TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hiện diện và Hiến thân

Thứ hai - 31/05/2021 04:53 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   750
Hiện diện và Hiến thân

Hiện diện và Hiến thân
(Bài giảng Lễ kính Mình và Máu Chúa Kitô)


Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại, vào cuối bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích này, Chúa đã để lại chính bản thân mình nơi hai loại chất liệu là bánh và rượu, như một quà tặng vô giá và vĩnh cửu của Người đối với trần gian. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện và tiếp tục hiến thân, làm của ăn của uống cho con người, nhờ đó, họ tìm được sức mạnh siêu nhiên và muôn vàn ơn sủng cho đời sống đức tin cũng như trong hành trình cuộc đời.

"Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thày!". Theo lệnh truyền của Chúa, hai ngàn năm qua, Giáo Hội tiếp tục cử hành Thánh Thể. Mỗi ngày trên bàn thờ, với tác động của Chúa Thánh Thần và qua bàn tay của Linh mục cử hành Thánh lễ, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện và hiến thân vì chúng ta.

Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện để chia sẻ phận người với chúng ta. Giữa biết bao bon chen tính toán, giữa biết bao mánh mung xô bồ, Chúa đang ở đây giữa con người để nâng đỡ họ trong hành trình cuộc sống. Trước những vấn nạn về sự dữ, những người vô thần đã đặt câu hỏi: Vậy thì Chúa Giêsu làm gì trước đau khổ và sự dữ tồn tại và hoành hành trong cuộc sống con người? Phải chăng là Người bất lực và bó tay nhìn con người quay cuồng trong đau khổ? Đây là một huyền nhiệm của đau khổ. Bởi lẽ chính Chúa Giêsu cũng đã đau khổ, đã vác thập giá và đã chịu đóng đinh trên đó. Nhưng đó là cái chết vì yêu thương và vì ơn cứu rỗi của con người. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn trên đây khi nhận ra tình thương của Thiên Chúa qua cái chết của Chúa Giêsu. Đức Giêsu đã vác thập giá trên đường đến Canvê. Ngày hôm nay, Người đang tiếp tục vác thập giá với chúng ta và cho chúng ta. Ý thức có Chúa hiện diện giữa đời, cuộc sống người tín hữu sẽ bớt cô đơn nặng nhọc. Người biết phó thác đời mình vào tình thương của Chúa, sẽ cảm thấy gánh cuộc đời nhẹ nhàng hơn, hoặc ít ra, họ cũng cảm thấy trước mặt mình có một tương lai, một đích điểm.

Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện khiêm tốn và thinh lặng. Cuộc sống hôm nay đầy những âm thanh hỗn tạp. Tiếng nói của những kẻ bạo ngôn lại hùng hồn hơn tiếng nói của người tử tế. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy im lặng để nghe tiếng Chúa, nghe tiếng trái tim mình và nghe tiếng nói của tha nhân. Trong thâm cung của sự im lặng ấy, Chúa sẽ dạy cho ta biết đối nhân xử thế. Cũng trong thinh lặng ấy, chúng ta nhận ra mình là ai trước mặt Chúa, để sống khiêm tốn và thánh thiện. Giữa cuộc sống ồn ào này, chỉ những ai sống trong thinh lặng mới cảm nhận được Chúa đang ngỏ lời với mình, để rồi đời sống của họ được thấm đượm Lời hằng sống, nhờ đó mà cuộc đời kết trái đơm hoa.

Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy sống vì người khác. Bạo lực, xung đột, chia ly, giết chóc… đều đến từ sự ích kỷ của con người. Chúa Giêsu hiến thân trong Thánh Thể để trở nên của ăn của uống cho con người. Người đến trần gian không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người. Đến với Thánh Thể, con người được mời gọi sống với nhau bằng trái tim. Thế gian này rộng lắm, tranh chấp nhau làm gì vì kết cục cũng chỉ cần ba tấc đất khi nhắm mắt xuôi tay. Tiền bạc thế gian nhiều lắm, đã chắc gì bảo đảm cho chúng ta hạnh phúc. Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, nào ai sống mãi mà ôm mối hận thù truyền kiếp với người xung quanh và ngay cả thành viên trong cùng một gia đình. Hãy noi gương Chúa, sống sẻ chia, sẽ cảm nhận được hạnh phúc và niềm vui, như Chúa dạy: cho thì có phúc hơn nhận. Cho đi sẽ được nhận lãnh, tha thứ sẽ được thứ tha.

Thánh Thể nối kết ta với Chúa, và nối kết ta với nhau. Thánh Phaolô dạy: Chúng ta cùng ăn một Bánh và uống một Chén. Chúng ta cùng được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Đức Giêsu. Hãy sống thông điệp mà Bí tích Thánh Thể muốn nhắn nhủ, đó là tình hiệp nhất. Hãy coi chừng kẻo việc rước lễ nên án phạt cho chúng ta. Thánh Augustinô cũng khuyên các tín hữu: Bạn hãy trở nên điều mà bạn lãnh nhận. Thánh nhân muốn nói, người rước lễ hãy cố gắng để chính đời sống của mình trở thành "Thánh Thể", tức là nên giống Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho muôn dân. Mỗi tín hữu cũng được mời gọi sống sứ điệp Thánh Thể bằng những cố gắng hy sinh, bao dung quảng đại, để rồi cuộc đời của chúng ta cũng là một "tấm bánh" giữa đời.

"Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày", đây là lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ. "Việc này" mà Chúa nói tới, không phải chỉ dừng lại ở việc cử hành một lễ nghi phụng vụ, mà còn được thực hiện qua đời sống hằng ngày, đối với những con người bằng xương bằng thịt đang sống xung quanh ta. Bí tích Thánh Thể vừa là lời tôn vinh tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại, vừa là lời mời gọi chia sẻ để con người sống trong huynh đệ công bằng và hạnh phúc. Hiện diện và hiến thân, đó là việc Chúa Giêsu đã làm và đang làm vì yêu thương chúng ta.

 

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: Giáo Phận Hải Phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây