TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ảnh hưởng của Phương tiện truyền thông

Thứ sáu - 28/05/2021 21:57 | Tác giả bài viết: Nữ tu Ngọc Lan, fmm |   1284
Ảnh hưởng của Phương tiện truyền thông

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN LOẠI HÔM NAY

(Xem http://hdgmvietnam.oOrgNews.aspx?Type=24&Act=Detail&ID=347&CateID=65)

Dẫn nhập

Trong số những thành tựu quan trọng nhất mà loài người đạt được trong thời gian gần đây, những phát triển nhảy vọt của các kỹ thuật truyền thông là một hiện tượng gây kinh ngạc và có những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Bên cạnh sự cải tiến không ngừng về tốc độ, dung lượng và tính đa dạng, các phương tiện truyền thông tăng nhanh khả năng chuyển tải lẫn chất lượng kỹ thuật của chúng. Những thay đổi ấy làm cho các phương tiện truyền thông có khả năng lan xa và thấm sâu, làm thay đổi cả bản chất của xã hội cũng như đời sống tâm lý, các chuẩn mực văn hóa và những thói quen của con người.

Trong sứ điệp gởi cho toàn thế giới nhân ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43, với chủ đề được chọn là “Các kỹ thuật công nghệ mới, các tương quan mới - Khuyến khích một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại, tình bạn”, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến tiềm năng phi thường của những phương tiện mới này khi chúng có thể được sử dụng để tạo điều kiện thúc đẩy sự hiểu biết và tình liên đới của con người: “Những công nghệ kỹ thuật như thế là một ân huệ đích thực cho nhân loại: bởi thế, chúng ta phải làm sao để những thuận lợi mà chúng mang lại được phục vụ hết thảy mọi người và mọi cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo túng và những người dễ bị thương tổn nhất.”

Tuy nhiên có thể nói rằng hiện nay rất nhiều phương tiện truyền thông mới mẻ đang len lỏi khắp nơi và trong lúc đem lại cho con người những cơ hội để có một cuộc sống tốt hơn, chúng cũng đặt ra rất nhiều thách đố cho con người. Những khoảng cách về không gian và thời gian đang bị thu hẹp và trở nên tương đối. Một thế giới ảo đầy hấp dẫn đang mở rộng và đan xen với thế giới thực, gây nên những ảo tưởng dẫn đến nhiều đổ vỡ và các vấn đề chưa từng có trước đây. Các mối giao tiếp giữa con người với nhau và những vấn đề liên quan đến tình bạn, tình yêu hay các quan hệ xã hội thời hiện tại đều có nhiều gắn kết với các phương tiện truyền thông hiện đại, khiến chúng trở thành một loại kỹ thuật công nghệ có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ khi loài người xuất hiện. Thế nhưng kỹ thuật công nghệ không hoàn toàn tốt mà cũng không hoàn toàn xấu, vì nó hoàn toàn tùy thuộc vào cách sử dụng của con người. Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43 có nói: “Nếu các công nghệ kỹ thuật mới phải phục vụ cho thiện ích của các cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng chúng phải tránh sự chia sẻ những lời nói và hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và như thế loại trừ những gì đang nuôi dưỡng lòng hận thù và sự bất bao dung, những gì làm giảm giá vẻ đẹp và sự sâu kín của giới tính con người, những gì khai thác những người yếu đuối và những người dễ bị thương tổn.” Thomas L. Friedman, tác giả quyển sách Thế Giới Phẳng (2006) đã nhấn mạnh đặc biệt vai trò của các phương tiện truyền thông như một trong những yếu tố căn bản nhất góp phần làm cho thế giới trở nên "phẳng" thông qua các loại tín hiệu kỹ thuật số, các chương trình Internet, điện thoại di động với nhiều chức năng mới, và nhiều hình thức lưu trữ, chuyển tải thông tin khác. Đàng khác, cuộc sống con người đang bị phụ thuộc vào chúng ngày càng nhiều hơn, và nhiều lãnh vực của đời sống như phẩm giá con người và các giá trị của cuộc sống đang có nguy cơ bị “biến chất” trầm trọng. Trong bài này, chúng ta cùng xem xét một số ảnh hưởng đáng lưu ý của các phương tiện truyền thông trong đời sống con người hôm nay.

1. Thế Giới Số và Ảo - Một Không Gian Mới không có Biên Giới

Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43 cho thấy khả năng “xóa biên giới” của truyền thông hiện nay: “Sự dễ dàng tiếp cận với điện thoại di động và máy vi tính, được nối kết ở tầm mức thế giới và sự thâm nhập của Internet, đã tạo nên rất nhiều phương tiện gởi đi cách chớp nhoáng những ngôn ngữ và hình ảnh đến những nơi xa và cô lập nhất của thế giới: một khả năng không thể hiểu được đối với các thế hệ đi trước.” Nhờ có các thiết bị truyền thông di động (mobile communication), con người dù đang ở bất cứ đâu cũng có thể liên lạc giao tiếp với những anh chị em thuộc các phần khác của thế giới cách dễ dàng nhanh chóng. Nhưng các thiết bị ấy cũng dần dần có xu hướng chi phối luôn cả bản thân lẫn thói quen sinh hoạt của những người sử dụng. Đó không chỉ là những thiết bị liên lạc mà còn là phương tiện giúp quản lý cuộc sống, học tập, trao đổi kiến thức, kinh doanh thương mại, vui chơi giải trí và ngày càng có thêm nhiều chức năng khác nữa. Có thể nói cách khác là lần đầu tiên trong lịch sử, loài người đã phát minh ra thứ công nghệ mới có khả năng cầm giữ chính họ, với những thiết bị đã khiến cho họ không thể rời xa hoặc thiếu nó nữa. Hãy thử tưởng tượng xem nếu chỉ một ngày không có tất cả các thiết bị này thì thế giới chúng ta sẽ hỗn loạn ra sao! Các phương tiện truyền thông đang gây ảnh hưởng lớn lao và khuynh đảo cuộc sống khiến cho toàn nhân loại phải lo lắng đến một tương lai nơi con người có nguy cơ trở thành nạn nhân của máy móc và kỹ thuật nếu không ý thức về khả năng tự do phán đoán và chọn lựa điều tốt hơn của mình.

Riêng mạng Internet – hay loại phương tiện truyền thông đa phương tiện – ngoài vô số thông tin giá trị và hữu ích thì còn có khả năng làm cho các khái niệm về không gian và thời gian trở nên tương đối, khiến nhiều người ngày càng xa rời thực tại. Những ví dụ diễn ra khắp nơi cho chúng ta thấy rằng Internet đang có một tác động vô cùng lớn lao trên đời sống con người, kể cả biến những điều có thật thành ảo và ngược lại. Nhiều người đang để cho mình bị bệnh “nghiền mạng” hành hạ, họ dành rất nhiều thời gian cho “chat” (tán gẫu trên mạng), cho “game on-line” (các loại trò chơi trên mạng), cho các “mối tình ảo”, các chương trình quảng cáo, giải trí “rẻ tiền” và nhiều loại thông tin “lá cải”, đó là chưa kể đến các nạn nhân của những trò gian lận, lừa đảo trên mạng, cờ bạc trên mạng, các chương trình khiêu dâm và bạo lực, thư nặc danh… Các phương tiện thông tin cũ chỉ nhằm xóa bỏ biên giới chính trị và thực hiện một sự hòa nhập tốt đẹp hơn. Nhưng với Internet, dự án không dám nói ra của việc xóa bỏ biên giới về văn hóa nhằm thống nhất cách suy nghĩ, hành xử và làm việc là một mục tiêu xem ra tốt đẹp, nhưng thực ra lại làm cho các nền văn hóa thống trị chi phối và lấn lướt toàn bộ thế giới. Các nền văn hóa yếu hơn sẽ không phải là “được hòa nhập” mà là “bị đồng hóa” trong một tiến trình “toàn cầu hóa mới”. Và điều đáng nói hơn cả, đó là một khuynh hướng không thể đảo ngược mà mọi người chỉ có thể tìm cách giảm thiểu mức độ tiến triển của nó.

Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống truyền thông hôm nay khiến cho nhiều người trở nên ích kỷ hơn, chỉ lo thụ hưởng, chỉ quan tâm đến bản thân mình và xa rời những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, họ tầm thường hóa cả quan niệm về tình yêu và những kinh nghiệm tốt đẹp về tình bạn. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cảnh báo và chỉ rõ ra điều này: “Thật đáng buồn biết bao nếu ước muốn nâng đỡ và phát triển tình bạn on-line (qua internet) của chúng ta được thể hiện với giá phải hy sinh sự sẵn sàng của chúng ta cho gia đình, cho bà con thân thuộc của chúng ta và cho những người mà chúng ta gặp gỡ trong thực tế của đời thường, nơi làm việc của chúng ta, ở trường học, trong thời gian rảnh rỗi. Quả thế, khi ước muốn kết nối ảo trở nên ám ảnh, thì hậu quả là người ấy tự tách mình, cắt đứt một mối tương tác xã hội thực sự. Thậm chí điều đó cuối cùng phải làm xáo trộn thời gian nghỉ ngơi, thinh lặng và suy nghĩ cần thiết cho một sự phát triển nhân bản lành mạnh.” Thiết nghĩ các thành tựu của công nghệ kỹ thuật luôn mang tính chất trung tính, chính cách thức con người sử dụng các thành tựu này sẽ quyết định hiệu quả và ảnh hưởng của chúng đối với bản thân mình. Những người trẻ hôm nay là cư dân thường xuyên của hệ thống mạng, họ cần được hướng dẫn và khích lệ để tránh khỏi những ảnh hưởng nguy hại của nó. Và như thế, các vị lãnh đạo cũng như mọi thành phần khác nhau trong Giáo Hội cần tìm hiểu, nắm bắt vấn đề, học hỏi đào sâu lời của Vị Cha chung để biết cách hướng dẫn giới trẻ trong lãnh vực đầy phức tạp này.

2. Các Mạng Lưới Truyền Thông Mới và Khoảng Cách Số trong Xã Hội

Với những ứng dụng kỹ thuật mới mẻ hiện nay, mạng Internet đang hội tụ và thay thế cho tất cả các phương tiện truyền thông khác. Người ta có thể vào mạng để trao đổi với những người cách xa mình cả nửa vòng trái đất, để gọi điện thoại rất ít tốn kém mà thấy được người nghe, để có thể đọc các loại sách báo, để nghe nhạc hoặc các chương trình phát thanh, để xem phim hoặc các chương trình truyền hình của mọi kênh trên toàn thế giới, hay để thực hiện các loại giao dịch và tra cứu, cập nhật mọi loại thông tin mới mẻ nhất… Khi vào mạng, chỉ một cú “click mouse” (nhấp con chuột) là người ta có thể “surf” (lướt) qua nhiều trang thông tin khác nhau. Mạng còn được sử dụng cho các cuộc Hội nghị liên lục địa, các Dự án chung điều hành qua mạng, và các chương trình học từ xa (e-learning) ở mọi cấp. Sau khi đăng ký và đóng tiền qua mạng (nếu cần), chúng ta có thể trở thành thành viên chính thức và tham gia vào mọi hoạt động của tổ chức cách dễ dàng mà không cần bước ra khỏi nhà. Mạng cũng là kho lưu trữ các hệ thống kiến thức của cả nhân loại. Do đó mạng trở thành một công cụ tuyệt vời của truyền thông, trợ giúp đắc lực cho các hoạt động giao tiếp và giáo dục, phổ biến kiến thức và thông tin, nối kết và chia sẻ, công tác xã hội và rất nhiều các hoạt động công ích khác.

Trên thế giới hôm nay đang xuất hiện rất nhiều những mạng lưới kỹ thuật số mới tìm cách khích lệ sự liên đới của con người, hòa bình và công lý, nhân quyền và lòng tôn trọng đối với sự sống và thiện ích của công trình tạo dựng. Các mạng lưới truyền thông này cộng góp khả năng và những thao thức tốt đẹp của những người thiện chí nhằm làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Trong sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận định: “Những mạng lưới này có thể tạo điều kiện dễ dàng cho những hình thức hợp tác giữa các dân tộc có bối cảnh địa lý và văn hóa khác nhau, bằng cách cho phép họ đào sâu nhân tính chung của mình và ý nghĩa của sự đồng trách nhiệm đối với thiện ích của hết thảy mọi người.” Tuy nhiên, Ngài cũng nhắc nhở mọi người cần phải lưu tâm làm sao để thế giới kỹ thuật số, nơi mà những mạng lưới như thế có thể được thiết lập, trở nên một thế giới mà mọi người thực sự có thể tiếp cận và được hưởng lợi từ nó. Điều này không dễ dàng chút nào khi con người chưa biết mở lòng ra với nhau và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Nhìn vào thực tế trên quê hương Việt Nam chúng ta, “khoảng cách số” rất lớn lao vẫn đang tồn tại trong xã hội hiện nay do những khác biệt về mức sống, tuổi tác, giới tính và các khả năng tiếp cận với các phương tiện truyền thông mới của mỗi người. Đó là khoảng cách vô hình giữa những người giàu thông tin và những người nghèo thông tin, khoảng cách này làm cho người nghèo càng phải chịu thêm nhiều thiệt thòi và bị lạm dụng. Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 43 khẩn thiết kêu gọi: “Thật là thiệt hại nghiêm trọng cho tương lai nhân loại, nếu các phương tiện truyền thông mới cho phép chia sẻ sự hiểu biết và thông tin cách nhanh chóng và hiệu quả, lại không có thể tiếp cận đối với những người mà, về mặt kinh tế và xã hội, đã bị đẩy ra bên lề xã hội rồi hay nếu chúng chỉ đóng góp đào sâu thêm khoảng cách mà tách rời những người nghèo khỏi những mạng lưới mới được phát triển nhằm phục vụ thông tin và xã hội hóa con người.”

Lá thư Mục tử của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn gởi cho toàn Giáo phận TP. Hồ Chí Minh nhân ngày Quốc tế Truyền thông 24-5-2009 cũng có nhắc đến việc thành lập Ban Mục Vụ Truyền thông và kêu gọi sự liên đới của mọi thành phần dân Chúa trong việc tham gia vào truyền thông, nhờ đó bản thân của các tín hữu cũng được trở nên phong phú hơn nhờ được thông truyền tri thức, tình yêu và sự sống mỗi ngày một nhiều hơn từ Thiên Chúa và mọi người trên hoàn cầu. Đây phải là nỗ lực xóa đi khoảng cách và sự loại trừ trong lãnh vực truyền thông giữa con người với nhau, nhất là thông truyền những thứ thông tin giúp cho đời sống anh chị em mình được thay đổi, thăng tiến, vui tươi hạnh phúc hơn. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng khích lệ các bạn trẻ Công giáo mang đến cho thế giới kỹ thuật số chứng tá đức tin của mình, bằng cách dấn thân đưa vào nền văn hóa của lãnh vực truyền thông mới mẻ này những giá trị của Tin Mừng. Vì thế, việc cổ võ cho các mạng lưới truyền thông lành mạnh và góp phần xóa đi những “khoảng cách số” giữa người với người phải là bổn phận và trách nhiệm của mọi Kitô hữu, khi họ theo gương Đức Giêsu Kitô cộng tác với những người thiện chí xây dựng Nước Trời giữa lòng thế giới hôm nay, và mạnh mẽ rao truyền các giá trị Tin Mừng - trước tiên qua chứng tá đời sống.

3. Những thay đổi trong tâm lý con người do tác động của truyền thông

Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số hôm nay mở ra nhiều loại hoạt động hấp dẫn, cuốn hút giới trẻ hơn bao giờ hết, và tạo ra nơi họ hàng loại những nhu cầu mới mà các thế hệ trước đây không tưởng tượng nổi. Các loại điện thoại di động ngày càng đa dạng, đa chức năng, với các dịch vụ như ghi âm, chụp hình, nối mạng, gắn nhạc chuông và hình nền đủ loại, tán gẫu và gởi tin nhắn, nghe nhạc và xem phim… Chúng đang trở thành “mốt” không thể thiếu của những người có lắm tiền, kẻ nghèo hơn cũng dễ dàng “tậu” một “chú dế” loại “second-hand”. Khi có chiếc “di động” rồi thì các nhu cầu bên lề khác sẽ nảy sinh, như tìm bạn bốn phương, trắc nghiệm cuộc sống, xem giá cả mua sắm, thị trường chứng khoán, nạp các loại game, thậm chí cá độ hoặc cờ bạc và các dịch vụ giải trí khác nữa... Nhiều người cảm thấy hãnh diện và tự tin hơn, có khả năng thể hiện tính cách riêng của mình và được… “coi trọng hơn” nhờ có chiếc “di động”. Họ có thể liên lạc nhanh chóng và tiện lợi hơn, có cuộc sống dễ dàng hơn, nhưng đàng khác họ như bị lệ thuộc vào nó, và có thể bị quấy rầy vào bất kỳ thời điểm nào. Những nhu cầu mới đó cứ gia tăng liên tục, có khả năng làm cho nhiều người không bao giờ bằng lòng với những gì mình có, mà luôn muốn “nâng cấp” hoặc “lên đời” không ngừng.

Xếp hàng ngay sau điện thoại di động là sự thu hút của mạng Internet. Đủ loại trang web mọc lên như nấm, có giao diện được thiết kế bằng nhiều hình ảnh động với màu sắc hấp dẫn, bắt mắt. Các dịch vụ quảng cáo và khuyến mãi trực tuyến không ngừng mời chào, và người ta có thể mua bất cứ thứ gì qua mạng, kể cả những thứ đồ cổ quí hiếm, các loại hàng “độc” có xuất xứ từ những nơi nổi tiếng, cho đến những món hàng “hi-tech” (công nghệ cao) mới vừa ra lò. Nhiều trang web có khả năng tương tác cao, cho phép người sử dụng tham gia đóng góp ý kiến của mình vào các diễn đàn mở. Họ có thể tự do bày tỏ cảm nghĩ hoặc phê phán chỉ trích thoải mái, và nếu cần có thể chất vấn lại chính tác giả. Họ có quyền và có cơ hội nói những tâm tư, ước muốn, bức xúc và mọi ý tưởng của mình, cho dù đó là ý tưởng ngược đời đến đâu đi nữa… Và nhiều khi những ý kiến thiểu số lại có thể thắng thế trong các diễn đàn chung, vì có cơ hội được nói ra để mọi người ủng hộ. Việc sở hữu những địa chỉ email, tạo blog hoặc tham gia vào các nhóm bạn trên mạng cũng đang đáp ứng cho nhu cầu sống dân chủ, thể hiện bản thân, có khoảng không gian riêng tư và không bị kiểm soát của con người.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí qua truyền hình, hệ thống truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số đã khá phổ biến tại Việt Nam, cho phép người xem chọn rất nhiều kênh khác nhau với đủ loại chương trình tin tức thời sự, tài liệu và phim ảnh. Có rất nhiều “trò chơi trí tuệ” trên ti-vi, rất hấp dẫn giới trẻ, ngay cả các sinh viên học sinh, với những món tiền thưởng hậu hĩnh và cơ hội thể hiện chính mình! Các chương trình chiếu phim đủ loại, từ các phim Hàn Quốc nhiều tập cho đến các loại phim bạo lực và nóng bỏng của Mỹ, Úc, và cả các nước Tây Âu... Nhiều chương trình kịch ngắn, thể thao, văn hóa, ca nhạc thiếu nhi cũng được nâng cao chất lượng hơn và có nhiều người ưa thích. Người ta cũng có thể xem các chương trình truyền hình hoặc nghe phát thanh và đọc các loại sách báo qua hệ thống Internet. Và như thế, báo điện tử đang có khuynh hướng “lấn sân” của các loại báo viết.

Với những phát triển quá nhanh của công nghệ kỹ thuật số như thế, những nhu cầu của con người hôm nay khác trước rất xa, nhiều người không hiểu nổi tại sao giới trẻ hiện nay lại có nhu cầu giam mình suốt ngày trong phòng chỉ với chiếc máy vi tính nối mạng Internet. Với khả năng kết nối không dây của laptop (máy tính xách tay), nhiều người đã mất hẳn không gian riêng tư cho việc nghỉ ngơi, giải trí, vì họ có thể làm việc tại bất kỳ nơi nào và những áp lực của công việc thì không bao giờ hết. Quả thế, truyền thông xã hội hôm nay đang ảnh hưởng thực sự mạnh mẽ đến giới trẻ, hình thành nơi họ những thói quen và những khuôn mẫu mới trong cách sống, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhận định: “Các công nghệ kỹ thuật số mới quyết định những thay đổi căn bản nơi các khuôn mẫu giao tiếp và nơi các tương quan nhân loại. Những thay đổi này đặc biệt rõ ràng nơi giới trẻ mà sự trưởng thành của họ liên hệ chặt chẽ với những công nghệ kỹ thuật truyền thông này. Bởi thế, họ cảm thấy thoải mái trong thế giới kỹ thuật số mà, trái lại, thường dường như xa lạ với một số người trong chúng ta”.

Sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số đã biến thế giới hiện nay thành một thế giới điện tử, với các loại email (thư điện tử), e-book (sách điện tử), e-learning (học qua mạng), e-business (thương mại điện tử), e-marketing (tiếp thị điện tử)… dẫn đến nhiều thay đổi trong các tương giao và hoạt động xã hội. Nhờ có các phương tiện truyền thông mới, hàng loạt các dịch vụ trở nên thuận tiện vì người ta có thể đăng ký học, xin việc, giao dịch, mua vé máy bay hoặc tàu xe cũng như thực hiện các dịch vụ khác nhau qua mạng. Các trang web có thể giúp đào tạo nhân sự, điều phối công việc, chia sẻ kiến thức và cho phép những hình thức hỗ trợ khác đối với mọi trách vụ. Một lối sống mới hình thành, trong đó những người sử dụng không gian số ảo trở nên mạnh dạn và tự tin hơn trong các giao tiếp của mình, thậm chí có khi trở thành “suồng sã”, thiếu tôn trọng nhau. Một điều rõ ràng là việc liên lạc qua máy móc không thể thay thế hoàn toàn cho những giao tiếp liên vị giữa các cá nhân trong gia đình và cộng đồng. Nhiều gia đình đang tan Vỡ vì giữa cha mẹ và con cái chỉ liên hệ qua điện thoại hay chat mà không có giờ thăm hỏi, gặp gỡ trực tiếp. Hiện tượng “di cư trí thức” và “làm việc từ xa” trên thế giới đang ngày càng trở nên phổ biến khi không gian và thời gian thu hẹp, các nước giàu tìm nhiều phương cách “thu hút chất xám” để thủ lợi cho mình, vì người ta có thể ngồi ở nhà nhưng lại đang làm việc hoặc điều hành qua mạng một công trình ở tại một nước khác xa nhà. Vấn đề giữ bản quyền, kiểm duyệt nội dung thông tin, bảo vệ người trẻ khỏi những cạm bẫy, ngăn chặn và loại trừ những thông tin độc hại đang ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Đó là những vấn đề đầy thách đố mà xã hội chúng ta hiện nay đang phải đối mặt.

Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông 2009 cũng chỉ ra cho chúng ta: “Giới trẻ đã tiếp nhận tiềm năng lớn lao của các phương tiện truyền thông này để tạo điều kiện dễ dàng cho việc kết nối, giao tiếp và hiểu biết giữa các cá nhân và cộng đoàn và sử dụng chúng để giao tiếp với bạn bè, để gặp gỡ những người bạn mới, để tạo nên những cộng đồng và những mạng lưới, để tìm kiếm thông tin và tin tức, để chia sẻ tư tưởng và ý kiến của mình”. Tuy nhiên nhiều người không hiểu nổi những ngôn ngữ mới của người trẻ hôm nay, đặc biệt là loại ngôn ngữ được sử dụng qua điện thoại di động và email, mà có người gọi là ngôn ngữ mạng của tuổi “teen” hay “thế hệ 9x” (sinh ra trong thập niên 90’). Một dòng tâm sự trên mạng có nội dung thế này: “lâu gòi chạ pùn vít ví chạ bit nên vit gì, mún nói nhìu chuyện woá mà kái gì cũg thay đỗi hết gòi…” và dịch ra là: “lâu rồi chả buồn viết vì chả biết nên viết gì, muốn nói nhiều chuyện quá mà cái gì cũng thay đổi hết rồi...”, người lớn đọc khó mà hiểu nổi! Khi nhắn tin cho nhau các em học sinh cũng dùng kiểu viết như vậy. Chẳng hạn một em nhắn tin cho bạn qua di động: “Tau pun ngu we” (Tao buồn ngủ quá), tin nhắn trả lời rằng: “Bit oj, mey mep nhu heo hem bik seo pun ngu wei zj?” (Biết rồi, mày mập như heo không biết sao buồn ngủ hoài vậy). Nhiều bạn trẻ còn trộn lẫn tiếng Việt với các ngoại ngữ khác, và sử dụng “vô tư” các loại ký hiệu có trên bàn phím để làm thành loại ngôn ngữ giúp họ thoát khỏi mọi kiểm soát ràng buộc của người lớn, để có thể sống tự do theo ý mình. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến, tạo nên nơi người trẻ thói quen sử dụng một thứ ngôn ngữ biến dạng, quái gở, có thể đem lại hậu quả vô cùng tai hại cho ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

Như thế, các phương tiện truyền thông đang tác động mạnh mẽ đến tâm lý con người nhất là những người trẻ, hình thành nên loại ngôn ngữ giao tiếp đặc thù, những lối sống khác xa trước đây và những nhu cầu mới làm cho con người bị lệ thuộc vào nó. Điều đó xem ra thật khó giảm thiểu hoặc khắc phục nếu không có những hiểu biết đúng đắn và những can thiệp triệt để, kịp thời từ nhiều cấp. Những hiện tượng tâm lý mới mẻ này cũng mời gọi nhiều nghiên cứu sâu xa hơn của các nhà chuyên môn, để có thể công bố và gây ý thức cho nhiều người. Những diễn đàn mở cần trao đổi về các hiện tượng này, đặc biệt nên có sự tham gia của giới trẻ để chính các bạn tìm cách gìn giữ và phát huy sự trong sáng tốt đẹp của tiếng việt và các giá trị văn hóa truyền thống trên quê hương.

4. Những vấn đề luân lý trong truyền thông

Luân lý và đạo đức trong truyền thông đang là vấn đề thời sự “nóng bỏng” hiện nay vì mức độ gia tăng những nguy cơ của chúng. Những khối lượng thông tin lớn lao chuyển tải tức thời từng giây phút khiến con người không còn đủ khả năng kiểm soát chúng nữa. Hiện tượng thiếu trung thực, bóp méo sự thật, lèo lái thông tin theo những ý đồ xấu tràn lan khắp nơi. Sự phát tán thông tin cách hỗn độn và sai lệch như thế làm cho nhiều người mất niềm tin vào cả nguồn thông tin đó, dẫn đến hậu quả là những thông tin tốt đẹp cũng có thể bị loại trừ, tẩy chay theo. Những tệ nạn mới nảy sinh như việc lừa đảo, đe dọa qua các phương tiện truyền thông, môi giới mại dâm, buôn người, buôn bán ma túy và hàng lậu, phát tán những hình ảnh khiêu dâm, các trò chơi kích thích bạo lực và những tài liệu đồi trụy không thể kiểm duyệt nội dung hoặc loại thông tin khích bác, bôi nhọ, hạ phẩm giá và uy tín của người khác... đang là nỗi lo của những người có trách nhiệm trong xã hội và Giáo Hội. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội nêu rõ quan điểm về những điều này: “Các phương tiện truyền thông đôi khi được dùng để làm tha hóa con người hay gạt ra ngoài lề rồi cô lập con người; lôi kéo con người vào những cộng đồng băng hoại được tổ chức xoay quanh các giá trị giả dối và phá hoại; cổ vũ sự thù nghịch và xung đột, biến người khác thành ma quỷ, tạo ra một não trạng ‘phe ta’ chống lại ‘phe chúng’; phô diễn những điều hèn hạ, thấp kém bằng sự hào nhoáng, trong khi lại không màng tới hay xem thường những gì cao quý và có giá trị; phổ biến những thông tin sai lạc, thất thiệt, hoặc ủng hộ những gì là xoàng xĩnh, tầm thường”.

Các loại hình tội phạm tin học đang ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Nhiều tay tội phạm công nghệ cao đã đột nhập vào hệ thống máy tính của chính phủ và các Ngân hàng để đánh cắp dữ liệu và thông tin quốc gia, mã số tài khoản, rửa tiền, dùng virut để phá hoại máy tính của người khác, gởi thư rác (spam), tin nhắn trúng thưởng “ma”... Việc vi phạm tác quyền, “đạo văn” (sao chép bất hợp pháp các tài liệu trên mạng của người khác đưa vào bài của mình), quay cóp bài vở nhờ di động… cũng trở nên phổ biến, làm nhiều học sinh - sinh viên ỷ lại, sống thiếu trung thực và chểnh mảng việc học. Nhiều loại “tội phạm ảo” không thể truy nã được đang tung hoành gây ra những thiệt hại rất lớn cho toàn xã hội, như tấn công của các hacker (tin tặc) gieo virus, cài mã độc hại, phá hủy nguồn thông tin, làm hại thanh danh của các trang web tốt, kể cả các loại gián điệp, “mafia” và khủng bố qua mạng nữa. Những vấn đề luân lý đạo đức trên mạng luôn đặt người sử dụng trước những chọn lựa thiết yếu, nhất là những người trẻ, là cư dân thường xuyên của mạng hiện nay. Tài liệu Giáo Hội và Internet của Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội năm 2002 phân tích rõ: “Internet đặt trong tầm với của thanh niên ở vào tuổi rất sớm một khả năng bao la để làm điều tốt cũng như để gây hại, cho chính họ và cho người khác. Nó có thể làm phong phú đời sống họ vượt xa những mơ ước của các thế hệ đi trước và đến lượt lại cho họ khả năng để làm phong phú đời sống của những người khác. Internet cũng có thể nhận chìm họ trong chủ nghĩa tiêu thụ, hoang tưởng dâm đãng và bạo lực, và cô lập về tâm lý”. Vì thế việc trang bị cho người trẻ khả năng biện biệt và cung cấp những hướng dẫn cần thiết cho họ trong lãnh vực này là điều quan trọng mà Giáo Hội Việt Nam phải quan tâm hơn.

Việc người ta có thể giấu kín danh tính thật trên các loại truyền thông đa phương tiện làm cho tình hình ngày càng tồi tệ và khó kiểm soát hơn. Người trẻ dùng nhiều loại ngôn ngữ hạ cấp và độc địa để tấn công những “đấng bậc” mà ngoài đời họ phải kính nể, như thầy cô, cha mẹ hoặc các “xếp” của mình. Nhiều hình thức giải trí không lành mạnh với nguồn gốc không rõ ràng đang lưu hành rộng rãi. Một thực trạng xấu khác đang tồn tại là những gì không được luật pháp hay đạo đức xã hội thừa nhận lại được ngầm phát tán trên các phương tiện truyền thông mới, nhất là Internet, điện thoại di động, các loại thiết bị lưu trữ xử lý dữ liệu gọn nhẹ có dung lượng ngày càng cao như MP3, MP4, USB... Cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân trong xã hội cũng đang chịu sự quấy rầy liên tục của các phương tiện truyền thông và có nhiều kẻ xấu lợi dụng những kênh liên lạc thường xuyên này để điều khiển và xâm phạm đời tư người khác, nhất là những người nổi tiếng... Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và chủ nghĩa hưởng thụ chỉ biết tìm tư lợi đang điều khiển thị hiếu và khả năng nhận định - chọn lựa của nhiều người, khiến họ dễ dàng tương đối hóa tiếng lương tâm và các chuẩn mực đạo đức. Trong Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2009, ĐGH Bênêđictô XVI cảnh báo các tín hữu về điều này: “Chúng ta không để mình bị lừa bịp bởi những người chỉ tìm kiếm những người hưởng thụ trên một thị trường với những cơ may khác nhau, nơi mà sự chọn lựa chính nó trở nên sự thiện hảo, sự mới mẻ được biến đổi thành vẻ đẹp, kinh nghiệm chủ quan gạt bỏ chân lý”.

Các phương tiện truyền thông mới đang mở ra một thế giới đa chiều trong đó các loại thông tin một chiều mang tính áp đặt không còn được chấp nhận nữa. Điều đó gây ra nhiều ảnh hưởng nhất định trên đời sống niềm tin hôm nay. Một số người trẻ đang gặp khủng hoảng niềm tin vì không lý giải được các vấn nạn cuộc sống. Họ lại không muốn rập khuôn theo lối hiểu và cách sống của những người đi trước, nhưng chưa bắt gặp được các mẫu thức mới thuyết phục và phù hợp. Sự nhanh chóng tức thời của thông tin làm họ dần dần xa lạ với những sinh hoạt phụng vụ lâu giờ, có nhịp độ chậm chạp, bị áp đặt và thiếu lôi cuốn. Những phản chứng do sự thiếu nhất quán trong lời nói và hành động của nhiều tín hữu làm họ bị “dội”… Hơn nữa, việc nắm bắt nhiều thông tin không đương nhiên đồng nghĩa với sự gia tăng vốn hiểu biết và các giá trị sống niềm tin. Sự quá tải thông tin có thể làm cho nhiều người trẻ chao đảo, không còn biết đâu là điều quan trọng thực. Người trẻ hôm nay rất cần những người hướng dẫn, những nhà giáo dục có khả năng giúp họ biết phân tích, phê phán, chọn lọc, nhận định và “giải mã” các chương trình truyền thông “khó nuốt” thay vì “tẩy chay” nó. Họ cần được giúp để tìm ra các giá trị hữu ích từ những bài viết, phim ảnh và các website khác nhau thay vì xem chúng cách thụ động và tùy hứng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi Giáo Hội thực hiện một sự tái duyệt về mục vụ và văn hóa để có thể thích ứng được với thời đại, đồng thời mạnh dạn đưa ra thực hiện những điều khả thi để Tin Mừng có thể thấm nhiễm vào xã hội: “Kitô hữu cần chú ý đến nền văn hóa truyền thông họ đang sống để có thể diễn đạt các khía cạnh khác nhau của đức tin: từ Phụng Vụ, là hình thái diễn đạt hoàn bị và căn bản nhất về truyền thông với Thiên Chúa và với tha nhân, đến Giáo Lý, là điều luôn hướng đến con người đắm chìm trong ngôn ngữ và văn hóa thời nay”.

Như thế, trách nhiệm chính yếu về mặt luân lý của tất cả mọi phương tiện truyền thông là xây dựng nền văn hóa sự sống, phục vụ cho nền văn minh tình thương, tôn trọng và làm chứng cho sự thật. Những ai dấn thân hoạt động trong thế giới truyền thông phải dám mạnh dạn lên tiếng cho công lý và hòa bình, giúp anh chị em mình tìm ra ý nghĩa cuộc sống và vun trồng tình liên đới, sống hiệp nhất và biết chia sẻ. Tất cả các nhà truyền thông công giáo cần được đào tạo tốt để hiểu đúng bản chất, các nguyên tắc, việc sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau cách hiệu quả, cũng như tôn trọng và lắng nghe để có thể tiếp cận và chia sẻ các giá trị Tin Mừng cho con người hôm nay. Những người sử dụng các phương tiện truyền thông cũng có trách nhiệm nhận thức về các giá trị và những nguy cơ của truyền thông để chọn lựa các giá trị, chứ không để cho cuộc sống của mình bị giới truyền thông lèo lái. Về phía Giáo Hội cần cung ứng những hướng dẫn luân lý và chuẩn mực đạo đức rõ ràng, những định giá về truyền thông và những thách đố truyền thông đặt ra, cũng như những tác động của truyền thông trên đời sống nhân loại.

Kết luận

Thế giới hôm nay đang bước vào kỷ nguyên truyền thông mới, trong đó nền văn hóa đọc như bị thu hẹp, lùi dần vào quá khứ, còn Internet và các loại thông tin kỹ thuật số đang mở ra tương lai. Các phương tiện truyền thông trực tuyến hiện đại đang tiếp tục thu hút ngày càng nhiều người sử dụng hơn với những tính năng cung cấp thông tin nhanh nhạy, toàn diện và trực tiếp. Điều đó cho thấy khả năng tham gia hoạt động truyền thông nằm trong tầm tay của mỗi người nếu chúng ta thực sự có niềm say mê và mối quan tâm. Bài viết này ước mong góp phần nhỏ bé giúp mọi thành phần trong Giáo Hội ý thức hơn về sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, cũng như xu hướng không thể đảo ngược của những tác động truyền thông đang chi phối đời sống con người. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta biết cẩn trọng suy xét, biện biệt khi sử dụng các phương tiện truyền thông, bởi vì: “…Một cá nhân hôm nay có thể leo cao tới tận đỉnh của thiên tài và đức độ, cũng như có thể ngụp sâu tới tận đáy của sự suy đồi mà chỉ cần ngồi một mình trước bàn phím và màn hình. Công nghệ truyền thông liên tục thực hiện những cuộc đột phá, với tiềm năng khổng lồ - cho cả điều tốt lẫn điều xấu”. Thiết nghĩ trên đây chỉ là một số ảnh hưởng dễ nhìn thấy và đã được đề cập đến khá nhiều. Còn rất nhiều những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực khác đòi hỏi những nghiên cứu toàn diện và sâu sát hơn, để có thể lên kế hoạch hợp tác giữa nhiều thành phần trong Giáo Hội, nhằm tận dụng và phát huy những khả năng lớn lao và ngăn ngừa giảm thiểu những tác hại nghiêm trọng mà các phương tiện truyền thông có thể đem lại cho đời sống con người.

Các Giáo huấn rất phong phú của Giáo Hội luôn mời gọi mỗi tín hữu có sự thận trọng để thấy rõ những hệ quả - tiềm năng của phương tiện truyền thông và đáp trả cách sáng tạo cho những cơ hội và thách đố của nó, biết sống công lý để xóa các khoảng cách số giữa con người, dám dũng cảm để đứng dậy cho sự thật khi đối diện với chủ nghĩa tương đối hóa tôn giáo và luân lý, đứng dậy cho sự xả kỷ và quảng đại khi đối diện với chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân, đứng dậy cho sự đúng đắn khi đối diện với tội lỗi và điều xấu. Và nhất là biết tự chế để luôn có giải pháp kỷ luật tự giác cho các khí cụ kỹ thuật phi thường này, và luôn sử dụng nó cách khôn ngoan cho điều thiện. Tiếp ngay sau Lễ Chúa Thăng Thiên là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong ngành Thần học Truyền thông, Lễ Hiện Xuống được xem là biến cố Thiên Chúa truyền thông chính Ngài cho chúng ta để chúng ta có khả năng truyền thông với Thiên Chúa và với nhau, đồng thời gỡ bỏ mọi chướng ngại trong lãnh vực truyền thông. Biến cố này khai mở lại những “kênh truyền thông” đã bị đóng kín từ biến cố tháp Babel và nối lại tương giao giữa con người với Chúa và với nhau, đồng thời cũng là biến cố khai sinh Giáo Hội như là dấu chỉ và khí cụ truyền thông. Với biến cố Hiện Xuống, việc truyền thông chính mình của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Kitô và chứng tá của các Tông đồ, tiếp tục nối dài trong Giáo Hội nhờ Đấng Bảo Trợ là Thần Khí Chân lý.

Nguyện xin cho những ân ban của Chúa Thánh Thần giúp các Kitô hữu, đặc biệt là các bạn trẻ, mở rộng tầm nhìn về thế giới và con người, thức tỉnh con tim để gia tăng sự nhạy cảm của chúng ta đối với các vấn nạn của nhân loại hôm nay, để chúng ta có thể trở nên những nhà truyền thông theo như mẫu mực truyền thông trọn hảo của Chúa Giêsu. Nhờ đó chúng ta có thể thông truyền tình yêu của Chúa cho con người hôm nay qua chứng tá đời sống niềm tin của mình, như lời vị Cha chung mời gọi: “Tâm hồn con người khát mong một thế giới nơi tình yêu ngự trị, nơi các ân huệ được chia sẻ, nơi sự hiệp nhất được xây dựng, nơi sự tự do tìm thấy ý nghĩa của nó trong chân lý và là nơi mà căn tính của mỗi người được thể hiện trong một sự hiệp thông tôn trọng. Đức tin có thể mang lại một câu trả lời cho những mong đợi này: các con hãy là những sứ giả của nó!” (ĐTC Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2009).

Nữ tu Ngọc Lan, fmm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây