Số 2634-2636: Kinh nguyện chuyển cầu
Số 2634. Chuyển cầu là lời kinh cầu xin làm cho chúng ta đến gần với kinh nguyện của Chúa Giêsu. Người là Đấng chuyển cầu duy nhất nơi Chúa Cha cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho kẻ tội lỗi[1]. “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,25). Chính Chúa Thánh Thần “cầu thay nguyện giúp…, bởi vì Ngài cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
Số 2635. Chuyển cầu, nghĩa là cầu xin cho những người khác, ngay từ tổ phụ Abraham, là đặc điểm của một tâm hồn hòa nhịp với lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Trong thời của Hội Thánh, lời chuyển cầu của Kitô hữu tham dự vào lời chuyển cầu của Đức Kitô: đây là cách diễn tả mầu nhiệm các Thánh thông công. Trong lời chuyển cầu, người cầu nguyện “đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4), thậm chí họ cầu nguyện cả cho những người làm hại họ[2].
Số 2636. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã nhiệt thành sống hình thức chia sẻ này[3]. Thánh Tông Đồ Phaolô đã cho các cộng đoàn đó tham gia vào thừa tác vụ Tin Mừng của ngài bằng cách này[4] nhưng ngài cũng chuyển cầu cho họ nữa[5]. Lời chuyển cầu của các Kitô hữu không có ranh giới: “cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền” (1 Tm 2,1), cho những người bách hại[6], cho ơn cứu độ của những người từ khước Tin Mừng[7].
Số 2566-2567: Mọi người được kêu gọi cầu nguyện
Số 2566. Con người đi tìm Thiên Chúa. Khi tạo dựng, Thiên Chúa kêu gọi mọi hữu thể từ hư vô bước vào hiện hữu. “Vì được ban vinh quang và danh dự làm mũ triều thiên”[8], con người, sau các Thiên thần, có khả năng nhận biết “Danh Chúa lẫy lừng trên khắp địa cầu”[9]. Thậm chí sau khi đã đánh mất vẻ giống như Thiên Chúa vì phạm tội, con người vẫn còn mang hình ảnh của Đấng Tạo Hoá. Con người vẫn duy trì sự khao khát Thiên Chúa, Đấng đã làm cho họ hiện hữu. Mọi tôn giáo đều làm chứng cho sự tìm kiếm căn bản này của con người[10].
Số 2567. Thiên Chúa kêu gọi con người trước. Dù con người quên lãng Đấng Tạo Hoá của mình hay trốn xa nhan Ngài, dù họ chạy theo các ngẫu tượng của mình hay than trách Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, Thiên Chúa hằng sống và chân thật vẫn không ngừng kêu gọi từng người đến gặp Ngài cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện. Trong việc cầu nguyện, bước tình yêu của Thiên Chúa trung tín luôn là bước đầu tiên, còn bước của con người luôn là lời đáp lại. Cũng như Thiên Chúa tự mạc khải và mạc khải cho con người biết về chính họ, thì việc cầu nguyện cũng xuất hiện như một lời kêu gọi hỗ tương, như một thảm trạng của Giao Ước. Qua lời nói và hành động, thảm trạng này thúc giục trái tim. Thảm trạng đó được tỏ cho thấy trong suốt lịch sử cứu độ.
Số 2761-2772: Kinh Lạy Cha là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng
Số 2761. “Lời Kinh Chúa dạy quả thật là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”[11]. “Sau khi dạy mẫu kinh này, Chúa Giêsu thêm: ‘Cứ xin đi, anh em sẽ được’ (Ga 16,24). Vậy mỗi người có thể dâng lên Chúa những lời kinh khác nhau tùy nhu cầu, nhưng luôn phải bắt đầu bằng kinh nguyện căn bản là Lời Kinh Chúa dạy như là lời kinh nền tảng”[12].
Số 2762. Sau khi cho thấy các Thánh vịnh là chất liệu nuôi dưỡng chính yếu của kinh nguyện Kitô giáo và được quy tụ lại nơi các lời cầu xin trong kinh Lạy Cha như thế nào, thánh Augustinô kết luận:
“Bạn hãy rảo qua mọi lời cầu nguyện có trong các Sách Thánh, như tôi thiết nghĩ, bạn sẽ thấy không có điều gì mà Lời Kinh Chúa dạy lại không chứa đựng và bao gồm”[13].
Số 2763. Tất cả sách Cựu Ước (Lề luật, các Tiên tri và các Thánh vịnh) đều được ứng nghiệm nơi Đức Kitô[14]. Tin Mừng chính là “Tin vui mừng” đó. Thánh Matthêu đã tóm lược việc loan báo đầu tiên của Tin vui mừng đó trong Bài giảng trên núi[15]. Mà lời kinh dâng lên Cha chúng ta nằm ở trung tâm của lời loan báo này. Chính trong bối cảnh đó mà mỗi lời cầu xin trong Lời Kinh Chúa dạy được sáng tỏ:
“Lời Kinh Chúa dạy là lời cầu nguyện tuyệt hảo…. Nhưng trong Lời kinh đó, không những chúng ta cầu xin những điều chúng ta có thể ước ao cách chính đáng, mà còn theo một trật tự những điều đáng ước ao nữa: như vậy, lời kinh này không những dạy chúng ta cầu xin, mà còn huấn luyện toàn thể tâm tình của chúng ta”[16].
Số 2764. Bài giảng trên núi là giáo huấn để sống, kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện, nhưng trong cả hai, Thần Khí của Chúa đem lại thể thức mới cho những ao ước của chúng ta, cho những biến chuyển nội tâm làm sinh động cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu dùng lời Người dạy chúng ta về cuộc đời mới và dạy chúng ta nài xin cuộc đời mới này bằng cầu nguyện. Sự trung thực của cuộc đời chúng ta trong Người sẽ tuỳ thuộc vào sự trung thực của lời cầu nguyện của chúng ta.
Số 2765. Cách gọi truyền thống “Lời Kinh Chúa dạy” muốn nói rằng kinh nguyện chúng ta dâng lên Cha chúng ta là do Chúa Giêsu chỉ dạy và ban tặng. Lời kinh này, từ Chúa Giêsu đến với chúng ta, quả là độc nhất vô nhị: đó là Lời Kinh “của Chúa”. Một đàng, qua những lời trong kinh này, Con Một Thiên Chúa quả thật ban cho chúng ta những lời mà Chúa Cha đã ban cho Người[17]: Người là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Đàng khác, là Ngôi Lời nhập thể, nên trong trái tim nhân loại của Người, Người biết rõ nhu cầu của những anh chị em loài người của Người, và Người bày tỏ những nhu cầu đó cho chúng ta: Người là mẫu mực của việc cầu nguyện của chúng ta.
Số 2766. Nhưng Chúa Giêsu không để lại cho chúng ta một công thức được lặp đi lặp lại cách máy móc[18]. Cũng như trong bất cứ lời khẩu nguyện nào, chính nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần dạy cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện với Cha họ. Chúa Giêsu không những ban cho chúng ta những lời cầu nguyện của người con hiếu thảo, mà đồng thời Người còn ban tặng chúng ta Thần Khí để những lời ấy trở thành “thần khí và là sự sống” (Ga 6,63) trong chúng ta. Hơn nữa, chúng ta có lý do và có khả năng dâng lời cầu nguyện con thảo là vì Chúa Cha “đã sai Thần Khí của Con Ngài đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên: ‘Abba, Cha ơi’” (Gl 4,6). Bởi vì lời cầu nguyện của chúng ta nói lên những ước muốn của chúng ta trước mặt Chúa Cha, nên Đấng “thấu suốt tâm can”, tức là Chúa Cha, “biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,27). Việc cầu nguyện dâng lên Cha chúng ta được đưa vào trong sứ vụ huyền diệu của Chúa Con và của Thần Khí.
Số 2767. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã đón nhận và sống hồng ân không thể tách rời gồm các lời của Chúa, và Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho các lời đó trong lòng các tín hữu. Các cộng đoàn tiên khởi cầu nguyện bằng Lời Kinh Chúa dạy “ba lần trong ngày”[19] thay thế cho “mười tám lời chúc tụng” vẫn được sử dụng trong việc đạo đức của Do Thái giáo.
Số 2768. Theo Truyền thống các Tông Đồ, Lời Kinh Chúa dạy được bén rễ sâu chủ yếu trong kinh nguyện phụng vụ.
“Chúa dạy chúng ta cầu nguyện chung cho các anh chị em. Vì Người không nói ‘Lạy Cha của con, ngự trên trời’, nhưng là ‘Lạy Cha chúng con’, để khẩn cầu cho toàn thân thể Hội Thánh”[20].
Trong mọi truyền thống phụng vụ, Lời Kinh Chúa dạy là thành phần không thể thiếu của các giờ kinh phụng vụ chính. Nhưng nhất là trong ba bí tích khai tâm Kitô giáo, đặc tính Hội Thánh của lời kinh này nổi bật:
Số Số 2769. Trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nghi thức trao Kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc sinh hạ mới vào sự sống thần linh. Vì việc cầu nguyện của Kitô giáo là ngỏ lời với Thiên Chúa bằng chính lời của Thiên Chúa, nên những người “đã được tái sinh… nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống” (1 Pr 1,23) học kêu cầu Cha của mình, bằng Lời duy nhất mà Cha luôn đoái nhận. Và từ nay trở đi, họ có thể làm như thế, bởi vì ấn tín của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần đã ghi dấu không thể xóa nhoà trong lòng họ, trên tai họ, trên môi họ, trên trọn vẹn thực tại làm con của họ. Chính vì lẽ đó, phần lớn các bài giải thích của các Giáo phụ về kinh Lạy Cha đều nhắm đến các dự tòng và tân tòng. Khi Hội Thánh cầu nguyện bằng Lời Kinh Chúa dạy, thì luôn luôn là đoàn dân “như những trẻ sơ sinh” đang cầu nguyện và nhận được lòng thương xót[21].
Số 2770. Trong Phụng vụ Thánh Thể, Lời Kinh Chúa dạy rõ ràng mang tính cách là lời kinh của toàn thể Hội Thánh, với đầy đủ ý nghĩa và hiệu năng. Được đặt giữa Kinh nguyện Thánh Thể (Anaphora) và phụng vụ hiệp lễ, kinh Lạy Cha một đàng gồm tóm mọi lời cầu xin và chuyển cầu đã được diễn tả sau kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis), và đàng khác, lời kinh này gõ cửa Bàn tiệc Nước Trời mà việc Hiệp lễ là tiền dự.
Số 2771. Trong Thánh Lễ, Kinh Lạy Cha còn biểu lộ đặc tính cánh chung của các lời cầu xin trong kinh này. Đây là lời kinh riêng “của thời cuối cùng”, của thời cứu độ đã bắt đầu bằng việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần và sẽ kết thúc bằng cuộc trở lại của Chúa. Các lời cầu xin dâng lên Cha chúng ta, khác với các lời kinh trong Cựu Ước, dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, một lần cho mãi mãi, trong Đức Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh.
Số 2772. Từ niềm tin không lay chuyển ấy, phát xuất niềm hy vọng khơi dậy mỗi một trong bảy lời cầu xin. Những lời cầu xin này diễn tả tiếng rên siết của thời hiện tại, của thời kiên nhẫn và mong đợi này, lúc mà “chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” (1 Ga 3,2)[22]. Thánh Lễ và kinh Lạy Cha đều hướng về ngày Chúa quang lâm, “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26).
Số 2609-2610, 2613, 2777-2785: Hướng về Thiên Chúa trong sự kiên trì và lòng tín thác đầy tình con thảo
Số 2609. Tâm hồn, một khi đã sẵn sàng hối cải như vậy, sẽ học biết cầu nguyện trong đức tin. Tin là gắn bó đầy tình con thảo với Thiên Chúa, vượt quá những gì chúng ta cảm thấy và hiểu biết. Sự gắn bó này có thể thực hiện được vì Người Con yêu dấu đã mở lối cho chúng ta đến với Chúa Cha. Người có thể yêu cầu chúng ta “tìm kiếm” và “gõ”, vì chính Người là cửa và là con đường[23].
Số 2610. Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha và tạ ơn trước khi nhận được các hồng ân của Chúa Cha thế nào, thì Người cũng dạy chúng ta bạo dạn như những người con như vậy: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi” (Mc 11,24). Sức mạnh của cầu nguyện là như thế: “mọi sự đều có thể, đối với người tin” (Mc 9,23) bằng một đức tin không nghi nan[24]. Chúa Giêsu rất buồn phiền “vì sự cứng tin” của đám bà con thân thuộc của Người (Mc 6,6), và vì lòng tin yếu kém của các môn đệ Người[25], trái lại Người thán phục trước lòng tin mạnh mẽ của viên sĩ quan Rôma[26] và người phụ nữ xứ Canaan[27].
Số 2613. Có ba dụ ngôn chính về cầu nguyện được thánh Luca lưu lại cho chúng ta:
– Dụ ngôn thứ nhất, “Người bạn quấy rầy”[28], mời gọi cầu nguyện cách khẩn khoản: “Anh em cứ gõ cửa thì cửa sẽ mở cho anh em”. Chúa Cha trên trời sẽ ban cho người cầu nguyện bất cứ điều gì người ấy cần và nhất là ban Chúa Thánh Thần, Đấng chứa đựng mọi hồng ân.
– Dụ ngôn thứ hai, “Bà góa quấy rầy”[29], tập trung vào một trong các phẩm tính của việc cầu nguyện: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”, với sự kiên trì của lòng tin. “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
– Dụ ngôn thứ ba, “Người Pharisêu và người thu thuế”[30], liên quan đến sự khiêm tốn trong lòng của người cầu nguyện. “Lạy Thiên Chúa, xin thương con là kẻ tội lỗi”. Hội Thánh không ngừng lấy lời cầu nguyện ấy làm lời cầu nguyện của mình: Kyrie eleison! (Xin Chúa thương xót chúng con!)
Số 2777. Trong phụng vụ Rôma, cộng đoàn tham dự thánh lễ được mời đọc kinh Lạy Cha với sự bạo dạn của người con hiếu thảo; các phụng vụ Đông Phương cũng dùng những cách diễn tả tương tự và triển khai thêm: “Chúng con dám tin tưởng nguyện rằng”, “xin làm cho chúng con xứng đáng”. Trước bụi gai rực cháy, có tiếng phán bảo ông Môisen: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra!” (Xh 3,5). Duy một mình Chúa Giêsu có thể bước qua ngưỡng cửa của sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì Người là Đấng “đã tẩy trừ tội lỗi” (Dt 1,3), dẫn chúng ta đến trước tôn nhan Chúa Cha: “Này Con đây, cùng với những con cái mà Cha đã ban cho Con” (Dt 2,13).
“Ý thức về tình trạng nô lệ của mình sẽ dìm chúng ta xuống đất, thân phận phàm trần sẽ tiêu tan thành bụi tro, trừ phi quyền bính của chính Chúa Cha, Thần Khí của Con Ngài thúc đẩy chúng ta kêu lên lời này. Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài kêu lên trong lòng chúng ta: ‘Abba, Cha ơi!’ (Rm 8,15). Có khi nào một phàm nhân đáng chết dám gọi Thiên Chúa là Cha, nếu quyền năng của thượng giới không tác động vào nội tâm con người?”[31]
Số 2778. Quyền năng này của Thần Khí, Đấng dẫn đưa chúng ta vào Lời Kinh Chúa dạy, được diễn tả trong các phụng vụ Đông và Tây phương, bằng kiểu nói đẹp đẽ, mang nét đặc trưng Kitô giáo, là “parrhesia”, có nghĩa là sự đơn sơ thẳng thắn, lòng tin tưởng của người con thảo, sự an tâm phấn khởi, sự bạo dạn khiêm tốn, sự xác tín rằng chúng ta được yêu thương[32].
Số 2779. Trước khi đọc lời đầu tiên của Lời Kinh Chúa dạy, cần phải khiêm tốn thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi một số hình ảnh sai lạc của “thế gian này”. Lòng khiêm tốn giúp chúng ta nhận biết điều này: “Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27), nghĩa là “cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Sự thanh tẩy tâm hồn liên quan đến những hình ảnh về người cha hoặc người mẹ, phát sinh do kinh nghiệm bản thân hoặc văn hóa, làm ảnh hưởng đến tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa, Cha chúng ta, siêu việt trên mọi phạm trù của thế giới thụ tạo. Đem những ý niệm của chúng ta trong vấn đề này để gán cho Thiên Chúa hoặc để chống lại Ngài, là tạo ra các ngẫu tượng để tôn thờ hoặc để hạ bệ. Cầu nguyện cùng Chúa Cha là đi vào mầu nhiệm của Ngài, như Ngài hiện hữu và như Chúa Con đã mạc khải Ngài cho chúng ta:
“Danh hiệu Thiên Chúa là Cha, chưa từng được bày tỏ cho một người nào. Cả khi ông Môisen hỏi Thiên Chúa là ai, ông chỉ được nghe một danh khác. Danh hiệu này được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Con. Vì trước khi ‘Con’ đến, chưa có danh hiệu ‘Cha’”[33].
Số 2780. Chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là “Cha”, bởi vì Con của Ngài nhập thể mạc khải cho chúng ta và vì Thần Khí của Ngài làm cho chúng ta nhận biết Ngài. Điều con người không thể nhận biết và các cơ binh Thiên thần không thể nhìn ra, về tương quan ngôi vị của Chúa Con với Chúa Cha[34], thì Thần Khí của Chúa Con đã làm cho chúng ta, những người tin Chúa Giêsu là Đức Kitô và là những người được sinh ra bởi Thiên Chúa[35], được tham dự vào tương quan đó.
Số 2781. Khi cầu nguyện cùng Chúa Cha, chúng ta ở trong sự hiệp thông với Ngài và với Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô[36]. Lúc đó chúng ta nhận biết và công nhận Ngài trong sự thán phục luôn luôn mới mẻ. Lời đầu tiên của Lời Kinh Chúa dạy, là một lời chúc tụng tôn thờ, trước khi là một lời cầu khẩn. Quả thật, đây là vinh quang của Thiên Chúa: chúng ta nhận biết Thiên Chúa thật với tư cách là “Cha”. Chúng ta tạ ơn Ngài vì Ngài đã mạc khải Danh Ngài cho chúng ta, vì Ngài đã cho chúng ta tin Ngài và được sống dưới sự hiện diện của Ngài.
Số 2782. Chúng ta có thể thờ lạy Chúa Cha bởi vì Ngài đã cho chúng ta được tái sinh vào sự sống của Ngài, khi nhận chúng ta làm nghĩa tử trong người Con Một của Ngài: nhờ bí tích Rửa Tội, Ngài tháp nhập chúng ta vào thân thể Đức Kitô (Đấng được xức dầu), và nhờ việc Xức Dầu bằng Thần Khí của Ngài, Đấng tuôn tràn từ Đầu đến các chi thể, Ngài làm cho chúng ta nên “những Kitô” (“những người được xức dầu”).
“Vì chưng, Thiên Chúa, Đấng đã tiền định cho chúng ta được ơn làm nghĩa tử, đã làm cho chúng ta được đồng hình đồng dạng với thân thể vinh quang của Đức Kitô. Vì vậy, là những người được thông dự vào Đức Kitô, anh em được gọi, một cách không phải là không chính đáng, là ‘những Kitô’”[37].
“Con người mới, khi đã được tái sinh và được phục hồi cho Thiên Chúa nhờ ân sủng của Ngài, thì trước hết sẽ thưa ‘Lạy Cha’, bởi vì người đó đã bắt đầu là con của Ngài”[38].
Số 2783. Như vậy, nhờ Lời Kinh Chúa dạy, chúng ta được mạc khải cho biết về chính mình, đồng thời với việc Chúa Cha được mạc khải cho chúng ta[39]:
“Hỡi con người, bạn không dám ngước mặt lên trời, bạn đưa mắt nhìn xuống đất, rồi bỗng nhiên, bạn nhận được ân sủng của Đức Kitô, mọi tội lỗi của bạn được tha thứ. Từ một người đầy tớ xấu, bạn được trở thành người con ngoan…. Vậy, bạn hãy đưa mắt nhìn lên Chúa Cha, Đấng đã sinh ra bạn nhờ Phép Rửa, Đấng đã cứu chuộc bạn nhờ Con của Ngài, và hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con…’. Nhưng bạn đừng đòi hỏi điều gì riêng biệt. Thiên Chúa là Cha riêng biệt đối với Đức Kitô mà thôi, và la Cha chung của tất cả chúng ta, bởi vì Ngài đã sinh ra một mình Chúa Con, còn chúng ta thì được Ngài tạo dựng. Vì thế, nhờ ân sủng bạn hãy thưa: ‘Lạy Cha chúng con’, ngõ hầu bạn xứng đáng là con của Ngài”[40].
Số 2784. Hồng ân nhưng không, là được nhận làm nghĩa tử, đòi buộc chúng ta phải hối cải không ngừng và phải có một đời sống mới. Cầu nguyện với Cha chúng ta phải phát triển nơi chúng ta hai tâm tình căn bản này:
[Một là] Ước ao và quyết chí muốn nên giống Ngài. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Ngài, nhờ ân sủng, chúng ta được phục hồi việc nên giống Ngài, và chúng ta phải cư xử cách tương xứng:
“Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta phải hành động như những người con của Thiên Chúa”[41].
“Anh em không thể gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành nếu vẫn còn lòng độc ác và bất nhân; bởi vì anh em không còn giữ được trong mình chứng tích về sự nhân lành của Cha trên trời nữa”[42].
“Hãy luôn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cha trên trời, và phải tô điểm tâm hồn mình theo vẻ đẹp đó”[43].
Số 2785. [Hai là] Lòng khiêm nhường và tin tưởng, nhờ đó chúng ta hối cải và trở nên “như trẻ nhỏ” (Mt 18,3): vì Chúa Cha mạc khải mình cho “những người bé mọn" (Mt 11,25):
“(Khi đọc kinh Lạy Cha,) chúng ta phải chiêm ngắm duy mình Thiên Chúa và bừng cháy lửa mến yêu, nhờ đó, tâm trí được tan chảy và đắm chìm trong tình yêu của Ngài, sẽ thưa chuyện với Ngài một cách hết sức thân mật như với người Cha riêng của mình, với lòng hiếu thảo đặc biệt”[44].
“’Lạy Cha chúng con’: Cách xưng hô này vừa gợi lên lòng yêu mến – vì đối với con cái còn gì yêu quý hơn người cha? – và tâm tình khẩn nguyện, vừa khiến chúng ta biết chắc sẽ nhận được những điều chúng ta sắp cầu xin. Lẽ nào Thiên Chúa từ chối lời cầu xin của con cái, trong khi trước đó Ngài đã ban cho họ được làm con cái của Ngài?”[45]
Số 2654: Đọc và suy gẫm lời Chúa (Lectio divina)
Số 2654. Các linh phụ đã dùng câu Tin Mừng Mt 7,7 để tóm lược tiến trình tâm hồn được Lời Chúa nuôi dưỡng khi cầu nguyện, như sau: “Anh em cứ tìm nhờ đọc, thì sẽ thấy nhờ suy niệm; cứ gõ cửa nhờ cầu nguyện, thì sẽ mở ra cho anh em nhờ chiêm niệm”[46].
Số 537, 628, 1002, 1227: Chịu mai táng và được phục sinh trong bí tích Rửa Tội
Số 537. Kitô hữu, nhờ bí tích Rửa Tội, được đồng hoá một cách bí tích với Chúa Giêsu, Đấng, trong phép rửa của mình, đã tham dự trước vào cái Chết và sự Sống Lại của mình; họ phải tiến vào mầu nhiệm của sự khiêm tốn quy phục và thống hối này, bước xuống nước cùng với Chúa Giêsu để cùng với Người bước lên, và phải được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần để trở nên con yêu dấu của Chúa Cha trong Chúa Con và “sống một đời sống mới” (Rm 6,4):
“Chúng ta hãy cùng chịu mai táng với Đức Kitô bằng Phép Rửa, để cùng được phục sinh với Người; hãy cùng bước xuống với Người, để đồng thời cũng được nâng lên; chúng ta hãy cùng đi lên với Ngươi, để đồng thời cũng được tôn vinh”[47].
“Nhờ những gì đã được hoàn thành nơi Đức Kitô, chúng ta biết rằng: sau khi chúng ta được tẩy rửa trong nước và Chúa Thánh Thần từ trời ngự xuống trên chúng ta, thì chúng ta được xức dầu vinh quang thiên quốc và trở thành con cái Thiên Chúa nhờ có tiếng của Chúa Cha nhận cho làm nghĩa tử”[48].
Số 628. Bí tích Rửa Tội, mà dấu chỉ nguyên thuỷ và đầy đủ của bí tích này là việc dìm xuống nước, nói lên cách hiệu nghiệm việc Kitô hữu xuống mộ để người ấy cùng với Đức Kitô chết cho tội lỗi, hầu tiến vào một đời sống mới: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4)[49].
Số 1002. Nếu thật sự là, Đức Kitô sẽ cho chúng ta phục sinh trong “ngày sau hết”, thì cũng thật sự là, một cách nào đó, chúng ta đã phục sinh với Đức Kitô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, đời sống Kitô hữu, ngay nơi trần thế, đã là sự tham dự vào cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô:
“Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu Phép Rửa, lại cùng được sống lại với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người sống lại từ cõi chết…. Anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 2,12; 3,1).
Số 1227. Theo thánh Phaolô Tông Đồ, nhờ bí tích Rửa Tội, tín hữu được hiệp thông vào sự chết của Đức Kitô; họ được mai táng và sống lại với Người:
“Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4)[50].
Những người chịu Phép Rửa đã “mặc lấy Đức Kitô”[51]. Nhờ Chúa Thánh Thần, bí tích Rửa Tội là Phép Rửa để thanh tẩy, thánh hóa và công chính hóa[52].
Bài Ðọc I: St 18, 20-32
“Lạy Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận”.
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, Chúa phán: “Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ”.
Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa: “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu”. Chúa phán cùng Abraham rằng: “Nếu Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành”. Abraham thưa lại: “Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa. Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn thiếu năm người thì sao? Vì bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành không?” Chúa phán: “Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ cả thành”. Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: “Nhưng nếu có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?” Chúa phán: “Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả thành”. Abraham thưa: “Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận. Nếu ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?” Chúa phán: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không phạt”. Abraham nói: “Vì con đã trót nói thì con sẽ thưa cùng Chúa: Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?” Chúa phán: “Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát”. Abraham thưa: “Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?” Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6-7ab. 7c-8
Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con.
Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin: trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con.
2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con; Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.
Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con.
3) Quả thật Chúa cao cả và thương nhìn kẻ khiêm cung; còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Nếu con đi giữa cảnh gian truân, Chúa giữ gìn con sống; Chúa ra tay phản đối quân thù giận dữ.
Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con.
4) Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con.
Bài Ðọc II: Cl 2, 12-14
“Người đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê.
Anh em thân mến, nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Ðức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.
Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19,38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời, và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 1-13
“Các ngươi hãy xin thì sẽ được”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông:
“Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’”.
Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần”.
Và Thầy bảo các con: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.
Ðó là lời Chúa.
_________
[1] X. Rm 8,34; 1 Ga 2,1; 1 Tm 2,5-8.
[2] Thánh Stêphanô, theo gương Chúa Giêsu, đã cầu nguyện cho các lý hình của mình: x. Cv 7,60; Lc 23,28.34.
[3] X. Cv 12,5; 20,36; 21,5; 2 Cr 9,14.
[4] X. Ep 6,18-20; Cl 4,3-4; 1 Tx 5,25.
[5] X. 2 Tx 1,11; Cl 1,3; Pl 1,3-4.
[6] X. Rm 12,14.
[7] X. Rm 10,1.
[8] X. Tv 8,6.
[9] X. Tv 8,2.
[10] X. Cv 17,27.
[11] Tertullianô, De oratione, 1, 6: CCL 1, 258 (PL 1, 1255).
[12] Tertullianô, De oratione, 10: CCL 1, 263 (PL 1, 1268-1269).
[13] Thánh Augustinô, Epistula 130, 12, 22: CSEL 44, 66 (PL 33, 502).
[14] X. Lc 24,44.
[15] X. Mt 5-7.
[16] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II. q. 83, a. 9, c: Ed. Leon. 9, 201.
[17] X. Ga 17,7.
[18] X. Mt 6,7; 1V 18,26-29.
[19] Điđakê, 8, 3: SC 248, 174 (Funk, Patres apostolici, 1, 20).
[20] Thánh Gioan Kim Khẩu, In Matthaeum, homilia 19, 4: PG 57, 278.
[21] X. 1 Pr 2,1-10.
[22] X. Cl 3,4.
[23] X. Mt 7,7-11.13-14.
[24] X. Mt 21,21.
[25] X. Mt 8,26.
[26] X. Mt 8,10.
[27] X. Mt 15,28.
[28] X. Lc 11,5-13.
[29] X. Lc 18,1-8.
[30] X. Lc 18,9-14.
[31] Thánh Phêrô Kim ngôn, Sermo 71, 3: CCL 24A, 425 (PL 52, 401).
[32] X. Ep 3,12; Dt 3,6; 4,16; 10,19; 1 Ga 2,28; 3,21; 5,14.
[33] Tertullianô, De oratione, 3, 1: CCL 1, 258-259 (PL 1, 1257)
[34] X. 1 Ga 1,1.
[35] X. 1 Ga 5,1.
[36] X. 1 Ga 1,3.
[37] Thánh Cyrillô Giêrusalem, Catecheses mystagogicae, 3, 1: SC 126, 120 (PG 33, 1088).
[38] Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 9: CCL 3A, 94 (PL 4, 541).
[39] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.
[40] Thánh Ambrôsiô, De Sacramentis, 5, 19: CSEL 73, 66 (PL 16, 450).
[41] Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 11: CCL 3A, 96 (PL 4, 543).
[42] Thánh Gioan Kim Khẩu, De angusta porta et in Orationem dominicam, 3: PG 51, 44.
[43] Thánh Grêgôriô Nyssênô, Homiliae in Orationem dominicam, 2: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger-H. Langerbeck, v. 7/2 (Leiden 1992) 30 (PG 44, 1148).
[44] Thánh Gioan Cassianô, Conlatio 9, 18, 1: CSEL 13, 265-266 (PL 49, 788).
[45] Thánh Augustinô, De sermone Domini in monte, 2, 4, 16: CCL 35, 106 (PL 34, 1276).
[46] Guigô II Cartusiensis, Scala claustralium, 2, 2: PL 184, 476.
[47] Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Oratio 40, 9: SC 358, 216 (PG 36, 369).
[48] Thánh Hilariô, In evangelium Matthaei, 2, 6: SC 254, 110 (PL 9, 927).
[49] X. Cl 2,12; Ep 5,26.
[50] X. Cl 2,12.
[51] X. Gl 3,27.
[52] X. 1 Cr 6,11; 12,13.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn