TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hiệu quả của lòng tin

Thứ hai - 31/05/2021 05:17 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   803
Hiệu quả của lòng tin

Hiệu quả của lòng tin
(Bài giảng Chúa nhật XIII thường niên B)

Dù với hình thức nào chăng nữa, đức tin luôn luôn là điều kiện để được lĩnh nhận ơn Chúa. Nếu có đức tin, thì ngay cả sự chết cũng không còn là một điều đáng sợ.

Tác giả Maccô đã lồng ghép hai sự kiện vào với nhau. Cả hai đều nhằm kể về những phép lạ Đức Giêsu đã làm. Một phép lạ để chữa người đàn bà bệnh tật lâu năm và phép lạ kia làm cho em bé đã chết được sống lại.

Hai người được lãnh nhận ơn ban qua phép lạ có hai thể loại đức tin khác nhau. Người phụ nữ có đức tin âm thầm; viên cai quản Hội đường lại có đức tin được công khai tuyên xưng mạnh mẽ. Người phụ nữ chỉ mong sao chạm được vào áo Chúa; viên cai quản Hội đường lại sấp mình nài nỉ van xin.

Cả hai hình thức đức tin đều xuất phát từ lòng xác tíncậy trông. Hai người đều tin chắc chắn rằng Đức Giêsu có thể làm được điều họ đang kêu xin. Tuy vậy, xem ra sự xác tín của người phụ nữ có vẻ mạnh mẽ hơn. Bà không dám được Chúa biết đến hay can thiệp. Bà chỉ cần chạm vào áo Người. Trong khi đó, viên cai quản Hội đường, khi thấy con mình đã chết, đã bị dao động băn khoăn. Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều nhắc đến “đức tin”. Nếu Người ngỏ lời với người phụ nữ để khen đức tin của bà, thì với viên cai quản Hội đường, Người lại mời gọi ông hãy vững tin. Người hiểu tâm trạng của ông khi nghe tin con mình đã chết.

Dù với hình thức nào chăng nữa, đức tin luôn luôn là điều kiện để được lĩnh nhận ơn Chúa. Nếu có đức tin, thì ngay cả sự chết cũng không còn là một điều đáng sợ. Ý tưởng “sự chết – sự sống” được nhấn mạnh trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Đây cũng là nỗi băn khoăn của con người ở mọi thời đại. Người ta không ngừng đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự chết và đâu là lối thoát của con người khỏi nỗi ám ảnh này. Thiên Chúa làm chủ sự sống. Ngài là Đấng tạo dựng sự sống. Sự sống đến từ Thiên Chúa. Sự chết do ma quỷ đem lại. Như thế, đức tin đem lại sự sống và khước từ niềm tin là nguyên nhân sự chết. Khi mời gọi các tín hữu hãy củng cố đức tin vào quyền năng Thiên Chúa, Phụng vụ hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta về tình thương bao la của Ngài. Quả thật, “Thiên Chúa không làm ra cái chết, Ngài chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Bài đọc I). Ngài không bao giờ là tác giả của điều ác, vì bản chất của Ngài là tốt lành và thánh thiện. Như thế, tin vào Chúa sẽ giúp con người vượt qua nỗi sợ của sự chết. Bởi lẽ họ tìm thấy cánh cửa của hy vọng và ngõ lối vào tương lai.

Vì con người được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa” (x St 1,27), mỗi tín hữu có sứ mạng làm cho sự tốt lành của Chúa lan tỏa nơi lòng cuộc đời. Nếu hôm nay, Đức Giêsu không hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt để chữa lành những bệnh nhân, thì Người lại đang mượn cánh tay và tấm lòng của chúng ta để đem tình thương đến cho người bất hạnh, đem niềm vui cho người sầu khổ và đem tự do cho người bị giam cầm. Thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu thành Côrinhtô hãy quảng đại trong cuộc lạc quyên giúp người nghèo. Theo vị Tông đồ dân ngoại, Đức Giêsu là gương mẫu cho chúng ta về lòng quảng đại, vì Người là Đấng “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em được giàu có” (Bài đọc II). Mọi sự chúng ta có đều do Chúa ban. Hơn nữa, chúng ta giàu có là do Chúa đã trở nên nghèo vì chúng ta. Chính vì thế, san sẻ cho tha nhân là chúng ta làm cho hình ảnh Chúa trở nên rạng ngời nơi cuộc đời này. Sự sẻ chia không làm cho chúng ta nghèo đi, nhưng trái lại, giúp cho chúng ta trở nên phú quý hơn trong cuộc sống.

Người đàn bà bị bệnh đã mười hai năm được Chúa chữa lành. Bé gái con ông trưởng hội đường đã chết được Chúa cho sống lại…. Biết bao điều kỳ diệu hôm nay Chúa vẫn đang thực hiện nơi lòng cuộc đời, nếu chúng ta có đức tin vững vàng và lòng cậy trông sâu xa.

Giữa những thử thách phong ba của cuộc đời, nhiều khi đức tin của chúng ta bị chao đảo, như chiếc thuyền tròng trành giữa đại dương. Xung quanh chúng ta, mỗi ngày có biết bao điều xảy đến, như sự chết, tai nạn, bệnh tật. Trước những “vấn nạn” này về cuộc sống, nhiều người đã bị dao động đức tin vào một Thiên Chúa tốt lành và yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta xác tín: Ngài không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ. Giữa thử thách đau thương, Thiên Chúa luôn nâng đỡ và thêm sức cho chúng ta. Nếu biết cậy dựa vào Ngài, chúng ta sẽ có đủ nghị lực vươn lên và tìm được niềm vui giữa những khó khăn trắc trở trên đường đời. Chesterton, văn sĩ, thần học gia và triết gia người Anh (1874-1936) đã viết: “Hãy cầu nguyện như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Thiên Chúa. Hãy hành động như thể mọi sự đều tùy thuộc vào chúng ta”. Quả vậy, khi quyền năng của Thiên Chúa và nghị lực của con người gặp gỡ nhau, thì những điều kỳ diệu sẽ xảy đến trong cuộc đời.

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: Giáo phận Hải Phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây