TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đổi mới

Chủ nhật - 30/05/2021 23:03 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   814
Đổi mới

Đổi mới

Cuộc sống của chúng ta biến hóa không ngừng, như dòng sông âm thầm tuôn chảy. Nhờ dòng chảy mà sông luôn tự làm mới mình. Cũng nhờ dòng chảy mà sông cung cấp phù sa màu mỡ, làm phong nhiêu cho lưu vực đôi bờ. Ngay trong cơ thể chúng ta, các tế bào cũng thay đổi mỗi ngày. Một nghiên cứu chuyên ngành đã đưa ra kết luận, mỗi người chúng ta rụng đi 30 ngàn đến 40 ngàn tế bào da chết mỗi giờ, vị chi là khoảng 960 ngàn tế bào da chết mỗi ngày, và một năm mỗi người thải ra tới 4kg da chết. Một thân xác thay đổi, cũng cần đến một tâm hồn canh tân để trở nên mới mẻ, tiếp thêm nghị lực và sức sống. Nếu không chấp nhận thay đổi, tâm hồn chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi lỗi thời. Trong cuộc sống trần gian, mỗi người trong chúng ta phải cố gắng để thăng tiến và hoàn thiện. Thăng tiến là một lộ trình lâu dài, cần kiên nhẫn bền bỉ suốt đời. Hoàn thiện là con đường khắt khe nghiệt ngã, đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh. Ai muốn thành đạt, đều phải chấp nhận học hỏi và thay đổi chính mình.

Mỗi chúng ta chỉ là một cá nhân trong cộng đồng nhân loại mênh mông, giống một hạt cát trong sa mạc, như một giọt nước giữa đại dương. Để sống hài hòa với môi trường xung quanh, mỗi người phải chấp nhận từ bỏ cái tôi ích kỷ. Những ý kiến chủ quan, có thể là tốt, nhưng chỉ là tốt cho cá nhân mà phương hại cho tập thể. Muốn thay đổi, mỗi người phải chấp nhận bước ra khỏi vỏ bọc của chính mình để hòa nhập với môi trường xung quanh, chân thành rộng mở tấm lòng đón nhận anh chị em, tôn trọng những khác biệt. Không thể cứ lý luận cùn: “Tính của tôi là như thế” để khư khư bảo thủ trong lối sống khép kín chủ quan của mình. Trong thực tế, có nhiều người vì lợi ích riêng tư, mà làm thiệt hại công ích và tạo nguy hiểm cho xã hội. Cách nay khoảng chục năm, có những người sống cạnh đường xe lửa đi qua, ngang nhiên xúc trộm đá hai bên đường ray về đổ bê tông nhà mình. Đường xe lửa vì mất đá, nên dần dần sụp xuống, gây tai nạn chết người và thiệt hại nghiêm trọng về tiền bạc để tu sửa. Có những công ty vô trách nhiệm và vô đạo đức, thải chất độc ra dòng sông, làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, gây tổn hại đến đời sống của người dân. Có thể liệt kê nhiều ví dụ tương tự cho thấy trong xã hội chúng ta có nhiều người chưa ý thức bảo vệ công ích, chỉ biết tranh thủ làm lợi cá nhân. Trước khi bàn đến những dự tính lớn lao cao vời, hãy khởi đi bằng việc đào tạo ý thức con người. Không có con người ý thức về ích lợi của cộng đồng, sẽ chẳng bao giờ có được xã hội văn minh, nhân ái và an bình. Biết tôn trọng công ích, sống vì tha nhân, đó là một thay đổi căn bản và cần thiết nơi cá nhân mỗi người chúng ta.

Vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chính sách đổi mới đã đưa xã hội Việt Nam thoát khỏi chế độ bao cấp nghèo nàn. Một hạn từ được sử dụng rất phổ biến, đó là “đổi mới tư duy”. Trước đó ở nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp là một mô hình lạc hậu, tạo nên những người lao động vô trách nhiệm, thờ ơ với công ích. Người nông dân làm việc giống như những tù nhân trong trại cải tạo, chỉ biết nghe kẻng báo là vác cuốc ra đồng làm việc, không quan tâm đến năng suất và hiệu quả lao động. Đổi mới tư duy giúp con người thoát ra khỏi những nếp nghĩ và hành động cứng nhắc máy móc, quá nặng tới ý thức hệ qua những công thức học thuộc lòng. Tiếc rằng, phong trào đổi mới không được thực hiện triệt để và thấu đáo, nên những tiêu cực vẫn còn tồn tại trong xã hội hôm nay. Trong thực tế, người ta vẫn chú trọng đến dây nhợ, con ông cháu cha hơn là tài năng; chú trọng đến lý lịch hơn đạo đức con người. Những tổ chức từ thiện và tôn giáo vẫn bị săm soi theo lăng kính chính trị. Những hoạt động từ thiện vẫn bị đổ đồng với những “diễn biến hòa bình”. Những hoạt động tôn giáo vẫn bị nghi ngờ và kiểm soát khắt khe. Bao lâu những quan điểm và hoạt động nêu trên chưa được định giá đúng mức, thì nền văn minh, dân chủ và tiến bộ vẫn còn bị hạn chế, thậm chí bị bóp nghẹt. Xã hội hôm nay rất cần có những nhận định công bằng về những hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cũng như của những người thao thức với vận mệnh của dân tộc, nhằm mục đích góp phần xây dựng một xã hội văn minh, dân chủ, nhân ái và đậm tình người.

Thế giới hôm nay ngày càng rộng mở, không còn khép kín như trước đây. Ánh sáng của khoa học kỹ thuật cũng đã chiếu tỏa đến mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống. Chính vì vậy, những quan niệm cổ hủ lỗi thời cũng cần được canh tân thay đổi. Những năm gần đây, viện lý do “phục hồi những giá trị truyền thống”, nhiều hủ tục thời xa xưa mượn dịp bùng phát theo kiểu trăm hoa đua nở. Trong số đó, có nhiều lễ hội đình đám phản văn hóa, mê tín dị đoan, đưa con người trở lại thời mông muội. Một nghịch lý của xã hội chúng ta hôm nay, đó là càng ngày con người càng văn minh, thì càng ngày càng có nhiều hoạt động mê tín, ngay cả nơi một số cán bộ và công chức nhà nước là những người tự nhận là vô thần. Họ còn ngang nhiên sử dụng xe công để đi lễ ở các đền, các phủ để cầu may. Không ít người đã khuynh gia bại sản, thậm chí mất mạng, vì cả tin vào những lời phù thủy bói toán. Đổi mới não trạng để có một cuộc sống lành mạnh, dựa vào nỗ nực phấn đấu của bản thân, là một điều cần thiết để có một cuộc sống quân bình giữa niềm tin và cuộc sống.

Trong cuộc sống được mệnh danh là “hiện đại”, người ta có nguy cơ mất kiên nhẫn. Vì thiếu kiên nhẫn, nên vợ chồng dễ dàng bỏ nhau, bạn bè dễ dàng ly tán. Biết bao hậu quả tang thương do thiếu kiên nhẫn gây nên. Người ta yêu vội vàng, chia tay cũng vội vàng. Thực ra, trên đời này chẳng bao giờ có một tình yêu lý tưởng trong nhung lụa, hay một gia đình êm xuôi trọn vẹn đầy ánh hào quang như trong tiểu thuyết. Nếu chúng ta thấy có những gia đình hạnh phúc, những cặp vợ chồng sống với nhau chung thủy đến đầu bạc răng long, là vì họ biết kiên nhẫn, bao dung và vượt lên những khó khăn thử thách của cuộc sống gia đình. Hạnh phúc ngọt ngào của gia đình là kết quả của biết bao hy sinh cố gắng. Trước những khó khăn hôm nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã dễ dàng chấp nhận đổ vỡ, ly tán. Để biện minh cho lý do chia tay, họ viện cớ không thể hòa hợp. Thực tế là họ ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân và đã đánh mất lòng kiên nhẫn. Một triết gia người Pháp, ông Jean Jacques Rousseau, đã viết: “Sự kiên nhẫn đắng chát, nhưng quả của nó lại rất ngọt ngào”. Vâng, kiên nhẫn đòi hỏi những mất mát hy sinh và nhiều khi bị người ta coi là hèn hạ, nhưng nhờ đó, chúng ta sẽ gặt hái được những hoa thơm trái ngọt và hạnh phúc lâu dài. Thay đổi suy nghĩ để kiên nhẫn và nhận ra những khiếm khuyết của bản thân, đó là một trong những bí quyết quan trọng để duy trì hạnh phúc.

“Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp cho”. Câu khẳng định này muốn nhắc nhở chúng ta hãy sống bằng những nỗ lực cố gắng riêng mình, cộng với niềm cậy trông vào ơn trên. Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều người sống dựa dẫm vào người khác, hoặc không có định hướng cho tương lai. Khá nhiều bạn trẻ buông xuôi đời mình như những con thuyền giạt trôi vào cõi vô định giữa đại dương cuộc đời mênh mông. Nhiều người khác lại ôm ấp quá nhiều tham vọng, thiếu khôn ngoan sáng suốt để chọn cho mình một hướng đi, một nghề nghiệp hay một bạn đời. Thay đổi não trạng ù lì, dựa dẫm vào người khác, đó là một điều kiện quan trọng để gây dựng cho mình một tương lai, giúp mình có một hướng đi vững chắc trong cuộc đời và hướng tới tương lại xán lạn.

Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng lời kêu gọi “Hãy sám hối!”. Sám hối là đoạn tuyệt với tội lỗi, chấp nhận thay đổi cuộc đời để bước sang một ngã rẽ mới. Khi chấp nhận sống theo tinh thần của Tin Mừng, mỗi người phải đổi mới và đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu. Sống theo Tin Mừng cũng là một chuỗi những hy sinh, bởi lẽ rượu mới cần phải đựng trong bầu da mới. Lối suy nghĩ và hành động ích kỷ hẹp hòi không còn phù hợp với giáo huấn của Chúa là Đấng kêu gọi hãy “yêu tha nhân như chính mình”. Các tác giả Tin Mừng kể lại với chúng ta, rất nhiều người đã gặp gỡ Chúa Giêsu, đã được Người tác động, nhờ đó cuộc đời của họ đã thay đổi. Trong số đó, có những người học hành uyên thâm và là thành viên Công nghị Do Thái như ông Nicôđêmô; có những người bị kỳ thị vì nghề nghiệp như ông Matthêu, nhân viên thu thuế; có những người tội lỗi như cô Mađalêna. Còn biết bao người, trong suốt bề dày của lịch sử, đã để cho lòng thương xót của Chúa chạm tới, để rồi ơn Chúa biến đổi, cảm hóa nên con người mới. Sự thay đổi này vừa đến từ ơn Chúa, vừa đến từ nỗ lực của con người, như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Con người có quyền tự do để chọn lựa theo Chúa hoặc từ chối không chấp nhận Ngài. Những ai chấp nhận Ngài, sẽ tìm thấy lý tưởng cho đời mình, nhờ đó họ tìm thấy hạnh phúc và bình an. Những ai tin vào Chúa cần nỗ lực thay đổi cuộc đời để phù hợp với giáo huấn của Chúa, nhờ đó mà họ nên hoàn thiện.

Hành trình nên hoàn thiện chính là hành trình của những biến đổi để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Vâng, mỗi chúng ta, hãy tâm niệm điều đó. Không chỉ tâm niệm, nhưng hãy cố gắng để cuộc sống của chúng ta hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai tốt hơn hôm nay. Bởi lẽ, cuộc sống là sự biến đổi không ngừng, như dòng sông nhẹ nhàng êm trôi, để tự làm mới chính mình và cung cấp phù sa, mang lại phì nhiêu màu mỡ cho những miền đất nó đi qua. Sống Tin Mừng và góp phần làm cho sứ điệp yêu thương lan tỏa trong cuộc đời, đó chính là sứ mạng của mỗi người tín hữu chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

 Tags: Đổi mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây