thiệt hại cho sự hiệp thông đức tin trong Hội Thánh và phụng tự nên đáng phải xa tránh.
IV. SỰ CUNG KÍNH & THÁNH THIÊNG
Một trong những điểm nghi thức cải cách bị phê phán là làm mất đi sự trang nghiêm cung kính so với trước Công đồng Vaticanô II. Ở đây cần một sự phân định nghiêm túc: do những thay đổi hay do chính những con người cử hành khiến phụng vụ mất đi sự trang nghiêm cung kính. Bây giờ có thể nói: sự thiếu trang nghiêm cung kính là ở phía con người và chỉ ở nơi một thiểu số nào đó. Tại Việt Nam, phụng vụ có vẻ như đang dần dà mất đi sự thánh thiêng/huyền nhiệm với những cử hành vội vã hơn, ồn ào hơn, hình thức hơn, trình diễn hơn ... và đôi khi cả cử hành bất xứng nữa. Vậy cần phải xem xét những lý do sau để sửa chữa:
Lý do trước tiên là vì người ta quên rằng phụng vụ thánh là “những mầu nhiệm thánh”, là sự “cầu nguyện công khai và trọng thể của Giáo hội”[24]. Theo Đức Piô XI kêu gọi trong Tông hiến Divini Cultus (20/12/1928): “Phụng vụ thật sự là một sự thánh, bởi đó chúng ta được nâng lên với Chúa, kết hợp với Người, tuyên xưng đức tin và những bổn phận với Người vì những ân sủng chúng ta đã lãnh nhận và sự trợ giúp mà chúng ta đang thiếu thốn.” Còn Đức Piô XII dạy rằng “bản chất và đối tượng của phụng vụ thánh” là nhằm “kết hợp các linh hồn chúng ta với Chúa Kitô và thánh hóa các linh hồn qua Đấng Cứu Thế để Chúa Kitô được tôn kính và qua Người và trong Người, Chúa Ba Ngôi được tôn vinh”[25]. Công đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta: vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp” (PV 7).
Lý do thứ hai là chất lượng và chiều sâu của việc đào tạo phụng vụ chưa cao và hiểu việc huấn luyện phụng vụ là sự học ở sách vở, ở nhà trường. Theo Đức Hồng Y Sarah, Công đồng không nhấn mạnh đến trình độ hiểu biết (PV 15-17), nhưng xác định rằng trước tiên và cơ bản, huấn luyện phụng vụ là chìm đắm trong phụng vụ, trong mầu nhiệm sâu thẳm của Chúa, Chúa Cha yêu thương. Đó là vấn đề sống phụng vụ trong sự phong phú của nó, để uống từ mạch sâu của nó, để chúng ta luôn có được sự khao khát về hấp dẫn, trật tự, vẻ đẹp, im lặng, chiêm niệm, tôn vinh, thờ lạy của phụng vụ và khả năng của nó nối kết chúng ta mật thiết với Đấng hoạt động trong và qua các nghi thức thánh của Giáo hội[26].
Lý do thứ ba là các tư tế không những không nêu gương sáng và chăm lo xây dựng thực hành phụng vụ đúng đắn mà còn cử hành phụng vụ cách cẩu thả với nhiều sai sót (quay phim, chụp hình, nói chuyện...); cử hành tự mình đầy chủ quan, theo thói quen hơn là khiêm nhường tuân theo những kỷ luật và nguyên tắc của phụng vụ (PV 22). Hệ quả của thực hành này là làm tổn thương phụng vụ thánh của Giáo hội!
Một trong những từ khóa của Hiến chế Phụng vụ Thánh là THAM DỰ. Sự tham dự tích cực của các tín hữu vào cử hành phụng vụ trở nên nét chủ đạo của Hiến chế Phụng Vụ Thánh và là mục tiêu của toàn bộ cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vaticanô II.
Hội Thánh mong ước “các tín hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động”; sự tham dự này phải “trọn vẹn, ý thức và chủ động”, “hiệu năng”, “bề trong và bề ngoài”, “thành kính”, “ý thức, chủ động và dễ dàng”. (PV 14, 48).
Những thay đổi trong phụng vụ để lôi kéo các tín hữu ‘tham dự một cách trọn vẹn ý thức và linh động’ khá nhiều. Chẳng hạn, sử dụng tiếng mẹ đẻ trong phụng vụ (PV 36, 54); đưa bàn thờ tách biệt khỏi bức tường đầu cung thánh để dân Chúa có thể quy tụ quanh bàn thờ và vị tư tế có thể đối diện cũng như đối thoại với họ; cho phép các tín hữu công bố Lời Chúa (PV 33, 35); phục hồi lời nguyện tín hữu, đoàn rước dâng của lễ. Đối với Thánh Lễ chúng ta sẽ thấy rõ nét những thay đổi này trong Sách Lễ Rôma mới (mà bao gồm Nghi Thức Thánh Lễ và Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma) hầu đáp ứng nhu cầu mục vụ cho các tín hữu[27].
Sự ‘tham dự một cách trọn vẹn ý thức và linh động’ bao gồm: chu toàn phận sự phụng vụ đích thực (PV 29); tham dự toàn vẹn cả tâm hồn và thể xác qua các cử điệu, tư thế, qua hành động đi rước, lời đối đáp tung hô ca hát (PV 113); tham dự với tất cả sự chăm chú và với sự thinh lặng cần thiết (PV 30; QCSL 45. 43. 51. 54-56. 66. 84. 127- 128. 130. 136. 164-165)[28]; và tham dự vào sứ vụ bác ái sau cử hành[29].
Đáp lại ước muốn của Mẹ Giáo hội, các tín hữu Việt Nam đã tiếp nhận và thực hành thế nào? Đến năm 2001, Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhận xét rằng các tín hữu đến nhà thờ vào các Chúa nhật và lễ trọng chiếm khoảng 85%. Nhiều người tham dự các Thánh Lễ ngày thường trong tuần. Các Bí tích và đời sống cầu nguyện được xem như những phương tiện hiệu quả để canh tân đời sống, và mang lại sức mạnh nội tâm để nhiệt thành phục vụ Giáo hội và xã hội[30].
Tuy nhiên, để hướng tới một sự thực thi Hiến chế Phụng Vụ Thánh một cách đúng đắn và hoàn hảo hơn, thiết tưởng cần loại bỏ dần những thiếu sót sau:
1) Tham dự Thánh Lễ Chúa nhật chỉ để chu toàn luật buộc (GL 1246-1247; GLCG 2181).
2) Chỉ chú trọng tương quan với Chúa mà quên đi hay lơ là với người khác trong cộng đoàn phụng vụ; đến nhà thờ với thái độ chỉ chăm chăm chú chú đọc kinh cầu nguyện riêng, ít quan tâm, gặp gỡ hay trao đổi với ai.
3) Hiện diện bên ngoài nhà thờ để tham dự Thánh Lễ hoặc ra khỏi nhà thờ khi đến giờ giảng lễ để hút thuốc, tán gẫu...
4) Những người đọc Sách Thánh: thiếu chuẩn bị, thiếu những kỹ năng cần thiết vì không được hay chỉ được huấn luyện chút ít, hoặc vì chọn người đọc Sách Thánh theo thói quen hơn theo ý định của Hội Thánh.
5) Thiếu chuẩn bị cho buổi cử hành (của lễ và ý nguyện; bài giảng, trang hoàng...), thiếu vẻ đẹp của cử hành (ars celebrandi), thiếu tác động vào giác quan, thiếu sự thay đổi những chất liệu đã được Giáo hội đề nghị trong Sách lễ Roma.
6) Buổi cử hành diễn ra trong ồn ào và diễn tiến một cách vội vã, thiếu hẳn sự linh thánh, thiếu mất thời khắc thinh lặng ở những chỗ cần thiết.
Hội nhập văn hóa là một vấn đề mênh mông. Nó đòi hỏi sự thích nghi phụng vụ với tâm tính và hoàn cảnh của mỗi dân tộc (PV 37- 40)[31]. Đây là một nhiệm vụ tế nhị vốn không thể và không được làm tổn hại những điểm thiết yếu của phụng vụ và đức tin Kitô giáo[32].
Trong chiều hướng này, chúng ta đã có nhiều nỗ lực để thích nghi một số điểm trong phụng vụ/việc đạo đức theo văn hóa và truyền thống Việt Nam, làm tôn lên gốc gác văn hóa Việt Nam:
1) Suy tư và thử nghiệm: trong việc sử dụng các biểu tượng Á Đông/Việt Nam cho kiến trúc nhà thờ, cho môi trường phụng vụ (bàn thờ, cung thánh...), các vật dụng thánh (chén lễ thiên địa - nhân hòa), phẩm phục phụng vụ, và các tượng ảnh (Chúa, Đức Mẹ, các thánh); thử nghiệm để thích nghi các buổi cử hành Thánh Lễ mang đậm đà dân tộc tính theo sắc thái Việt Nam, nhất là tại nhà thờ Tân Chí Linh (08/09/1974 vốn diễn ra trước đó tại Bangalore (10/1973) với sự tán thưởng nhiệt liệt và gây tiếng vang quốc tế[33]; Dự tính thay thế các cử điệu trong phụng vụ cho phù hợp hơn với các tập tục và thói quen Việt Nam như bỏ hôn bàn thờ và Sách lễ, và thế lại bằng cách xá, hoặc thay thế giang tay bằng cử điệu chắp tay. (còn cần nghiên cứu thêm)[34].
2) Đưa vào thực hành: (1) ngắm đứng/dâng hạt trong Mùa Chay và Tuần Thánh; (2) thờ kính ông bà, tổ tiên qua việc thiết lập bàn thờ gia tiên + đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ + ngày giỗ + lễ gia tiên trước bàn thờ + vái lạy trước thi hài người quá cố[35] + cầu cho ông bà tổ tiên trong Kinh nguyện Thánh Thể[36] + kính nhớ ông bà tổ tiên trong bài lễ Mùng 2 Tết; (3) “cúi mình” thay cho “bái gối”; (4) có thể hoặc dùng “bình hương” hoặc “xông hương”, hoặc dùng “lư hương” và “dâng hương”; cử chỉ chúc bình an[37]; (5) đưa vào trong Sách Lễ Rôma các bài lễ theo truyền thống dân tộc và các làn điệu dân tộc vào thánh ca phụng vụ.
Tuy nhiên, theo HĐGM/VN: “Đi tìm sắc thái văn hóa dân tộc không có nghĩa đơn thuần lấy lại những cái cổ xưa, nhưng làm sao cho tính cách dân tộc được diễn tả trong lời kinh tiếng hát, trong cử hành phụng vụ, trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong suy tư và ngôn ngữ thần học. Công việc này cũng phải được thực hiện trong các dân tộc ít người nữa, sao cho các dân tộc đều giữ được bản sắc của mình trong Hội Thánh”[38]. Còn Đức Hồng Y Sarah cho rằng hội nhập văn hóa không thiết yếu thành tựu trong việc dùng những ngôn ngữ địa phương, khí cụ và âm nhạc [riêng] trong phụng vụ và bí tích. Hội nhập văn hóa không phải là một yêu cầu hay đòi hỏi một pháp lý chính thức để Châu Phi hóa, Châu Mỹ La tinh hóa hay Châu Á hóa thay vào Tây phương hóa của Kitô giáo. [...] Hội nhập văn hóa là Chúa xuống thế vào trong cuộc sống, trong những hành động luân lý, trong văn hóa và phong tục con người để giải thoát họ khỏi tội và dẫn đưa họ đến sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng có nhiều tội lỗi cá nhân và tập thể trong cộng đoàn Giáo hội hay xã hội, thì càng có ít khoảng trống dành cho sự hội nhập văn hóa. Ngược lại, một cộng đoàn Kitô càng tỏa sáng sự thánh thiện và giá trị Tin Mừng, thì càng có nhiều cơ hội hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô. Phụng vụ là chỗ văn hóa địa phương được rửa tội, được nâng lên đến thực tại thiêng liêng[39]. Những lời này quả là đang thách đố chúng ta trong việc thực thi Hiến chế Phụng Vụ Thánh cách đúng đắn và hoàn hảo hơn.
Trong sứ điệp ngày dành cho buổi thuyết trình kỷ niệm 50 năm Hiến chế Phụng Vụ Thánh (18/02/2014), Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng việc kỷ niệm này phải thúc đẩy chúng ta “sống lại sự dấn thân chấp nhận và thực thi giáo huấn của Hiến chế trong một sự hoàn chỉnh.” Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng nhiều công việc còn chưa được làm để khai triển Hiến chế Phụng Vụ Thánh nhằm đạt được “một sự thực thi đúng đắn và hoàn chỉnh Hiến chế về phụng vụ thánh.”
Trong chiều hướng đó, thay cho lời kết luận cũng như để thực hiện theo nhận định và mong ước của Đức Thánh Cha cũng là mong ước của mọi người, thiết tưởng rằng chúng ta cần:
- Sớm hoàn thành bản dịch toàn bộ cuốn Thánh Kinh làm cơ sở để hoàn thành và phát hành tất cả những sách/văn bản phụng vụ cần thiết và quan trọng khác, đặc biệt là Sách lễ Rôma (2022); Sách Các Phép (1984); Sách Lễ Nghi Giám Mục (1984); bộ Sách Bài Đọc dùng trong Thánh Lễ.
- Các thành phần dân Chúa đón nhận bản dịch phụng vụ chính thức với lòng khiêm tốn, với thiện ý xây dựng, và những người làm công tác chuyên môn cũng sẵn sàng đón nhận những góp ý với tinh thần như vậy.
- Có thêm những nghiên cứu, suy tư, thảo luận, thử nghiệm trong lãnh vực hội nhập văn hóa vào phụng vụ để cử hành phụng vụ tại Việt Nam mang đậm nét hơn nữa bản sắc truyền thống và văn hóa dân tộc.
- Coi trọng và tiếp tục đẩy mạnh việc huấn luyện phụng vụ cho dân Chúa qua nhiều hình thức: “đào tạo cho phụng vụ và đào tạo qua phụng vụ” (Tông thư “Thầy Những Khát Khao” [Desiderio Desideravi], số 34, 40); “chương trình thường huấn, đào tạo trường kỳ” (Ibid., số 38) để mỗi tín hữu có thể khôi phục và gia tăng khả năng hiểu/đọc được các biểu tượng/ngôn ngữ biểu tượng của phụng vụ, hiểu được bản văn kinh nguyện, tính cách năng động và ý nghĩa nhân học của các nghi lễ” (Ibid., số 35, 44-47), khám phá kho tàng phong phú chứa đựng trong phụng vụ (PV 19), cũng như tham dự vào hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động (PV 14, 48)[40].
Đến nay, sau 60 năm ban hành, vẫn còn nhiều tín hữu chưa đọc, chưa quan tâm đủ đến Hiến chế Phụng Vụ Thánh. Vì thế, việc thực thi Hiến chế Phụng Vụ Thánh tại Việt Nam cách đúng đắn và hoàn chỉnh vẫn là con đường dài ở phía trước.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 135 (Tháng 5 & 6 năm 2023)
[1] Hermann J. Pottmeyer, Towards a Papacy in Communion: Perspectives from Vatican Councils I & II (New York: Crossroad, 1998), 110.
[2] A. Bugini, “Kỷ Niệm 10 Năm Công Bố Hiến Chế Về Phụng Vụ,” Notitiae, số 88 (12/1973), trong Phụng Vụ, số 21 (04/1974): 37-42; Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Inuente (06/01/2001), số 57.
[3] Gioan Phaolô II, Tông Thư Spiritus et Sponsa, số 2.
[4] Robert Sarah, “Hướng Về Một Thực Thi Đúng Đắn Sacrosanctum Concilium” (05/07/2016).
[5] X. Georges Martimort, “Bản Tổng Kết Việc Canh Tân Phụng Vụ Từ Sau Công Đồng Vaticanô II” trong Phụng Vụ, số 14 (02/1973): 32.
[6] Robert Sarah, “Hướng Về Một Thực Thi Đúng Đắn Sacrosanctum Concilium” (05/07/2016).
[7] Bản Tường trình của Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam gởi Tòa Thánh, X. Notitiae 4 (1968): 265-266, http://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai- viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx.
[8] X. Thân Văn Tường, “Phụng Vụ Trên Đường Cải Tổ,” trong Phụng Vụ, số 21 (04/1974): 69.
[9] X. Anscar J. Chupungco, “The Constitution on the Liturgy and the Future of Inculturation” trong Scientia Liturgia, 7; Keith F. Pecklers, S.J., “Vatican II and the Liturgical Renewal: An Unfinished Agenda,” https://www.academia. edu/8825857/VATICAN_II_and_the_Liturgical_Renewal_An_Unfinished_ Agenda.
[10] Tự sắc Ecclesiae sanctae 1, 41 §1, AAS 58 (06/08/1966): 757-787.
[11] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 32.
[12] Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - chủ tịch UBPT trực thuộc HĐGM.VN - cho biết: theo hướng dẫn của Tự sắc Magnum Prlnclplum và các quy định hiện hành, Bộ Phụng tự buộc các bản văn phụng vụ phải được trích dẫn từ bản văn Kinh Thánh chính thức đã được Hội đồng Giám mục (Việt Nam) chuẩn nhận, vì thế tiến trình ban hành các bản văn phụng vụ phải chờ bản dịch chính thức của Ủy ban Kinh Thánh - HĐGM Việt Nam.” (13/02/2023), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-phung-tu-hop-truc-tuyen-50291
[13] Paul Turner, At the Supper of the Lamb: A Pastoral and Theological Commentary on the Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 26.
[14] Monique Brulin, “Services et ministères dans l'assemblée” trong Joseph Gelineau, Dans vos assemblées, vol. II (Desclée, 1989), 339.
[15] X. Ngô Minh, SJ, “Giáo dân với các thừa tác vụ,” Hợp Tuyển Thần Học, số 34, năm thứ XII (2002): 47.
[16] X. Tông Huấn Familiaris consortio, số 66; Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình, Chuẩn bị Bí tích Hôn nhân, số 47, 68.
[17] Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (New Jersey: Paulist Press, 1999), 58.
[18] X. “De homilia” trong Notitiae 19 (1983): 834.
[19] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Sắc lệnh “Homiletic Directory” [Prot. N. 531/14] (29/06/2014), số 26, https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/ccdds/documents/rc_con_ccdds_doc_20140629_direttorio-omiletico_en.html.
[20] X. Anscar J. Chupungco, OSB, Phụng Vụ là gì? dg. Nguyễn Thế Lân (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2019), 326-327.
[21] Theo Jungmann, PV 50 là số quan trọng nhất của Hiến chế Phụng Vụ Thánh, trích trong “Sacrosanctum concilium and the Reform of the Ordo Missae” by Alcuin Reid, Antiphon 10. 3 (2006): 283.
[22] Bugnini & Braga, The Commentary and the Instruction on the Sacred Liturgy, trans. Vincent P. Mallon, First edition [January 1, 1965] (New York: Benziger Brothers, 1965), 100.
[23] Catherine Pickstock, After Writing: On the Liturgical Consummation of Philosophy (Oxford: Blackwell Publishers Inc., 1998), 176.
[24] Piô X, Tra le sollecitudini (22/11/1930).
[25] Piô XII, Mediator Dei (20/11/1947), số 171.
[26] Robert Sarah, “Hướng Về Một Thực Thi Đúng Đắn Sacrosanctum Concilium” (05/07/2016).
[27] Massimo Faggioli, True Reform: Liturgy and Ecclesiology in Sacrosanctum Concilium (Collegeville: Pueblo Books/Liturgical Press, 2012), 60.
[28] Frederic McManus, Liturgical Participation: An Ongoing Assessment (Collegeville: Liturgical Press, 1988), 11.
[29] Dies Domini, số 69, 70-73; X. QCSL 140; Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Bí tích Thánh Thể phải đưa chúng ta tới cuộc sống bác ái quảng đại và tha thứ” ngày 12/02/2014, http://www.vietcatholic.net/News/html/121564.htm.
[30] X. Thư mục vụ của HĐGM/VN, năm 2001, số 21, http://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx.
[31] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Huấn Thị Số 4: Về Việc Áp Dụng Đúng Đắn Hiến Chế Phụng Vụ Của Công Đồng Vatican II (25/01/1994).
[32] Giuse Nguyễn, “Vấn Đề Hội Nhập Văn Hóa,” Hiệp Thông, số 71 (Tháng 07 & 08 năm 2012), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/van-de-hoi-nhap-van- hoa-41545.
[33] Phaolô Nguyễn Văn Bình, “Ban phép cho thí nghiệm một lần Thánh lễ và Thánh ca độc đáo Việt Nam tại Nhà thờ Tân Chí Linh,” trong Phụng Vụ 24 (1974): 8-9.
[34] “Phụng Tự Tại Việt Nam Trong 50 Năm Qua” [1960-2010] (19/11/2010), https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam- qua-1960-2010-2-19025.
[35] Thông cáo của các giám mục tại Miền Nam Việt Nam ngày 14/11/1974.
[36] “… đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và thân bằng quyến thuộc chúng con.”.
[37] Thông cáo của Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (01/01/1992), số 4.
[38] Hội đồng Giám mục Việt Nam, “Thư Mục Vụ” (19/10/1992).
[39] X. Robert Sarah, “Hướng Về Một Thực Thi Đúng Đắn Sacrosanctum Concilium” (05/07/2016).
[40] Nhìn vào thực trạng Giáo hội Việt Nam, con số người giáo dân tham dự việc cử hành các bí tích thật đáng ngưỡng mộ, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nảy sinh những vấn nạn mục vụ đáng suy nghĩ. Phải huấn giáo như thế nào để người giáo dân đi dâng lễ không còn cảnh chen chúc đứng ngoài nhà thờ? Không còn chen lấn xưng tội trong Mùa Phục sinh và Giáng sinh coi đó như một nghĩa vụ cần phải chu toàn cho xong? Không còn nhìn bí tích hôn nhân như một nghi lễ được thêm vào để phục vụ cho lợi ích cá nhân?...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn