Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 01/06/2023 09:32 |
615
Trong Kinh thánh, có hai lời tuyên bố gây sửng sốt của Chúa Giêsu mà chúng ta cần phải đặc biệt ghi nhớ và biết ơn, mỗi lời tuyên bố đều được đặt ra trước thảm kịch lớn lao của sự phản bội và cái chết mà qua đó, Chúa Giêsu thể hiện sự vâng phục hoàn toàn đối với Chúa Cha.
Thomas Francis Dicksee (1819-1895), “Christ of the Cornfield” (ảnh: Public Domain)
HAI LỜI HỨA CỦA CHÚA KITÔ Regis Martin
WHĐ (31.05.2023) – Trong Kinh thánh, có hai lời tuyên bố gây sửng sốt của Chúa Giêsu mà chúng ta cần phải đặc biệt ghi nhớ và biết ơn, mỗi lời tuyên bố đều được đặt ra trước thảm kịch lớn lao của sự phản bội và cái chết mà qua đó, Chúa Giêsu thể hiện sự vâng phục hoàn toàn đối với Chúa Cha.
Tất cả hạnh phúc của chúng ta, dù ở đời này hay đời sau, sẽ phụ thuộc vào sự thật của cả hai lời hứa này. Trong lời hứa đầu tiên, Chúa Giêsu thông báo rằng Người sẽ sớm chuẩn bị một chỗ cho chúng ta, để Người ở đâu thì chúng ta cũng có thể ở đó. Ở đây rõ ràng Thiên Chúa mời chúng ta đến một cuộc sống có niềm vui bất tận, ở đó, trong những cảnh vực của hạnh phúc vĩnh cửu, mọi đau đớn và phiền muộn sẽ tan biến không phải tình cờ.
Rồi sau đó, Chúa Giêsu đảm bảo với chúng ta rằng, ngay cả khi Người ra đi, rời khỏi trần thế này, đang khi chúng ta chờ đợi Parousia(sự trở lại lần thứ hai của Chúa Giêsu) đã được hứa ở bên kia của lịch sử, thì chúng ta sẽ không bị bỏ lại một mình, một sự dự phòng thực sự dành cho chúng ta đã được thực hiện khi Ngài vắng mặt. Do đó, Paraclete(Đấng Bảo trợ), là ân ban mà Chúa Giêsu đã hứa, sẽ hiện xuống và sẽ lấp đầy khoảng không giữa bây giờ và mai sau, giữa lịch sử và thiên đàng.
Hai bản văn này, mỗi bản văn đều mang tính an ủi tuyệt vời, có thể được tìm thấy trong Tin mừng của Thánh Gioan, Chương 14 - chắc chắn là biểu hiện cao cả nhất của niềm hy vọng mà chúng ta có với tư cách là Kitô hữu, với tư cách là những môn đệ trung thành của Chúa Giêsu Kitô. Trên thực tế, toàn bộ chương này đánh trúng vào tâm điểm trọn vẹn nhất của tính liên tục giữa hai điều này, làm nên khung sườn cho hai chiều kích sóng đôi là thời gian và vĩnh cửu này. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về trạng thái căng thẳng cơ bản và liên tục nhất này giữa những gì đã xảy ra và chưa xảy ra. Biết bao lần chúng ta buồn bã khi được nhắc nhớ sự thật rằng, mặc dù Thiên Chúa cuối cùng sẽ hoàn tất mọi sự, nhưng không ai trong chúng ta có thể nắm giữ được sự hoàn tất đó trong cuộc đời này.
Vì vậy, đúng thế, sự cứu rỗi chắc chắn đã đến - thực sự, Chúa Kitô vẫn là sự hiện thực hóa tất cả những gì chúng ta hy vọng có được, là Nước Trời mà chúng ta đã được lôi kéo đến từ lâu rồi. Nhưng không phải thế, sự viên mãn của Nước Trời đó, than ôi, phải chờ đợi một Kết thúc - một sự viên mãn, vượt xa mọi hạnh phúc có thể tìm thấy được trên trần thế này. Bởi vì Thiên Chúa đã định sẵn cho chúng ta những điều lớn lao hơn nhiều, mà con người đơn thuần, trong cõi tạm này, giới hạn trong thời gian, đơn giản là sẽ không làm được.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi mọi người, khi bạn và tôi, đã đánh mất tất cả niềm say mê hướng về vĩnh cửu - khi sự hứng thú với những gì nhiều hơn nữa lại không còn nữa? Khi niềm khao khát về Thiên Chúa đã không còn, và ngay cả ân sủng của Chúa Thánh Thần cũng không thể xua tan được những đám mây ngăn cản chúng ta nhìn thấy đường nét của Mầu nhiệm? Hoặc ngay cả khi thấy rõ ràng nhất những niềm vui được hứa ban, dù thoáng qua, người ta vẫn không quan tâm đến việc đi tìm chúng?
Như thể khi cha mẹ, hoặc người vợ/chồng, đau buồn khi được cho biết rằng những người thân yêu của họ dù đã chết nhưng giờ đây vẫn đang sống mãnh liệt trong vòng tay của Thiên Chúa hơn cả khi họ còn ở trong xác thịt, người ta vẫn cứ từ chối tin vào điều đó, vẫn chọn cách không chấp nhận hy vọng mà chấp nhận rơi vào một thứ cam chịu đầy tuyệt vọng, một kiểu cam chịu tuyệt vọng nói cho chúng ta biết rằng đó là tất cả những gì chúng ta có. Chúng ta đã có được một miếng ăn hoặc hai miếng, có thể là ba miếng. Như vậy đã đủ chưa? Chúng ta đừng quá tham lam một thứ vinh quang rốt cuộc có thể không hề có. Ý nghĩa duy nhất của cuộc sống là nó phải chấm dứt. Và thế là chúng ta, như Pascal nói, cắm đầu chạy “lơ đễnh lao xuống vực thẳm sau khi đặt một vật gì đó trước mặt để ngăn cản chính mình nhìn thấy vực thẳm đó.” Nói cách khác, sống cuộc sống của chúng ta cách vô nghĩa, như nhà thơ Eliot viết, “bị sự sao lãng làm cho sao lãng không còn chú ý đến chính tình trạng mình đang bị sao lãng.” Có vẻ như đây là điểm bùng phát của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt; thực ra, chúng ta đã phải đối mặt với nó trong một thời gian rất dài rồi.
Frank Sheed viết: “Nếu tôi phải tổng kết những đám đông mà tôi đã nói chuyện với họ ở các góc phố trong 40 năm qua, thì tôi sẽ nói rằng thực tế không ai muốn lên Thiên đàng cả.” Ông ấy nói rằng hơn 40 năm về trước, trong một cuộc trò chuyện ông đã cố gắng giải thích tình trạng không còn bền chí khao khát Chúa, khao khát niềm hạnh phúc Chúa đã hứa đang chờ đợi những người yêu mến Ngài, tình trạng này chỉ ngày càng đậm sâu hơn, thậm chí còn di căn theo thời gian. Người hay cật vấn thường phàn nàn: “Tất cả những chuyện nói về Hưởng kiến Hạnh phúc này nghe chẳng có nghĩa lý gì, chỉ là nói suông mà thôi! Bạn có thể tự thôi miên mình với những lời ấy, nhưng chúng chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả.”
Vậy những lời đó có ý nghĩa gì với chúng ta? Chúng ta có bị khuấy động chút nào bởi những lời hứa quả quyết về sự bình an và niềm vui trên trời không? Chúng ta có giống như người đàn ông trong câu chuyện của Flannery O'Connor, mà sự khao khát thiên đàng của ông “quá lớn đến nỗi ông có thể ăn hết tất cả những ổ bánh mì và những con cá sau khi chúng được phép lạ hóa ra nhiều không?” Hay chứng chán ăn tâm linh mà chúng ta đang mắc phải mới chứng tỏ là trí mạng? Tâm hồn chúng ta không rung động dù chỉ một chút khi cùng đi với Chúa Giêsu trên đường Emmau sao?
Thánh Augustinô đã trình bày vấn đề này một cách tuyệt vời biết bao trong tác phẩm vĩ đại Thành phố của Thiên Chúa, nơi cuộc sống phúc thật được mô tả bằng những lời hết sức đơn giản: “Ở đó chúng ta sẽ nghỉ ngơi và chúng ta sẽ thấy; chúng ta sẽ thấy và chúng ta sẽ yêu; chúng ta sẽ yêu và chúng ta sẽ ca ngợi. Và đó là điều rốt cuộc sẽ xảy đến và sẽ không kết thúc.”
Làm sao mà người ta có thể khước từ được? Có trở ngại nào có thể chống lại một chung cuộc đẹp mê say như vậy? Thiên đàng, còn gì có thể không thích được cơ chứ? Và người ta phải sử dụng thứ cuồng bạo gì với chính mình để dập tắt một nhu cầu quá tự nhiên, quá thúc bách như thế?
Henri de Lubac nhắc nhở chúng ta trong tác phẩm Bí nhiệm của cõi siêu nhiên, trong số những tác phẩm có ảnh hưởng sâu xa của thần học Công giáo thế kỷ 20, “Niềm khát khao được nhìn thấy Thiên Chúa không thể bị chặn đứng, ngoại trừ một thứ đau khổ căn cốt … trên thực tế, đó chẳng phải là “sự đau khổ của những kẻ bị luận phạt đời đời” sao?[1] Nói tóm lại, Thiên Chúa sẽ không từ chối bất cứ ai sẵn sàng nói lời đồng ý với đề nghị của Ngài. Chỉ có kẻ bị luận phạt đời đời mới có thể gây ra tổn thất tột cùng như vậy.
Henri de Lubac tiếp tục: “Tầm quan trọng vô tận của nỗi khát khao mà Đấng Tạo Hóa đã gieo trồng vào tôi là những gì tạo nên tầm quan trọng vô tận của vở kịch về sự hiện hữu của con người”. Đó là cứu cánh duy nhất mà tôi sẽ có mãi mãi, nằm sâu trong bản thể con người tôi, được chính Thiên Chúa gieo trồng ở đó, điều đó có nghĩa là khước từ hành trình trở về với Chúa, khinh thường việc chiêm ngắm Thánh Nhan của Ngài, là tự đưa mình vào địa ngục mãi mãi.