TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dòng nước tái sinh

Chủ nhật - 30/05/2021 22:57 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   759
Dòng nước tái sinh

Dòng nước tái sinh

Biến cố vượt qua Biển Đỏ là mốc lịch sử quan trọng đối với người Do Thái. Sự kiện này đã in đậm dấu ấn trong đời sống đức tin của cả dân tộc, và được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ kia. Ra khỏi Ai Cập không chỉ là di chuyển và thay đổi chốn định cư, nhưng là dịp để quyền năng và tình yêu thương Thiên Chúa được thể hiện. Khi chiêm ngưỡng sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa, người Do Thái hoàn toàn tâm phục khẩu phục trước quyền năng của Ngài. Ngay khi vừa thoát nạn, họ cùng với Ông Môisen đã cất cao bài ca tán tụng Chúa với bài ca được mang tên “Bài ca chiến thắng” (x. Xh chương 15).

Dòng nước Biển Đỏ đã nhấn chìm và giết chết đạo binh hùng hậu của Pharaô, vua Ai Cập. Cũng dòng nước ấy đã cứu sống những người Do Thái, dân riêng của Chúa. Họ đã tuân theo sự hướng dẫn của ông Môisen, vị lãnh đạo thay mặt Thiên Chúa. Cùng bước xuống dòng nước Biển Đỏ đang chảy cuồn cuộn, nhưng khi người Do Thái đi đến đâu, thì nước hai bên dựng đứng như bức tường, và khi người Ai Cập tiến tới, thì nước ùa vào, làm cho họ cùng với kỵ binh chết la liệt. Đối với người Ai Cập, nước Biển Đỏ là nước giết chết. Đối với người Do Thái, nước Biển Đỏ là nước tái sinh.

Giáo Hội Kitô đã sớm nhận ra ý nghĩa mới qua biến cố dân Do Thái vượt Biển Đỏ: đó là hình ảnh của cuộc giải phóng được thực hiện qua cái chết cứu độ của Chúa Giêsu. Cuộc vượt qua của dân Do Thái có ý nghĩa ngôn sứ và mang tầm mức thiêng liêng. Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, chiến thắng tối tăm của ngục tù, để bước ra khỏi nấm mồ. Khi ra khỏi nấm mồ tăm tối, Người dẫn đưa cả nhân loại, cùng với Người, vượt qua tối tăm của sự chết để đến với ánh sáng của sự sống mới huy hoàng. Phụng vụ của Đêm Canh thức Phục sinh đã diễn tả điều này. Vì vậy, trong đêm cực thánh này, Giáo Hội thường cử hành bí tích Thanh tẩy cho một số tín hữu, đồng thời, cũng đề nghị cộng đoàn phụng vụ cùng lặp lại lời tuyên thệ khi họ lãnh phép Thanh tẩy. Cũng như người Do Thái vượt qua Biển Đỏ để đến bến bờ của tự do, người Kitô hữu, nhờ dòng nước tái sinh của bí tích này, trở nên con cái Thiên Chúa. Họ bước qua tăm tối để đến với ánh sáng. Dòng nước tái sinh đã gột rửa họ khỏi tội nguyên tổ và những tội lỗi đã phạm. Truyền thống Giáo Hội thời xa xưa (và nay còn được thực hiện nơi một số cộng đoàn Công giáo hoặc một số hệ phái Kitô giáo), vẫn cử hành nghi thức thanh tẩy bằng nghi thức dìm mình xuống giếng nước rửa tội. Đây là nghi thức tượng trưng, được gợi hứng từ Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô. Thánh tông đồ đã so sánh những ai được lãnh nhận bí tích Thanh tẩy như được dìm mình trong sự chết của Chúa Kitô, nhờ đó, họ trở nên thụ tạo mới (x. 2Cr 5,16-17). Khi tuyên thệ từ bỏ tội lỗi và ảnh hưởng của ma quỷ, họ đoạn tuyệt với quá khứ. Con người cũ đã được chôn vùi trong dòng nước thanh tẩy, như đạo binh của Pharaô đã chết chìm trong cuộc săn đuổi người Do Thái trong lòng Biển Đỏ. Từ nay, những người được thanh tẩy chỉ sống cho Thiên Chúa và chỉ thuộc về Ngài, như chọn lựa duy nhất cho tương lai của mình. Thánh Tông đồ cũng nói đến đoàn dân Do Thái, khi vượt qua Biển Đỏ, như thể họ đã được chịu phép Rửa dưới đám mây và trong lòng biển (x. 1Cr 10,1-4). Bí tích Thanh tẩy không phải là một ma thuật hay bùa chú. Người đã được thanh tẩy phải thiện chí sống giáo huấn của Chúa Giêsu, để cho ơn của bí tích này được tăng trưởng trong đời sống, như lời Thánh Phêrô “Phép rửa không phải là việc tẩy sạch vết nhơ thể xác, nhưng là lời cam kết với Thiên Chúa của một lương tâm ngay thẳng, cứu thoát anh em nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô” (1Pr 3,21).

Bí tích Thanh tẩy dẫn đưa người tín hữu sang một ngã rẽ mới của cuộc đời, đó là hành trình của người môn đệ Đức Kitô. Ngã rẽ này được thực hiện qua những lời cam kết và qua sự khiêm nhường cúi mình xuống đón nhận dòng nước tái sinh. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều người Kitô hữu không ý thức đủ về tầm quan trọng của bí tích này. Nhiều bậc cha mẹ, khi xin cho con mình được rửa tội, cũng chỉ coi đó là một nghi thức chiếu lệ, làm cho xong như một thói quen. Đó là lý do nhiều cặp vợ chồng sao lãng trong việc lo lắng cho con mình được gia nhập Giáo Hội. Một số người lý luận sai lầm rằng: cứ để chúng lớn lên, nếu chúng muốn, thì lúc đó rửa tội cũng không muộn. Họ quên rằng bí tích Thanh tẩy được cử hành trong Giáo Hội và với đức tin của Giáo Hội. Bí tích này ghi dấu ấn không thể phai mờ nơi người được thanh tẩy. Nhờ đó, ân sủng dồi dào của Chúa sẽ được ban xuống cho người thụ tẩy, mặc dù đó là một trẻ sơ sinh. Với năm tháng thời gian, ân sủng của Chúa lớn lên và đem lại cho người đã được rửa tội sức mạnh thiêng liêng, giúp người đó thực hiện những bổn phận của người Kitô hữu trong ba chức năng: Ngôn sứ, Tư về và Quản trị.

Dòng nước tái sinh làm cho người thụ tẩy trở nên “con Thiên Chúa”. Đây là một danh xưng được dành cho chính Chúa Giêsu trong Tân ước. Chúa Giêsu cũng nhiều lần khẳng định danh xưng này. Điều đó có nghĩa, nhờ ân sủng của Chúa, chúng ta nên giống như Chúa Giêsu trong mối tương quan với Chúa Cha. Người Kitô hữu cũng được gọi là nghĩa tử của Thiên Chúa, là đàn em đông đảo có Chúa Giêsu là trưởng tử (x. Rm 8,28-30). Cũng vì lẽ đó mà Chúa Giêsu đã dạy, khi cầu nguyện, chúng ta thân thưa với Chúa bằng danh xưng rất gần gũi thân thương: “Lạy Cha chúng con…”. Bí tích Thanh tẩy phá bỏ mọi hàng rào ngăn cách, không còn sự khác biệt giữa các chủng tộc, ngôn ngữ, nhưng hết thảy cùng được thừa kế một gia nghiệp, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa đã hứa (x. Ep 3 6).

Sống giữa thế gian như biển cả ba đào, người tín hữu vẫn đang sống giữa hai dòng nước cuộc đời, đó là dòng nước trong của sự thánh thiện và dòng nước đục của tội lỗi. Họ vẫn có tự do để lựa chọn, và Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do ấy. Có những lúc, dòng nước đục mạnh mẽ và hấp dẫn hơn dòng nước trong, khiến con người dễ bề lạc lối. Bí tích Thanh tẩy luôn nhắc nhở và thêm sức cho chúng ta, hãy lựa chọn Chúa và hãy trung thành với lời tuyên thệ trước khi đón nhận dòng nước tái sinh. Ơn của bí tích Thanh tẩy thật kỳ diệu: có nhiều người xa Chúa lâu năm, vì hoàn cảnh xã hội hoặc vì lưu lạc, nhưng ở một thời điểm nào đó, Chúa vẫn đánh động và mời gọi họ trở về. Chúa Thánh Thần đã soi sáng để họ nhận ra những ảo tưởng, lầm lạc của quá khứ, từ đó, họ trỗi dậy, can đảm sám hối và trở về với Ngài.

Mỗi chúng ta hãy tự hào với danh xưng Kitô hữu. Mỗi chúng ta cũng hãy cố gắng sống tốt khi thực hành những bổn phận gắn liền với danh xưng này. Nếu chúng ta hiên ngang, không xấu hổ vì là người Kitô hữu ở đời này, Chúa sẽ ân thưởng bội hậu cho chúng ta ở đời sau.

Gm Giuse Vũ văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây