TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cảnh giác với phong trào làm youtube về ẩm thực

Thứ hai - 31/05/2021 21:22 |   850

Cần cảnh giác với phong trào làm youtube về ẩm thực


Vài năm gần đây, ở Việt Nam rộ lên phong trào ‘youtube ẩm thực’, tức phong trào của những người quay các video clip về nấu ăn, rồi đưa lên youtube để kiếm tiền. Tất nhiên, có những kênh trong số này mang lại các giá trị giải trí lành mạnh, thậm chí cho thấy những mức độ sáng tạo đáng ghi nhận. Hơn nữa, đây cũng là một hình thức kiếm tiền chính đáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, rất nhiều các kênh video loại này có vấn đề lệch chuẩn và phản giáo dục, nhưng lại thu hút được số lượng người đăng ký theo dõi rất lớn, trong đó có cả trẻ em. Vì thế, thiết tưởng cần phải có một phân tích và cảnh báo về hiện tượng này, để chúng ta có thể tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của chúng, nhất là để các phụ huynh hướng dẫn nhân bản cho con cái; và hy vọng các youtuber biết điều chỉnh cách tiếp cận của họ.

 

 

Audio

 

 


Trong số những khía cạnh phản giáo dục từ các video đó, hai vấn đề nổi lên một cách phổ biến là (1) khía cạnh phản văn hoá trong cách thức ăn uống, và (2) sự phí phạm và thiếu tôn trọng đồ ăn thức uống.

1. Khía cạnh phản văn hoá trong cách thức ăn uống

Ngày nay, từ ‘văn hoá’ đã bị lạm dụng nhiều, đến mức những gì đáng bị gọi là phản văn hoá thì lắm lúc lại được gọi là văn hoá. Ví dụ, nhiều người gọi nạn tham nhũng là ‘văn hoá biếu xén’, hay có người gọi những hành vi nói tục là ‘văn hoá chửi thề’. Tuy nhiên, một cách chung, văn hoá là sự tích luỹ các cơ cấu nhân tạo, bổ sung cho sự giới hạn của cơ cấu tự nhiên, hướng đến việc trợ giúp con người sinh tồn và phát triển. Như vậy, văn hoá không phải là thứ cố định mà là một tiến trình hướng đến những gì mang tính khai phóng và phát triển hơn theo tư cách là con người, nhất là về mặt tinh thần, đúng như ý nghĩa gốc Latin của nó, ‘cultus’: gieo trồng. Hay nói cách khác, văn hoá vừa là đặc tính của con người, vừa giúp con người trở thành con người hơn. Theo nghĩa đó, có thể nói rằng, một trong những cách để định nghĩa con người chính là khả năng tích luỹ, ‘gieo trồng’ văn hoá cho chính mình. Trong khía cạnh này, con người hơn động vật ở chỗ biết ‘giáo hoá dĩ thành văn’ (Kinh Dịch), tức biết chuyển những gì thuộc nhục dục tự nhiên thành giá trị tinh thần.

Cách thức ăn uống chính là một trong những biểu hiện rõ rệt của khả năng này. Trừ những trường hợp cá biệt, ăn uống không đơn thuần chỉ để thoả mãn cơn đói, mà còn là để thể hiện và nuôi dưỡng khía cạnh văn hoá của mỗi người. Trong Tiếng Việt, chúng ta ít khi nói trống là ‘ăn’, mà nói một cách ý nhị hơn là ‘dùng bữa’. Từ này dường như bao hàm ý nghĩa thưởng thức và cảm nhận, nghĩa là chứa đựng ý thức về những nét đẹp, những tinh tế và văn hoá của đồ ăn thức uống, đồng thời trân trọng và biết ơn tài nghệ nấu nướng và sự phục vụ của đầu bếp. Hơn nữa, khi ‘dùng bữa’, đặc biệt trong giờ cơm gia đình, chúng ta không chỉ hướng về bản thân, mà còn hướng về tha nhân nữa. Bữa ăn trở thành thời gian chia sẻ, truyền thông, kết nối, tương quan với nhau; và vì thế, cách ăn cũng phải biểu hiện được đặc tính này. Nói tóm lại, với con người, ăn uống đúng nghĩa luôn ít nhiều phải bao hàm khía cạnh văn hoá và tương quan.

Rất tiếc, những hình thức ăn uống trong nhiều kênh youtube ẩm thực đi ngược lại với điều mong chờ nói trên. Thực vậy, để thu hút sự quan tâm của người xem, nhất là từ giới trẻ, những người làm youtube ẩm thực phải nghĩ ra các hình thức khác lạ, gây ấn tượng. Tuy nhiên, chỉ trừ một số kênh có những ý tưởng sáng tạo mang tính tích cực, đa số các kênh khác lại chạy theo các ý tưởng gây sốc cách tiêu cực, như thực hiện các hành vi ăn uống chẳng giống ai. Ví dụ, có người bỏ đồ ăn vào thau, chậu, hay thậm chí vào các vật dụng vốn được dùng cho súc vật ăn. Rất nhiều bạn trẻ ăn uống nhồm nhoàm, phản cảm, nhưng lại lấy đó làm hãnh diện với lập luận: đã ăn uống là phải sảng khoái, phải thật tự nhiên. Lập luận như thế có thể tạm chấp nhận được nếu nó được giới hạn trong phạm vi các hoạt động vui chơi của một nhóm nhỏ trong một dịp cụ thể nào đó. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các kênh này được phổ biến và hướng đến công chúng cách rộng rãi, trong đó có rất nhiều trẻ em. Vì vậy, sự lệch chuẩn văn hoá và phi giáo dục của nó là điều phải xem lại.

2. Sự phí phạm và thiếu tôn trọng đồ ăn, thức uống

Một điểm phản giáo dục khác trong nhiều kênh loại này là việc những người làm ẩm thực rất phí phạm đồ ăn thức uống. Thậm chí, nhiều người trong số họ tỏ ra bỡn cợt với nguyên liệu nấu nướng, và cả với thức ăn đã chế biến xong. Cách đặc biệt, vì theo đuổi các ý tưởng gây sốc, nhiều kênh youtube ẩm thực đang chạy theo phong trào làm các món ăn khổng lồ; và rất nhiều trong số này có những biểu hiện phí phạm các nguyên liệu trong giai đoạn chế biến, đồng thời đùa giỡn với thức ăn trong giai đoạn sử dụng. Ví dụ, có bạn vứt đi cả những miếng thịt rất lớn khi chế biến một món ăn; hay có những nhóm đem đồ ăn đã chế biến ra làm các trò mua vui, như thi nhau ăn với lượng lớn mù tạt, và kết quả là đa phần thức ăn đều bị nôn ra hoặc bỏ đi.

Không tôn trọng đồ ăn thức uống chỉ ra sự thiếu hụt lòng biết ơn. Thực vậy, một người trưởng thành nhân bản sẽ nhận ra rằng tất cả những gì đang ở trong tay mình không phải tự nhiên mà có. Dẫu cho chúng ta bỏ tiền ra mua các nguyên liệu để nấu nướng, thì chúng cũng là sản phẩm có được từ công lao vất vả của bao nhiêu người. Hơn nữa, nói cho cùng, tất cả chúng đều là quà tặng của Thượng Đế, hay ít ra là của Mẹ Thiên Nhiên.

Hơn nữa, sự phí phạm thức ăn tự nó cũng cho thấy sự thiếu vắng tinh thần hiệp thông và chia sẻ với người khác. Bao nhiêu người ăn xin vẫn hằng ngày lê bước trên mọi nẻo đường của đất nước nói riêng và mọi nơi trên thế giới nói chung; và mỗi một giây qua đi, nhân loại này có một người chết vì đói.

Ngoài ra, sự phí phạm đồ ăn cũng góp phần rất lớn vào việc huỷ hoại môi trường. Thật vậy, xu hướng tiêu xài hoang phí này đang đẩy con người tiêu thụ vượt xa nhu cầu thật sự của mình; và điều này đồng nghĩa với việc các nguồn lực của môi trường tự nhiên bị khai thác và lạm dụng mức triệt để phục vụ cho chủ nghĩa tiêu thụ.

3. Ki-tô hữu và lời mời gọi tái ý thức về hành vi làm dấu trước và sau bữa ăn

Một trong những điểm nổi trội của thời đại này, đặc biệt trong xã hội Việt Nam, là sự mất định hướng. Rất nhiều người hiện không biết đâu là tiêu chuẩn hay phương hướng đúng đắn của các hành vi trong cuộc sống. Những lệch chuẩn nêu trên không chỉ là vấn đề riêng của một số kênh youtube ẩm thực, mà là vấn đề chung của nhiều người, của xã hội. Đứng trước vấn đề này, thiết tưởng Ki-tô hữu được mời gọi một cách đặc biệt để sửa đổi, hoán cải, và nêu gương sáng; và tôi nghĩ rằng việc tái ý thức về hành vi làm dấu tạ ơn trước và sau bữa ăn chính là một phương cách đặc biệt giúp ta sống tinh thần chứng nhân này.

Điều rất đáng buồn là nhiều Ki-tô hữu đang chỉ làm dấu trước và sau bữa ăn như một hành vi vô thức theo thói quen. Vì thế, chúng ta cần phải để ý lại điều này. Cử chỉ và lời kinh làm dấu tạ ơn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Chúng ta có thể liệt kê một số điểm chính. Thứ nhất, chúng ta noi gương Đức Ki-tô đã làm khi Ngài đọc Kinh Tạ Ơn Thiên Chúa Cha trước mọi biến cố, nhất là trước các biến cố phép lạ hoá bánh. Với hành vi này, Đức Giê-su giúp chúng ta chân nhận rằng mọi sự đến từ Thiên Chúa, đồng thời, chúng ta được mời gọi để chia sẻ và tham dự với Ngài, như chính Đức Ki-tô hiệp thông cùng Ngôi Cha và Thánh Thần vậy. Thứ đến, việc làm dấu tạ ơn cũng hàm ý sự hiệp thông và chia sẻ giữa chúng ta với nhau, nhất là với những người thiếu thốn, trong tư cách là con cái của Thiên Chúa. Làm dấu cũng là biểu hiện lòng biết ơn với Thiên Chúa và trân trọng thiên nhiên, vốn là quà tặng của Người dành nhân loại. Cuối cùng, làm dấu giúp ta ý thức rằng bữa ăn trên trần thế cũng là một dấu chỉ hướng về Bữa Tiệc Thiên Quốc, nơi có sự hiệp thông và chia sẻ trọn vẹn trong tình yêu.

Vì thế, việc ý thức lại giá trị của hành vi làm dấu tạ ơn trước và sau bữa ăn giúp chúng ta ý thức và trân trọng đồ ăn thức uống cách đúng mực, từ đó có thể làm chứng và nêu gương sáng cho nhiều người khác trong thời đại này. Cách đặc biệt, đó cũng là một trong những cách thức hướng đến sự ‘hoán cải sinh thái’, như tinh thần mời gọi của Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Amazon.
 

Khắc Bá, SJ - CTV Vatican News

 

 Tags: Cảnh giác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây