TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mục Vụ Gia Đình Và Ơn Gọi

Thứ hai - 31/05/2021 21:24 |   1058

Mục Vụ Gia Đình Và Ơn Gọi


MỞ ĐẦU

Gia đình có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội và Giáo Hội. Mục vụ ơn gọi [1] trong Giáo Hội không thể tách rời mục vụ gia đình và cả hai đều cần đến sự cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa.

Trong khá nhiều văn kiện của Giáo Hội bàn về ơn gọi, ít nhiều đều đề cập đến vai trò của các gia đình, chẳng hạn như một số văn kiện của công đồng Vaticanô II, tông huấn Familiaris Consortio (1981) và tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, bộ Giáo luật 1983, huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô (2002) của Bộ đời sống thánh hiến và hiệp hội đời sống tông đồ, tông huấn Evangelii Gaudium (2014), tông huấn Amoris Laetitia (2016) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tông thư Năm đời sống thánh hiến (2015) cũng của Ngài, những sứ điệp hàng năm của các Đức Giáo Hoàng nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi…

Tông huấn Amoris Laetitia, số 200, lưu ý rằng, “trong việc lên kế hoạch mục vụ, chỉ tỏ quan tâm chung chung đối với gia đình là điều không đủ. Việc giúp các gia đình có khả năng lãnh nhận vai trò của họ như các tác nhân tích cực của việc tông đồ gia đình đòi phải có một cố gắng truyền giảng Tin Mừng và dạy giáo lý bên trong gia đình”.

Do vậy, trước hết, khi đặt ra chương trình mục vụ gia đình liên quan đến ơn gọi, chúng ta không thể không lưu ý đến hoàn cảnh hiện tại, những khó khăn và thuận lợi. Tiếp đến, cần hiểu rằng mọi thành phần Dân Chúa đều có bổn phận cộng tác trong mục vụ ơn gọi, mà đặc biệt là vai trò của các gia đình. Sau hết, có thể nói gia đình đóng một vai trò cực kỳ quan trọng nếu không muốn nói là chính yếu trong mục vụ ơn gọi. Việc đặt ra những chương trình mục vụ ơn gọi nên ưu tiên hướng đến các gia đình.

1. Những khó khăn và thách đố

Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô số 12 đã nêu ra vài điểm khó khăn đối với đời sống thánh hiến hôm nay, dĩ nhiên trong đó có ơn gọi linh mục nữa. Những khó khăn này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến mục vụ ơn gọi ngày nay.

Khó khăn dễ nhận ra trước hết đó là số tu sĩ suy giảm và lớn tuổi trong các Hội dòng, từ đó đặt ra câu hỏi liệu đời sống thánh hiến còn là chứng tá khả thị có khả năng thu hút người trẻ nữa không. Thực tế, nhiều Giáo Hội địa phương con số linh mục cũng giảm sút trong khi đó linh mục cao niên cũng tăng. Tại Việt Nam, thực tế cho thấy ơn gọi vẫn dồi dào, số tu sĩ, linh mục trẻ cũng tăng. Những năm sắp tới không lo lắng về con số tu sĩ, linh mục, nhưng càng về sau, khi mà các gia đình ngày càng ít con, chỉ có 1 hay 2 con, thì khó khăn về con số ơn gọi là điều có thể xảy ra trong tương lai không xa[2].

Khó khăn tiếp theo đó là đời sống tu trì hiện nay dần dần đã không được trân trọng đúng mức, nhiều người trong Giáo Hội lẫn xã hội dần mất sự tin tưởng vào linh mục, tu sĩ.

Sau nữa, người sống đời thánh hiến hôm nay cũng cảm nghiệm những đe dọa của sự tầm thường trong đời sống thiêng liêng, của việc trưởng giả hóa dần dần và não trạng tiêu thụ.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng "đời sống thánh hiến đang gặp nhiều khó khăn dưới mọi hình thức: ơn gọi sụt giảm, các thành viên tuổi cao, nhất là tại các nước Tây phương, những vấn đề kinh tế tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, những thách đố của việc quốc tế hóa và toàn cầu hóa, những nguy cơ của thuyết tương đối, đời tu bị gạt ra bên lề và không được xã hội trân trọng..." [3]. 

Có thể nói rằng “cuộc khủng hoảng các ơn gọi linh mục có những căn rễ sâu xa trong môi trường văn hoá, trong não trạng và trong cách giữ đạo của các Kitô hữu”[4]. Hiện nay tại Việt Nam đời sống linh mục tu sĩ đang phải đối diện khá nhiều thách đố - khủng hoảng về nhiều mặt[5].

Khủng hoảng về luân lý

Dửng dưng, vô cảm vì sự an toàn cho bản thân. Chủ nghĩa tiêu thụ và nền kinh tế thị trường dễ làm người ta tìm an nhàn thư thái riêng, vui thú nhóm nhỏ, bằng lòng với chính mình. Ích kỷ, chỉ biết lo cho mình, nhóm mình, lớp mình,… tức là cái gì thuộc về cá nhân hay nhóm.

Thiếu trung thực ở nhiều lĩnh vực, dễ dàng và như một phản xạ, nhiều người cho rằng đó là sự khôn lanh, khéo léo.

Lương tâm sai lệch: Cho rằng trung thực thì bị thua thiệt. Lệch lạc và dễ dãi về tính dục: dễ dàng xem phim, internet có những nội dung sex, dễ dãi trong quen biết nam nữ, kể cả qua hệ thống mạng xã hội như  facebook, viber, zalo,

Khủng hoảng về văn hóa

Lười tư duy, không muốn làm việc tri thức, sử dụng internet để ăn cắp password, PIN, Code, đánh cắp tài khoản cùng thông tin cá nhân và cho rằng không có tội. Lười biếng về tri thức, người ta ít muốn tìm tòi mà chỉ muốn lưu trữ để rồi đem ra áp dụng thủ thuật copy và paste.

Kiến thức, sự hiểu biết lại không gắn liền với sự thánh thiện, đạo đức. Đúng ra, khi liên kết hai yếu tố đó lại, kiến thức mới là một phương tiện giúp ta tìm được sự khôn ngoan đích thực.

Khủng hoảng về con người

Con người đề cao quá mạnh ý thức về sự tự do, tự trị và chủ thể tính của cá nhân từ đó đưa tới tôn sùng cá nhân một cách phi lý. «Chúng ta hôm nay đang thấy nơi nhiều người hoạt động mục vụ, gồm cả những người thánh hiến nam cũng như nữ, một sự quan tâm quá mức về tự do và sự thoải mái của bản thân họ, khiến họ coi công việc của họ như chỉ là một cái gì phụ thuộc chứ không phải một thành phần thuộc căn tính của họ… họ có một lối sống rất cá nhân chủ nghĩa, một sự khủng hoảng căn tính và nhiệt tình trở nên nguội lạnh» (Evangelii Gaudium số 78).

2. Một số yếu tố thuận lợi trong mục vụ ơn gọi

Nhìn vào con số linh mục, tu sĩ tại Việt Nam hôm nay, chúng ta có thể rất lạc quan về tương lai Giáo Hội tại Việt Nam. Người ta cho rằng ơn gọi linh mục, tu sĩ tại Việt Nam dồi dào hơn so với Âu Mỹ là nhờ có nhiều yếu tố thuận lợi[6].

Thật vậy, trong thực tế hiện nay linh mục và tu sĩ vẫn đang được phần lớn công chúng, cộng đoàn Giáo Hội lẫn xã hội quý trọng, được yêu mến và dành những ưu tiên nào đó nhất định.

Bên cạnh đó, không chỉ bản thân linh mục, Giám mục hay tu sĩ mà gia đình và dòng tộc của họ lấy làm hãnh diện, vinh dự, được nhiều sự quý mến vì có con cháu được như thế. Điều này còn ảnh hưởng bởi một giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc Việt Nam. Chẳng hạn người ta cho rằng “cha mẹ hiền lành để đức cho con”, nên gia đình có con làm linh mục, Giám mục, tu sĩ, làm bề trên… được coi là “phúc đức” của gia đình, gia tộc.

Mặt khác người đi tu còn có mối quan hệ gia đình linh tông, linh tộc. Rồi người đó được cha bảo trợ, cha xứ hỗ trợ và gia đình linh tông linh tộc đó nâng đỡ về nhiều phương diện.
Sau nữa, hiện nay nhiều gia đình, nhất là gia đình vùng quê, hoặc gia đình làm nghề tự do chứ không làm trong công ty hay công sở nhà nước, nên vẫn có nhiều con. Do đó việc dâng con cho Chúa trong đời sống tu trì vẫn còn khá dồi dào.

Trên đây được coi là một số yếu tố thuận lợi nhưng chúng cũng có thể trở thành những cản trở, vì xét rằng những yếu tố đó trở nên áp lực rất lớn đối với người muốn đi tu, chẳng hạn có những trường hợp không xác tín ơn gọi cá nhân, động lực ơn gọi bị lệch lạc, chọn lựa quyết định của cá nhân bị lu mờ trước ảnh hưởng của gia đình, gia tộc, cha bảo trợ,…

Cuộc sống luôn có những khó khăn, những thách đố chúng ta có thể gọi chung là những khủng hoảng. Nghĩa tiêu cực của khủng hoảng ở chỗ đó là những yếu tố đưa đến sự suy thoái và tan rã, còn theo nghĩa tích cực thì đó là những yếu tố giúp biện phân để đi đến những chọn lựa và thay đổi để đạt tới một sức sống mới, hay nói khác đi là để phát triển và lớn lên [7]. Một khi hiểu như vậy chúng ta thấy những thách đố, hay khủng hoảng cũng vừa là cơ may. Cơ may đối với người tỉnh táo biện phân để tránh rơi vào vòng xoáy suy thoái và đánh mất mình, mất căn tính, mất nếp sống văn hóa đẹp, mất sự phân định đúng đắn giữa bao điều lệch lạc do số đông hay cơ chế tạo ra.

3. Mọi thành phần Dân Chúa có bổn phận lo việc mục vụ gia đình và ơn gọi

Giáo luật điều 233§1 minh định rằng "toàn thể cộng đồng Kitô giáo có bổn phận phải cổ động các ơn gọi để đáp ứng đủ những nhu cầu của thừa tác vụ thánh trong toàn thể Giáo Hội; bổn phận này bó buộc cách riêng các gia đình Kitô giáo, các nhà giáo dục, và đặc biệt là các tư tế, nhất là các cha sở. Các Giám Mục giáo phận là những người quan tâm hơn cả về việc cổ động các ơn gọi, phải dạy cho giáo dân của mình biết tầm quan trọng của thừa tác vụ thánh và sự cần thiết của các thừa tác viên có chức thánh trong Giáo Hội, các ngài phải khơi dậy và nâng đỡ những sáng kiến cổ động các ơn gọi, nhất là qua các cơ sở đã được thành lập nhằm mục đích ấy".

Nội dung điều 233§1 cho chúng ta thấy trách nhiệm chăm lo ơn gọi là của mọi thành phần dân Chúa và được xây dựng theo cấp độ bậc thang hình kim tự tháp, trong đó có đáy là gia đình Kitô hữu, rồi đến các nhà giáo dục, và cao hơn là các tư tế và đặc biệt là các cha xứ, sau cùng trên đỉnh là Giám mục. Điều này cho thấy tiến trình thông thường một ơn gọi bắt đầu từ dưới cơ sở căn bản là gia đình, cha mẹ rồi sau đó lớn dần lên qua các cơ sở khác trong Giáo Hội. Tuy nhiên bổn phận lo mục vụ ơn gọi cần phải thực thi trong suốt cuộc sống Kitô hữu, nhất qua đời sống gương mẫu của mỗi người Kitô hữu, đặc biệt là của linh mục và tu sĩ.

a. Về phương diện cá nhân

Trước hết, trách nhiệm đầu tiên của nền mục vụ hướng về các ơn gọi linh mục, tu sĩ đó là trách nhiệm của Giám mục, Giám mục được mời gọi đích thân đảm nhận trách nhiệm ấy, ngay cả khi Ngài có thể và phải cổ võ những nguồn cộng tác đa dạng… Giám mục phải chăm lo cho chiều kích các ơn gọi luôn luôn hiện diện trong toàn bộ mục vụ bình thường, hơn nữa sao cho chiều kích ấy được hội nhập và được đồng hóa với mục vụ, chính Giám mục có trách nhiệm cổ võ và điều hợp các sáng kiến dị biệt ấy để mưu ích cho các ơn gọi[8].

Tiếp đến, là các linh mục với tư cách là những nhà giáo dục đức tin, các linh mục có trách nhiệm chăm lo sao cho mỗi Kitô hữu, trong chúa thánh thần, đạt tới sự triển nở ơn gọi của bản thân mình[9]. Bên cạnh đó, "các linh mục và các nhà giáo dục Kitô giáo phải hết sức cố gắng để cổ động cho ơn gọi tu dòng được thêm đông, được chọn lựa thận trọng và thích đáng hầu đáp ứng đầy đủ với nhu cầu của Giáo Hội"[10].

Đặc biệt là các cha xứ, vì trong giáo xứ của mình, cha xứ có vai trò đặc biệt nên Giáo luật chỉ đích danh bó buộc cha xứ giữ bổn phận chăm lo mục vụ ơn gọi[11]. Thực vậy, cha xứ thường là người biết các gia đình trong giáo xứ, ngài có thể động viên gia đình trong việc giáo dục và định hướng con đường tu trì cho con cái. Cha xứ thường là người chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các phong trào, các hội đoàn và từ nơi đó phát sinh mầm ơn gọi được nuôi dưỡng và phát triển. Giáo Hội tại Việt Nam hiện nay cho thấy ảnh hưởng của cha xứ còn rất lớn đối với đời sống cá nhân và gia đình trong giáo xứ. Do đó, trong giáo xứ có nhiều người dấn thân trong đời sống tu trì hay không phần lớn là do cha xứ có chu toàn thực sự tốt bổn phận và sáng kiến mục vụ gia đình và ơn gọi hay không.

Nói chung, đối với linh mục, bổn phận cổ võ ơn gọi là "một đòi hỏi không thể thoái thác của đức ái mục tử"[12].

Đối với các tu sĩ thì càng phải ý thức bổn phận chăm sóc và nuôi dưỡng các ơn gọi, không chỉ cho Hội dòng của mình nhưng còn hướng đến cho toàn thể Giáo Hội[13]. Thường hiến chương (hiến pháp) của từng hội dòng đều có quy định về bổn phận này. Chẳng hạn hiến chương dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, điều 78 quy định: "tất cả chị em, tùy cương vị đều có trách nhiệm đối với những ơn gọi mà Chúa Thánh Thần không ngừng khơi lên trong Hội Thánh". Tuy nhiên, "Hội dòng cần có một hay nhiều người chuyên trách về mục vụ ơn gọi". Hiến chương đang được áp dụng của Hội dòng nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương giáo phận Qui Nhơn, điều 134, quy định rằng "tất cả chị em đều có bổn phận và trách nhiệm để cổ động ơn gọi cho hội dòng mình cũng như ơn gọi chung cho cả Giáo Hội…". Giáo luật quy định Hiến pháp mỗi Hội dòng phải định những gì cần thiết để đạt mục đích ơn gọi[14].

Đối với giáo dân và các nhà giáo dục, "các tín hữu giáo dân, cách riêng giáo lý viên, những nhà giảng dạy, những nhà giáo dục, những linh động viên của mục vụ cho người trẻ, mỗi người tùy theo tài nguyên và khả năng riêng của mình, đóng một vai trò rất quan trọng trong mục vụ ơn gọi linh mục"[15].

b. Về phương diện tập thể

Bổn phận của giáo xứ trong đó có các tổ chức và hội đoàn phải lo mục vụ ơn gọi bởi vì "giáo xứ là nơi các thanh niên tham dự vào đời sống phong phú của mình. Các giáo chức và tất cả những ai, bằng bất cứ cách nào, lo việc giáo dục thiếu nhi và thanh niên, nhất là những hội đoàn công giáo phải chú tâm đào luyện các thanh thiếu niên được ủy thác cho mình để họ có thể nhận ra ơn thiên triệu và sẵn lòng bước theo"[16].

Trong giáo phận và giáo xứ nên có những nhóm, hội đoàn hay những tổ chức lo cho ơn gọi, các thành viên trong các nhóm ấy cống hiến phần đóng góp bằng cầu nguyện và bằng khổ đau của mình cho những ơn gọi linh mục và tu sĩ, đồng thời nâng đỡ các ơn gọi ấy về tinh thần cũng như vật chất. Các tổ chức giáo dân ấy được nhìn nhận là một môi trường đặc biệt giàu ơn gọi tận hiến và họ có thể đóng góp phần mình vào sự phát triển mục vụ các ơn gọi [17].

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là gia đình, như đã nói, cấp độ quan trọng và nền tảng cho việc mục vụ ơn gọi bắt đầu từ gia đình, trong đó cha mẹ và các thành viên khác có vai trò đặc biệt. Thật vậy, «các gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện tiên khởi» [18]. Các tín hữu phải nhờ gia đình hoạt động để xây dựng Giáo Hội [19] và gia đình buộc tán trợ các ơn gọi thánh [20]. Gia đình, “Giáo hội tại gia” (Lumen Gentium, số 11), luôn cống hiến và còn tiếp tục cống hiến những điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội [21].

Chúng ta xét cụ thể hơn về mục vụ gia đình và mục vụ ơn gọi.

4. Mục vụ gia đình và mục vụ ơn gọi

Trong tông huấn Familiaris Consortio đặc biệt là phần thứ tư (mục vụ gia đình), cho thấy gia đình Kitô hữu vừa là “đối tượng” và là “chủ thể” của ưu tư mục vụ của Giáo Hội. Gia đình vừa là đích điểm và là nguyên lý sinh động và có trách nhiệm về sự sống và cho sự tăng trưởng của Giáo Hội.

Trong gia đình kitô hữu, mọi thành viên phải thực thi Phúc âm hóa và cũng được Phúc âm hóa nhờ đời sống yêu thương và trung thành với Thiên Chúa[22]. Đối với các bậc làm cha mẹ, “qua bí tích hôn phối, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá và ơn gọi của một “thừa tác vụ” đích thực trong Giáo Hội để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Giáo Hội. Thừa tác vụ giáo dục của các cha mẹ Kitô hữu thật lớn lao và thật đẹp” [23].

Trong tông huấn Amoris Laetitia, số 202, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý sự liên hệ giữa mục vụ gia đình và ơn gọi xét vì việc mục vụ chuyên biệt nhằm vào các gia đình cho thấy nhu cầu phải có một nền đào tạo các linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, giáo lý viên và các nhân viên mục vụ khác một cách thích đáng hơn.

Cách riêng trong số 203 và 204 của tông huấn này, giúp ta có định hướng khá chi tiết trong mối tương quan mật thiết với gia đình trong việc huấn luyện các chủng sinh nói chung và có thể mở rộng đối với các ứng sinh tu sĩ.

Thứ nhất, phải giúp các ứng sinh có được sự quân bình tâm lý, vì có thể hiện tại trong quá trình đào tạo một số ứng sinh đang chịu ảnh hưởng nặng nề kinh nghiệm của một gia đình bị thương tích, chẳng hạn như không có cha hoặc mẹ (ví dụ, mẹ đơn thân), cha mẹ chia li, bạo hành, làm cho họ rơi vào tình trạng cảm xúc thiếu ổn định…

Thứ hai, để có lòng tự trọng lành mạnh, các ứng sinh phải củng cố các mối liên hệ trong gia đình của mình. Có khi mối tương quan này ngầm rạn nứt vì nhiều lý do khác nhau, giữa con cái với cha hay mẹ, giữa người cao niên và con cháu…

Thứ ba, để giúp các ứng sinh kiên vững trong ơn gọi tu trì trước những thách đố và cám dỗ trong đời sống, cần có sự đồng hành liên tục của các gia đình, không những trong quá trình huấn luyện, mà trong suốt cả cuộc đời linh mục sau này. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, sau khi chịu chức, linh mục nào biết dành thời gian thăm gia đình ruột thịt, thì đời sống linh mục của họ được nâng đỡ rất nhiều và dễ dàng hơn trong việc vượt qua những thách đố và cám dỗ.

Thứ tư, nên có sự kết hợp hài hòa giữa thời gian trong chủng viện và những thời gian khác trong giáo xứ. Điều đó giúp ứng sinh tiếp xúc nhiều hơn với thực tế cụ thể của các gia đình. Đây cũng là điều hết sức lưu ý. Vào những kỳ nghỉ tết, nghỉ hè nên để các ứng sinh sống trong gia đình của họ chứ không bắt buộc ở trong nhà xứ, trong chủng viện. Sau khi đã bước vào đời tu, thời gian các ứng sinh ở với gia đình trong các kỳ nghỉ, sẽ giúp họ có cảm nghiệm khác hơn và sâu sắc hơn về ơn gọi của mình. Việc này cũng giúp họ quân bình và xác tín hơn vào sự lựa chọn dấn thân trong đời tu trì của mình, cũng như rất hữu ích trong việc tích lũy kinh nghiệm cho mục vụ gia đình và ơn gọi sau này.

Nên nhớ, suốt cuộc đời mục vụ, linh mục gặp gỡ các gia đình nhiều nhất với những hoàn cảnh khác biệt. Hơn nữa, sự hiện diện của giáo dân, gia đình, thậm chí của người nữ, giúp các linh mục biết quý trọng sự đa dạng của những ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội.

Thứ năm, cần thiết đào tạo tác viên giáo dân của mục vụ gia đình, với sự giúp đỡ của các nhà tâm lý giáo dục, bác sĩ gia đình, bác sĩ cộng đồng, nhân viên xã hội, luật sư cho trẻ em và gia đình.

Thứ sáu, cần tôn trọng và tìm kiếm sự đóng góp của các khoa tâm lý học, xã hội học, tính dục học, và cả khoa tham vấn - linh hướng (counseling).

KẾT LUẬN

Phải nói rằng, những phương thế mục vụ gia đình và mục vụ ơn gọi được một số văn kiện của Giáo Hội đề nghị thì nhiều và trong thực tế cũng có nhiều sáng kiến rất hay từ những Giáo Hội địa phương, kể cả từ các giáo xứ, các hội dòng. Chúng ta cần tìm hiểu và chia sẻ để áp dụng thích hợp với những hoàn cảnh cụ thể.

Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn và thách đố hiện nay, muốn được nhiều ơn gọi có phẩm chất để sau này trở nên những “mục tử như lòng Chúa mong ước” và những tu sĩ thánh thiện, ngoài đời sống gương mẫu cá nhân, chúng ta cần phải đầu tư rất nhiều với sự cộng tác của các giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, các Hội dòng cũng như đồng trách nhiệm của các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo, các giáo lý viên, các nhà giáo dục, các nhà hảo tâm, những người thiện nguyện, các linh mục, tu sĩ nam nữ…. Trong đó phải ưu tiên chương trình mục vụ gia đình và ơn gọi.

Mục vụ gia đình và ơn gọi phải đi đôi với nhau và cần được quan tâm nhiều hơn, cần phải “đầu tư” thích đáng hơn về thời giờ, tiền bạc, nhân sự với bao hy sinh để khơi mầm, nuôi dưỡng những ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Chúng ta cần trung thành với những chỉ dẫn đầy kinh nghiệm và sự khôn ngoan của Giáo Hội, đồng thời cũng cần kiên nhẫn trong lĩnh vực này bởi vì “trong thời đại vội vã như chúng ta hiện nay, hơn bao giờ hết cần có sự kiên trì và nhẫn nại chờ đợi để thực hiện mục tiêu của việc huấn luyện. Trong những hoàn cảnh mà sự nhanh chóng và nông cạn chiếm ưu thế, thì chúng ta cần có sự thanh thản và thâm trầm, vì trên thực tế con người được hình thành rất chậm” [24].

 

Chủng Viện Qui Nhơn
Linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Nguồn: Giáo phận Qui Nhơn 


[1] Thường khi dùng hạn từ ơn gọi hay ơn thiên triệu chúng ta nghĩ đến ơn gọi làm linh mục, tu sĩ nhiều hơn là về ơn gọi nói chung theo nghĩa rộng. Hạn từ “ơn gọi” được hiểu vừa theo nghĩa rộng áp dụng cho mọi người đồng thời cũng hiểu theo nghĩa hẹp là ơn gọi riêng dành cho mỗi người với những bậc sống khác nhau. Theo khái niệm này chúng ta thấy có nhiều loại ơn gọi: ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Chúa tức là làm người Kitô hữu, ơn gọi sống thánh thiện, ơn gọi tu trì, linh mục, ơn gọi sống đời hôn nhân; theo một nghề nghiệp nào đó để sinh sống cũng là ơn gọi. Trong bài này, khi dùng hạn từ “ơn gọi”, nếu không nói rõ thêm, thì ngầm hiểu là về ơn gọi linh mục và tu sĩ.
[2] Đó cũng là nhận định của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn và Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đối với ơn gọi linh mục và tu sĩ trong giáo phận Qui Nhơn. Xem Thư hai Đức Giám Mục giáo phận Qui Nhơn gởi các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em tín hữu giáo phận Qui Nhơn nhân ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, 05.05.2011, trong Bản Thông Tin giáo phận Qui Nhơn số 157, tháng 5. 2011, tr. 376.
[3] Phanxicô, Tông thư Năm đời sống Thánh hiến (21.11.2014), số I,3.
[4] Gioan Phaolô Ii,Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 37.
[5] Xem F.x Vũ Phan Long, Tu sĩ trẻ Việt Nam những thách đố và những cơ may, trong Hiệp Thông, Bản tin của HĐGM Việt Nam, số 88 (tháng 5&6 năm 2015), tr. 72-84.
[6] Xem Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đào tạo linh mục, định hướng và chỉ dẫn (gọi tắt là Ratio). NXB Tôn Giáo, 2012. tr. 61-63.
[7] Xem F.X Vũ Phan Long, Tu sĩ trẻ Việt nam những thách đố và những cơ may, trong Hiệp Thông, Bản tin của HĐGM Việt Nam, số 88 (tháng 5&6 năm 2015), tr. 84.
[8] Tông huấn Pastores Dabo Vobis số 41 và xem Giáo luật, điều 385.
[9] Công Đồng Vaticanô II, sắc lệnh linh mục, Presbyterorum Ordinis số 11.
[10] Công Đồng Vaticanô II, sắc lệnh đời sống tu trì, Perfectae Caritatis số 24.
[11] Giáo Luật, điều 233.
[12] Pastores Dabo Vobis số 74.
[13] Xem Perfectae Caritatis số 24, và Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 16.
[14] Xem giáo luật điều 670.
[15] Pastores Dabo Vobis số 41
[16] Công Đồng Vaticanô II, sắc lệnh đào tạo linh mục, Optatam Totius số 2.
[17] Xem Pastores Dabo Vobis  số 41 và xem thêm chỉ dẫn cụ thể vai trò của giáo xứ, hội đoàn, nhóm người trẻ, hiệp hội trong mục vụ ơn gọi, xem Pastores Dabo Vobis  số 68.
[18] Optatam Totius số 2.
[19] Giáo luật điều 226.
[20] Giáo luật điều 233§1.
[21] Pastores Dabo Vobis  số 41. Về tầm quan trọng và vai trò giáo dục của gia đình, xem tông huấn Familiaris Consortio số 36-39.
[22] Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 8-12, 1975, AAS, 58 (1976) số 71.
[23] Gioan Phaolô II, Tông huấn về gia đình, Familiaris consortio số 38.

[24] Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 18.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây