TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XIV Thường Niên -Năm C

“Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”. (Lc 1-12. 17-20)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Thứ bảy - 05/07/2025 10:37 |   36
WHĐ (05/7/2025) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 14 Mùa Thường niên năm C theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM C

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN NĂM C

avatar
Văn Việt (tổng hợp)


 

Số 541-546: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần

Số 787, 858-859: Các Tông đồ, được kết hợp vào sứ vụ của Đức Kitô

Số 2122: “Thợ thì đáng được nuôi ăn”

Số 2816-2821: "Nguyện Nước Chúa mau đến"

Số 555, 1816, 2015: Thập giá là con đường đi theo Chúa Kitô

Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c

Bài Ðọc II: Gl 6, 14-18

Phúc Âm: Lc 10, 1-12.17-20

 

Số 541-546: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần

Số 541. “Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilêa, rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’” (Mc 1,14-15). “Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khởi đầu Nước Trời nơi trần gian”[1]. Và thánh ý Chúa Cha là “nâng loài người lên, cho họ được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa”[2]. Thiên Chúa thực hiện điều này bằng cách quy tụ người ta quanh Con của Ngài, là Chúa Giêsu Kitô. Cộng đồng được quy tụ này, chính là Hội Thánh, là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Thiên Chúa” trên trần gian[3].

Số 542. Đức Kitô là trung tâm của cộng đồng nhân loại này trong “gia đình của Thiên Chúa”. Người triệu tập họ quanh Người bằng lời nói, bằng những dấu chỉ biểu lộ Nước Thiên Chúa, bằng việc sai phái các môn đệ của Người. Ngươi sẽ làm cho Nước Người đến, chủ yếu nhờ mầu nhiệm cao cả là cuộc Vượt Qua của Người, tức là cái Chết trên thập giá và sự Sống lại của Người. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi ngươi lên với tôi” (Ga 12,32). Mọi người đều được mời gọi tham dự vào sự kết hợp này với Đức Kitô[4].

Chúa Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa

Số 543. Mọi người đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước này của Đấng Messia trước tiên được loan báo cho con cái Israel[5], nhưng hướng đến việc đón nhận mọi người thuộc mọi dân tộc[6]. Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải đón nhận lời của Chúa Giêsu:

“Lời Chúa được ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai nghe Lời Chúa với đức tin và gia nhập đàn chiên nhỏ của Đức Kitô, thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi do sức của nó, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt”[7].

Số 544. Nước Thiên Chúa thuộc về những người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tâm hồn khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,l8)[8]. Người tuyên bố rằng họ có phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3); Chúa Cha đã thương mạc khải cho những kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết[9]. Chúa Giêsu, từ máng cỏ cho tới thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn; Người đã từng chịu đói[10], chịu khát[11], chịu thiếu thốn[12]. Hơn thế nữa, Người tự đồng hóa mình với mọi hạng người nghèo hèn và coi lòng yêu thương tích cực đối với họ là điều kiện để được vào Nước của Người[13].

Số 545. Chúa Giêsu mời những kẻ tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)[14]. Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của Cha Người đối với họ[15], và “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc l5,7). Bằng chứng cao cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình “cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).

Số 546. Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời, bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách giảng dạy của Người[16]. Qua các dụ ngôn, Người mời vào dự tiệc Nước Trời[17], nhưng Người cũng đòi phải có một lựa chọn triệt để: để đạt được Nước Trời, cần phải cho đi mọi sự[18]; lời nói suông không đủ, cần phải có việc làm[19]. Các dụ ngôn như những tấm gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mau mỡ?[20] Họ làm gì với những nén bạc đã nhận?[21] Chúa Giêsu và sự hiện diện của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là, phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài” (Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn[22].

 

Số 787, 858-859: Các Tông đồ, được kết hợp vào sứ vụ của Đức Kitô

Số 787. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã kết hợp các môn đệ Người vào cuộc đời Người[23]; Người đã mạc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời[24]; và cho họ được tham dự vào sứ vụ, niềm vui[25] và những đau khổ của Người[26]. Chúa Giêsu còn nói đến một sự hiệp thông mật thiết hơn nữa giữa Người với những ai đi theo Người: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em…. Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,4-5). Và Người loan báo một sự hiệp thông bí nhiệm và thật sự giữa thân thể của Người và thân thể của chúng ta: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).

Số 858. Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đi. Ngay từ đầu sứ vụ của Người, Người “gọi đến với mình những kẻ Người muốn…. Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,13-14). Từ đó, họ là “những người được sai đi” (thuật ngữ Hy Lạp Apostoloi nói lên ý nghĩa đó). Qua họ, Đức Kitô tiếp tục sứ vụ riêng của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,2l)[27]. Như vậy, thừa tác vụ của họ là sự tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô. Chính Người nói với nhóm Mười Hai: “Ai đón tiếp anh em, là đón tiếp Thầy” (Mt l0,40)[28].

Số 859. Chúa Giêsu kết hợp họ vào sứ vụ mà Người lãnh nhận từ Chúa Cha: cũng như “Chúa Con không thể tự mình làm gì” (Ga 5,19.30) nhưng lãnh nhận tất cả từ Chúa Cha, Đấng đã sai Người, thì những người Chúa Giêsu sai đi cũng vậy, họ không thể làm được gì nếu không có Người[29], từ nơi Người, họ đã lãnh nhận lệnh truyền sai đi và quyền năng để hoàn thành điều đó. Vì thế, các Tông Đồ của Đức Kitô biết rằng họ đã được Thiên Chúa làm cho trở thành “những thừa tác viên của Tân Ước ”(2 Cr 3,6), “những thừa tác viên của Thiên Chua” (2 Cr 6,4), “những sứ giả thay mặt Đức Kitô” (2 Cr 5,20), “những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1 Cr 4,l).

 

Số 2122: “Thợ thì đáng được nuôi ăn”

Số 2122. “Ngoài những của dâng cúng do nhà chức trách có thẩm quyền ấn định, thừa tác viên không được xin gì để ban các bí tích, và luôn luôn phải liệu sao đừng để những người nghèo không được hưởng nhờ ơn các bí tích vì sự túng thiếu của mình”[30]. Thẩm quyền Hội Thánh ấn định “những của dâng cúng” này theo nguyên tắc dân Kitô giáo phải cấp dưỡng cho các thừa tác viên của Hội Thánh. “Thợ thì đáng được nuôi ăn”[31] (Mt 10,10).

 

Số 2816-2821: "Nguyện Nước Chúa mau đến"

Số 2816. Trong Tân Ước, cùng một từ Basileia có thể dịch là “vương quyền” (danh từ trừu tượng), “nước” (danh từ cụ thể) hay “vương triều” (danh từ chỉ việc cai trị). Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta. Nước đó đã gần đến trong Ngôi Lời nhập thể, đã được loan báo trong toàn bộ Tin Mừng, và đã đến trong sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nước Thiên Chúa đến từ bữa Tiệc Ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước đó đang ở giữa chúng ta. Nước đó sẽ đến trong vinh quang, khi Đức Kitô trao nó lại cho Cha Người:

“Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao Người đến, và chúng ta mong mỏi việc Người ngự đến mau mau được tỏ hiện cho chúng ta. Đàng khác, cũng như Người là sự phục sinh bởi vì chúng ta được sống lại trong Người, thì cũng vậy, Người có thể được hiểu là Nước Thiên Chúa bởi vì chúng ta sẽ được hiển trị trong Người”[32].

Số 2817. Lời cầu xin này là lời “Marana tha”, là tiếng kêu cầu của Thần Khí và Hiền Thê: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”:

“Giả như lời cầu xin này không đòi buộc phải van xin Nước Chúa mau đến đi nữa, thì chúng ta cũng bị thúc giục kêu gào điều đó vì muốn ôm lấy niềm hy vọng của chúng ta. Linh hồn các vị tử đạo nằm dưới bàn thờ lớn tiếng kêu lên Chúa: ‘Lạy Chúa, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?’ (Kh 6,10). Chắc chắn các ngài sẽ được xét xử công bằng vào ngày tận thế. Lạy Chúa, nguyện Nước Chúa mau đến”[33].

Số 2818. Trong Kinh Lạy Cha, vấn đề chủ yếu là việc Nước Thiên Chúa đến cách chung cuộc lúc Đức Kitô trở lại[34]. Nhưng ước muốn này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng của mình ở trần gian, trái lại càng thúc giục Hội Thánh dấn thân hơn nữa. Vì từ ngày lễ Ngũ Tuần, cuộc Ngự đến của Nước Thiên Chúa là công trình của Thần Khí Chúa, Đấng kiện toàn công trình của Đức Kitô nơi trần gian và hoàn tất công việc thánh hóa[35].

Số 2819. “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17). Thời cuối cùng, mà chúng ta đang sống, là thời kỳ tuôn đổ Chúa Thánh Thần. Kể từ đó, cuộc chiến đấu quyết định giữa “xác thịt” và Thần Khí đã khởi đầu[36]:

“Chỉ tâm hồn thanh sạch mới có thể tin tưởng nói lên: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’. Quả thật, ai nghe lời thánh Phaolô dạy: ‘Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa’ (Rm 6,12), và biết giữ hành động, tư tưởng và lời nói của mình trong sạch, người đó mới có thể thưa với Thiên Chúa: ‘Nguyện Nước Cha trị đến’”[37].

Số 2820. Trong sự phân định theo Thần Khí, các Kitô hữu phải biết phân biệt giữa sự thăng tiến của Nước Thiên Chúa với sự tiến bộ của văn hóa và xã hội họ đang sống. Sự phân biệt này không phải là tách biệt. Ơn gọi của con người vào sự sống muôn đời không bãi bỏ nhưng củng cố nhiệm vụ của họ là phải sử dụng các năng lực và phương tiện do Đấng Tạo Hóa ban, để phục vụ công lý và hòa bình trên trần gian[38].

Số 2821. Lời cầu xin này được nâng đỡ và đoái nhận trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu[39], vốn hiện diện và hữu hiệu trong bí tích Thánh Thể; lời cầu nguyện này mang lại hoa trái trong đời sống mới theo các mối phúc[40].

 

Số 555, 1816, 2015: Thập giá là con đường đi theo Chúa Kitô

Số 555. Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát, và như vậy Người xác nhận lời tuyên xưng của ông Phêrô. Người cũng cho thấy rằng, để “vào trong vinh quang của Người” (Lc 24,26), Người phải đi qua thập giá tại Giêrusalem. Ông Môisen và ông Êlia đã thấy vinh quang của Thiên Chúa trên núi; Lề luật và các Tiên tri đã tiên báo những đau khổ của Đấng Messia[41]. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đúng là do ý muốn của Chúa Cha: Chúa Con hành động với tư cách là Người Tôi Trung của Thiên Chúa[42]. Đám mây nói lên sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi cùng xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói”[43]:

“Lạy Chúa Kitô là Thiên Chúa, Chúa đã hiển dung trên núi và, tuỳ theo khả năng, các môn đệ Chúa chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để mai sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh thập giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho thế giới biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha chiếu toả”[44].

Số 1816. Người môn đệ Đức Kitô không những phải gìn giữ đức tin và sống bởi đức tin, mà còn phải tuyên xưng, can đảm làm chứng và truyền bá đức tin: “Mọi tín hữu … phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người ta, và bước theo Người trên đường thập giá, giữa những cuộc bách hại mà Hội Thánh luôn luôn gặp phải”[45]. Việc phục vụ và làm chứng cho đức tin là những điều phải có để được cứu độ. “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33).

Số 2015. Con đường của sự trọn hảo phải đi qua thập giá. Không thể có sự thánh thiện, nếu không có sự từ bỏ và cuộc chiến đấu thiêng liêng.[46] Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng bao hàm sự khổ chế và hy sinh hãm mình, là những điều từng bước dẫn tới việc sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc:

“Ai trèo lên, người đó không bao giờ ngừng từ bắt đầu này tiếp sau bắt đầu kia, qua những bắt đầu không chấm dứt. Người đó không bao giờ ngừng ao ước điều người đó đã biết rồi”[47].

 

Bài Ðọc I: Is 66, 10-14c

“Ðây Ta khiến sông bình an chảy vào nó”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa.

Xướng: 1) Toàn thể đất nước hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người, hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa.

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa.

2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa.

3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời.

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa.

4) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa.

 

Bài Ðọc II: Gl 6, 14-18

“Tôi mang trong mình tôi những dấu thánh của Chúa Giêsu”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Ðức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới. Nguyện chúc bình an và lòng thương xót đối với những ai rập theo quy tắc đó, và cho cả Israel của Thiên Chúa nữa. Từ nay trở đi, ước gì không ai làm phiền tôi nữa; vì tôi mang trong mình tôi dấu thánh của Chúa Giêsu.

Anh em thân mến, nguyện ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ở cùng anh em! Amen.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14,23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 1-12.17-20

“Sự bằng yên của các con sẽ đến trên người ấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ”.

“Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ‘Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi’.

“Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: ‘Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Ta bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.

Bảy mươi hai ông trở về rất vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rít, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”.

Ðó là lời Chúa.

------------

[1] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[2] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 5-6.

[3] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 8.

[4] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.

[5] X. Mt 10,5-7.

[6] X. Mt 8,11; 28,19.

[7] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 7.

[8] X. Lc 7,22.

[9] X. Mt 11,25.

[10] X. Mc 2,23-26; Mt 21,18.

[11] X. Ga 4,6-7; 19,28.

[12] X. Lc 9,58.

[13] X. Mt 25,31-46.

[14] X. 1 Tm 1,15.

[15] X. Lc 15,11-32.

[16] X. Mc 4,33-34.

[17] X. Mt 22,1-14.

[18] X. Mt 13,44-45.

[19] X. Mt 21,28-32.

[20] X. Mt 13,3-9.

[21] X. Mt 25,14-30.

[22] X. Mt 13,10-15.

[23] X. Mc 1,l6-20; 3,l3-l9.

[24] X. Mt l3,l0-l7.

[25] X. Lc l0,l7-20.

[26] X. Lc 22,28-30.

[27] X. Ga 13,20; 17,18.

[28] X. Lc l0,l6.

[29] X. Ga l5,5.

[30] Bộ Giáo Luật, điều 848.

[31] X. Lc 10,7; 1 Cr 9,4-18; 1 Tm 5,17-18.

[32] Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 13: CCL 3A, 97 (PL 4, 545).

[33] Tertullianô, De oratione, 5, 2-4: CCL 1, 260 (PL 1, 1261-1262).

[34] X. Tt 2,13.

[35] X. Kinh Nguyện Thánh Thể IV, 118: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 468.

[36] X. Ga 5,16-25.

[37] Thánh Cyrillô Giêrusalem, Catecheses mystagogicae, 5, 13: SC 126, 162 (PG 33, 1120).

[38] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 22: AAS 58 (1966) 1042-1044; Ibid., 32: AAS 58 (1966) 1051; Ibid., 39: AAS 58 (1966) 1057; Ibid., 45: AAS 58 (1966) 1065-1066; ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 31: AAS 68 (1976) 26-27.

[39] X. Ga 17,17-20.

[40] X. Mt 5,13-16; 6,24; 7,12-13.

[41] X. Lc 24,27.

[42] X. Is 42,1.

[43] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 45, a. 4, ad 2: Ed. Leon. 11, 433.

[44] Phụng vụ ByzantinKontakion in die TransfigurationisMenaia tou olou eniautou, v. 6 (Romae 1901) 341.

[45] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (1965) 48; x. Id., Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 14: AAS 58 (1966) 940.

[46] X. 2 Tm 4.

[47] Thánh Grêgôriô Nyssênô, In Canticum homilia 8: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger-H. Langerbeck, v. 6 (Leiden 1960) 247 (PG 44, 941).

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-cho-bai-giang-chua-nhat-14-thuong-nien-nam-c

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây