TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cùng nhau cất bước hành trình

Thứ ba - 30/08/2022 20:54 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Bùi Công Trác |   1038
“Vai trò then chốt trong việc cùng nhau cất bước hành trình: Linh mục hiệp nhất với Giám mục và phục vụ các tín hữu”.
Cùng nhau cất bước hành trình

VAI TRÒ THEN CHỐT TRONG VIỆC CÙNG NHAU CẤT BƯỚC HÀNH TRÌNH: LINH MỤC HIỆP NHẤT VỚI GIÁM MỤC VÀ PHỤC VỤ CÁC TÍN HỮU

WHĐ (30.8.2022) - Trên con đường trần thế, toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước và tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô, Đấng là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6), đã thiết lập giữa chúng ta, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Quả thật, nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta chia sẻ cùng một phẩm giá và ơn gọi, đều được kêu mời tham gia tích cực vào đời sống của Giáo Hội. Con đường hiệp hành này diễn tả một cách rõ nét bản chất của Giáo Hội, một Giáo Hội lữ hành và truyền giáo,[1] là ngôi nhà và trường học của sự hiệp thông.[2]

Trong cuộc lữ hành ấy, vai trò của hàng linh mục đặc biệt quan trọng, khi liên kết với chức giám mục, nhờ việc xức dầu Chúa Thánh Thần, được thông dự vào quyền bính của chính Đức Kitô để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người.[3] Với mong muốn mỗi linh mục đóng góp vào tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng một cách tích cực và có trách nhiệm, bài viết này chia sẻ một vài suy nghĩ về đề tài được đề nghị: “Vai trò then chốt trong việc cùng nhau cất bước hành trình: Linh mục hiệp nhất với Giám mục và phục vụ các tín hữu”.

 

1. SỰ HIỆP THÔNG BÍ TÍCH: NGUỒN GỐC CỦA HIỆP HÀNH

2. HIỆP NHẤT VỚI GIÁM MỤC

3. HIỆP THÔNG VỚI HÀNG LINH MỤC

4. PHỤC VỤ CÁC TÍN HỮU

      4.1. Ơn gọi linh mục và chiều kích Giáo Hội mang tính hiệp hành

      4.2. Ơn gọi linh mục và chiều kích hiệp thông với đoàn chiên

      4.3. Vai trò làm cha thiêng liêng và việc sử dụng quyền bính

      4.4. Ơn gọi linh mục và chiều kích truyền giáo mang tính hiệp hành

      4.5. Ơn gọi linh mục và việc canh tân mục vụ mang tính hiệp hành

TẠM KẾT

 

1. SỰ HIỆP THÔNG BÍ TÍCH: NGUỒN GỐC CỦA HIỆP HÀNH

Qua việc đặt tay và lời nguyện hiến thánh của giám mục, linh mục được hiệp thông một cách đặc biệt với Thiên Chúa Ba Ngôi. Quả thật, căn tính linh mục có nguồn gốc tối hậu trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng đã sai Con của Người, là Linh mục Thượng phẩm và Mục tử nhân lành, đồng thời được kết hợp bằng bí tích với chức tư tế thừa tác nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.[4] Giữa các linh mục và hàng giám mục, có sự hiệp thông bí tích mang tính phẩm trật, với sứ mạng giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn Dân Chúa. [5] Như thế, đời sống và thừa tác vụ của linh mục tiếp nối đời sống và hoạt động của chính Đức Kitô được nhìn dưới ba khía cạnh sau đây:

- Làm nên phẩm giá đích thực của chức linh mục, giúp họ trở thành hình ảnh sống động và trung thực của Đức Kitô, là Đầu và Mục tử, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, trong sứ mạng phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới.[6]

- Là nguồn mạch niềm vui thiêng liêng của người được hiệp thông vào sự sống, tình yêu và chân lý, được trở nên khí cụ của ơn cứu độ cho muôn người.[7]

- Sự hiệp thông mầu nhiệm ấy còn phải được hiểu trong lòng Giáo Hội, là Dân Chúa, là Thân thể của Chúa Kitô và là Đền thờ của Chúa Thánh Thần.[8] Trong mối tương quan mật thiết này, linh mục tận hiến cuộc đời mình.

Vì vậy, ngay trong thời gian tu học tại Đại chủng viện hay tại dòng tu, để huấn luyện các ứng sinh linh mục một cách toàn diện, các nhà đào tạo cần giúp họ hiểu một cách tường tận và đầy xác tín về căn tính linh mục, ngăn ngừa không để họ rơi vào tình trạng “chủ nghĩa giáo sĩ trị” hay vào cám dỗ tìm kiếm vinh quang trần thế, mà biết sử dụng quyền bính trong tinh thần phục vụ một cách tận tụy vì lợi ích của đoàn chiên.[9] Muốn được như thế, người linh mục phải có một đời sống nội tâm vững vàng và trưởng thành, nhờ vào mối tương quan bằng hữu bền vững và cá vị với Chúa Kitô, đến độ sẵn sàng chia sẻ tình cảm và thái độ của Người.[10]

Từ cội nguồn của ơn gọi linh mục, ơn sủng của Thiên Chúa được trở nên cụ thể trong bí tích Truyền chức và người linh mục được Giáo Hội sai đi, nhân danh Thiên Chúa. Như thế, sự hiệp thông với mầu nhiệm Ba Ngôi làm nên căn tính người linh mục, bao hàm các mối liên hệ khác trong đời sống phục vụ: hiệp nhất với giám mục, với linh mục đoàn để phục vụ đoàn chiên Chúa.

2. HIỆP NHẤT VỚI GIÁM MỤC

Được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, là Thủ lãnh, Mục tử, Tôi tớ và Phu quân,[11] người linh mục thông phần vào chức tư tế duy nhất và sứ vụ cứu độ của Người, với tư cách là cộng sự viên của giám mục. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: “Là cộng sự viên khôn ngoan để giúp đỡ và làm việc với hàng giám mục, được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa, các linh mục cùng với giám mục của mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục một cách nào đó là đại diện của vị giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, đồng thời đảm nhận theo khả năng những bổn phận cùng nỗi ưu tư của giám mục và ân cần thực thi hằng ngày”.[12] Quả thật, qua việc đặt tay, các linh mục chia sẻ với giám mục trách nhiệm chăm sóc mục vụ đối với toàn thể Dân Chúa, cụ thể tại các giáo xứ.[13]

Mối tương quan giữa giám mục và linh mục là mối dây phụ tử thân tình. Vì thế về phía mình, một mặt giám mục có bổn phận đón nhận và chăm lo cho hàng linh mục, cả về thiện ích vật chất, cả về các nhu cầu thiêng liêng,[14] mặt khác, giám mục còn phải ân cần lắng nghe tiếng nói của họ, cũng như liệu sao cho họ có thể chu toàn đầy đủ những nghĩa vụ hợp với bậc của mình.[15] Mối tương quan này được bắt đầu từ việc giám mục để tâm chăm sóc, với tâm tình của một người cha, chẳng những đến việc đào tạo các ứng sinh linh mục, mà còn tìm hiểu về ơn gọi, tính tình, lòng đạo đức và sự tiến bộ của chủng sinh, nhất là để truyền các chức thánh.[16]

Về phía linh mục, mối tương quan phụ tử này được đặt trong sự hiệp thông phẩm trật, trước hết với Đức giáo hoàng, với hàng giám mục, và nhất là với Đức giám mục giáo phận. Vì thế, trong nghi thức truyền chức, người linh mục hứa tôn kính, vâng phục giám mục với lòng mến yêu con thảo. Thái độ này luôn gắn liền với tinh thần cộng tác, đặt nền tảng trên việc tham dự vào tác vụ của chức giám mục, một năng quyền được trao ban qua bí tích Truyền chức thánh.[17] Mối dây liên kết thiêng liêng này được hình thành ngay trong thời gian đào tạo tại chủng viện hay dòng tu, khi ứng sinh linh mục cố gắng phát triển khả năng quân bình và trưởng thành trong tương quan với tha nhân, và giúp cho họ trưởng thành mỗi ngày, trở nên linh mục của tình hiệp thông, của truyền giáo và của đối thoại.[18]

Mối tương quan phụ tử này là điều kiện thiết yếu để linh mục có thể thi hành sứ vụ được trao phó một cách hiệu quả, với việc luôn hành động theo ý đấng bản quyền. Điều này không chỉ biểu hiện sự trưởng thành của người linh mục, góp phần vào việc xây dựng tình hiệp thông, là yếu tố quan trọng khi loan báo Tin Mừng, mà còn giúp phát triển mối quan hệ với giám mục, bằng lòng tin tưởng chân thành, bằng việc cầu nguyện cho ngài và vận dụng mọi phương thế để thực hiện đường hướng mục vụ chung của giáo phận.[19] Khi coi nhẹ mối dây hiệp nhất với giám mục, linh mục có nguy cơ không tuân theo huấn quyền của Giáo Hội, qua đấng bản quyền giáo phận, mà chỉ theo ý riêng mình, dẫn đến việc vâng mà bất phục, kính mà không yêu, nghe mà không thực hành, thực hành theo ý riêng mà không theo ý của chủ chiên... Tất cả đều gây hại và cản trở tiến trình hiệp thông phục vụ.

Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành là cơ hội thuận tiện để linh mục nhìn lại mình, trong mối dây hiệp nhất với giám mục giáo phận, để làm mới lại ân ban ngày chịu chức (x. 2Tm 1, 6), can đảm dấn bước vào nẻo đường hoán cải, thay đổi tâm thức và vun đắp tình huynh đệ với tất cả mọi người, nhờ việc canh tân trong Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta (x. 2Cr 5, 14-15). Vì thế, linh mục không được phép quên rằng, do bí tích truyền chức, các linh mục được liên kết mật thiết với nhau bằng tình huynh đệ mang tính bí tích và được sai đi phục vụ trong một giáo phận. Các ngài quy tụ thành một linh mục đoàn duy nhất, mà giám mục là người cha thiêng liêng.[20]

3. HIỆP THÔNG VỚI HÀNG LINH MỤC

Mỗi linh mục, dù là triều hay dòng, vì được tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô, là Đầu và Mục tử, nên được liên kết đặc biệt với nhau về đức ái Tông đồ, về thừa tác vụ và về tình huynh đệ.[21] Ý nghĩa này được diễn đạt trong thánh lễ truyền chức linh mục, khi các linh mục hiện diện, cùng với giám mục chủ phong, đặt tay trên vị tiến chức, cũng như khi các ngài cùng đồng tế cử hành Thánh Thể.[22] Sự hiệp thông ấy bắt nguồn từ ước nguyện của Đức Kitô muốn các môn đệ được hiệp nhất nên một, để thế gian biết rằng Ngài được chính Chúa Cha sai đến (x. Ga 17, 23).

Ngay từ thời thụ huấn tại chủng viện, các ứng sinh linh mục được mời gọi xây dựng và vun đắp tình huynh đệ đặt nền tảng trên đời sống thiêng liêng bằng một xác tín có ý thức. Tình huynh đệ này giúp họ ngày càng lớn lên trong đức ái mục tử và loại trừ mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa.[23] Nhờ đó, họ có thể phân định những thực tại của đời sống con người dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, biết lựa chọn, quyết định và hành động theo thánh ý Chúa.[24]

Bộ Giáo sĩ, trong Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, đã nêu ra những phương thế cụ thể để vun đắp tình huynh đệ linh mục như: cùng nhau cầu nguyện hay học hỏi, chia sẻ hay nâng đỡ, linh hướng và xưng tội, tĩnh tâm hay thường huấn, cùng sống chung hay tham gia vào các hiệp hội linh mục...[25] Tất cả đều giúp cho linh mục ngày càng thăng tiến hơn trong đời sống thiêng liêng, tình huynh đệ thêm thắm thiết và luôn hăng hái nhiệt thành trong bổn phận phục vụ đoàn chiên Chúa. Ngược lại, một linh mục khi thực thi thừa tác vụ một cách đơn độc và chủ quan,[26] sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán nản, cô đơn “yếu nhược về thể lý hoặc rã rời về tinh thần”,[27] thậm chí khủng hoảng đến nỗi từ bỏ thừa tác vụ thánh.

Trong viễn tượng canh tân đời sống và sứ vụ của Giáo Hội mang tính hiệp hành, mỗi linh mục, dù mới chịu chức hay đã cao niên, đều có bổn phận phải trung thành với hồng ân đã lãnh nhận mà hoán cải mỗi ngày, nhờ những phương thế thích hợp, nhằm phục vụ lợi ích của toàn thể Giáo Hội.

4. PHỤC VỤ CÁC TÍN HỮU

4.1. Ơn gọi linh mục và chiều kích Giáo Hội mang tính hiệp hành

Trong mối hiệp thông với chức giám mục, linh mục là thành phần không thể tách rời của cộng đoàn Giáo Hội, để trở nên mục tử và người hướng dẫn. Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “linh mục không chỉ được đặt trong Giáo Hội, mà còn được đặt trước mặt Giáo Hội”.[28] Chẳng những thế, như Đức Kitô đã yêu và hiến mình cho Giáo Hội (x. Ep 5, 25), linh mục cũng sẵn sàng hiến dâng sức lực và yêu thương đến độ trao ban chính mình trong mỗi ngày sống,[29] để quy tụ đoàn chiên Chúa, trong sự hiệp nhất Ba Ngôi Thiên Chúa, và cùng nhau cất bước trên nẻo đường hiệp hành trần thế. Như thế, ơn gọi linh mục chỉ thực sự có ý nghĩa khi mang chiều kích hiệp thông với đoàn chiên và sẵn sàng phục vụ đoàn chiên.

4.2. Ơn gọi linh mục và chiều kích hiệp thông với đoàn chiên

Là con người hiệp thông, linh mục phải làm cho Đức Kitô hiện diện hữu hình giữa đoàn chiên[30] bằng việc xây dựng một mối quan hệ tích cực giữa mình và giáo dân, bằng việc đề cao vai trò của họ trong cộng đoàn, bằng việc phục vụ cộng đoàn giáo xứ một cách nhiệt thành vô vị lợi. Những việc mục vụ giúp linh mục thể hiện tình hiệp thông như: Thường xuyên thăm viếng các gia đình; Chú tâm việc huấn luyện giáo dân, nhất là các đoàn thể; Tận tụy trong việc rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể và Giao hòa; Biết lấy lòng thương xót và bác ái mà đón tiếp và phục vụ những người nghèo, cả về đời sống vật chất, cả về đời sống tinh thần; Quan tâm đặc biệt cho mục vụ ơn gọi và những anh chị em đang dấn thân trong đời tu trì dâng hiến. Sự hiệp thông ấy bắt nguồn từ đức ái mục tử quy hướng thừa tác vụ linh mục vào việc sinh hạ và nuôi dưỡng dân Kitô giáo,[31] với vai trò người cha thiêng liêng hết lòng hiến mình vì đoàn chiên.

4.3. Vai trò làm cha thiêng liêng và việc sử dụng quyền bính

Công đồng Vaticanô II dạy: “Các tư tế của Giao ước mới đã lãnh nhận bí tích Truyền chức thánh để thi hành phận vụ rất cao cả và cần thiết của một người cha và người thầy trong Dân Chúa và cho Dân Chúa”.[32] [33] Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Côrintô, cũng nói: “Thật thế, cho dù anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Giêsu Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Giêsu Kitô, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4, 15).

Quả thật, trong vai trò làm cha thiêng liêng, linh mục tìm thấy niềm vui và phần thưởng qua công việc phục vụ hằng ngày, nhiều khi vất vả và đau khổ nữa, để nhiều linh hồn được tái sinh trong Đức Giêsu Kitô. Với tấm lòng phụ tử, linh mục sẽ sử dụng quyền bính, như là amoris officium, làm cho sứ điệp Tin Mừng trở nên lôi cuốn và đáng tin cậy, bằng đời sống khiêm nhường phục vụ, bằng sự tận tụy chỉ vì ích lợi của đoàn chiên... 3

Nếu không ý thức vai trò làm cha thiêng liêng, linh mục sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ “giáo sĩ trị”: chú trọng chức vị hơn sứ vụ, sử dụng quyền bính để thống trị chứ không phải yêu thương, quan tâm đến quyền lợi mình hơn là thiện ích của đoàn chiên... Mặt khác, linh mục cũng có nguy cơ rơi vào não trạng muốn giảm trừ chức linh mục thừa tác vào các công việc dịch vụ mà coi nhẹ sứ vụ thiêng liêng, dẫn đến những lối sống không phù hợp, nguy hiểm cho đời sống và ơn gọi tu trì.[34] Khi ấy, chẳng những linh mục không chu toàn bổn phận phục vụ được trao phó trong một cộng đoàn nhất định mà tiến trình hiệp hành cũng không mở ra với tất cả mọi người trong viễn tượng làm chứng cho Chúa.

4.4. Ơn gọi linh mục và chiều kích truyền giáo mang tính hiệp hành

Trong sứ vụ linh mục, việc “cùng nhau cất bước hành trình” còn bao hàm ý nghĩa truyền giáo, bởi vì sứ mạng đầu tiên và cơ bản của linh mục là làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống mình.[35] [36] Với Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, mọi linh mục phải là nhà thừa sai, với trí óc và con tim của người truyền giáo, biết mở ra với mọi nhu cầu của Giáo Hội và thế giới,(3) để mọi người lãnh nhận ơn cứu độ và nhận biết chân lý (x. 1Tm 2, 4-6). Tiến trình hiệp hành đòi hỏi tất cả mọi người phải thực sự thay đổi não trạng và đổi mới tâm hồn, nhất là đối với linh mục, người được trao phó trọng trách lãnh đạo. Nhờ đó, linh mục cùng với giáo dân biết rõ nhu cầu cấp bách cải cách các hoạt động mục vụ theo hướng truyền giáo.[37] Nếu không sống tinh thần năng động loan báo Tin Mừng, thì tiến trình hiệp hành bị gián đoạn, giáo xứ có nguy cơ co cụm vào chính mình và xơ cứng[38] khiến cho việc loan báo Tin Mừng bị trở ngại. Vì thế, việc canh tân mục vụ là điều kiện cần thiết trên nẻo đường hành trình trần thế.

4.5. Ơn gọi linh mục và việc canh tân mục vụ mang tính hiệp hành

Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: “Trên đường lữ hành, Giáo Hội được Đức Kitô mời gọi phải đổi mới liên lỉ, đây là điều luôn luôn cần thiết vì Giáo Hội là một định chế nhân loại tại thế”.[39] Trong tiến trình hiệp hành, linh mục đóng vai trò quan trọng trong việc canh tân mục vụ tại giáo xứ. Nếu cộng đoàn bị giam hãm trong những cơ chế nặng nề, khép kín thay vì cởi mở, an nhàn hơn là dấn thân... linh mục phải là tác nhân chính giúp mọi người sống tinh thần hiệp hành, cụ thể là tham gia tích cực vào đời sống của Giáo Hội mà trung tâm là bí tích Thánh Thể và Giao hòa, lắng nghe và sống Lời Chúa trong cuộc đời, làm chứng cho Chúa bằng việc đối thoại và sống bác ái yêu thương, nhất là đối với những người nghèo khổ và những người bị bỏ rơi. Linh mục phải liệu sao “việc loan báo Tin Mừng phải là trục trung tâm của mọi hoạt động mục vụ”,[40] và đào tạo để các thành viên trong cộng đoàn cũng phải trở nên những người loan báo Tin Mừng.

Như thế, việc canh tân mục vụ mang tính hiệp hành nhằm nhìn lại các hoạt động mục vụ, thay vì giới hạn trong những nhóm nhỏ thì biết đến những vùng “ngoại vi”, thay vì bảo thủ và hoài cổ thì mạnh dạn hướng về tương lai. làm sao cho Lời Chúa và đời sống bí tích có thể chạm đến từng người, thúc đẩy tinh thần hiệp thông và mời gọi mỗi người mạnh dạn tham gia vào sứ vụ làm chứng.[41]

TẠM KẾT

Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành vừa là cơ hội để linh mục, chẳng những tái khám phá vẻ đẹp cao cả của sứ vụ thừa tác được lãnh nhận, mà còn nhìn lại những nỗi đau có khi chính mình gây ra cho Giáo Hội. Qua đó một lần nữa, linh mục ý thức thân phận mỏng dòn đời mình mà can đảm dấn bước trên hành trình hoán cải, nhờ đó, “biết đọc những thực tại trong đời sống con người dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và do đó, biết lựa chọn, quyết định và hành động theo thánh ý Chúa”, biết đổi mới tâm hồn và tâm trí để có thể phân định “đâu là thánh ý Chúa: cái gì là tốt lành, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12, 2).[42]

Đây là một công việc được thực hiện một cách cá nhân, khiêm tốn và bền bỉ, nhờ ơn Chúa. Tiến trình hiệp hành và hoán cải đòi linh mục phải trở lại với đời sống nội tâm thiêng liêng, nhìn lại mối dây hiệp thông với đấng bản quyền, tình huynh đệ trong linh mục đoàn và hết lòng phục vụ đoàn chiên Chúa với một tình yêu quảng đại và dâng hiến. Ước mong mỗi linh mục làm mới lại ân sủng mà mình đã lãnh nhận ngày chịu chức, và tự hào vì mình được mời gọi cộng tác vào kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa để đem ơn cứu độ cho mọi người.

Lm. Giuse Bùi Công Trác
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)

 

 

[1] x. Thượng Hội đồng Giám mục, Tài liệu làm việc, 1, tr. 2.

[2] x. Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (06.01.2001), 43: AAS 93 (2001), 297.

[3] x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 2: AAS 58 (1966), 992-993.

[4] x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục (11.02.2013), 3.

[5] x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (07.12.1965), 7: AAS 58 (1966), 1001-1003.

[6] x. Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Pastores dabo vobis (25.03.1992), 15: AAS 84 (1992), 680-681.

[7] x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium (21.11.1964), 9: AAS 57 (1965), 13.

[8] x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, 17: AAS 57 (1965), 21.

[9] x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, 25. x. BỘ GIÁO SĨ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (08.12.2016), 34.

[10] x. Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 41.

[11] x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 2: AAS 58 (1966), 991-993; Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 3: AAS 84 (1992), 660-662; Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, 6.

[12] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 28: AAS 57 (1965), 35.

[13] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 79: AAS 84 (1992), 797.

[14] x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 7: AAS 58 (1966), 1002.

[15] x. Bộ Giáo Luật (25.01.1983), 384: AAS 75 (1983) - II, 69-70.

[16] Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 128.

[17] x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 7: AAS 58 (1966), 1001; x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, 31.

[18] x. Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 41; x. Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 18: AAS 84 (1992), 684-686.

[19] x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, 33.

[20] x. Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 51; x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 8: AAS 58 (1966), 1003.

[21] x. Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 17: AAS 84 (1992), 682-684.

[22] x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 8: AAS 58 (1966), 1004.

[23] x. Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 87.

[24] x. Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 43.

[25] x. Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 88.

[26] x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, 36.

[27] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 77: AAS 84 (1992), 794.

[28] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 16: AAS 84 (1992), 681.

[29] x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, 14.

[30] x. Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 15: AAS 84 (1992), 679-680.

[31] x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, 24-25.

[32] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 9: AAS 58 (1966),1005.

[33] x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, 41.

[34] x. Bộ Giáo Sĩ, Chỉ nam Thừa tác vụ và đời sống linh mục, 55.

[35] x. Đức Biển Đức XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Sacramentum caritatis (22.02.2007), 85: AAS 99 (2007), 170-171.

[36] x. Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (07.12.1990), 67: AAS 83 (1991) 315-316.

[37] x. Bộ Giáo Sĩ, Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng (29.06.2020), 34-35.

[38] x. Bộ Giáo Sĩ, Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng, 17.

[39] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio (21.11.1964), 6: AAS 57 (1965), 96.

[40] Bộ Giáo Sĩ, Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng, 12.

[41] x. Bộ Giáo Sĩ, Huấn thị cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ loan báo Tin Mừng, 16-18.

[42] Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis, 43.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây